Lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh chân thực thực trạng kinh tế - xã hội, những thành tựu và cả những yếu kém, tồn tại...
Hội đồng nhân dân nhiều tỉnh công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm
* Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, ngày 10-7, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành chương trình của kỳ họp thứ 7. HĐND tỉnh đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 14 người giữ chức vụ do HĐND bầu.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 14 người giữ chức vụ do HĐND bầu đều đạt số phiếu tín nhiệm cao và tín nhiệm từ 50% trở lên. Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng có 42 phiếu tín nhiệm cao, chiếm 85,71% tổng số đại biểu; 5 phiếu tín nhiệm, chiếm 10,2% tổng số đại biểu và 1 phiếu tín nhiệm thấp, chiếm 2,04%.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Quang Hùng có 32 phiếu tín nhiệm cao, chiếm 65,30% tổng số đại biểu, 12 phiếu tín nhiệm, chiếm 24,48% tổng số đại biểu và 3 phiếu tín nhiệm thấp, chiếm 6,12%.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Vọng cho rằng: Kết quả lấy phiếu tín nhiệm phản ánh khá sát với thực tế. Qua việc lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu tín nhiệm cũng thấy rõ hơn trách nhiệm và uy tín của mình trước những việc được giao, tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, phấn đấu rèn luyện để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, tăng cường hướng về cơ sở giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của địa phương.
* Ngày 10-7, HĐND tỉnh Đắk Lắk tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 17 chức danh gồm: Các ủy viên Thường trực HĐND, trưởng các ban của HĐND, Chủ tịch UBND, các Phó Chủ tịch UBND, Chánh Văn phòng UBND cùng các chức danh Giám đốc các sở, ngành do HĐND bầu.
Theo đó, ông Niê Thuật - Chủ tịch HĐND tỉnh có số phiếu tín nhiệm cao cao nhất với 69/78 phiếu hợp lệ.
Các địa biểu HĐND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, kết quả này phản ánh đúng năng lực, tín nhiệm của các chức danh, là cơ sở đáng tin cậy để các chức danh tự xem xét lại mình, phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ công tác.
* Ngày 10-7, Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 13 cán bộ giữ chức danh chủ chốt do HĐND bầu gồm: Chủ tịch, các phó chủ tịch, ủy viên thường trực, trưởng ban HĐND tỉnh; Chủ tịch, các phó chủ tịch, ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ông Võ Hùng Việt, Chủ tịch HĐND tỉnh là người có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất với 43/48 phiếu (chiếm 89,6%).
Phát biểu đánh giá kết quả lấy phiếu tín nhiệm, ông Võ Hùng Việt, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được tỉnh triển khai một cách thận trọng, nghiêm túc, theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Toàn bộ quy trình được làm một cách dân chủ, công khai, minh bạch.
Với trách nhiệm của mình, các đại biểu HĐND đã dành thời gian nghiên cứu, nắm bắt thông tin, thảo luận, đánh giá một cách thận trọng, khách quan, công tâm mức độ tín nhiệm của các vị được HĐND tỉnh lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả này sẽ giúp cho các vị được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng tiếp tục rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của mình trong thời gian tới.
Các đại biểu tiến hành biểu quyết thông qua các nghị quyết tại Hòa Bình. Ảnh: hoabinh.gov.vn |
* Sau 2 ngày (9 và 10-7) làm việc, kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Hòa Bình khóa XV đã kết thúc. Các đại biểu đã tiến hành biểu quyết thông qua 4 Nghị quyết và công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu hoặc phê chuẩn theo Nghị quyết 35 của Quốc hội.
Tại kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh Hòa Bình đã lấy phiếu tín nhiệm 14 chức danh do HĐND tỉnh bầu hoặc phê chuẩn ở ba mức tín nhiệm: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Tiến hành biểu quyết, thông qua Nghị quyết về xác nhận lấy phiếu tín nhiệm với 60/60 đại biểu đồng ý. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai thận trọng, nghiêm túc theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục quy định trong Nghị quyết của Quốc hội và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các đại biểu đã tiến hành biểu quyết thông qua 4 Nghị quyết: Quy định mức chi hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định số 42 của Chính phủ; Quy định mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô-tô và tỷ lệ phần trăm trích lại cho cơ quan thu phí trên địa bàn tỉnh; Quy định mức chi phục vụ hoạt động cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh; Bãi bỏ Nghị quyết số 87của Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc nâng mức trợ cấp đối với nhân viên y tế tổ dân phố.
* Sáng 10-7, Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Kiên Giang bước vào phiên chất vấn trực tiếp 9 lãnh đạo các sở ngành, đặc biệt có Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh Kiên Giang cũng đăng đàn trả lời chất vấn.
Đây là hoạt động được quan tâm nhiều nhất. Những vấn đề nóng, bức xúc về đời sống dân sinh xã hội như: Giá lúa quá thấp, đời sống người nông dân khó khăn, ô nhiễm môi trường ở bãi rác, nhà máy đường… là những vấn đề được chất vất nhiều nhất.
Hiện nay, giá lúa hè thu ở tỉnh Kiên Giang rất thấp chưa đến 4.000 đồng/kg nhưng người dân cũng rất khó bán. Đặc biệt tình trạng sản xuất lúa thu đông tự phát, nằm ngoài quy hoạch của tỉnh còn diễn ra tràn lan.
Đại biểu HĐNĐ cho rằng: Người nông dân không biết phải sản xuất giống lúa gì mới dễ tiêu thụ. Thời gian qua, lúa chất lượng cao cũng không khá hơn lúa phẩm cấp thấp.
Về vấn đề này, ông Mai Anh Nhịn - Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Kiên Giang cho rằng, do người dân không tin vào ngành nông nghiệp. “Tình hình bây giờ xin thưa với đại biểu là ngành nông nghiệp rất khó khăn”, ông Nhịn nói.
Về vấn đề xây dựng trung tâm văn hóa xã hiện nay tiến độ rất chậm. Dự kiến đến năm 2015, toàn tỉnh xây dựng khoảng 54 trung tâm văn hóa xã, nhưng đến thời điểm này mới chỉ đầu tư được khoảng 24 nhà văn hóa xã.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, việc đầu tư Trung tâm văn hóa xã chưa có hiệu quả cao, chỉ có vài trung tâm văn hóa xã hoạt động cầm chừng, còn lại phần lớn không hoạt động.
Còn ông Lê Khắc Ghi - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận: “Loại hình này mang tính xã hội hóa, Nhà nước chỉ hỗ trợ về mặt bằng, nên những năm qua không xã hội hóa được nhiều. Hiệu quả của loại hình này đến thời điểm này là không cao vì ủy ban nhân dân các huyện đều không đề xuất đầu tư”.
Ô nhiễm môi trường tại các bãi rác, nhà máy, nhất là bãi rác cũ ở Hòn Đất, nhà máy đường kéo dài, cử tri kiến nghị nhiền lần đến nay mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ.
Tại phiên chất vấn, khi đại biểu nêu lại vấn đề này thì ông Nguyễn Xuân Lộc - Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang cho rằng: Năm 2012, sau khi có ý kiến, sở đã đi khảo sát thực tế và lên phương án xử lý. Để xử lý dứt điểm tại bãi rác cũ của tỉnh phải cần đến 40 tỷ đồng, hiện nay nguồn kinh phí đang gặp khó. Riêng Công ty mía đường Kiên Giang gây ô nhiễm môi trường Sở cũng đã nhắc nhở nhưng đến nay gần 1 năm do nhiều việc nên lãnh đạo Sở cũng chưa xuống kiểm tra lại.
Trong phần giải trình của mình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Thi cho rằng: Nhiều vấn đề bức xúc thời gian qua chưa được xử lý kịp thời và thỏa đáng. Tham nhũng, tội phạm và một số tệ nạn xã hội còn phức tạp. Tất cả những hạn chế, tồn tại này thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và lãnh đạo các sở ngành, địa phương.
* Ngày 10-7, HĐND tỉnh Hà Giang khóa 16 nhiệm kỳ 2011 - 2016 khai mạc kỳ họp thứ 8.
Báo cáo của HĐND tỉnh Hà Giang cho thấy, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong tỉnh đạt trên 3.400 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá. Một số sản phẩm tăng cao như: Điện sản xuất, quặng sắt, antimon, bột giấy…
Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình cánh đồng thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa được chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
Các giải pháp về điều hành lãi suất; kiểm soát thị trường, giá cả, miễn giảm, giãn hoãn, gia hạn các loại thuế theo chỉ đạo của Chính phủ được triển khai nghiêm túc, tháo gỡ một phần khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Các mục tiêu về nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư được quan tâm chú trọng, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân cơ bản ổn định. Biên giới hòa bình, hữu nghị; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, hợp tác trong nước và quốc tế ngày càng mở rộng.
Kỳ họp này, HĐND tỉnh Hà Giang tập trung thảo luận sâu một số tờ trình để ban hành Nghị quyết có liên quan đến lợi ích của người dân, phục vụ sự phát triển ổn định, bền vững của tỉnh như: Đề án hợp khối cao tầng các cơ quan hành chính của tỉnh; chính sách thu hút và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ phát triển rừng sản xuất…
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Hà Giang sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu, phê chuẩn theo quy định của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII.
* Cùng ngày 10-7, HĐND tỉnh Hậu Giang khóa 8 đã khai mạc kỳ họp thứ 6. Đây là kỳ họp tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm nay.
6 tháng đầu năm tình hình kinh tế - xã hội của Hậu Giang tiếp tục phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh đạt gần 12%; Giá trị gia tăng bình quân đầu người đạt hơn 14 triệu đồng, tăng hơn 12% so cùng kỳ; Tổng thu ngân sách nhà nước hơn 3.417 tỷ đồng, đạt hơn 92 % so với dự toán HĐND tỉnh giao.
Trong 3 ngày làm việc, các đại biểu sẽ nghiên cứu và thông qua các báo cáo chính như: Tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm; kết quả hoạt động HĐND 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm nay; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri…
Bên cạnh đó, các đại biểu sẽ xem xét thông qua 11 tờ trình, dự thảo Nghị quyết thuộc lĩnh vực kinh tế ngân sách, văn hóa - xã hội và pháp chế.
Đặc biệt, lần đầu tiên HĐND tỉnh sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 13 chức danh do HĐND bầu hoặc phê chuẩn theo Nghị quyết 35 của Quốc hội.
Các đại biểu lựa chọn tín nhiệm với các chức danh được HĐND bầu tại Đà Nẵng. Ảnh: vov.vn |
* Trong sáng 10-7, HĐND tỉnh Đồng Nai khai mạc kỳ họp lần thứ 7, khóa 8. Kỳ họp nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm và bàn những giải pháp phát triển kinh tế, xã hội những tháng cuối năm.
6 tháng đầu năm mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng ước tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của tỉnh Đồng Nai đạt gần 21.740 tỷ đồng, tăng 10,7%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các tỉnh, thành Đông Nam Bộ. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,3%, nông lâm, thủy sản tăng 3,5%. Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất xuất của Đồng Nai đạt 5,3 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước; thu hút đầu tư nước ngoài được 600 triệu USD. Đồng Nai cũng giải quyết việc làm cho hơn 51.600 lao động.
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Đồng Nai sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với những chức vụ do HĐND tỉnh bầu và thông qua 10 nghị quyết về kinh tế, xã hội. Đó là nghị quyết về bổ sung các giải pháp thực hiện nhiệm vụ, kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng 6 tháng cuối năm, nghị quyết miễn giảm thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án xã hội hóa ở Đồng Nai, nghị quyết về danh mục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của tỉnh.
* Từ ngày 9 đến ngày 11-7, HĐND tỉnh Vĩnh Long khóa VIII tổ chức kỳ họp lần thứ 8 để xem xét, quyết định nhiều giải pháp thiết thực để hoàn thành các chỉ tiêu của tỉnh đã đề ra trong năm 2013.
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Vĩnh Long còn xem xét, thảo luận và cho ý kiến về 16 tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh và 2 tờ trình của Thường trực HĐND tỉnh liên quan đến các quy định cụ thể ở các lĩnh vực như vốn xây dựng cơ bản, chế độ tài chính, học phí, biên chế, chế độ, định mức chi tiêu phục vụ hoạt động của HĐND các cấp...
Trong 6 tháng cuối năm, HĐND tỉnh Vĩnh Long đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nên các đại biểu đã xem xét, quyết định thực hiện nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; đẩy mạnh xuất khẩu; triển khai thực hiện hiệu quả việc xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh sẽ tranh thủ tối đa các cơ hội đem lại từ Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long năm 2013 trong tháng 11 tới đây để thu hút vốn đầu tư, nhất là các dự án có vốn đầu tư lớn, có trang thiết bị, công nghệ hiện đại vào tỉnh.
Theo HĐND tỉnh Vĩnh Long, 6 tháng đầu năm nay, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh có nhiều giải pháp vượt khó phù hợp nên các chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh đề ra năm 2013 được tổ chức thực hiện tương đối hiệu quả, trong đó, các chỉ tiêu kinh tế tăng so với cùng kỳ năm 2012, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tăng khá; thu ngân sách đạt 53,73% dự toán năm, chi ngân sách đạt 52,03% dự toán năm; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt; cải cách hành chính từng bước được hoàn thiện và đi vào nền nếp.
Đặc biệt, trong kỳ họp này, lần đầu tiên HĐND tỉnh lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu theo quy định. Tuy nhiên, do có 1 thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh mới được bầu bổ sung, có thời gian nhận nhiệm vụ dưới 12 tháng nên tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Vĩnh Long chỉ lấy phiếu tín nhiệm đối với 14/15 chức danh do HĐND tỉnh bầu.
Các đại biểu đã rất thẳng thắn, công tâm, việc lấy ý kiến được tổ chức chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Ban Kiểm phiếu đã làm việc công tâm, chính xác, có trách nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai, đầy đủ, chính xác, kịp thời ngay sau khi kiểm phiếu.
Thường vụ Quốc hội đánh giá kết quả lấy phiếu tín nhiệm
Trong phiên làm việc sáng 10-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kết quả kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII (diễn ra từ ngày 20-5 đến 21-6-2013).
Báo cáo đánh giá nêu rõ, với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức hữu quan, sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan tham mưu giúp việc, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành tốt chương trình đề ra với khối lượng lớn công việc, nhiều nội dung quan trọng, thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhân dân và cử tri cả nước.
Ảnh: vov.vn |
Quốc hội đã thông qua 9 luật, Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2013 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014; cho ý kiến về 8 dự án luật khác và tiếp tục cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội được chuẩn bị có chất lượng, bảo đảm hồ sơ, thủ tục theo quy định. Các đại biểu đã thảo luận về các dự án luật, nghị quyết tại các phiên họp tổ và hội trường sôi nổi, thẳng thắn, tập trung vào các vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau; tích cực tham gia ý kiến về nhiều nội dung quan trọng của các dự án luật qua hình thức phiếu xin ý kiến. Công tác tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ đạt chất lượng, kịp thời, đầy đủ, góp phần hạn chế sự trùng lặp khi thảo luận tại hội trường. Công tác tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thuyết phục, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan. Các dự án luật được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.
Quốc hội đã dành 2 ngày để cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc; các cơ quan, tổ chức và Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tập hợp, tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình thấu đáo ý kiến của nhân dân, được đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Tại các phiên thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc về lý luận và thực tiễn, có tầm nhìn xa về xu thế phát triển của thế giới, con đường xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đồng bào và cử tri cả nước.
Quốc hội đã quyết định tiếp tục tiếp nhận ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đến hết ngày 30-9-2013 nhằm tiếp tục phát huy tinh hoa trí tuệ, tinh thần dân chủ trong nhân dân để bản Hiến pháp mới thực sự phản ánh được ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Quốc hội đã dành thời gian xem xét thận trọng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Mặc dù công tác chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc, việc tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các cấp, các ngành và của nhân dân khá chu đáo, nhưng do đây là dự án luật quan trọng, tác động trực tiếp đến kinh tế, chính trị, xã hội, sự ổn định, phát triển của đất nước, đời sống của nhân dân và liên quan đến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nên Quốc hội đã xem xét, quyết định thông qua dự án luật này tại kỳ họp thứ 6, để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật và các văn bản dự thảo hướng dẫn thi hành.
Với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân và cử tri, các đại biểu Quốc hội đã dành thời gian nghiên cứu kỹ các báo cáo, thảo luận, đánh giá sâu sắc, toàn diện những kết quả đạt được, phân tích những hạn chế, nguyên nhân và đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013.
Các thành viên Chính phủ giải trình kịp thời những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu lên. Quốc hội đánh giá cao những thành tựu, đồng thời cũng chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và yêu cầu Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm, khẩn trương khắc phục trong thời gian tới. Kết quả thảo luận về kinh tế - xã hội đã cung cấp thêm nhiều thông tin quan trọng, làm căn cứ để đại biểu Quốc hội thảo luận và quyết định các vấn đề liên quan.
Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội lần đầu tiên thực hiện chức năng giám sát tối cao về công tác nhân sự qua việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm được triển khai thận trọng, nghiêm túc, công khai, theo đúng quy trình, thủ tục. Những người được lấy phiếu tín nhiệm đã chuẩn bị chu đáo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, phẩm chất đạo đức, lối sống của mình và gửi đến các vị đại biểu Quốc hội đúng thời hạn.
Các đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, dành thời gian nghiên cứu kỹ các báo cáo, nắm bắt, tìm hiểu thông tin liên quan, thận trọng, khách quan, công tâm khi đánh giá mức độ tín nhiệm đối với những người được lấy phiếu. Công tác điều hành chặt chẽ, khoa học, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao vai trò của đại biểu. Công tác thông tin được quan tâm chỉ đạo sát sao, giúp đại biểu Quốc hội tiếp cận được nhiều thông tin thiết thực, tin cậy, làm cơ sở để đánh giá chính xác mức độ tín nhiệm đối với những người được lấy phiếu.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh chân thực thực trạng kinh tế - xã hội đất nước, những thành tựu đã đạt được và những yếu kém tồn tại trong hoạt động của bộ máy nhà nước; đồng thời giúp những người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình, có phương hướng khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót, tiếp tục rèn luyện, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được cử tri và nhân dân cả nước hoan nghênh, đồng tình, tin tưởng, được công bố công khai, kịp thời để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII vẫn còn một số hạn chế, cần tiếp tục được rút kinh nghiệm.
Theo đó, một số nội dung được bố trí chưa hợp lý về thời lượng; một số báo cáo, tờ trình còn dài, thông tin chưa trọng tâm, đầy đủ, khó khăn cho đại biểu khi nghiên cứu; số liệu trong một số tài liệu còn thiếu thống nhất; một số chất vấn chưa sâu, chưa đúng nhóm vấn đề; nội dung trả lời chưa bám sát chất vấn của đại biểu, trả lời còn dài.
Một số ý kiến thảo luận trùng lắp, chưa bám sát nội dung, nặng về nêu tình hình, chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể, nhất là trong thảo luận về kinh tế - xã hội. Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến thảo luận ở tổ và hội trường có lúc, có nội dung chưa thực sự đầy đủ; việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý có nội dung chưa thật thuyết phục...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, sự chuẩn bị tốt đã góp phần vào thành công của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII. Do đó, trên cơ sở rút kinh nghiệm, công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 cần nghiên cứu và được khẩn trương thực hiện, vì khối lượng nội dung trong kỳ họp tới rất lớn, thời gian không còn nhiều./.
Kỷ niệm Quốc khánh Cộng hòa Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh  (10/07/2013)
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tiếp Tùy viên quân sự Nhật Bản  (10/07/2013)
Nâng cao chất lượng công tác biên soạn, biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên  (10/07/2013)
Phiên bản 2.0 của “Mùa xuân A-rập” ở Ai Cập  (10/07/2013)
Ngày Dân số thế giới năm 2013: “Mang thai ở tuổi vị thành niên”  (10/07/2013)
Vết bẩn của những “người trong sạch”  (10/07/2013)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên