TCCSĐT - Đó là chủ đề Hội thảo do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 28-6, tại Hà Nội. Đồng chí Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập Thường trực Tạp chí Cộng sản và đồng chí Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã chủ trì Hội thảo.

Hội thảo diễn ra nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc nhằm kêu gọi toàn Đảng, toàn dân “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm” (1948 - 2013); đồng thời nhìn lại hơn 10 năm thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo (2002 - 2013).

 

Tham dự Hội thảo có nhiều nhà nghiên cứu khoa học, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh và hơn 100 hộ  vươn lên thoát nghèo đến từ các tỉnh thành trong cả nước.

 
 TS. Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập Thường trực Tạp chí Cộng sản
phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: KN

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập Thường trực Tạp chí Cộng sản khẳng định: Đây là cuộc hội thảo mang tính học thuật, phương pháp luận khoa học trên cơ sở tiếp nhận nhiều thông tin mới được cập nhật, những đánh giá chuẩn xác để có cách nhìn nhận mới hơn và đồng thuận với thực tiễn trong quá trình thực hiện chiến lược quốc gia, một quốc sách lớn, và quan trọng của Đảng, nhằm thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, nhất là đối với khu vực dân cư sống ở vùng sâu, vùng xa.

 

TS. Phạm Tất Thắng nhấn mạnh: Nước ta có đặc điểm địa lý là nước nhiệt đới, gió mùa nên thường xuyên phải đối mặt với lũ lụt và thiên tai trên diện rộng, chịu ảnh hưởng nặng nề về biến đổi khí hậu, đầy bất trắc và rủi ro, cùng với nạn khai thác gỗ, đốt phá rừng bừa bãi đã làm xói mòn đất, sự xâm hại của con người làm ô nhiễm môi trường nước, suy giảm nguồn nước sạch, đe dọa cuộc sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi tập trung chủ yếu của sự đói nghèo và lạc hậu. Đồng thời, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ồ ạt, thiếu quy hoạch… và di cư tự do cũng là thách thức không nhỏ đối với nạn đói nghèo và tái nghèo trở lại.

 

Sau 10 năm nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã tổ chức sự kiện đặc biệt “Công nhận thành tích nổi bật trong đấu tranh xóa đói, giảm nghèo” cho 38 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việt Nam nằm trong nhóm 18 quốc gia được trao Bằng khen chứng nhận việc sớm đạt được Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ 1 (MDG1) - hướng tới mục tiêu giảm một nửa số người bị đói vào năm 2015. Điều đó khẳng định Định hướng Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam là đúng đắn, hợp lòng dân và phù hợp với xu thế chung của thế giới.

 

Hai chủ đề chính được tập trung thảo luận tại Hội thảo là: Vai trò, ý nghĩa của Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo, những thành tựu, hạn chế, kiến nghị; Kinh nghiệm từ thực tế về xóa đói, giảm nghèo.

 

Xóa đói, giảm nghèo bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân

 

Nhấn mạnh xóa đói, giảm nghèo bền vững là sự nghiệp của toàn dân, các tham luận tập trung phân tích, đánh giá việc thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam; vai trò, thách thức đối với các bộ, ngành, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo.

 

Tham luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020, khẳng định: Với quan điểm con người là vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất của sự phát triển xã hội, xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống cho người nghèo không chỉ là một chủ trương lớn, nhất quán, một trong những chính sách xã hội cơ bản được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm mà còn là một bộ phận quan trọng, một trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam…

 

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, qua nhiều kỳ Đại hội của Đảng, đặc biệt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, công tác xóa đói, giảm nghèo tiếp tục được khẳng định là một chủ trương lớn, mục tiêu lâu dài và nhiệm vụ cụ thể trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

 

Phó Thủ tướng cho biết: Điểm nổi bật trong chính sách giảm nghèo mà Chính phủ mở rộng hướng tới là: bên cạnh các chính sách đối với các hộ nghèo, các chính sách hướng tới hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhằm hạn chế tái nghèo, bảo đảm để giảm nghèo bền vững. Thủ tướng Chính phủ nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng cận nghèo; Chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo theo hướng cho hộ mới thoát nghèo tiếp tục hưởng chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi trong thời hạn nhất định, cho vay ưu đãi có lãi suất cho hộ nghèo để nâng cao ý thức và trách nhiệm sử dụng vốn.

 

Trong báo cáo “Khởi đầu tốt nhưng chưa phải đã hoàn thành: Thành tựu ấn tượng của Việt Nam về giảm nghèo và những thách thức mới” của Ngân hàng Thế giới (WB), công bố đầu năm 2013, cho biết: WB đã đánh giá tỷ lệ nghèo ở Việt Nam giảm từ gần 60% xuống 20,7% trong 20 năm qua (1990 - 2010) với khoảng 30 triệu người. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đạt được thành tựu ấn tượng về giáo dục và y tế. Tỷ lệ nhập học ở bậc tiểu học của người nghèo hơn 90% và ở bậc trung học cơ sở là 70%.

 

Tuy nhiên, tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư còn lớn; nhiều vùng còn nhiều khó khăn, có vùng còn trên 50% hộ nghèo, cá biệt có vùng còn 60%-70% hộ nghèo. Tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân cả nước.

 

Với mục tiêu cụ thể đặt ra, đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm 2%/năm (từ 9,6% xuống còn 7,6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 4%/năm (từ 43,89% năm 2012 xuống còn 38,89% năm 2013); đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn dưới 5% theo chuẩn nghèo hiện hành; tỷ lệ nghèo các huyện nghèo còn dưới 30%...

 

Với tham luận Làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo góp phần phát triển bền vững đất nước, TS. Phạm Việt Dũng (Trưởng Ban Kinh tế, Tạp chí Cộng sản) cho biết, đến nay, cả nước có 57/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 16,8%... Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người dân được tiếp cận những dịch vụ cơ bản như nước sạch, chăm sóc sức khỏe, giáo dục…

 

Nhiều bài tham luận tại Hội thảo tập trung vào phân tích, đánh giá Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam. Trong đó có nhiều tổ chức, cá nhân đạt thành tích tiêu biểu “Vì sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo” và các cá nhân “Gương sáng thoát nghèo” đem đến Hội thảo các tham luận, ý kiến gắn với việc liên hệ thực tiễn tại đơn vị, địa phương và cá nhân, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam đã đề ra.

 

Cùng quan điểm với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, với tham luận Xóa đói, giảm nghèo bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, PGS, TS. Vũ Văn Phúc - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, xóa đói, giảm nghèo không dừng lại ở việc thực hiện chính sách xã hội, không phải việc riêng của ngành lao động - xã hội hay một số ngành khác, mà là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Theo PGS, TS. Vũ Văn Phúc, muốn thực hiện thành công sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền đều phải quan tâm cùng giải quyết, thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ và phải có sự tham gia của toàn thể cộng đồng.

 

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, chúng ta không nên hô hào một cách chung chung mà phải có những chính sách cụ thể giúp cho công tác xóa đói, giảm nghèo. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều chương trình tập huấn, đào tạo cho các bà con nông dân trên truyền hình, phần nào đã chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, những kinh nghiệm, tuyên truyền các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân… Để làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương và địa phương cơ sở, chính quyền các cấp nói chung và nhất là từ các gương sáng điển hình…

 

Một số giải pháp xóa đói, giảm nghèo

 

Theo PGS, TS. Vũ Văn Phúc, để làm được điều nêu trên, trước hết, cần đổi mới tư duy về chính sách xóa đói, giảm nghèo. Muốn giải quyết vấn đề “giặc đói”, “giặc dốt” một cách triệt để như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải có tư duy mới và năng lực mới trong xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển đất nước, trong đó có tư duy mới về chính sách xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống mọi mặt của người dân.

 

Thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện những chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo đã và đang triển khai, như: Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 3, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác. Huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện giảm nghèo, bên cạnh ngân sách nhà nước, cần huy động sự tham gia với tinh thần trách nhiệm cao của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại, của cộng đồng xã hội, của mọi người dân… và đặc biệt là từ sự nỗ lực của chính bản thân người nghèo. Đa dạng hóa các phương thức hỗ trợ người nghèo, như: hỗ trợ người nghèo trong vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ về cung cấp và tạo điều kiện duy trì các dịch vụ, hỗ trợ giao đất, giao rừng; về đào tạo nguồn nhân lực…

 

Cùng với đó, cần khắc phục những hạn chế của công tác này trong thời gian qua, như: việc triển khai chưa toàn diện các chương trình giảm nghèo; nhiều chính sách, chương trình giảm nghèo còn mang tính ngắn hạn, chồng chéo; nguồn lực cho giảm nghèo bị phân tán, dàn trải dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu giải pháp cụ thể gắn kết việc thực hiện chính sách giảm nghèo với chính sách an sinh xã hội; việc phối hợp chỉ đạo thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp…

 
 
 Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: KN

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cũng đã đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chiến lược xóa đói, giảm nghèo góp phần phát triển bền vững đất nước. Các đại biểu kiến nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo, thành tựu nổi bật của các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững…

 

Đại diện “Gương sáng thoát nghèo” của tỉnh Phú Yên cho rằng, để xóa đói, giảm nghèo, chúng ta cần phải trả lời ba câu hỏi: Làm thế nào để xóa đói? Làm thế nào để giảm nghèo? Và sau cùng là thoát nghèo bền vững. Theo đại biểu này, quan trọng nhất là cần phải có việc làm thường xuyên cho người lao động để tránh tình trạng tái nghèo trở lại và nạn đói nghèo…

 

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS, TS. Vũ Văn Hà khẳng định: Xóa đói, giảm nghèo bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân ta. Hội thảo đã có 11 ý kiến phát biểu trực tiếp trong số hơn 100 ý kiến gửi tới tham dự, tập trung phân tích nhiều nội dung về: Tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo tại Việt Nam - những thành tựu nổi bật, hạn chế và những vấn đề đặt ra; Vai trò, những thách thức đối với các bộ, ngành, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân… trong quá trình thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo; Những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn của các tổ chức và cá nhân trong việc thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam; Những kiến nghị, giải pháp nhằm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chiến lược xóa đói, giảm nghèo góp phần phát triển bền vững đất nước; Báo chí với công tác tuyên truyền về Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo bền vững ở Việt Nam.

 

Các ý kiến góp phần vào đánh giá việc thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đỏi, giảm nghèo ở Việt Nam trong hơn 10 năm qua, những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn hiện nay, tăng cường mối quan hệ liên thông, nhất quán, đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, các cơ quan chức năng trong giai đoạn mới nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chính sách xóa đói, giảm nghèo bền vững.


Qua Hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp làm sao xóa đói, giảm nghèo bền vững. Tập trung vào các giải pháp chính sau: Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm chung về xóa đói, giảm nghèo; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, đặc biệt là chính sách tín dụng, đào tạo; tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá về xóa đói, giảm nghèo trên thực tế; tăng cường, lồng ghép các chương trình xóa đói, giảm nghèo bền vững; tuyên truyền giáo dục động viên người nghèo có ý chí vươn lên xóa đói, giảm nghèo…/.