Phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí
TCCSĐT - Trong cuộc chiến đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay, việc tìm ra các giải pháp để phát huy vai trò của nhân dân có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô, tham nhũng, lãng phí là căn bệnh “tứ chứng nan y” của các nhà nước. Người nhấn mạnh: “Tham ô là trộm cắp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô” (1). Sự hoành hành của tệ nạn tham nhũng, lãng phí không chỉ làm suy giảm uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống mọi mặt của nhân dân lao động, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng cầm quyền. Chừng nào trong bộ máy công quyền của Nhà nước còn tồn tại những “con sâu làm rầu nồi canh”, những phần tử “làm nghèo đất nước và nhân dân”, còn hiện tượng tham ô, tham nhũng, lãng phí… thì chừng đó nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” còn tồn tại!
Xuất phát từ chính những đòi hỏi của thực tiễn, việc phát huy cao độ vai trò của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng luôn là một vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng. Song trong nhiều năm qua, công việc này vẫn còn những hạn chế nhất định. Thậm chí có lúc, có nơi, người dân dũng cảm tố cáo những hành vi tham nhũng, lãng phí nhưng không được bảo vệ, thậm chí bị trù dập, trả thù... Cơ chế động viên nhân dân phát hiện, tố cáo các vụ việc tham nhũng, lãng phí còn chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, thống nhất; một số vụ án tham nhũng, lãng phí chưa được xử lý kịp thời, hình thức xử lý còn thiên về “xử lý hành chính” là chủ yếu... Những nguyên nhân trên đã không tạo cho người dân động lực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đồng thời cũng hạn chế kết quả của cuộc chiến ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.
Trong bối cảnh hiện nay, khi các thế lực phản động trong và ngoài nước đang ra sức đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, cùng với đó là “tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu… chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp” (2) thì việc động viên nhân dân phát huy vai trò tích cực trên mặt trận phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã và đang trở thành một yêu cầu mang tính cấp thiết.
Thực tiễn lịch sử Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã khẳng định việc động viên, phát huy vai trò của nhân dân luôn là một trong những nhân tố góp phần quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Và trận chiến phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí - thứ “giặc nội xâm” như cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo chúng tôi, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số vấn đề sau:
Một là, đề cao trên thực tế quyền làm chủ của nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Đây là giải pháp cơ bản, có ý nghĩa quan trọng. Trước hết, cần củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nhất quán quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, coi trọng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển đất nước với nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Tổ chức Đảng các cấp cùng với chính quyền địa phương và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải làm tốt công tác dân vận, vận động nhân dân ở cơ sở, thực sự quan tâm, lắng nghe ý kiến của nhân dân để từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, khắc phục những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân trên cơ sở giải quyết hài hòa các mặt lợi ích.
Hoàn thiện hệ thống chính sách, thiết chế thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với những đòi hỏi mới của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội trên cơ sở bảo đảm phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Trong các hoạt động, cần đề cao tính minh bạch, bảo đảm sự tham gia rộng rãi của nhân dân ở tất cả các khâu, các bước. Các cấp chính quyền cần có cơ chế phù hợp để động viên nhân dân nêu cao trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tôn trọng, lắng nghe và tiếp thu có chọn lọc những ý kiến đóng góp của nhân dân, đồng thời cần thực hiện nghiêm những quy định về bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu cực; gắn với đó là đẩy nhanh việc xử lý những vụ án tham nhũng, lãng phí nhất là những vụ án thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận, xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng, lãng phí,...
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật trong quần chúng nhân dân.
Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, một trong những nguyên nhân cơ bản hạn chế hiệu quả tham gia của nhân dân trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, lãng phí chính bởi nhân dân chưa hiểu đầy đủ về hệ thống quy định, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Vì vậy, cùng với việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với yêu cầu trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội thông qua các hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể như giáo dục chuyên đề, học tập, nghiên cứu văn bản, phổ biến kiến thức… gắn với việc phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chuyên trách ở cơ sở. Nội dung tuyên truyền, phổ biến phải toàn diện trong đó tập trung vào các điều, khoản của “Luật Phòng, chống tham nhũng”, “Luật Khiếu nại, tố cáo”...
Ba là, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội trong giám sát, phát hiện và tố cáo những vụ việc tiêu cực, các hành vi tham nhũng, lãng phí.
Hệ thống đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương là những tổ chức đại diện cho quyền lợi, lợi ích và nguyện vọng của nhân dân. Phát huy vai trò của các tổ chức này trong giám sát các hoạt động ở địa phương; giám sát, phát hiện và tố cáo những vụ việc tiêu cực... là góp phần phát huy vai trò của nhân dân trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh “coi trọng và nâng cao vai trò của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân… và của nhân dân giám sát cán bộ, công chức” (3).
Cụ thể, cần từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương, nhất là tổ chức Mặt trận Tổ quốc; khắc phục tình trạng mệnh lệnh hóa, hành chính hoá, quan liêu, xa dân; hướng mạnh công tác về cơ sở, qua đó nắm chắc tình hình quần chúng; chủ động phối hợp giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân; kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết, xử lý trên cơ sở tôn trọng những quy định của pháp luật và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Đồng thời, cần đặc biệt chú trọng kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở cơ sở để tổ chức này thực sự là nơi tập hợp quần chúng ở xã, phường, thị trấn và các cơ quan hành chính sự nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội trong công tác giám sát việc thực thi chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại cơ sở. Quan tâm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân trong giám sát hoạt động của chính quyền nói chung và trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng. Mặt trận Tổ quốc các cấp và Ban thanh tra nhân dân phải thực sự là những tổ chức giữ vai trò quan trọng trong giám sát, phát hiện và tố cáo những vụ việc tiêu cực, các hành vi tham nhũng, lãng phí.
Phát huy vai trò của nhân dân đã và sẽ là vấn đề có ý nghĩa to lớn trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với quán triệt và thực hiện những nội dung của Hội nghị Trung ương 5 khoá XI, trên cơ sở phát huy cao độ vai trò của nhân dân chính là cơ sở quan trọng để cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, lãng phí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa. Với việc phát huy vai trò của nhân dân, tệ nạn tham nhũng, lãng phí nhất định sẽ bị ngăn chặn và đẩy lùi./.
-------------------------------
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh: toàn tập, t. 7, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr. 357;
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr. 254.
Việt - Mỹ đã tới lúc cần xác lập khuôn khổ quan hệ mới  (22/07/2013)
Giá trị mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) - di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương  (22/07/2013)
Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê giành thắng lợi.  (22/07/2013)
"Sức mạnh thương mại nghiêng về nền kinh tế mới nổi"  (21/07/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên