Hoạt động kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ
TCCSĐT - Ngày 19-7, tại xã Ya Xier, huyện Sa Thầy, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ tư lệnh Thủ đô đã long trọng tổ chức lễ bàn giao và công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Khu tưởng niệm liệt sỹ Hà Nội hy sinh tại chiến trường Bắc Kon Tum.
Khu tưởng niệm được xây dựng trên 33 tỷ đồng từ năm 2011 đến nay đã hoàn thành gồm ba khu vực chính: Khu A với quần thể Khu tưởng niệm, hai nhà bia, sân hành lễ, phù điêu, sân vườn nội bộ, cấp thoát nước, cây xanh, khu nghĩa trang... Khu B gồm Nhà văn hóa là nơi đón tiếp khách thập phương và thân nhân các anh hùng liệt sỹ cùng hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ. Hạng mục xây dựng thứ 3 là con đường nội bộ nối từ khu A đến khu B dài 624m.
Khu tưởng niệm được xây dựng trong quần thể của di tích lịch sử điểm cao 995-Chư Tan Kra. Tại đây, trong khoảng từ tháng 3 - 6-1968, gần 400 chiến sỹ, chủ yếu là con em Thủ đô Hà Nội hy sinh trong khi chiến đấu giữa Trung đoàn 209, Sư đoàn 1-Mặt trận Tây Nguyên, Sư đoàn 4 và Lữ đoàn 173 Mỹ.
Hòa bình lập lại, lực lượng cán bộ quân đội cùng chính quyền địa phương đã quy tập được hơn 370 hài cốt chiến sỹ hi sinh tại tỉnh Kon Tum; trong đó, 180 chiến sỹ là người Hà Nội cùng 191 chiến sỹ ở các tỉnh phía Bắc thuộc Trung đoàn 209 hy sinh tại đây.
Khu tưởng niệm liệt sỹ Hà Nội tại mặt trận Bắc Kon Tum chính thức được bàn giao cho tỉnh Kon Tum sẽ góp phần tôn vinh, ghi nhớ công ơn, tấm lòng tri ân với các liệt sỹ của người dân Việt Nam.
Nhân dịp này, tỉnh Kon Tum cũng tổ chức lễ công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích lịch sử điểm cao 995-Chư Tan Kra theo quyết định số 495/QĐ-UBND.
* Tại Gia Lai, Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Gia Lai-Kon Tum đã tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sỹ”. Triển lãm ảnh đã thu hút đông đảo nhân dân tới tham dự và thưởng lãm.
Triển lãm trưng bày 149 ảnh, tư liệu và câu trích có giá trị nhân văn đối với thế hệ mai sau; gồm 3 phần: Phần 1 là tư tưởng, tình cảm và sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sỹ; Phần 2 là những hình ảnh, tư liệu, câu trích của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta quan tâm thực hiện tốt chính sách “Đền ơn, đáp nghĩa,” người có công với cách mạng; Phần 3 là hình ảnh Đảng bộ và đồng bào và các dân tộc Gia Lai thực hiện công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”.
Triển lãm ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sỹ” giúp công chúng xem ảnh có cái nhìn sâu sắc về những tư tưởng và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sỹ, những người có công với đất nước. Qua đó góp phần làm cho các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc sự hy sinh to lớn và tri ân những cống hiến hy sinh của thương binh, liệt sỹ, phát huy chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng của nhân dân ta với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc.
Triển lãm mở cửa đến ngày 28-7.
* Tại Vĩnh Phúc, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phúc đã đón nhận 2 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào.
Hai bộ hài cốt liệt sĩ lần này đã xác định được danh tính và quê quán cụ thể là: Liệt sĩ Tạ Quý Tỵ, sinh năm 1941, quê xã Hợp Thịnh , huyện Tam Dương - Vĩnh Phúc, nhập ngũ tháng 2-1961, tại đơn vị C4, D19, E165, F312, hy sinh 19-11-1969; liệt sĩ Phạm Văn Sắc, sinh năm 1939, quê xã Đồng Ích - Lập Thạch - Vĩnh Phúc, nhập ngũ 2-1960 tại đơn vị C1, D45, công trường 5, BTL 559, hy sinh tháng 7 - 11 -1970. Hai hài cốt liệt sĩ được tìm thấy tại Xiêng Khoảng của nước bạn Lào. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phúc sẽ trực tiếp bàn giao 2 hài cốt liệt sĩ cho các gia đình và tổ chức an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.
Số hài cốt được quy tập lần này là do Đội quy tập mộ liệt sĩ của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 bàn giao cho tỉnh Vĩnh Phúc. Những bộ hài cốt này được xác định là các liệt sỹ hy sinh trong trên chiến trường phía Tây khi tình nguyện sang giúp đỡ nước bạn Lào vốn được tìm kiếm nhiều năm nay nhưng chưa có kết quả.
Nhân dịp này, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức ra quân tu sửa, chỉnh trang, dọn dẹp hơn 10.000 ngôi mộ liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trong toàn tỉnh. Đây là hoạt động nhằm thể hiện sự tri ân tới các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
* Tại Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định chi 9,5608 tỷ đồng để thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày Thương binh liệt sỹ 27-7. Ngoài việc lãnh đạo tỉnh sẽ trực tiếp đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các Trung tâm nuôi dưỡng người có công, Mẹ Việt Nam Anh hùng, kinh phí trên sẽ được phân bổ về các địa phương để địa phương trực tiếp chi cho đối tượng chính sách. Mức trợ cấp, thăm hỏi từ 200 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/cá nhân hoặc tập thể. Mức cấp phát kinh phí về cho các địa phương như sau: Huyện Duy Xuyên 1,0489 tỷ đồng; huyện Quế Sơn 1,2141 tỷ đồng; huyện Thăng Bình 1,393 tỷ đồng; huyện Điện Bàn 1,4977 tỷ đồng; huyện Đại Lộc 976,2 triệu đồng...
* Tại Đà Nẵng, từ năm 2011 tới nay, cứ đều đặn vào tối ngày 14 và ngày cuối của tháng âm lịch, tại tất cả các nghĩa trang trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã diễn ra hoạt động thắp hương, thắp nến tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ do Hội Cựu chiến binh thành phố, Thành đoàn Đà Nẵng và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố tổ chức. Đây là một hoạt động ý nghĩa thể hiện lòng tri ân đối với sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước, đồng thời cũng là một hình thức giáo dục truyền thống cách mạng hiệu quả cho thế hệ trẻ.
Xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) là một trong những mảnh đất giàu truyền thống cách mạng của thành phố Đà Nẵng và cũng là xã có nhiều liệt sĩ nhất thành phố đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Nghĩa trang liệt sĩ của xã hiện đang là nơi yên nghỉ của hơn 1.200 liệt sĩ. Ông Nguyễn Văn Thêm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hoà Tiến cho biết: 3 năm trở lại đây đã thành nề nếp cứ vào tối ngày 14 và ngày cuối tháng âm lịch tại nghĩa trang liệt sĩ xã đông đảo hội viên Hội Cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên và người dân địa phương lại tổ chức thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ. Theo phong tục địa phương vào những ngày này, các gia đình thường cúng ông bà tổ tiên để tưởng nhớ công ơn sinh thành, do đó việc thắp hương tại các nghĩa trang liệt sĩ cũng là thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” với thế hệ đi trước. Được biết, trước đây việc chăm sóc các phần mộ và dâng hương thường chủ yếu diễn ra trong dịp 27-7 và ngày Tết, chính vì vậy việc hình thành hoạt động này còn góp phần làm ấm lòng những thân nhân của các liệt sĩ do điều kiện cuộc sống nhiều người phải làm ăn ở nơi xa không thường xuyên về quê chăm lo hương khói cho các anh.
Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên xã còn tìm hiểu quá trình công tác và chiến đấu của các liệt sĩ thông qua việc nghiên cứu những tài liệu lịch sử địa phương, trực tiếp xuống các gia đình thân nhân liệt sĩ, gặp gỡ những đồng chí lão thành cách mạng cùng thời. Và cứ 3 tháng một lần, trong buổi lễ thắp nến tri ân hội cựu chiến binh và đoàn thanh niên xã lại tổ chức giới thiệu về tiểu sử cùng những chiến công của một đồng chí liệt sĩ. Anh Nguyễn Anh Tú, Phó Bí thư chi đoàn xã Hoà Tiến cho biết: “Đây là một hoạt động rất ý nghĩa, thiết thực trong việc giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương cho các đoàn viên thanh niên. Từ đó để mỗi đoàn viên có dịp soi lại mình, nỗ lực phấn đấu rèn luyện trong học tập, phát triển kinh tế để xây dựng quê hương”. Hàng năm cứ tới gần Ngày Thương binh liệt sĩ, chi đoàn xã lại tổ chức thi cắm trại ngay tại trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ với một chương trình văn nghệ đặc sắc do Đoàn thanh niên đảm nhận, toàn bộ số tiền quyên góp được thông qua hoạt động này dành tặng các gia đình cựu chiến binh trong xã có cuộc sống khó khăn.
Thành phố Đà Nẵng hiện có 27 Nghĩa trang và Đài tưởng niệm liệt sỹ. Đây chính là những “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạnh cho các thế hệ trẻ. Những hoạt động đầy ý nghĩa của hội cựu chiến binh và đoàn thanh niên xã Hòa Tiến đang làm cũng đang diễn ra tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
* Chiều 19-7, Cơ quan Tổng cục Chính trị tổ chức khánh thành, bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình ông Tạ Duy Mậu, thương binh hạng 2/4 tại xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng (Hà Nam), anh trai của liệt sĩ Tạ Duy Khôi hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Ngôi nhà cấp bốn được xây dựng trên nền đất cũ với tổng diện tích 40,8m2 trị giá 210 triệu đồng, trong đó Cơ quan Tổng cục Chính trị hỗ trợ 60 triệu đồng, số tiền còn lại do gia đình và địa phương giúp đỡ. Cũng trong lễ khánh thành và bàn giao nhà tình nghĩa, Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) đã trao tặng gia đình ông Mậu một phần quà trị giá 500.000 đồng; lãnh đạo Tổng cục Chính trị trao tặng gia đình một số vật dụng sinh hoạt có giá trị khác.
Cũng trong dịp này, Cơ quan Tổng cục Chính trị dành 120 suất quà trao tặng các đồng chí là thương binh, con liệt sĩ hiện đang công tác tại Tổng cục Chính trị; thăm và tặng quà 5 bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam); tặng 10 sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách quận Ba Đình (Hà Nội). Dự kiến từ nay đến cuối năm, Cơ quan Tổng cục Chính trị sẽ xây tặng và bàn giao 15 ngôi nhà tình nghĩa, nhà đồng đội cho các đối tượng chính sách với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng./.
Hội nghị sinh hoạt thông tin về đối ngoại nhân dân  (19/07/2013)
Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka kết thúc thăm Việt Nam  (19/07/2013)
Kỷ niệm 40 năm quan hệ giữa Việt Nam và Australia  (19/07/2013)
Trao học bổng “Em không phải bỏ học”  (19/07/2013)
Mỹ kêu gọi ASEAN và Trung Quốc đẩy nhanh đàm phán COC  (19/07/2013)
Khai mạc Diễn đàn lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 10  (19/07/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên