Nhiều ý kiến tâm huyết của cử tri gửi tới Quốc hội
* Tại Đồng Nai: Ngày 6-5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai thuộc hai đơn vị số 1 và 3 đã có buổi tiếp xúc cử tri ở hai huyện Nhơn Trạch và Cẩm Mỹ.
Cử tri 12 xã của huyện Nhơn Trạch kiến nghị Quốc hội yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm các khiếu nại về đất đai, cấp sổ đỏ cho người sử dụng đất; việc Nhà nước giao đất cho một số doanh nghiệp thực hiện dự án nhưng đến nay vẫn chưa triển khai, hoặc bỏ hoang, trong khi đó người dân lại thiếu đất sản xuất... Ngoài ra, cử tri còn kiến nghị cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt nghiêm một số doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Trước đó, các đại biểu Quốc hội đơn vị số 3 đã có buổi tiếp xúc với cử tri trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ. Cử tri cũng đã đưa ra những bức xúc về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tại địa phương còn chậm, kéo dài; vấn đề đền bù giải tỏa, thu hồi đất chưa thỏa đáng; chế độ chính sách đối với cán bộ bán chuyên trách chưa phù hợp. Cử tri cũng mong muốn Nhà nước làm sao để sử dụng nguồn nông sản trong nước làm nguyên liệu thức ăn gia súc, nhằm giảm giá thành thức ăn gia súc, tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi.
* Tại Bạc Liêu: Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, từ ngày 4 đến ngày 6-5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu chia thành 3 tổ đã tiếp xúc cử tri ở 15 xã, phường thị trấn, của tất cả 7 huyện, thành phố.
Tại các nơi tiếp xúc, cử tri kiến nghị một số vấn đề bức xúc của địa phương như: Nhà nước cần có những biện pháp ổn định đầu ra cho nông sản do nông dân làm ra; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng cho các xã vùng sâu như: điện, đường, y tế; về chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo và cận nghèo; chính sách cho gia đình có công cách mạng... Trong đó, cử tri huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Đông Hải kiến nghị Nhà nước cần quan tâm hơn nữa về chất lượng giáo dục; lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; vấn đề lương hưu cho cán bộ Nhà nước, người có công cách mạng; tăng thêm chức danh cho cán bộ xã; chính sách vay vốn cho hộ nuôi trồng thủy sản, nhân rộng các mô hình sản xuất bền vững…
* Tại Phú Thọ: Từ ngày 26-4 – 6-5, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đã tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII tại các huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy, Cẩm Khê và Lâm Thao.
Tại các buổi tiếp xúc, cử tri đề xuất một số nội dung liên quan tới chế độ chính sách đối với đồng bào dân tộc; đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế nông lâm nghiệp và các chính sách bảo đảm an sinh xã hội; môi trường nông thôn; vốn vay để sản xuất - kinh doanh trong nông nghiệp nông thôn. Vấn đề giải quyết việc làm thu hút sự quan tâm của nhiều cử tri, đặc biệt là việc làm cho thanh niên nông thôn. Cử tri đề nghị cần có chính sách để thanh niên dễ tiếp cận nguồn vốn vay lãi xuất thấp nhằm giải quyết việc làm ngay tại nông thôn.
Về lao động nông thôn, các cử tri cho rằng đất đai bị thu hẹp để phát triển các dự án. Sau đền bù người dân khó kiếm việc làm và thu nhập. Nhà nước cần có cơ chế để các chủ đầu tư khi thực hiện dự án phải có phương án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân sau thu hồi đất. Chu kỳ vay vốn cho nông dân sản xuất cần kéo dài và lãi xuất giảm hơn hiện nay. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng lao động nông thôn của chủ các dự án sau đầu tư… tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn để đáp ứng được yêu cầu dạy và học nghề; tiếp tục tháo gỡ bất cập, khó khăn trong thực hiện chế độ cho cán bộ xã ở cơ sở.
Bên cạnh đó, cử tri cũng phản ánh việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm còn chậm, dàn trải làm ảnh hưởng đến giao thông thủy lợi và sản xuất nông nghiệp; cần xem xét chế độ chính sách đối với giáo viên nghỉ hưu, người cao tuổi và cán bộ hưu trí từ năm 1992 trở về trước; xem xét chế độ cho cán bộ khu dân cư làm việc có thâm niên sau khi nghỉ việc...
Đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Tuyên Quang tiếp xúc cử tri tại xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn. Ảnh: Đài Truyền hình Tuyên Quang |
* Tại Tuyên Quang: Trong 6 ngày cuối tháng 4 vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, tại 6 huyện, thành phố của tỉnh Tuyên Quang.
Tại các điểm tiếp xúc, sau khi nghe các đại biểu Quốc hội thông báo dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, cử tri tỉnh Tuyên Quang đã bày tỏ niềm tin tưởng, phấn khởi trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đặc biệt, hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông nông thôn, điện, trường học, trạm y tế tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… đã được Nhà nước quan tâm đầu tư. Do vậy, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều thay đổi, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Cử tri Tuyên Quang cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung các chính sách hỗ trợ đối với những hộ vừa thoát nghèo, cận nghèo để việc giảm nghèo được bền vững, tránh tình trạng các hộ dân nghèo không muốn thoát nghèo để được Nhà nước hỗ trợ. Ngoài ra, cử tri còn đề nghị bổ sung chế độ phụ cấp đối với chức danh Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi tại cơ sở... Đối với các hộ dân đang sống tại vùng nguy hiểm, cử tri đề nghị cần tăng mức hỗ trợ di chuyển nhà cửa đến nơi ở mới an toàn; tiếp tục nâng cấp, xây dựng đường giao thông các xã; hệ thống điện nông thôn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới cần kết hợp với bảo tồn văn hóa các dân tộc, xây dựng quy ước, hương ước thực hiện nếp sống mới.
Cử tri cũng kiến nghị tiếp tục thực hiện Chương trình 135, kéo dài thời gian và tăng mức đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng ở nông thôn; hỗ trợ thêm đất ở, sản xuất cho các hộ di dân tái định cư Thủy điện Tuyên Quang; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước; vấn đề quản lý khai thác khoáng sản; an toàn giao thông...
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã ghi nhận và tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của cử tri để chuyển đến Quốc hội và các cơ quan chức năng xem xét giải quyết.
Đại biểu Quốc hội, Đại tá Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an thành phố Hà Nội tiếp thu, ghi nhận kiến nghị của cử tri. Ảnh: anninhthudo.vn |
* Tại Hà Nội: Sáng 2-5, các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thuộc đơn vị bầu cử số 5 (Đại tá Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội; bà Nguyễn Phạm Ý Nhi - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn) đã tiếp xúc cử tri huyện Hoài Đức, trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.
Sau khi nghe đại biểu Quốc hội Nguyễn Phạm Ý Nhi thông báo về nội dung dự kiến Kỳ họp thứ 5 và trả lời kiến nghị cử tri của các bộ, ngành, các cử tri huyện Hoài Đức đã phát biểu ý kiến, gửi gắm nguyện vọng tới Quốc hội và cơ quan hữu quan.
Nhiều cử tri phản ánh về vấn đề đất dịch vụ. Người dân đề nghị thành phố quan tâm, đốc thúc các đơn vị liên quan khẩn trương giải quyết dứt điểm đất dịch vụ để người dân sớm ổn định cuộc sống. Cử tri Vương Thị Loan (Di Trạch, Hoài Đức) nói: “Dân đang rất mong đất dịch vụ. Đây là vấn đề an sinh xã hội nên tha thiết đề nghị thành phố nhanh chóng giải quyết cho dân”.
Một số cử tri phàn nàn về dự án thu hồi đất trên địa bàn song không triển khai, bỏ hoang đất, gây lãng phí. Cử tri Trần Khải (Di Trạch, Hoài Đức) cho rằng, nên xem xét kỹ việc thu hồi đất nông nghiệp để làm dự án, hạn chế tối đa để dự án “treo” trong khi nông dân không có đất canh tác. Cử tri Nguyễn Long Thuận nói thẳng: “Dự án có làm hay không thì nên thông báo với dân, không thể cứ “treo” mãi như vậy”… Một số ý kiến khác bày tỏ lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, cử tri Nguyễn Thanh Long (Di Trạch, Hoài Đức) nói: “Nhà nước phải có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, ảnh hưởng xấu sức khỏe người tiêu dùng tràn vào Việt Nam”.
Cũng tại cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến góp ý về việc lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; tạo việc làm cho người bị thu hồi đất; cấp “sổ đỏ” cho các hộ dân đã đủ điều kiện; vấn đề xây dựng nông thôn mới; ô nhiễm làng nghề; bất cập trong thực hiện chính sách với người có công; chính sách thuế với hộ sản xuất nông nghiệp; mở rộng mạng lưới nước sạch nông thôn…
Thay mặt các đại biểu Quốc hội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Chung - Đại tá, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội tiếp thu, ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, xác đáng của cử tri.
Chia sẻ với cử tri nỗi lo lắng về tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn nhập lậu, Đại tá Nguyễn Đức Chung cho biết, thực hiện chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, Công an thành phố đã phối hợp với các cơ quan hữu quan làm rất mạnh việc chống thực phẩm bẩn, trong đó, đặc biệt chú ý nội tạng động vật và gà nhập lậu. Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, gà thải loại đáng ra phải đem tiêu hủy nhưng bằng nhiều cách khác nhau, vẫn thẩm lậu vào Việt Nam.
Do lãi lớn nên dù các lực lượng chức năng kiểm soát gắt gao, các đối tượng vẫn tìm mọi cách đưa gà lậu vào nội địa. Đại tá Nguyễn Đức Chung thông tin, sau rất nhiều nỗ lực, xử lý quyết liệt nên 90% gà nhập lậu đã được ngăn chặn, không vào được Hà Nội. Tương tự, nội tạng động vật nhập lậu, ngâm tẩm hóa chất rất độc hại cũng đã bị bắt rất nhiều vụ, góp phần răn đe các đối tượng. Đại tá Nguyễn Đức Chung khuyên người dân nên mua hàng ở các cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, kiên quyết không mua hàng lậu để góp phần chống thực phẩm bẩn tràn vào Việt Nam.
Trao đổi với cử tri về tình hình an ninh trật tự tại các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội, Đại tá Nguyễn Đức Chung cho biết, do quyết liệt phòng ngừa, tình hình phạm tội trong học sinh, sinh viên đã giảm đáng kể. Trước đây, tỷ lệ phạm tội do học sinh, sinh viên thực hiện chiếm 5,4% tổng số vụ việc nhưng năm 2012, con số này chỉ còn 3,2%, và vào những tháng đầu năm 2013, rút xuống còn 1,6%. Đại tá Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, với trách nhiệm của mình, Công an thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai tích cực các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt hơn nữa để hạn chế tối đa tình hình phạm pháp trong học sinh, sinh viên, bảo đảm an ninh trật tự trong các trường đại học - cao đẳng trên địa bàn.
Kết thúc cuộc tiếp xúc cử tri, thay mặt các đại biểu Quốc hội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Chung cam kết chuyển các kiến nghị của cử tri tới Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm để tìm hướng xử lý, giải quyết hiệu quả trong thời gian sớm nhất, nhằm đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Đại tá Nguyễn Đức Chung nói: “Chúng tôi sẽ có trách nhiệm giám sát để các cơ quan có trách nhiệm có trả lời thỏa đáng với cử tri”.
Tính đến ngày 7-5, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đã tiến hành tiếp xúc cử tri tại các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Hoài Đức, Đan Phượng, Từ Liêm (ngày 2 và 3-5), Sóc Sơn, Mê Linh (ngày 3-5). Theo kế hoạch, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội sẽ tiến hành tiếp xúc cử tri vào các ngày 9, 10, 13 và 15-5 tới đây.
Đại biểu Đào Thị Xuân Lan trong buổi tiếp xúc với cử tri huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: hungyentv.vn |
* Tại Hưng Yên: Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, trong 3 ngày từ ngày 3 đến 5-5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đã có buổi tiếp xúc cử tri tại các huyện Mỹ Hào, Tiên Lữ, Phù Cừ, Văn Lâm, Yên Mỹ, Ân Thi, Kim Động và thành phố Hưng Yên.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên gồm có: ông Doãn Thế Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên; bà Đào Thị Xuân Lan, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; bà Cù Thị Hậu, Chủ tịch hội Người cao tuổi Việt Nam; ông Đặng Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư và bà Vũ Thị Nguyệt, bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Hưng Yên.
Tại các buổi tiếp xúc, cử tri Hưng Yên đã có nhiều ý kiến với đại biểu Quốc hội xoay quanh những nội dung như: Nhà nước cần quan tâm chế độ cho quân nhân xuất ngũ trở về địa phương; chế độ người có công, khi có chính sách cần có hướng dẫn cụ thể; luật sửa đổi hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp không hiệu quả; công trình xây dựng các dự án đầu tư từ Trung ương đến địa phương kéo dài gây lãng phí tốn kém không bảo đảm chất lượng; chế độ phụ cấp cho cán bộ quản lý, giáo viên bách tiểu học và mầm non phù hợp; công tác chống tham nhũng chưa quyết liệt...
Các cử tri cũng kiến nghị Quốc hội xem xét các vấn đề: Giá xăng khi tăng thì tăng rất cao trong khi giảm nhỏ giọt; nghiên cứu lại phương án xử lý đi xe không chính chủ vì đây là nội dung khó thực hiện; nông dân làm ăn đã khó khăn nhưng vẫn đang phải vay vốn với lãi suất cao, đề nghị có phương án hỗ trợ nông dân để sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn; tiếp tục đầu tư xây dựng đường cứu hộ, cứu nạn ở xã Tống Trân để tạo thuận lợi cho công tác phòng, tránh lũ và đi lại của nhân dân; chuyển việc khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cao tuổi từ trung tâm y tế huyện về trạm y tế xã để người khám chữa bệnh được thuận lợi hơn; đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng làm đường giao thông nông thôn đối với diện tích đất thổ cư có từ trước năm 1960; cho hưởng trợ cấp đối với người già từ 75 tuổi trở lên; quan tâm chế độ cho cán bộ y tế thôn, cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình; lấy ruộng đất của người đã chết chia cho người sinh sau năm 1993…
Sau khi nghe ý kiến kiến nghị của cử tri các huyện, thành phố, đại diện đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã giải trình một số vấn đề thuộc thẩm quyền và trân trọng tiếp thu các ý kiến, kiến nghị khác để tổng hợp báo cáo Quốc tại kỳ họp tới./.
Công bố danh sách các trường đại học, cao đẳng công lập  (08/05/2013)
Phát động cuộc thi “Ký ức Điện Biên”  (08/05/2013)
Tri ân các liệt sỹ nhân kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ  (08/05/2013)
Nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc  (08/05/2013)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay