Trung Quốc công bố kế hoạch cải cách cơ cấu chính phủ
Ngày 10-3-2013, trong một báo cáo tại phiên họp thường niên Quốc hội Trung Quốc khóa 12, Ủy viên Quốc vụ Mã Khải cho biết Quốc vụ viện nước này có kế hoạch chuyển đổi mạnh mẽ các chức năng của chính phủ ở cấp bộ để giảm bớt sự can thiệp hành chính vào các vấn đề thị trường và xã hội.
Ủy viên Quốc vụ Mã Khải nhấn mạnh các bộ ngành của chính phủ đang tập trung quá nhiều vào những vấn đề vi mô. Tình trạng chồng chéo chức năng thường dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ ngành. Chính quyền trung ương gặp khó khăn do tình trạng trùng lặp chức năng, quản lý chồng chéo, kém hiệu quả và quan liêu trong khi việc giám sát quyền lực hành chính lại chưa hoàn toàn được thực hiện đầy đủ. Nhiệm vụ lớn nhất của kế hoạch cải cách lần này là thay đổi, sắp xếp lại hợp lý các chức năng của chính phủ.
Đây sẽ là lần cải cách cơ cấu thứ 7 của Chính phủ Trung Quốc trong ba thập niên qua. Theo kế hoạch, số bộ sẽ giảm từ 27 xuống 25 trong khi một số cơ quan, ban ngành được cơ cấu lại. Bộ Đường sắt Trung Quốc, từ lâu là tâm điểm của nhiều tranh cãi khi vừa là nhà cung cấp dịch vụ đường sắt vừa là tổ chức giám sát, sẽ được giải thể thành những bộ phận thương mại và hành chính. Đây được đánh giá là một bước ngoặt lớn đối với ngành đường sắt Trung Quốc. Bộ Y tế cùng Ủy ban Dân số và kế hoạch hóa gia đình sẽ sáp nhập thành Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và ytế quốc gia.
Kế hoạch cũng đề xuất tái cơ cấu Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc để đặt các lực lượng thực thi pháp luật biển, hiện nằm trong nhiều bộ khác nhau, dưới sự quản lý thống nhất của một cơ quan duy nhất.
Bên cạnh đó, Cục Dược phẩm và thực phẩm quốc gia sẽ được nâng cấp thành một tổng cục nhằm tập trung, cải thiện hơn nữa vấn đề an toàn thuốc và thực phẩm. Cục Năng lượng quốc gia cũng sẽ được cơ cấu lại để sắp xếp hợp lý hơn hệ thống quản lý và hành chính của lĩnh vực năng lượng. Ngoài ra, hai cơ quan quản lý truyền thông là Tổng cục Báo chí và xuất bản cùng Cục Phát thanh, truyền hình, điện ảnh quốc gia sẽ sáp nhập thành một, phụ trách toàn bộ các lĩnh vực truyền hình, điện ảnh, phát thanh, xuất bản và báo chí của Trung Quốc.
Ủy viên Quốc vụ Mã Khải nêu rõ kế hoạch mà Chính phủ Trung Quốc đề xuất nhằm mục tiêu xây dựng một chính phủ hiệu quả, dựa trên luật pháp với phân chia rõ ràng quyền lực, phân phối hợp lý nguồn lực và các trách nhiệm được định rõ. Trong nỗ lực thúc đẩy công bằng xã hội và cung cấp các dịch vụ công chất lượng hơn, kế hoạch của Chính phủ Trung Quốc đã chỉ ra những vấn đề lớn trong hệ thống chức năng của chính phủ trung ương hiện nay, đồng thời nêu lên phương hướng, những nguyên tắc và ưu tiên trong chuyển đổi chức năng các bộ.
Kế hoạch cải cách cơ cấu chính phủ được công bố trong bối cảnh dư luận Trung Quốc kêu gọi nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong hoạt động của nhà nước. Trong báo cáo công tác chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 12 ngày 5-3 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng đã thừa nhận việc chuyển đổi các chức năng chính phủ đã không được tiến hành trọn vẹn với một số bộ ngành dễ xảy ra tình trạng tham nhũng. Ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh chính quyền trung ương nhận thức rõ đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức trong phát triển xã hội và kinh tế. Thủ tướng Trung Quốc cam kết tiếp tục chuyển đổi các chức năng chính phủ, phân tách quản lý hành chính khỏi quản lý doanh nghiệp, tài sản quốc gia, các thể chế công và các tổ chức xã hội để xây dựng một chính phủ hiệu quả, trong sạch, được cơ cấu tốt./.
Ngày 11-3 các trường bắt đầu nhận hồ sơ dự thi đại học, cao đẳng  (10/03/2013)
"Không để phát sinh hậu quả về môi trường ở 2 dự án Bauxite"  (10/03/2013)
Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Nên giữ lại Điều 66 quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên và thế hệ trẻ  (10/03/2013)
Tọa đàm khoa học “Góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”  (10/03/2013)
Tọa đàm khoa học “Góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”  (10/03/2013)
Tọa đàm khoa học “Góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”  (10/03/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên