Đội ngũ công nhân, lao động Than - Khoáng sản Việt Nam: thực trạng và giải pháp xây dựng, phát triển

TS. Lê Thanh Hà Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
15:11, ngày 24-04-2013
TCCSĐT - Thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW của Đảng, ngày 28-01-2008, “về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và “Chiến lược phát triển bền vững ngành than Việt Nam”, đội ngũ công nhân Than - Khoáng sản Việt Nam đã có bước phát triển mới.

1. Tình hình đội ngũ công nhân, lao động Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

Đến cuối năm 2012, tổng số công nhân, lao động toàn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có gần 140.000 người, trong đó số trực tiếp sản xuất chiếm 72,1% , tỷ lệ nam công nhân chiếm 85%. 

Về tuổi đời: Hầu hết công nhân, lao động than, khoáng sản tuổi đời trẻ. Công nhân ở độ tuổi từ 25-45 chiếm 67,5%...chỉ có 2% trên 50 tuổi và 0,2% dưới 18 tuổi. Công nhân, lao động là người nhập cư chiếm 51,1%, người địa phương chiếm 48,9%. 

Về trình độ: 19,1% số công nhân, lao động có trình độ đại học, 16,7% có trình độ cao đẳng, 40,7% có trình độ công nhân kỹ thuật, 23,5% công nhân có trình độ trung cấp; 8% công nhân được đào tạo tại công ty và 1,5% công nhân chưa qua đào tạo. 

Về tác phong lao động: Trong xu thế đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, Công ty than Khe Chàm, Công ty Tuyển than Hòn Gai, Công ty than Hạ Long có sự tăng trưởng nhanh trên các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, đổi mới công nghệ, thiết bị; phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng; người lao động được rèn luyện tay nghề, tác phong công nghiệp và ý thức tổ chức, chấp hành nội quy doanh nghiệp, kỷ luật lao động.

Về việc làm và thu nhập: Năm 2012, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhưng vẫn bảo đảm việc làm, thu nhập và đời sống cho công nhân, lao động. Kết quả điều tra vào tháng 7-2012 cho thấy, 95,5% công nhân, lao động có việc làm thường xuyên, có 2,3% thường xuyên thiếu việc làm... Những người thường xuyên thiếu việc làm và có nguy cơ mất việc làm chủ yếu là công nhân tuyển sàng than (chiếm tới 8,1%), lao động nhập cư có nguy cơ sẽ thất nghiệp cao gấp 2 lần lao động địa phương. 

Có 91,7% số công nhân, lao động cho rằng, công việc đang làm được sắp xếp đúng nghề đào tạo, 10% công nhân khai thác khoáng sản, 7,8% công nhân khai thác than, 6,6% số công nhân tuyển than không được sắp xếp công việc đúng nghề đào tạo. Mặc dù có 60,6% số công nhân, lao động cho rằng, công việc đang làm là nặng nhọc, độc hại và 4% cho là nguy hiểm, nhưng vẫn có tới 59,8% số công nhân, lao động vẫn muốn tiếp tục làm công việc hiện tại, 8,2% không thiết tha và 32% khó trả lời khi được hỏi có yêu nghề hay không. Có 20,4% số công nhân, lao động muốn cho con nối nghiệp bố/mẹ.

Trong năm 2012, đã có trên 1.200 thợ lò bỏ việc, kể cả ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh có điều kiện làm việc, sinh hoạt cho công nhân, lao động khá tốt, thậm chí vào loại hàng đầu của ngành như Than Hà Lầm, Quang Hanh, Hạ Long, Hầm Lò I...

Bình quân thu nhập của công nhân, lao động trực tiếp sản xuất là 6,9 triệu đồng/tháng. Số công nhân có thu nhập dưới 3 triệu đồng/tháng chiếm 3,3% (chủ yếu là nữ công nhân). Có 41,2% số công nhân cho rằng, với thu nhập như hiện nay thì không đủ trang trải cuộc sống gia đình; 55,3% cho rằng đủ trang trải cuộc sống; chỉ có 3,5% số công nhân có tích luỹ. 

Nhiều công ty trong Tập đoàn đã xây dựng khu nhà phục vụ công nhân, lao động như nhà giặt sấy quần áo, nhà ăn, nhà tắm, nhà vệ sinh, nhà văn hóa... Các đơn vị khai thác hầm lò đều đã xây nhà tắm nước nóng và giặt sấy quần áo bảo hộ lao động, ủng đi lò. Kết quả điều tra cho thấy, 16,3% số công nhân đánh giá các công trình phúc lợi như nhà ăn, nhà vệ sinh, nhà tắm, nhà giặt của công ty phục vụ tốt, 25,3% là khá, 47,1% là tạm được và 11,3% là kém.

Về thực hiện các chế độ, chính sách đối với công nhân, lao động: Hầu hết các công ty đóng đúng, đủ kinh phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân, lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn và có xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Khi người lao động ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, được giới thiệu đến bệnh viện khám và chữa trị đúng chế độ. Tuy nhiên, một số công nhân chấm dứt hợp đồng lao động chưa được thanh toán bảo hiểm xã hội kịp thời và đầy đủ, nhiều công nhân muốn được nghỉ hưu trước tuổi nhưng chưa được giải quyết, nhất là công nhân hầm lò. 

Tập đoàn đang triển khai thực hiện 31 dự án xây dựng nhà ở cho công nhân gồm 32 nhà chung cư, với gần 5.000 căn hộ cho thuê, nên vấn đề nhà ở của công nhân sẽ từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn 32,3% công nhân phải thuê nhà trọ; công nhân, lao động có nhà riêng chủ yếu là người địa phương đã có tuổi và thâm niên làm việc lâu năm, như công nhân tuyển than có tới 61,3% có nhà riêng. 

Nguyện vọng của công nhân, lao động: Kết quả điều tra cho thấy, có 69,2% số công nhân, lao động muốn được công ty cử đi học để nâng cao trình độ. Công nhân khai thác mỏ muốn được quan tâm hơn nữa về cải thiện điều kiện làm việc, tăng thu nhập và các chế độ, chính sách thâm niên nghề, nhất là giảm tuổi nghỉ hưu… Công nhân khai thác than hầm lò muốn nghỉ hưu ở tuổi 45 (hạ bớt 5 năm so với hiện nay) nhưng vẫn được tính lương hưu ở mức tối đa là 75%. 

Quan hệ lao động và ý thức chính trị của công nhân, lao động: Quan hệ lao động trong các đơn vị của Tập đoàn khá hài hòa, tiến bộ, dựa trên tinh thần đoàn kết, đồng lòng, quan hệ đồng chí, đồng nghiệp, anh em, bạn bè với đầy đủ ý nghĩa là “đồng cam cộng khổ”, “chia ngọt sẻ bùi” trên nền tảng truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, tính cộng đồng nghề nghiệp, ý thức chính trị cao. Các cơ sở sản xuất của Tập đoàn, kể cả những đơn vị đã cổ phần hóa có đủ hệ thống chính trị, đặc biệt là sự lãnh đạo của Đảng và vai trò của tổ chức công đoàn luôn được phát huy.

Hằng năm, có từ 450 đến 500 công nhân mỏ được kết nạp vào Đảng, 100% công nhân, lao động vào làm việc tại Tập đoàn từ 6 tháng trở lên đều gia nhập tổ chức công đoàn. Tỷ lệ đảng viên trong công nhân, lao động của Tập đoàn là gần 7%.

2. Các giải pháp xây dựng đội ngũ công nhân, lao động Than - Khoáng sản Việt Nam

Ngày 9-01-2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030”. Trong đó chủ trương phát triển ngành than bền vững, hiệu quả theo hướng đồng bộ, phù hợp với sự phát triển chung của các ngành kinh tế khác. Mục tiêu Chính phủ đề ra cho ngành than: đến năm 2020 khai thác đạt 60 triệu - 65 triệu tấn; đến năm 2025 đạt 66 triệu - 70 triệu tấn; đến năm 2030 đạt trên 75 triệu tấn. Để đạt được mục tiêu này, trong những năm tới cần xây dựng đội ngũ công nhân, lao động Tập đoàn Than - Khoáng sản phát triển mạnh mẽ, trên cơ sở thực hiện tốt các giải pháp sau đây. 

Thứ nhất, nâng cao trình độ nhận thức chính trị cho đội ngũ công nhân, lao động. Thực hiện giải pháp này, tổ chức đảng, công đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa và có các biện pháp, hình thức thích hợp để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm cho công nhân, lao động hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với doanh nghiệp; hiểu rõ vinh dự và nghĩa vụ của mình đối với việc sản xuất nhiều than cho đất nước; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức tự hào dân tộc, tinh thần tự chủ, sáng tạo trong công nhân, lao động.

Xuất phát từ đặc điểm làm việc của công nhân để có biện pháp tuyên truyền phù hợp. Đặc biệt, cần đi sâu đi sát công nhân, nhất là bám sát địa bàn cư trú của người lao động để tuyên truyền, với phương châm “Gặp từng người, bám từng cụm nơi công nhân ở” để vận động, thuyết phục. 

Thứ hai, bảo đảm việc làm, an toàn vệ sinh nơi làm việc cho đội ngũ công nhân, lao động. Để tạo điều kiện cho người lao động có việc làm thường xuyên, vấn đề hàng đầu hiện nay là nâng cao trình độ học vấn, trình độ nghề nghiệp và khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của họ. Trước mắt, cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đào tạo, đào tạo lại, đáp ứng các yêu cầu cấp bách về nguồn lao động có chất lượng cao. Phát triển các loại hình dịch vụ liên quan đến khai thác, chế biến, tiêu thụ than, khoáng sản. 

Xây dựng văn hóa an toàn trong lao động tại nơi làm việc. Nâng cao trách nhiệm của cả người sử dụng lao động và người lao động trong thực hiện an toàn - vệ sinh lao động. Đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức và năng lực hành vi ứng xử an toàn cho công nhân, lao động trong doanh nghiệp để dần trở thành nếp sống văn hóa về an toàn - vệ sinh lao động.

Ban hành các tiêu chuẩn, quy phạm, quy chế về an toàn - vệ sinh lao động trong điều kiện mới; phát triển hệ thống bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp; cơ chế tự kiểm tra giám sát an toàn tại nơi làm việc… Đổi mới công nghệ khai thác than, trang bị máy móc, phương tiện hiện đại cho khai thác than lộ thiên, cơ giới hóa khai thác hầm lò và đi lại của công nhân trong hầm lò.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho công nhân, lao động. Hình thành một số cơ sở đào tạo đạt trình độ tiên tiến của khu vực, gắn đào tạo với chuyển giao công nghệ và thực nghiệm sản xuất tại một số mỏ. Thành lập cơ sở dạy nghề trong doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khai thác than, khoáng sản sử dụng nhiều lao động. Tập trung đầu tư phát triển một số trung tâm dạy nghề ở các vùng mỏ, phù hợp với quy hoạch chung về phát triển ngành.

Từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề, bồi dưỡng công nhân lành nghề, có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn để làm giáo viên hướng dẫn thực hành trong các trường đào tạo công nhân mỏ. Đổi mới phương pháp dạy nghề, ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào giảng dạy; phát huy tính chủ động của học sinh, tăng thời gian thực hành, thực tập và tự rèn luyện của học sinh; kết hợp dạy nghề với thực hành tại mỏ.

Tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho đào tạo nghề của Tập đoàn; đổi mới, bổ sung cơ chế, cơ sở về dạy nghề; đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp. Trong đào tạo, tái đào tạo đội ngũ lao động phải chú trọng đồng bộ các lĩnh vực: chuyên môn, tay nghề, kiến thức luật pháp, tính kỷ luật và tác phong làm việc khoa học.

Thứ tư, phát huy vai trò của tổ chức đảng, Đoàn Thanh niên ở các doanh nghiệp trong xây dựng đội ngũ công nhân của Tập đoàn. Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khai thác mỏ. Đi sâu, đi sát doanh nghiệp, với phương châm “Bám công nhân tại nơi làm việc và nơi ở” tổ chức tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết và đường lối của Đảng đến với đội ngũ công nhân, lao động. Thành lập bộ phận chuyên trách làm công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp trực thuộc Đảng ủy Tập đoàn. 

Đẩy mạnh các hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong doanh nghiệp. Các cơ sở đoàn trong doanh nghiệp cần tăng cường tổ chức các diễn đàn thanh niên công nhân, nâng cao nhận thức chính trị cho đoàn viên, thanh niên. Phát triển các hình thức tập hợp thanh niên công nhân thông qua tổ chức đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên trong các loại hình doanh nghiệp hoặc ở các khu nhà trọ, thực hiện phương châm “Ở đâu có thanh niên, ở đó có tổ chức đoàn, hội”. 

Thứ năm, vai trò của công đoàn các cấp trong chăm lo đời sống công nhân, lao động. Công đoàn Tập đoàn tham gia với các cơ quan chức năng về đẩy nhanh lộ trình cải cách tiền lương, quy định rõ việc tăng lương hằng năm và mức chênh lệch giữa các bậc lương. Công đoàn tham gia với lãnh đạo Tập đoàn thực hiện các biện pháp, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, bảo đảm nhà ở cho cả công nhân đơn thân và hộ gia đình công nhân. Trong các khu công nghiệp, khu mỏ phải có một tỷ lệ cân đối, thích hợp dành để xây dựng bệnh viện, trường học, công viên, chợ, khu vui chơi giải trí và cảnh quan thiên nhiên hài hoà với môi trường sống của công nhân. Phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng các câu lạc bộ lao động vừa và nhỏ ở các khu mỏ để công nhân tham gia vui chơi, giải trí, đọc sách, nghe nhạc, xem phim…

Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục của công đoàn cơ sở; đẩy mạnh các phong trào thi đua trong công nhân, lao động; phối hợp giữa công đoàn các đơn vị thành viên Tập đoàn với liên đoàn lao động địa phương trong việc đẩy mạnh các hoạt động xây dựng đội ngũ công nhân, lao động. Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cần phối hợp với các cơ sở, ban, ngành chức năng của liên đoàn lao động các tỉnh kiểm tra giám sát việc thực hiện chế độ chính sách, pháp luật lao động, nhất là pháp luật về an toàn - vệ sinh lao động, điều kiện làm việc của công nhân, lao động than, khoáng sản. Phối hợp với liên đoàn lao động địa phương tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội, giữ vững trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là ở các địa phương có nhiều công nhân, lao động than, khoáng sản.

Thứ sáu, nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp trong xây dựng đội ngũ công nhân mỏ. Mỗi doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược, định hướng phát triển đội ngũ công nhân phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của ngành than, sử dụng có hiệu quả số công nhân có trình độ, chất lượng cao; đẩy mạnh xây dựng văn hóa an toàn trong lao động tại nơi làm việc. 

Xây dựng, phát triển cơ sở dạy nghề tại doanh nghiệp; nâng cao tay nghề cho công nhân, lao động. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh phong trào hoạt động thể thao, văn nghệ, kết hợp với các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ chuyên nghiệp để công nhân có điều kiện hưởng thụ văn hóa, từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân mỏ./.