TCCS - Miền Tây Nghệ An có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh. Những năm gần đây, đời sống của đồng bào dân tộc được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Vì vậy, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân Nghệ An tiếp tục tìm ra nhiều giải pháp hữu hiệu, tích cực phấn đấu, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Tiềm năng và lợi thế

Miền Tây Nghệ An là một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh được gắn kết với vùng đồng bằng ven biển, vùng đô thị. Toàn vùng có 10 huyện và 1 thị xã với diện tích tự nhiên 13.709 km2, chiếm 83,15% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh; dân số trên 1.131 nghìn người, chiếm 36,93% dân số của tỉnh (gồm 7 dân tộc: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Đan Lai, Ơ Đu và Kinh chung sống với mật độ dân số trung bình 116 người/km2); có 419 km đường biên giới, 4 cửa khẩu với nước bạn Lào; 4 đường quốc lộ nối hành lang kinh tế Đông - Tây và đường Hồ Chí Minh, tạo thuận lợi trong giao thương với Lào, vùng đông bắc Thái Lan và phát triển kinh tế - xã hội.

Miền Tây Nghệ An cũng là vùng giàu tiềm năng phát triển kinh tế rừng, du lịch sinh thái, công nghiệp khoáng sản, xi-măng và thủy điện; có trên 1.685.061 ha đất lâm nghiệp, 789.787 ha rừng tự nhiên, 601.845 ha rừng trồng, 32.000 ha cây công nghiệp dài ngày; có vườn quốc gia Pù Mát là khu vực dự trữ sinh quyển thứ 6 của Việt Nam với trên 2.500 loài thực vật, 130 loài động vật quý hiếm như Sao La, Hổ, Thỏ vằn Trường Sơn, 295 loài chim, 54 loài lưỡng cư và bò sát, 83 loài cá và 39 loài dơi, đồng thời đây cũng là nơi có tính đa dạng về văn hóa dân tộc lớn nhất trong các khu dự trữ sinh quyển Việt Nam; có 113 vùng mỏ lớn và 171 điểm quặng, nhiều khoáng sản quý như vàng, thiếc, man-gan,... đặc biệt có trữ lượng lớn đá vôi trên 4 tỉ tấn, đá trắng trên 1 tỉ tấn, đá gra-nít 1,2 tỉ tấn,... và nhiều hệ thống sông suối bắt nguồn từ dãy Trường Sơn có độ dốc lớn, rất thuận lợi để phát triển công nghiệp xi-măng, thủy điện (trên 1.200 MW) và tạo ra nhiều sản phẩm công nghiệp khác.

Thành tựu đáng phấn khởi

Có thể nói Nghệ An chưa thể giàu mạnh, an sinh xã hội chưa thể vững chắc, nếu tiềm năng miền Tây chưa được khai thác có hiệu quả. Nhận thức rõ vị trí quan trọng trong tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc miền Tây của tỉnh, trong những năm qua được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính Phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành của Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả. Đặc biệt sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đã có bước phát triển khá toàn diện, các tiềm năng lợi thế từng bước được khai thác, đời sống nhân dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở được củng cố và tăng cường.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2005 - 2008 đạt 11,8%. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực và đúng hướng, giảm tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp từ 45,6% năm 2005 xuống 39,47% năm 2008, công nghiệp - xây dựng tăng từ 28,2% lên 30,93%, các ngành dịch vụ tăng từ 26,2% lên 29,59%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 4,82 triệu đồng năm 2005 lên 6 triệu đồng năm 2008.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, đưa nhanh các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhất là các tiến bộ về giống cây trồng, vật nuôi. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ có sự chuyển biến phù hợp hơn với điều kiện sinh thái của từng vùng và sản xuất hàng hóa. Các nông, lâm trường được sắp xếp lại theo tinh thần Nghị quyết số 28/NQ-TW của Bộ Chính trị. Bảo đảm an ninh lương thực, tổng sản lượng lương thực năm 2008 đạt 348.000 tấn, mục tiêu đạt 354.284 tấn vào năm 2010. Hình thành và phát triển các vùng cây nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, tạo ra nhiều hàng hóa xuất khẩu, như: mía 28.433 ha, chè 6.730 ha, cao su 5.486 ha, cam 3.200 ha... Chăn nuôi được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nhất là chăn nuôi đại gia súc, tỷ lệ bò lai sind tăng nhanh, đạt tỷ lệ 40% tổng đàn; hình thành nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển chăn nuôi, kể cả trong vùng đồng bào dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái... Công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngày càng được quan tâm hơn. Hằng năm diện tích rừng trồng mới đạt 8 - 10 ngàn ha, khoanh nuôi, tu bổ rừng 82 ngàn - 85 ngàn ha, nâng độ che phủ rừng đạt 53% năm 2008.

Hầu hết các sản phẩm chủ lực trên các lĩnh vực công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp vật liệu xây dựng, tiểu, thủ công nghiệp, làng nghề... đều đạt khá. Năm 2008 sản lượng đường kính đạt 130.000 tấn, tăng 27% so với năm 2005, bằng 72% mục tiêu đến năm 2010; đá trắng đạt 270.000 tấn, tăng 54% và đạt 60% mục tiêu năm 2010; bột giấy đạt 130.000 tấn; xi-măng 150.000 tấn; gạch nung 30 triệu viên...

Quan tâm thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, miền núi; các ngành dịch vụ - thương mại từng bước được củng cố, đáp ứng đáng kể nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống nhân dân. Các loại hàng hóa thiết yếu, mặt hàng chính sách được cung ứng, tiêu thụ kịp thời cho đồng bào dân tộc. Giá trị hàng hóa xuất khẩu năm 2008 đạt 25.000 USD, tăng 37% so với năm 2005; tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ đạt 12,2%.

Kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư nâng cấp và đã phát huy hiệu quả, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện và nước sinh hoạt. Phát huy tối đa nội lực, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã tập trung đầu tư vào các công trình, dự án lớn, trọng điểm như quốc lộ 7, quốc lộ 533, tỉnh lộ 598, đường phía tây Nghệ An, đường Châu Thôn - Tân Xuân, quốc lộ 15, quốc lộ 46 từ đường Hồ Chí Minh đi cửa khẩu Thanh Thủy, đường vào trung tâm các xã, đường tuần tra biên giới,... Xây dựng, nâng cấp 939 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, 8.316 km kênh chính, 1.556 km kênh cấp 3, 183 công trình nước sinh hoạt. Hoàn chỉnh quy hoạch lưới điện, nâng công suất các trạm biến thế phát triển lưới điện 35 KV, 22KV sau trạm 110 KV đến các xã có điều kiện, xây dựng 49 trạm biến áp 100 KVA và đầu tư nhiều công trình điện, thủy điện quan trọng. Thành lập thị xã Thái Hòa; triển khai đề án thành lập thị xã Con Cuông, nâng cấp đô thị Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn), Sông Dinh (Quỳ Hợp), quy hoạch, mở rộng các thị trấn trung tâm huyện lỵ ở các huyện Anh Sơn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương,... Kết cấu hạ tầng xã hội được tăng cường, cơ bản xóa toàn bộ nhà tranh tre, nứa lá; 70% phòng học được kiên cố; hình thành 2 trường trung cấp nghề vùng Tây Bắc và Tây Nam; triển khai xây dựng bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc 250 giường bệnh, Tây Nam 150 giường với tổng vốn đầu tư trên 45 tỉ đồng, trung tâm y tế các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp được đầu tư nâng cấp từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trên 70 tỉ đồng; hệ thống thông tin, truyền thông, các trung tâm văn hóa huyện, thị đã quy hoạch và chuẩn bị đầu tư.

Văn hóa - xã hội miền Tây Nghệ An có bước phát triển mới. Giáo dục - đào tạo được quan tâm và có mặt chuyển biến. Cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp, đội ngũ cán bộ, giáo viên được tăng cường, xóa phòng học tranh tre nứa lá, có 70% phòng học kiên cố hóa, thu hút 60% trẻ em đến nhà trẻ, phổ cập tiểu học và trung học cơ sở ở tất cả các huyện trong vùng. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện tích cực, mạng lưới y tế cơ sở được đầu tư và phân bổ đến các vùng dân cư, tỷ lệ xã có bác sĩ tăng từ 30% năm 2005 lên 65% năm 2008, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 95%. Công tác xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tranh tre tạm bợ cho đồng bào dân tộc đạt kết quả khá, giảm tỷ lệ hộ đói nghèo từ 40,13% năm 2005 giảm xuống còn 27,3% năm 2008. Hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao có nhiều khởi sắc, các huyện đều có đài phát thanh và truyền hình, các xã có máy thu thanh sóng FM. Tỷ lệ hộ được nghe đài đạt 90% (năm 2008), xem truyền hình đạt 75%. Chương trình truyền thanh bằng tiếng dân tộc (Mông, Thái) đã phát triển cả về thời lượng và chất lượng. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh, bản sắc văn hóa các dân tộc được phát huy, một số hủ tục, tập quán lạc hậu được hạn chế. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 65%, có 48% số xã có thiết chế văn hóa - thông tin - thể thao.

Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới được tăng cường. Từng bước hạn chế được hiện tượng di dịch cư trái phép. Tập trung phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm và tệ nạn về ma túy. Chương trình phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng được phát triển, xây dựng và củng cố khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện. Duy trì và phát triển tốt mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố và đạt nhiều kết quả. Tỉnh đã tập trung củng cố các cơ sở yếu kém, tích cực phát triển đảng viên ở các xã đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc. Từ năm 2005 đến nay, tỉnh đã đào tạo ngắn hạn cho 4.763 người, trung cấp chuyên môn 832 người, đại học 274 người, trung cấp chính trị 613 người; phát triển 22 chi bộ, kết nạp 8.197 người vào đảng,... Bên cạnh công tác đào tạo, tỉnh tập trung làm tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ, nhất là thực hiện có hiệu quả chủ trương tăng cường sĩ quan biên phòng về làm bí thư, phó bí thư đảng ủy các xã biên giới, tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp các trường đại học cao đẳng về xã công tác. Tỉnh đã luân chuyển 10 cán bộ của tỉnh về các huyện miền núi, huyện tăng cường 66 cán bộ về các xã khó khăn, tăng cường 19 sĩ quan biên phòng về 19 xã vùng biên giới, tiếp nhận 563 sinh viên về công tác ở xã,... Chính quyền cấp xã đã đổi mới phương thức quản lý, điều hành, các phong trào của quần chúng đã được khơi dậy, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Giải pháp vượt qua những khó khăn, thử thách

Miền Tây Nghệ An là vùng đồi, núi rộng lớn, địa hình hiểm trở, bị chia cắt bởi nhiều sông suối, thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt; xuất phát điểm về kinh tế - xã hội thấp, thuần nông, trình độ canh tác lạc hậu; khả năng huy động nội lực hạn chế, thu hút đầu tư trong và ngoài nước còn rất hạn chế. Đến nay miền Tây Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn. Kinh tế miền núi phát triển không đồng đều và thiếu vững chắc, cơ cấu kinh tế tuy có chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm; kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập. Chất lượng giáo dục - đào tạo còn thấp, tình trạng học sinh bỏ học còn diễn ra; tệ nạn xã hội, nhất là mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy, di dịch cư trái phép vẫn còn phức tạp; phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn khá nặng nề ở nhiều nơi. Tình hình an ninh biên giới, an ninh vùng giáo, vùng dân tộc vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, dễ gây mất ổn định. Đội ngũ cán bộ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, cán bộ được đào tạo còn hạn chế; đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm vẫn còn không ít khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc miền núi, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Nghệ An đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phấn đấu đạt mục tiêu theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là: "Đưa miền Tây Nghệ An thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc được nâng cao, đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng sâu, biên giới; đẩy lùi các tệ nạn xã hội; bảo vệ tốt quốc phòng an ninh biên giới và môi trường sinh thái bền vững". Để nhanh chóng đạt được những mục tiêu đó, trong thời gian tới, Nghệ An tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án; xử lý kịp thời những vấn đề ách tắc theo thẩm quyền, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, dự án theo Quyết định số 147/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả Quyết định số 27/2008/QĐ-TTg ngày 5-2-2008 về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đến các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010.

Hai là, tập trung đẩy mạnh công tác khuyến nông, xây dựng và nhân rộng các mô hình, khảo nghiệm để khẳng định các cây, con có hiệu quả kinh tế cao. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tổng kết, đánh giá phát triển nông nghiệp ở từng tiểu vùng để có định hướng phát triển, chú trọng phát triển các sản phẩm truyền thống có giá trị kinh tế cao. Thực hiện tốt các biện pháp về kỹ thuật, bảo đảm nước tưới, vật tư, phân bón và công tác phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi; chủ động phòng chống, khắc phục hạn chế, giảm nhẹ hậu quả thiên tai.

Ba là, rà soát, bổ sung cơ chế chính sách, ưu tiên nguồn vốn và có giải pháp cụ thể để đạt và vượt các chỉ tiêu theo Quyết định số 147/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chính sách ưu tiên để thu hút đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông gắn với quốc phòng, an ninh.

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc và miền núi. Đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tranh tre tạm bợ cho đồng bào dân tộc. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 30, 30a/NQ-CP của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong.

Năm là, đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, xây dựng cơ bản..., kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về cơ chế chính sách, tài chính tín dụng, đất đai, thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các tập tục lạc hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Sáu là, tập trung làm tốt công tác tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; tuyên truyền phổ biến, quán triệt sâu sắc chỉ thị, nghị quyết, chính sách mới của Đảng và Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân; chuyển mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” sang hướng làm theo có hiệu quả, thiết thực. Làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, cán bộ dân tộc, cán bộ nữ. Chuẩn bị tốt nội dung, nhân sự cho đại hội Đảng các cấp. Quan tâm công tác phát triển Đảng, chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Bảy là, thực hiện tốt chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra đã đề ra, quan tâm giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; về công tác dân tộc; về công tác tôn giáo, Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác vận động quần chúng trước yêu cầu mới”. Chăm lo xây dựng Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân và hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, phát huy vai trò đại diện quyền làm chủ của nhân dân.

Tám là, khẩn trương tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện Đề án Phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2010. Bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền Tây giai đoạn 2 đến năm 2020, trình Chính phủ phê duyệt./.