Theo một báo cáo vừa công bố của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á, sau Philippines, và đứng thứ 9 thế giới về kiều hối năm 2012.

Báo cáo cho biết lượng kiều hối nhận được trong năm 2012 của 10 thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) lần lượt là Philippines 24,45 tỷ USD; Việt Nam 10 tỷ USD; Indonesia 7,2 tỷ USD; Thái Lan 4,12 tỷ USD; Malaysia 1,27 tỷ USD, Myanmar 0,56 tỷ USD; Campuchia 0,25 tỷ USD, Lào 0,11 tỷ USD; Singapore và Brunei không có con số được thông báo.

 

Trong các nước nói trên, nền kinh tế lớn nhất và đông dân nhất ASEAN là Indonesia nhận được 7,2 tỷ USD, tương đương khoảng 1% GDP, từ khoảng 6,5 triệu lao động nhập cư ở nước ngoài. Còn Philippines đứng đầu Đông Nam Á với 24,45 tỷ USD và đứng thứ ba thế giới về kiều hối, sau quán quân Ấn Độ (69,35 tỷ USD) và Trung Quốc (60,24 tỷ USD).

 

Cũng theo WB, trong năm 2012, lao động nhập cư từ các nước đang phát triển đã gửi về nước một lượng tiền kỷ lục 401 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm 2011. Nếu tính cả lượng tiền gửi về các nước phát triển thì lượng kiều hối trong cùng kỳ cũng đạt mức kỷ lục 541 tỷ USD, tăng 239% so với con số tương ứng 132 tỷ USD năm 2000.

 

Kiều hối của các quốc gia Đông Nam Á đạt tổng cộng 47,96 tỷ USD, tăng 8,43% so với 44,23 tỷ USD năm 2011, song thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 109 tỷ USD trong cùng kỳ của các quốc gia Nam Á.

 

Nhà kinh tế trưởng WB, Kaushik Basu trong giới thiệu về Chương trình “Quan hệ đối tác kiến thức toàn cầu về di cư và phát triển” (KNOMAD) của thiết chế tài chính toàn cầu này đã nói rằng di cư và kiều hối là một nguồn sống quan trọng cho hàng triệu người, và đóng một vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia./.