TCCSĐT - Tổng thống U-gô Cha-vết (Hugo Chavez) qua đời trong sự tiếc thương vô hạn của bạn bè thế giới dành cho người bạn, người đồng chí tài ba. Bên cạnh sự mất mát lớn lao đó, nhân dân Vê-nê-xu-ê-la, cũng như nhân dân các nước Mỹ La-tinh và trên thế giới vẫn tin tưởng, ủng hộ những người đang đấu tranh để tiếp tục thực hiện sự nghiệp cách mạng Bô-li-va mà Tổng thống U-gô Cha-vết theo đuổi.
Nhà lãnh đạo nổi bật

Sự ra đi của Tổng thống U-gô Cha-vết đã chấm dứt 14 năm cầm quyền để lại nhiều dấu ấn và thành công, đưa ông trở thành một "người Mỹ La-tinh vĩ đại", một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn ở các nước đang phát triển và trên thế giới.

Dư luận Vê-nê-xu-ê-la và các nước Mỹ La-tinh nhớ đến Tổng thống U-gô Cha-vết như một nhà lãnh đạo có học vấn, có sức lôi cuốn quần chúng, với khả năng diễn thuyết hàng giờ không cần giấy tờ viết sẵn, tài hùng biện của một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm. Ông cũng nổi tiếng là người kiên định theo đuổi sự nghiệp cách mạng Bô-li-va (Boliva), đưa Vê-nê-xu-ê-la phát triển theo mô hình “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”

Sự nghiệp chính trị của ông U.Cha-vết bắt đầu từ cuộc bầu cử Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la năm 1998, trong đó ông giành thắng lợi với 56% phiếu bầu và trở thành tổng thống trẻ tuổi nhất (44 tuổi) trong lịch sử Vê-nê-xu-ê-la. Hai năm sau, ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử trước thời hạn trong khuôn khổ Hiến pháp mới do ông khởi xướng soạn thảo, với 56,9% số phiếu ủng hộ. Ông tiếp tục tái cử vào năm 2006, với 62,8% số phiếu. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la tháng 10-2012, ông U.Cha-vết giành chiến thắng với nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp.

Tổng thống U-gô Cha-vết đã vượt qua cuộc đảo chính kéo dài 47 giờ do giới chức quân đội và doanh nghiệp tiến hành hồi tháng 11-2002. Nỗ lực của phe đối lập đòi phế truất ông trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2004 cũng bị thất bại. Năm 2009, ông tiếp tục vượt qua cuộc trưng cầu ý dân về giới hạn thời gian cầm quyền của tổng thống, từ đó cho phép ông tiếp tục nắm quyền. Năm 2012, ông U.Cha-vết đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống trong bối cảnh các thế lực đối lập trong và ngoài nước ráo riết thực hiện âm mưu thực hiện “Mùa xuân A-rập” ở Vê-nê-xu-ê-la.

Trong hơn một thập kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống U-gô Cha-vết và Đảng xã hội - thống nhất Vê-nê-xu-ê-la - PSUV (Partido Socialista Unido de Venexuela), đất nước Mỹ La-tinh này đã có những đổi thay sâu sắc và tích cực, trong đó thành tựu nổi bật là cải thiện rõ rệt đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động, trước hết là đời sống của những người nghèo. Tỷ lệ thất nghiệp ở Vê-nê-xu-ê-la giảm thấp nhất từ trước tới nay, xuống còn 6,3%, còn tỷ lệ người nghèo giảm hơn mức trung bình của khu vực, xuống còn khoảng 27%. Nhờ phát triển kinh tế và các chính sách xã hội, đời sống của người dân Vê-nê-xu-ê-la đã được cải thiện đáng kể với mức lương tối thiểu tăng từ 100.000 lên 614.000 đồng bô-li-va (tương đương với 286 USD); sức mua trong dân tăng 400% và thu nhập bình quân đầu người đạt 12.800 USD. Đáng chú ý là chương trình xã hội mang tên "Sứ mệnh lớn về nhà ở" với mục tiêu xây dựng hơn 350.000 căn hộ mới trong hai năm 2011 và 2012; chương trình "Sứ mệnh lớn về việc làm" nhằm phấn đấu tới năm 2019 tạo thêm khoảng 3,2 triệu việc làm mới, cấp lương hưu cho 365.000 người già, trợ cấp 100 USD/tháng cho các bà mẹ mang thai và trẻ em của gia đình nghèo, tăng lương tối thiểu cho công nhân viên chức thêm 25%.

Với sự giúp đỡ của Cu-ba, Vê-nê-xu-ê-la đã hoàn thành chương trình xóa nạn mù chữ và hiện nay đang phấn đấu phổ cập tiểu học cho người dân. Nhà nước Vê-nê-xu-ê-la dành cho ngành giáo dục khoản ngân sách chiếm tới 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Học sinh các cấp, kể cả bậc đại học đều không phải đóng học phí. Hàng triệu lượt người được khám, chữa bệnh miễn phí. Từ năm 2006 tới 2012, Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la đã triển khai xây mới hoặc nâng cấp gần 1.200 trung tâm y tế, trong đó xây mới 29 bệnh viện. Số bác sĩ trên 10.000 dân đã tăng từ 18 vào năm 1998 lên con số 58 vào thời điểm hiện nay. Vê-nê-xu-ê-la cũng là là quốc gia có nhiều cơ sở hồi sức tích cực nhất tại Nam Mỹ. Năm 2011, khoảng 67.000 bệnh nhân được nhận thuốc đắt tiền miễn phí để chữa 139 bệnh nặng như ung thư, viêm gan, loãng xương, tâm thần phân liệt... Nhờ sự quan tâm phát triển y tế của chính phủ, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh giảm đáng kể, trong khi tuổi thọ bình quân gia tăng.

Trên trường quốc tế và khu vực, vai trò và vị thế của Vê-nê-xu-ê-la ngày càng được củng cố và nâng cao, đặc biệt khi quốc gia này sẵn sàng chia sẻ nguồn lợi thu được từ khai thác dầu khí của mình để hỗ trợ các nước khác trong khu vực Mỹ La-tinh. Theo sáng kiến của Tổng thống U-gô Cha-vết và Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô, năm 2004 các chính phủ cánh tả ở Mỹ La-tinh nhất trí thành lập Liên minh Bô-li-va cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA). Từ đó, ALBA là cơ chế hội nhập trên tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước Mỹ La-tinh như là một sự lựa chọn thay thế Khu vực Thương mại tự do châu Mỹ (FTAA) do Mỹ đề xuất nhưng thất bại vì không được các nước tại châu lục này ủng hộ. Khác với các hiệp định tự do thương mại mà một số nước Mỹ La-tinh đã ký với Mỹ hoặc Liên minh châu Âu, ALBA mang tính chất xã hội và nhân văn sâu sắc. Ví dụ, hàng chục nghìn bác sĩ Cu-ba sang làm việc tình nguyện tại Vê-nê-xu-ê-la để củng cố mạng lưới y tế miễn phí của quốc gia này, đặc biệt là tại các vùng nghèo khó. Đổi lại, chủ yếu là theo phương thức thanh toán phi tiền tệ, Vê-nê-xu-ê-la cung cấp xăng dầu cho Cu-ba. Những thỏa thuận theo hướng này cũng được Vê-nê-xu-ê-la ký kết với Bô-li-vi-a.

Cũng theo sáng kiến của Tổng thống U-gô Cha-vết, Tổ chức Liên kết năng lượng vùng Ca-ri-bê (PETROCARIBE) được thành lập năm 2005. Đây không chỉ là một tổ chức kinh tế mà là một sáng kiến chính trị, nhằm tạo điều kiện cho các nước trong khu vực này tiếp cận nguồn dầu mỏ phong phú của Vê-nê-xu-ê-la với những điều kiện ưu đãi. Trong khuôn khổ Tổ chức Liên kết năng lượng vùng Ca-ri-bê, trường hợp giá dầu trên thế giới tăng cao, 15 thành viên còn lại chỉ phải thanh toán cho Vê-nê-xu-ê-la 50% giá trị lượng dầu mua trong vòng 90 ngày, số tiền còn lại sẽ được trả trong vòng 17 đến 25 năm, trong đó có 1 đến 2 năm ân hạn, với lãi suất ưu đãi 1%/năm. Ngoài ra, Vê-nê-xu-ê-la cũng chấp nhận thanh toán một phần tiền mua dầu bằng hàng hóa và dịch vụ.

Uy tín của Tổng thống U-gô Cha-vết đối với khu vực còn thể hiện ở vai trò quyết định của ông trong việc thành lập Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR), tiếp thêm sức sống cho Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) và xúc tiến sự ra đời của Cộng đồng các nước Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê (CELAC), được đánh giá là một trong những sự kiện lớn nhất trong lịch sử châu Mỹ trong 200 năm gần đây. Có thể thấy, nếu không có vai trò của Tổng thống U-gô Cha-vết thì những gì mà Mỹ La-tinh được chứng kiến tại Hội nghị thượng đỉnh CELAC mới đây tại Chi-lê, trong đó Cu-ba được giao đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên CELAC, tổ chức liên kết chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, tập hợp toàn bộ các nước châu Mỹ, trừ Mỹ và Ca-na-đa khó có thể diễn ra.

Âm mưu của các thế lực thù địch phá hoại cách mạng Bô-li-va ở Vê-nê-xu-ê-la


Trong những ngày gần đây, Phó Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la, ông Ni-cô-lát Ma-đu-rô (Nicolas Maduro), người đã nhậm chức Tổng thống lâm thời Vê-nê-xu-ê-la ngày 8-3 vừa qua, từng công khai cảnh báo các lực lượng đối lập rằng, Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la sẽ không để họ thực hiện bất kỳ hành động nào nhằm chuẩn bị tiến hành cuộc đảo chính trong trường hợp Tổng thống U-gô Cha-vết không qua được cơn hiểm nghèo do bệnh tật.

Theo Tổng thống lâm thời Ni-cô-lát Ma-đu-rô, sau khi bị thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 10-2012 với sự hỗ trợ không nhỏ của các thế lực bên ngoài, ứng cử viên đối lập Hen-rích Ca-pri-lết Ra-đôn-xki (Henrique Cápriles Radonski) và các thế lực đối lập đã tiến hành nhiều hoạt động chống phá Vê-nê-xu-ê-la, tiếp tục gây bất ổn để chuẩn bị cuộc đảo chính trong trường hợp có những diễn biến xấu đối với sức khỏe của Tổng thống U-gô Cha-vết.

Tổng thống lâm thời Ni-cô-lát Ma-đu-rô cho biết, chiến dịch phá hoại của các lực lượng đối lập do H. Ca-pri-lết Ra-đôn-xki đứng đầu gồm nhiều giai đoạn. Trước hết, ứng cử viên đối lập này thực hiện chuyến thăm Cô-lôm-bi-a (Columbia), thực hiện nhiều cuộc gặp với các doanh nghiệp và thỏa thuận hợp tác, theo đó các doanh nhân nước này sẽ tiến hành các hoạt động bí mật thu gom và chuyên chở lương thực thực phẩm cũng như các hàng hóa nhu yếu phẩm khác ra khỏi Vê-nê-xu-ê-la nhằm tạo ra sự khan hiếm giả tạo để gây bất ổn chính trị. Đây là hoạt động phá hoại kinh tế nguy hiểm. Hen-rích Ca-pri-lết Ra-đôn-xki còn thảo luận về hoạt động cung cấp tài chính và huấn luyện cho các lực lượng bán quân sự của Cô-lôm-bi-a để sẵn sàng sử dụng trên lãnh thổ Vê-nê-xu-ê-la “khi có biến” trong tương lai.

Trong chuyến thăm Mỹ, H.Ca-pri-lết Ra-đôn-xki đã từng tiếp xúc với các chủ ngân hàng người Vê-nê-xu-ê-la lưu vong do bị truy tố và buộc tội tổ chức các hoạt động bí mật sát hại thẩm phán Đa-nhi-lô An-đơ-xơn (Danilo Anderson) - người đang tiến hành các cuộc điều tra về sự tham gia của một số chủ ngân hàng trong âm mưu lật đổ Tổng thống U-gô Cha-vết năm 2002. Hen-rích Cáp-ri-lết Ra-đôn-xki đã đạt được thỏa thuận với một số chủ ngân hàng về việc viện trợ tài chính cho các lực lượng đối lập cực đoan ở Vê-nê-xu-ê-la trong các hoạt động phá hoại cách mạng Bô-li-va.

Tổng thống lâm thời Ni-cô-lát Ma-đu-rô còn cho biết về các cuộc đàm phán giữa H. Ca-pri-lết Ra-đôn-xki với các tổ chức ma túy có ảnh hưởng lớn ở Mai-a-mi và cuộc gặp với đại diện của Ốt-tô Rây (Otto Reich) - một nhân vật đã từng là Đại sứ của Mỹ ở Vê-nê-xu-ê-la và về sau giữ cương vị Thứ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ phụ trách Mỹ La-tinh hiện nay đang được Cục tình báo trung ương Mỹ sử dụng để thực hiện các hoạt động tuyên truyền chống phá Vê-nê-xu-ê-la.

Ở Mỹ, Hen-rích Ca-pri-lết Ra-đôn-xki còn tiếp xúc với các nhà hoạt động của Đảng Cộng hòa và với Thứ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ theo dõi khu vực Mỹ La-tinh Rô-béc-ta Gia-cốp-xơn (Roberta Jacobson). Do tính đến đặc thù của các vấn đề thảo luận giữa hai bên, nên trong các cuộc tham vấn giữa H. Ca-pri-lết Ra-đôn-xki với “các đối tác” đều có sự tham gia của đại diện đến từ Cục Tình báo trung ương Mỹ.

Theo Tổng thống lâm thời Vê-nê-xu-ê-la Ni-cô-lát Ma-đu-rô, phía Vê-nê-xu-ê-la đã chăm chú theo dõi các hoạt động cũng như các cuộc tiếp xúc của Hen-rích Ca-pri-lết Ra-đôn-xki ở Mỹ. Còn phóng viên truyền hình Ma-ri-nô Xin-va (Mario Silva) cho biết, cùng đi với H. Ca-pri-lết Ra-đôn-xki trong chuyến công du sang Mỹ còn có nhiều người trong ban lãnh đạo của Liên minh các đảng đối lập của Vê-nê-xu-ê-la như Ra-môn Giô-xe Mê-đi-na (Ramon Jose Medina) và An-đrết Bô-gét (Andres Borges) - những người đã từng tham gia cuộc đảo chính hồi tháng 4-2002. Rõ ràng là, những người lãnh đạo các lực lượng đối lập đang phối hợp với các thế lực bên ngoài để thực hiện các hoạt động nhằm gây bất ổn tình hình ở Vê-nê-xu-ê-la.

Ngay tại Vê-nê-xu-ê-la, các lực lượng đối lập cũng ráo riết thực hiện các hoạt động phá hoại như chuyên chở hàng trăm tấn lương thực sang các nước láng giềng để tạo ra sự khan hiếm trên thị trường, tiến hành hàng loạt các vụ phá hoại đường dây tải điện, hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân, tiến hành các hoạt động gây tội ác trên đường phố. Mặc dù mức độ tội phạm ở Vê-nê-xu-ê-la thấp hơn nhiều so với nhiều nước khác ở Mỹ La-tinh nhưng bộ máy tuyên truyền của các lực lượng đối lập lại ra sức thêu dệt rằng, Vê-nê-xu-ê-la “là quốc gia dẫn đầu ở Tây bán cầu về mức độ tội phạm, buôn bán ma túy và buôn bán người” nhằm tạo ra tình trạng hỗn loạn có kiểm soát.

Các lực lượng đối lập đặc biệt chú ý lôi kéo thanh niên, trước hết là sinh viên, xuống đường biểu tình đòi Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la phải thông báo chi tiết về trạng thái sức khỏe của cựu Tổng thống U-gô Cha-vết. Những lực lượng này liên tục phát đi những tin đồn thất thiệt chống chính phủ trên các mạng xã hội ở Vê-nê-xu-ê-la cũng như trên thế giới. Các phương tiện thông tin đại chúng ở phương Tây liên tục phát đi những tin giả và thất thiệt về sức khỏe của cựu Tổng thống U-gô Cha-vết như tung lên mạng những bức ảnh về cảnh tượng Tổng thống U-gô Cha-vết nằm yên, nhắm hai mắt và kèm theo đó là thông tin rằng ông đã qua đời.

Đối phó với âm mưu này, Tổng thống lâm thời Vê-nê-xu-ê-la Ni-cô-lát Ma-đu-rô, lúc đó đang là Phó Tổng thống, đã quyết định cho thông báo chi tiết và đầy đủ về căn bệnh ung thư và quá trình điều trị của Tổng thống U-gô Cha-vết. Vì thế, dư luận được biết, tháng 6-2011, Tổng thống U-gô Cha-vết đã phải trải qua phẫu thuật tại Cu-ba do căn bệnh ung thư, sau đó ông phải phẫu thuật để loại bỏ khối u đường ruột. Vào cuối tháng 2-2012, Tổng thống U-gô Cha-vết lại phải trải qua phẫu thuật một lần nữa. Tháng 11-2012, Tổng thống U-gô Cha-vết phải trải qua liệu pháp điều trị hóa học ở Cu-ba, sau đó lại phải tiến hành một ca phẫu thuật mới. Sau ca phẫu thuật này, bộ máy tuyên truyền phương Tây phát đi tin đồn rằng, Tổng thống U-gô Cha-vết đã trở thành “con tin” của Cu-ba, còn Phó Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Ni-cô-la Ma-đu-rô “đang có ý định giành quyền lực ở Vê-nê-xu-ê-la”.

Để giải tỏa tình hình, Tổng thống U-gô Cha-vết yêu cầu đưa ông trở về nước. Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la đã đưa ông về Quân y viện Các-lốt A-ve-lô để tiếp tục điều trị. Có thể thấy, ông U. Cha-vết là tổng thống duy nhất trên thế giới tiết lộ chi tiết về tình trạng sức khỏe mà ở các nước khác được coi là bí mật quốc gia. Tuy nhiên, các lực lượng đối lập vẫn tuyên bố không thỏa mãn với những báo cáo về tình trạng sức khỏe của Tổng thống U-gô Cha-vết. Trong tình hình đó, Quân y viện trở thành tâm điểm cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la và các lực lượng đối lập.

Đối với Tổng thống U-gô Cha-vết, cuộc đấu tranh với bệnh tật là một quá trình cực kỳ phức tạp và đau đớn. Với lý do đó, người thân của ông kiên quyết phản đối việc công bố những bức ảnh về tình trạng sức khỏe của ông. Để đối phó có hiệu quả với hoạt động tuyên truyền phá hoại và tin đồn từ bộ máy chiến tranh tâm lí của phương Tây, ở Vê-nê-xu-ê-la đã thành lập Hệ thống truyền thông và thông tin Bô-li-va. Theo Bộ trưởng Thông tin Vê-nê-xu-ê-la Éc-nê-xtô Vi-giê-gát (Ernesto Villegas), quyết định này nhằm vô hiệu hóa các nỗ lực có tính hệ thống của các lực lượng phản động và các lực lượng thù địch trên thế giới chống lại Vê-nê-xu-ê-la. Do đó, Chính phủ phải để cho toàn bộ nhân dân Vê-nê-xu-ê-la nắm được đầy đủ thông tin.

Ngoài Đài phát thanh quốc gia, truyền hình và báo chí, Hệ thống truyền thông và thông tin Bô-li-va còn có các phương tiện thông tin đại chúng thuộc các cơ quan tự quản của nhân dân và các thành viên tích cực ủng hộ cách mạng. Đây thực sự là một đội quân thông tin nhằm đối phó với bộ máy tuyên truyền chống lại Vê-nê-xu-ê-la trên phạm vi thế giới. Đến thời điểm gần đây, ở Vê-nê-xu-ê-la cũng đang hình thành các đài truyền hình và đài phát thanh của các lực lượng đối lập. Như vậy, lúc này ở Vê-nê-xu-ê-la đang diễn ra một cuộc chiến thông tin quyết liệt nhất giữa Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la và các lực lượng đối lập. Cuộc chiến này sẽ kéo dài không phải hàng tháng mà có thể sẽ là hàng năm.

Theo nhận xét của giới phân tích, dù lực lượng đối lập tiến hành chống phá quyết liệt nhưng họ không thể giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sẽ được tổ chức ngày 14-4 sắp tới theo Hiến pháp Vê-nê-xu-ê-la để ra bầu tổng thống mới bởi đa số người dân Vê-nê-xu-ê-la vẫn tin tưởng và ủng hộ những người đang đấu tranh để tiếp tục thực hiện sự nghiệp cách mạng Bô-li-va mà Tổng thống U-gô Cha-vết đã theo đuổi.

Lý tưởng của cách mạng Bô-li-va giờ đây không chỉ là khát vọng cháy bỏng và mong mỏi của đa số người dân Vê-nê-xu-ê-la mà còn là của người dân ở nhiều nước Mỹ La-tinh, trong đó bình đẳng, công bằng, đề cao phẩm giá con người là những tư tưởng cốt lõi nhất. Vì thế, lúc này, ở Mỹ La-tinh, khu vực Ca-ri-bê và nhiều nước trên thế giới, không chỉ những đồng minh cánh tả của cố Tổng thống U-gô Cha-vết mà cả những nhà lãnh đạo trung dung và những người dân đều bày tỏ những lời chia buồn và ca ngợi cố Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U-gô Cha-vết./.