Sáu mươi năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc: Nhìn lại lịch sử, hướng tới tương lai
TCCS - Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang mở ra những triển vọng với nhiều thời cơ thuận lợi, nhưng cũng đứng trước những khó khăn thử thách. Để thiết thực kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, chúng ta có thể nhìn lại quá khứ, suy ngẫm những bài học lịch sử để hướng tới tương lai.
Nhìn lại lịch sử
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18-1-1950. Nhưng trước đó, "quan hệ hữu nghị đoàn kết chiến đấu" giữa hai Đảng và nhân dân hai nước đã trải qua những năm tháng lâu dài, khó khăn gian khổ trong quá trình đấu tranh cách mạng dân tộc dân chủ của mỗi nước. Trong quá trình đó, sự nghiệp cách mạng của hai nước, vận mệnh của hai dân tộc, sứ mệnh lịch sử của hai Đảng đã gắn bó với nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều vị cách mạng tiền bối của Việt Nam đã nhiều năm hoạt động ở Trung Quốc, tham gia cách mạng, được sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Trung Quốc. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhân dân và quân đội ta cũng đã có những hoạt động chi viện cho cuộc chiến đấu của nhân dân và quân giải phóng Trung Quốc trên chiến trường Quảng Tây (Biên khu Điền - Quế, chiến trường Thập - đại - vạn - sơn...). Sự chi viện của cách mạng Việt Nam cho cách mạng Trung Quốc lúc bấy giờ tuy nhỏ, nhưng với tình cảm lớn giữa hai dân tộc. Trong buổi gặp mặt các thành viên Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc trước khi lên đường sang Việt Nam, ngày 30-6-1950 tại Bắc Kinh, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã nói: "Hồ Chí Minh và nhiều bạn Việt Nam đã từng tham gia và viện trợ cuộc đấu tranh cách mạng của Trung Quốc, có người còn đổ máu và hy sinh. Bây giờ các đồng chí sang giúp đỡ cuộc đấu tranh chống Pháp của họ là một việc hoàn toàn nên làm”(1).
Nhớ lại những tình cảm gắn bó giữa hai Đảng, nhân dân hai nước lúc bấy giờ để chúng ta hiểu vì sao quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc lại được thiết lập ngay sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời (1-10-1949) và mối quan hệ đó đã có những năm tháng hết sức tốt đẹp, như câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "vừa là đồng chí, vừa là anh em". Nhân dân Việt Nam thủy chung son sắt sẽ không bao giờ quên sự giúp đỡ to lớn, chí tình của Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc trong suốt hai cuộc kháng chiến cứu nước và công cuộc xây dựng đất nước.
Tình hữu nghị đoàn kết chiến đấu, hợp tác, hữu nghị đó không những đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước của nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc, mà còn góp phần vào sự nghiệp chung của nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới phấn đấu vì mục tiêu chung: hòa bình, độc lập và tiến bộ xã hội.
Từ sau ngày được bình thường hóa vào năm 1991, quan hệ hai nước đã được khôi phục và phát triển rất nhanh chóng.
Về chính trị, quan hệ giữa hai Đảng, hai nhà nước, các đoàn thể, địa phương đã khôi phục nhanh chóng từ những năm đầu bình thường hóa. Năm 1999 lãnh đạo hai nước đã xác định phương châm 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Sau đó lại bổ sung tinh thần "bốn tốt": "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt". Gần đây, năm 2008, lãnh đạo hai nước đã định vị quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là "quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện".
Về kinh tế - thương mại, kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc từ 32 triệu USD năm 1991 đã tăng lên 19,4 tỉ USD năm 2008(2). Hiện Trung Quốc giữ vị trí thứ nhất trong các quốc gia và vùng lãnh thổ về xuất khẩu sang Việt Nam (chiếm 18,7% thị phần) và vị trí thứ ba về nhập khẩu từ Việt Nam (6,9%). Nhiều mặt hàng mậu dịch thương mại giữa hai nước rất có ý nghĩa bổ sung cho nhau trong phát triển kinh tế và phục vụ dân sinh. Đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc vào Việt Nam (qua các hình thức 100% vốn nước ngoài, liên doanh, hợp tác kinh doanh, công ty cổ phần) tính đến năm 2008 đã có 629 dự án, tổng số vốn theo hợp đồng 2,172 tỉ USD, vốn đã thực hiện 274,387 triệu USD(3). Trung Quốc đã dành cho Việt Nam nhiều khoản viện trợ tín dụng và viện trợ không hoàn lại.
Hợp tác Việt Nam - Trung Quốc trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, y tế, thể dục thể thao cũng đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận.
Tiến triển quan trọng trong quan hệ giữa hai nước thời gian qua là việc ký kết "Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam và nước CHND Trung Hoa" năm 1999; "Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa"; "Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa" năm 2000. Đến nay, việc phân giới cắm mốc toàn tuyến biên giới trên bộ và ký kết Nghị định thư phân giới cắm mốc và Hiệp định quy chế quản lý biên giới mới đã được hoàn tất, tạo điều kiện để xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác, hữu nghị lâu dài giữa hai nước.
Mặt khác, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện còn tồn tại những vấn đề trở ngại, chủ yếu là vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Đó cũng là vấn đề chủ yếu mà hai bên phải cùng nỗ lực giải quyết thỏa đáng.
Nhìn lại quan hệ Việt Nam - Trung Quốc 60 năm qua có thể suy ngẫm về những bài học lịch sử:
1 - Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có một vai trò đặc biệt quan trọng đối với lợi ích của hai nước, vận mệnh của hai dân tộc. Do bối cảnh lịch sử và địa lý, hai nước Việt Nam và Trung Quốc, như cách nói của nhiều người, "sơn thủy tương liên, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, vận mệnh tương quan". Trước đây, đoàn kết chiến đấu trong cách mạng dân tộc dân chủ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của nhân dân hai nước, thì ngày nay hợp tác hữu nghị cũng góp phần quan trọng vào sự phát triển của hai quốc gia. Nhân dân Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng đó, cảm nhận sâu tình cảm và sự ủng hộ của nhân dân Trung Quốc, và cũng ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình ủng hộ nhân dân Trung Quốc. Ngay từ thời Trung Quốc kháng chiến chống phát-xít Nhật, đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã đề cập câu ca dao lưu hành ở Việt Nam lúc bấy giờ: "Cứu Trung Quốc là tự cứu mình". Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Mao Trạch Đông cũng đã kêu gọi nhân dân Trung Quốc ủng hộ Việt Nam. Ngày nay, trong bối cảnh lịch sử mới, "quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" Việt Nam - Trung Quốc càng có vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển của mỗi nước, góp phần quan trọng vào hợp tác Đông Á, và các phong trào quốc tế nhằm các mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
2 - Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc có cơ sở vững chắc, phù hợp với lợi ích hai quốc gia, thể hiện tình cảm của hai dân tộc, nên có khả năng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tiếp tục phát triển nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực. Hiện tượng đó có thể ví như cây cổ thụ đã sống ngàn năm trên biên giới hai nước, vừa qua mùa đông giá lạnh trụi lá khô cành, nhưng nhựa ấm từ lòng đất vẫn nuôi sự sống, và khi mùa xuân tới lại đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái. Ngày nay, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc cũng đang đứng trước những thử thách không nhỏ, nhưng cơ hội để vượt qua cũng rất lớn. Với sự nỗ lực chung, hai bên hoàn toàn có thể vượt qua thử thách khó khăn, phát huy thời cơ thuận lợi, đưa quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc lên những tầm cao mới, tiếp tục phát triển tốt đẹp.
3 - Để giải quyết thỏa đáng những vấn đề trở ngại trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, hai bên cần xuất phát từ tầm cao chiến lược, từ lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước. Không để những vấn đề cục bộ, trước mắt, làm hỏng lợi ích căn bản lâu dài; không để những nhân tố ngoại lai tác động tiêu cực đến quan hệ song phương; không để những tàn dư của chủ nghĩa dân tộc cực đoan tác hại đến quan hệ bình đẳng. Đó là những kinh nghiệm lịch sử có thể rút ra từ thực tiễn quan hệ Việt Nam - Trung Quốc mấy chục năm qua. Tất nhiên, để thực hiện được như vậy điều quan trọng trước hết là xuất phát từ thiện chí, quyết tâm, sự kiên nhẫn và lòng tin của mỗi bên.
Hướng tới tương lai
Tình hình thế giới và khu vực đang có những biến đổi sâu sắc và nhanh chóng. Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc cũng đang đứng trước những thời cơ và thử thách mới.
Xu thế hòa bình và phát triển trên thế giới, toàn cầu hóa và liên kết khu vực đòi hỏi và tạo cơ hội thuận lợi cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước phát triển ổn định. Về mặt địa lý, và cả về phương diện kinh tế văn hóa, Việt Nam là cầu nối giữa Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á. Về phương diện chính trị, Việt Nam và Trung Quốc càng có quan hệ gần gũi. Đường lối đối ngoại của các nước đều xuất phát từ lợi ích quốc gia. Lợi ích quốc gia có khi không thuận chiều với sự tương đồng về ý thức hệ chính trị. Nhưng trong trường hợp quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay, sự tương đồng về ý thức hệ phù hợp với lợi ích quốc gia. Về phương diện kinh tế - thương mại, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay cũng như quan hệ giữa các nước trên thế giới, vừa có mặt hợp tác, vừa có mặt cạnh tranh, những vấn đề nảy sinh cần khắc phục, có thể thông qua nỗ lực hợp tác của hai bên để từng bước giải quyết trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Vấn đề hiện nay là hai bên thực hiện tốt ý tưởng hợp tác "một vành đai, hai hành lang" giữa hai nước, lồng ghép với hợp tác "một trục hai cánh" giữa Trung Quốc với các nước ASEAN.
Trở ngại chủ yếu, cũng là thử thách lớn nhất đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay và trong tương lai là vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Giải quyết tốt vấn đề đó sẽ mang lại triển vọng rất tốt đẹp cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Lãnh đạo hai nước nhận thức được tầm quan trọng, những khó khăn trong việc giải quyết vấn đề này, xuất phát từ tầm cao chiến lược, đã có những thỏa thuận được nói rõ trong "Tuyên bố chung về Hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa" (nhân chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Việt Nam Trần Đức Lương ngày 25-12-2000).
"Hai bên nhất trí cho rằng, việc hai nước ký kết "Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa", "Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa", "Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và chính phủ nước CHND Trung Hoa" có ý nghĩa lịch sử sâu rộng, sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước phát triển mạnh hơn nữa trong thế kỷ XXI. Hai bên cam kết sẽ nghiêm chỉnh thực hiện các thỏa thuận liên quan đã ký kết giữa hai nước, tích cực hợp tác, nỗ lực xây dựng biên giới hai nước thành biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài.
Hai bên khẳng định tiếp tục duy trì cơ chế đàm phán hiện có về vấn đề trên biển, kiên trì thông qua đàm phán hòa bình để tìm ra một giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Trước khi vấn đề được giải quyết, với tinh thần dễ trước khó sau, hai bên tích cực bàn bạc, tìm kiếm khả năng và giải pháp triển khai hợp tác trên biển trong các lĩnh vực như: bảo vệ môi trường biển, khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai. Đồng thời, hai bên đều không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm hoặc mở rộng tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Hai bên cần bàn bạc kịp thời và giải quyết thỏa đáng những bất đồng nẩy sinh với thái độ bình tĩnh xây dựng, không để bất đồng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của quan hệ hai nước"(4).
Những nguyên tắc đã thỏa thuận giữa hai bên và tinh thần hữu nghị thể hiện trong Tuyên bố chung cần được tiếp tục tôn trọng và quán triệt trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông. "Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc" nhân chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tháng 10-2008 cũng đã nêu rõ: "Hai bên đã trao đổi ý kiến một cách thẳng thắn và hữu nghị về việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông; khẳng định tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và tinh thần "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông", duy trì cơ chế đàm phán vấn đề trên biển, căn cứ nguyên tắc và chế độ pháp lý được xác định bởi luật pháp quốc tế, bao gồm công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu và bàn bạc về hợp tác cùng phát triển để tìm ra mô hình và khu vực thích hợp. Trong quá trình đó, hai bên cùng nỗ lực gìn giữ tình hình ổn định ở Biển Đông, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp..."(5).
Trong thời gian vừa qua, với sự nỗ lực của hai bên, công tác phân giới trên bộ đã hoàn thành, Nghị định thư phân giới cắm mốc và Hiệp định quy chế quản lý biên giới mới đã được ký kết, tạo thuận lợi để xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác hữu nghị lâu dài giữa hai nước.
(1) Sa-lực, Mân-lực: Chín lần xuất quân lớn của Trung Quốc, Nxb Văn nghệ Tứ Xuyên (Trung Quốc), 1992 Bản dịch tiếng Việt của Cục Nghiên cứu Bộ Quốc phòng, tr 242
(2) Nguồn: Niên giám Thống kê, Tổng cục Thống kê Việt Nam 2008
(3) Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam
(4) "Tuyên bố chung về Hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa", Báo Nhân dân số ra ngày 16-12-2000
(5) "Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc", Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc Số 7-2008
Nghệ An tập trung phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống các dân tộc ở miền Tây  (04/02/2010)
Đảng Cộng sản Việt Nam là sự lựa chọn sáng suốt của dân tộc Việt Nam  (03/02/2010)
Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam  (02/02/2010)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên