TCCSĐT - Với nhận thức góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, sâu rộng trong nhân dân và trong hệ thống chính trị; việc góp ý sửa đổi Hiến pháp không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền và trách nhiệm của mỗi người dân và mỗi cán bộ, công chức. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, tôi xin góp ý một số vấn đề sau:

Tiếp tục khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng chính trị đã lãnh đạo sự nghiệp cách mạng nước ta hơn 80 năm. Dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân ta đã giành được độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đã và đang đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử to lớn trong quá trình đổi mới đất nước. Những thành quả mà cách mạng Việt Nam đạt được trong hơn 80 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khẳng định được vị trí, vai trò và lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Khi nghiên cứu về đảng chính trị, chúng ta thấy một đảng muốn trở thành một đảng chính trị, ngoài tiêu chí phải có hệ tư tưởng và có tổ chức tất yếu phải tiến đến mục tiêu giành và thực hiện quyền lực nhà nước, cũng như bảo đảm có được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân(1). Như vậy, việc ghi nhận Điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp là phù hợp với lịch sử, với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, là sự lựa chọn của nhân dân ta.

Trong lịch sử cầm quyền của các đảng ở các nước, việc tồn tại một đảng hay nhiều đảng là do những điều kiện lịch sử cụ thể quy định, không có khuôn mẫu chung cho tất cả các nước, cũng như đồng nhất cho mọi giai đoạn, mọi thời kỳ. Thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay cho thấy, tương quan lực lượng có lợi cho Đảng Cộng sản Việt Nam và thực tiễn của các đảng cầm quyền trên thế giới cũng cho thấy trong những khúc quanh của lịch sử, những thời điểm phức tạp của đất nước rất cần sự tập trung toàn bộ sức mạnh của quốc gia, dân tộc nhằm đạt những mục tiêu kinh tế - xã hội mang tính đột phá để đất nước phát triển.

Lịch sử đã trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam vai trò lãnh đạo cách mạng, giành chính quyền mà chưa Đảng nào khác làm được, chưa có phong trào quần chúng nào làm được. Trong suốt chiều dài lịch sử, sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện quyền lực Nhà nước luôn bảo đảm quyền lực nhà nước là thuộc về nhân dân, và với vai trò là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc, Đảng tạo điều kiện để nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện quyền lực nhà nước. Quyền dân chủ của nhân dân trên các lĩnh vực luôn được nhà nước bảo đảm thực hiện. Đảng bao giờ cũng hướng đến mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Với bản chất của Đảng, với những thành quả cách mạng to lớn được lịch sử ghi nhận, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội được hiến định trong Hiến pháp là tất yếu khách quan.

Tuy nhiên, Dự thảo bổ sung khoản 2, Điều 4: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” nhằm khẳng định mối quan hệ của Đảng với nhân dân, trách nhiệm tổ chức đảng, đảng viên trước nhân dân vẫn chưa rõ về kỹ thuật lập pháp. Trước hết, việc Đảng gắn bó với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân là sinh mệnh chính trị của Đảng, việc này nên khẳng định trong Cương lĩnh, Điều lệ Đảng. Còn trong Hiến pháp, chỉ nên khẳng định bản chất của Đảng, nhất là vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng, đồng thời khẳng định tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật là đủ. Thực tiễn cho thấy, đối với cơ quan quyền lực nhà nước, cán bộ công chức nhà nước, nhân dân có cơ chế giám sát, có cả quy định pháp luật để nhân dân thực hiện các quyền này. Còn giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên thì giám sát theo cơ chế nào? Làm sao để giám sát? Và tổ chức đảng, đảng viên chịu trách nhiệm như thế nào và trách nhiệm gì trước pháp luật?

Chỉ cần Dự thảo quy định tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng, của đảng viên trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là đã bao hàm cơ chế giám sát và trách nhiệm pháp lý. Thực chất của nội dung giám sát và trách nhiệm chủ yếu là trách nhiệm pháp lý, còn trách nhiệm trong tổ chức đảng là trách nhiệm chính trị. Cơ sở của tính khả thi khi thực hiện giám sát và xác định trách nhiệm của nhân dân chỉ thực hiện đối với đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức.

Do vậy, sẽ khả thi hơn nếu bỏ khoản 2 của Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Xây dựng và thực hiện kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp

Hiến pháp Việt Nam ghi nhận quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân là một tất yếu khách quan. Bởi vì, ở Việt Nam lợi ích của Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, là thống nhất với lợi ích nhân dân lao động và lợi ích dân tộc Việt Nam. Do đó, quyền lực của Đảng cầm quyền cũng chính là quyền lực của nhân dân. Tuy nhiên, cần phải hiểu hạt nhân quyền lực của nhân dân ở đây là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức (2) dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng quyền lực này cũng phải được thực thi trên thực tế. Thông thường, quyền lực nhà nước được thể hiện thành ba quyền: quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp và được giao cho các cơ quan nhà nước, các cơ quan thực hiện các quyền khác nhau gọi là các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Dự thảo Hiến pháp đã kế thừa bản Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) nhưng có thêm nội dung “kiểm soát” giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước không chỉ được phân công, phối hợp trong việc thực hiện quyền lực nhà nước mà giờ đây còn phải kiểm soát lẫn nhau trong việc thực hiện các quyền này. Việc ghi nhận thêm hai từ “kiểm soát” là một nội dung lớn, đồng thời cũng là một bước tiến lớn khi quyền lực phải được kiểm soát bằng quyền lực.

Việc kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được thể hiện qua quyền và nghĩa vụ do Hiến pháp quy định. Dự thảo Hiến pháp kế thừa quy định của Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện mới. Tuy nhiên, dự thảo Hiến pháp chủ yếu thể hiện sự kiểm soát của Quốc hội đối với Chính phủ, Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân. Với tư cách cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội thực hiện quyền kiểm soát cơ quan thực hiện quyền hành pháp, cơ quan thực hiện quyền tư pháp thông qua công tác nhân sự (bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu - khoản 7,8 Điều 75), quy định tổ chức và hoạt động (khoản 6 Điều 75), thông qua việc xét báo cáo công tác (khoản 2 Điều 75), hoặc thực hiện quyền giám sát các văn bản, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật vi hiến do các chủ thể khác ban hành (khoản 10 Điều 75)…

Tuy nhiên, nếu sự kiểm soát của quyền lập pháp thông qua Quốc hội đối với cơ quan nhà nước thực hiện quyền hành pháp và tư pháp là khá rõ nét trong dự thảo Hiến pháp thì sự kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước của cơ quan thực hiện quyền hành pháp và tư pháp đối với cơ quan thực hiện quyền lập pháp là chưa thể hiện rõ, tính quyền lực nhà nước tối cao của Quốc hội vẫn còn bao trùm trong dự thảo Hiến pháp. Cơ quan thực hiện quyền hành pháp và cơ quan thực hiện quyền tư pháp, theo như Dự thảo, chỉ cho thấy thực hiện chức năng phân công mà chưa thể hiện được nội dung kiểm soát trong việc thực hiện quyền hành pháp và tư pháp.

Hành pháp kiểm soát đối với Quốc hội thông thường thể hiện trên hai quyền cơ bản là quyền phủ quyết luật do Quốc hội ban hành (ví dụ như Hiến pháp Mỹ) và quyền giải tán quốc hội (ví dụ Hiến pháp Pháp, Hiến pháp Nhật Bản). Dự thảo chưa giao quyền nào như thế cho cơ quan hành pháp. Để bảo đảm Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền lập pháp, thiết nghĩ sẽ hoàn thiện hơn nếu dành cho Chính phủ, không chỉ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp mà còn thể hiện được sự kiểm soát Quốc hội bằng quy định Kiến nghị Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng Hiến pháp độc lập tuyên bố luật, bộ luật hoặc nghị quyết của Quốc hội vi phạm hiến pháp.

Trong Dự thảo, Hội đồng Hiến pháp trực thuộc Quốc hội. Đây là điểm cần quan tâm vì nếu Hội đồng Hiến pháp phụ thuộc Quốc hội (Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp do Quốc hội bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm, bị lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; Hội đồng Hiến pháp phải báo cáo công tác trước Quốc hội và bị Quốc hội giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội) thì khó kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành. Và khi đó, hoạt động của Hội đồng Hiến pháp cũng khó đạt hiệu quả trong trường hợp kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật do chính Quốc hội ban hành khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm Hiến pháp.

Nếu Tòa án Hiến pháp được thành lập thuộc hệ thống các cơ quan thực hiện quyền tư pháp thì không chỉ thực hiện quyền tư pháp mà còn phản ánh sự kiểm soát của cơ quan thực hiện quyền tư pháp đối với cơ quan thực hiện quyền hành pháp, cơ quan thực hiện quyền lập pháp. Như thế sẽ tạo ra cơ chế ngăn chặn sự lạm quyền, tiến tới sự hoạt động đồng bộ của bộ máy nhà nước.

Tổ chức và xây dựng chính quyền địa phương linh động, phù hợp với tình hình phát triển của Việt Nam

Việt Nam là quốc gia thống nhất, các đơn vị hành chính trong phạm vi lãnh thổ quốc gia được chia thành các đơn vị hành chính như Điều 115 của Dự thảo là phù hợp. Tuy nhiên, Điều 115 của Dự thảo lại chưa phù hợp với khoản 9 Điều 75 về thẩm quyền của Quốc hội: có quyền quyết định “thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”.

Đề nghị khoản 1 Điều 115 của Dự thảo nên sửa đổi như sau:

“1. Các đơn vị hành chính lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau:
Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện và thị xã;
Huyện chia thành xã, thị trấn; thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường, xã; quận chia thành phường.
Các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt khác do Quốc hội quyết định thành lập”.

Về tính khả thi một số điều của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có một điều ngắn nhất (có 5 chữ) nhưng ý nghĩa của nó thì dài nhất và quan trọng nhất, đó là Điều 21: “Mọi người có quyền sống”. Việc khẳng định quyền sống có ý nghĩa nhân bản to lớn trong Hiến pháp. Tuy nhiên, khẳng định “mọi người có quyền sống” thành một điều riêng biệt trong Hiến pháp thì liệu có khả thi không khi chúng ta vẫn còn thi hành án tử hình và cho phép nạo phá thai?

Ở khoản 1, Điều 34 của Dự thảo ghi: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh”, và khoản 2, Điều 34 ghi: “Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh”. Trên thực tế, không phải hoạt động kinh doanh nào cũng đúng pháp luật. Do vậy sẽ chặt chẽ hơn nếu thêm vào sau khoản 1 và 2 cụm từ “…trong những ngành mà luật pháp không cấm”./.


_____________________________
(1) Trích quan điểm của J. LaPalombara khi nói về Đảng chính trị theo PGS. TS Nguyễn Đăng Dung (2001), Tìm hiểu pháp luật Luật Hiến pháp đối chiếu, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr 52-53.
(2) Điều 2 Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001)