Về chức năng giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

ThS. Nguyễn Xuân Huy
20:59, ngày 26-06-2013

TCCSĐT - Ở nước ta, mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Bởi vậy, phát huy tốt chức năng giám sát của các chủ thể trong hệ thống chính trị, nhất là của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là vấn đề cần được quan tâm hiện nay.


Cơ chế giám sát còn hạn chế

Giám sát tổ chức Đảng và đảng viên, giám sát bộ máy nhà nước và công chức chính quyền các cấp, các tổ chức kinh tế trong khu vực nhà nước không dễ vì những người được nhân dân giao quyền lực không phải lúc nào cũng tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân giám sát, kiểm tra.

Việc thực hiện giám sát đầu tư công vẫn còn rất hình thức. Nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội không chỉ dựa vào báo cáo thu, chi ngân sách, đầu tư công do Chính phủ trình mà cần có thêm những căn cứ từ giám sát, kiểm tra chủ động, độc lập của đông đảo cử tri thông qua Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc để góp phần đánh giá thu, chi ngân sách đầy đủ hơn, khách quan hơn. Trong việc xem xét dự toán, quyết toán hằng năm phải nghiên cứu tìm hiểu rõ các khoản thu chi, phân bổ cho từng lĩnh vực, từng ngành, từng địa phương.

Theo thống kê, những vi phạm kỷ luật tài chính ngày càng tăng, đặc biệt trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, nơi nắm giữ tới 70% vốn đầu tư xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA. Khối lượng tiền của khổng lồ này hoàn toàn là tiền dân đóng thuế, nhân dân chính là chủ sở hữu mọi doanh nghiệp nhà nước, nhưng dân chưa được giám sát mọi hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Trong hơn 26 năm chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả, có đóng góp tích cực, không ít doanh nghiệp nhà nước thua lỗ gây thất thoát, lãng phí ngày càng lớn.

Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động giám sát đầu tư công là yêu cầu tất yếu của quá trình đổi mới, mở rộng và thực thi dân chủ ở nước ta. Mỗi quốc gia có những hình thức tổ chức giám sát đầu tư công khác nhau tại hai hệ thống: hệ thống giám sát bên trong nhà nước (mang tính quyền lực công) và hệ thống giám sát bên ngoài nhà nước (giám sát mang tính xã hội hoặc tính nhân dân). Hai hệ thống giám sát trên đều có điểm chung nhằm kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm minh bạch và công khai, làm cho cơ quan quyền lực hoạt động hiệu quả hơn, các chính sách, pháp luật khi ban hành sẽ bảo đảm chất lượng hơn. Các nhà kinh điển đã tổng kết: không giám sát là buông lỏng quản lý; với tinh thần tôn trọng pháp luật, giám sát bằng pháp luật là phương pháp quản lý nhà nước, xã hội hiệu quả nhất.

Hệ thống giám sát đầu tư công bên trong là hoạt động giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân và hoạt động thanh tra của Chính phủ. Hệ thống giám sát đầu tư công bên ngoài nhà nước bao gồm các chủ thể: Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân. Hoạt động giám sát là một bộ phận hợp thành hệ thống kiểm soát quyền lực ở nước ta từ quá trình hình thành các chủ trương, chính sách, quyết sách đến quá trình triển khai, tổ chức thực hiện (giám sát). Mục đích của giám sát là “nhằm góp phần thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình cụ thể về kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng; phát huy dân chủ từ cơ sở; động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước” (1).

Có thể nói, giám sát là phương thức để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Trong các chủ thể giám sát xã hội thì Mặt trận Tổ quốc là chủ thể đặc biệt mang tính nhân dân rộng rãi và có nhiều tiềm năng nhất:

- Điều 9 Hiến pháp năm 1992 và Khoản 1, Điều 1 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp và tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Vì vậy, khi nói Mặt trận Tổ quốc là một chủ thể giám sát thì trong đó đã bao gồm các thành viên là tổ chức và cá nhân. Về thực chất, đây cũng là đại diện cho nhân dân, mang tính nhân dân rõ rệt.

- Khoản 2, Điều 1 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. Là thành viên của hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc có chức năng, nhiệm vụ thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Chức năng, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội đã được Nhà nước, Mặt trận cụ thể hóa để thực thi trong nhiều văn bản pháp luật, nghị quyết, chỉ thị, quy chế cụ thể.

- Mặt trận Tổ quốc có hệ thống tổ chức ở cả bốn cấp như hệ thống tổ chức của chính quyền. Với hệ thống này, Mặt trận có điều kiện tập hợp được đông đảo nhất quần chúng ở mọi địa bàn, thành phần, đối tượng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Đây lại là điều kiện để Mặt trận gắn bó mật thiết với dân và là cầu nối giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Đề xuất cơ chế

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc đang từng bước đi vào đời sống xã hội. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn không ít lĩnh vực giám sát của Mặt trận chưa được pháp luật cụ thể hóa thành cơ chế, nên hiệu quả hoạt động giám sát chưa cao, đặc biệt là trong giám sát đầu tư công. Việc tham gia ý kiến vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, kể cả khi công bố rộng rãi dự thảo để lấy ý kiến nhân dân, đã thực hiện từ nhiều năm nay nhưng do chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm tiếp thu và giải trình của cơ quan có thẩm quyền lấy ý kiến nên hoạt động này nhiều lúc còn mang nặng tính hình thức.

Để thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Một là, Mặt trận Tổ quốc tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng và hoàn thiện cơ chế pháp lý cho hoạt động giám sát trước hết là cơ chế giám sát đầu tư công. Cần rà soát lại các văn bản pháp luật đã ban hành để kiến nghị với Đảng, Nhà nước sửa đổi hoặc ban hành một số luật mới như Luật về giám sát nhân dân. Luật Giám sát là công cụ quan trọng để nhân dân thực hiện quyền và trách nhiệm đối với hoạt động của Nhà nước.

Hai là, củng cố tổ chức và bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác giám sát của Mặt trận. Có cơ chế, chính sách phát huy vai trò các chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực đời sống xã hội phối hợp, thống nhất hành động cùng với Mặt trận để thực hiện giám sát theo các chuyên đề cụ thể. Đặc biệt cần đẩy mạnh và phát huy hoạt động của các Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc cùng các ban, tổ tư vấn tại các địa phương.

Ba là, Mặt trận Tổ quốc có chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết hoạt động giám sát của Mặt trận những năm qua để kịp thời rút kinh nghiệm những bất cập trong các quy định của pháp luật, đề xuất chỉnh sửa, hoặc bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, qua đó xác định trọng tâm hoạt động giám sát theo hướng thực chất, hiệu quả.

Bốn là, xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức thành viên; cơ chế phối hợp giữa Mặt trận và các đoàn thể với các cơ quan có thẩm quyền thực hiện giám sát, thanh tra, kiểm tra của Đảng và Nhà nước.

Năm là, ở cơ sở xã phường tiếp tục triển khai Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng và Thông tư liên tịch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Bộ Tài chính số 04/2006/TTLT-KH&ĐT-UBTƯMTTQVN-TC hướng dẫn thực hiện quyết định số 80/2005/QĐ-TTg để minh bạch hóa đầu tư công tại địa bàn, hạn chế những vướng mắc, ngăn chặn khiếu kiện kéo dài.

Giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước là một nhiệm vụ rất quan trọng của Mặt trận. Sự giám sát này đã minh chứng trước nhân dân việc làm công minh, dân chủ, đúng luật của những cán bộ được giao trọng trách trước nhân dân. Trong bối cảnh khi mà ở nhiều địa phương, đoàn giám sát của Mặt trận vẫn thường phải hoạt động cùng với đoàn giám sát của hội đồng nhân dân thì việc thành lập đoàn giám sát độc lập của Mặt trận từ Trung ương đến cấp tỉnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thể hiện quan điểm của Mặt trận trên từng lĩnh vực. Đó cũng là điều mà người dân mong mỏi./.

--------------------------------------------------------------

Chú thích:

(1) Báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2012