Tọa đàm khoa học “Góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”
Tham dự tọa đàm còn có hơn 70 đại biểu, đại diện cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ lão thành cách mạng, lãnh đạo một số trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại cuộc tọa đàm, nhiều ý kiến đánh giá cao các nội dung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đồng thời cũng trao đổi, góp ý thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm những vấn đề cần tiếp tục làm rõ. Ba nội dung lớn đã được tập trung thảo luận tại Tọa đàm là: 1- Vai trò lãnh đạo của Đảng và thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng; 2- Thể chế chính trị và tổ chức của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân; 3- Mô hình kinh tế tổng thể, chế độ sở hữu về đất đai…
Báo cáo đề dẫn tại Tọa đàm, PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nhấn mạnh: Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Góp ý với khoản 1, Điều 4 của Dự thảo khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, đại đa số ý kiến thống nhất: Khẳng định này không phải là mong muốn chủ quan duy ý chí của một cá nhân hay một tổ chức nào, mà được đúc kết, được kiểm nghiệm bởi một thực tế hiển nhiên là, một Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc làm cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, giành chính quyền về tay nhân dân; đã lãnh đạo toàn dân chiến thắng các đế quốc xâm lược lớn nhất thế giới; đã lãnh đạo công cuộc đổi mới tạo ra những thành tựu ấn tượng về kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hoá, xã hội..., được cả thế giới thừa nhận và khâm phục thì đảng đó đủ tín nhiệm, đủ trí tuệ, bản lĩnh, niềm tin để lãnh đạo toàn dân ta tiếp tục tiến bước theo con đường đã chọn, đưa dân tộc lên đài vinh quang, đưa đất nước ta sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Đồng chí Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, góp ý: Hiến pháp tiếp tục xác nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là rất cần thiết, là giao trọng trách cho Đảng trong việc xây dựng bộ máy nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của dân tộc và thời đại để bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Về phía nhân dân ta, để giữ cho vai trò lãnh đạo của Đảng được bền vững cũng cần có ý thức về những điều kiện nêu ra ở Điều 4 để giám sát việc xây dựng Đảng, buộc Đảng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, phải tôn trọng Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của dân, do dân bầu ra, không cho phép Đảng lãnh đạo trở thành đảng trị với những đặc quyền, đặc lợi. Tham luận của PGS, TS. Huỳnh Thị Gấm, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực II, nhấn mạnh: Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống chính trị và xã hội, những quy định về Đảng và liên quan đến Đảng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là hợp pháp, hợp với lý luận và sự thật lịch sử. Do vậy, rất cần thiết thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp sửa đổi. Góp ý với điểm 1 Điều 4 của Dự thảo, nhiều ý kiến đề nghị: nên thay thuật ngữ “lực lượng” bằng thuật ngữ “tổ chức”, bởi vì Đảng Cộng sản không phải là một lực lượng thông thường mà là một tổ chức chính trị có hệ tư tưởng tiên tiến, nghiêm minh, chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động. TS. Hoàng Thị Loan, Tạp chí Khoa học chính trị, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực II, TS. Hoàng Văn Lễ, nguyên Tổng Biên tập Sổ tay Xây dựng Đảng Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định: Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước về bản chất là do nhân dân ủy thác cho Đảng. Để nhân dân có thể giám sát sự lãnh đạo của Đảng thì Đảng phải gắn bó máu thịt với nhân dân và cần xây dựng Luật về Đảng và sự lãnh đạo của Đảng. Đề cập đến sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội và lực lượng vũ trang được nêu trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Đại tá Nghiêm Xuân Thành, Phòng Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quân khu 7; đồng chí Bùi Ngọc Hiền, Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định: Quân đội ta là lực lượng chính trị đặc biệt có nhiệm vụ làm nòng cốt cho toàn dân chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Lợi dụng việc góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức xuyên tạc lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội ta, hòng làm cho cán bộ, chiến sĩ mất phương hướng chiến đấu, xa rời mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa và sự lãnh đạo của Đảng, tiến tới “phi chính trị hóa quân đội” và “vô hiệu hóa quân đội”. Vì thế, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng không ngừng nâng cao bản chất cách mạng của giai cấp công nhân đồng thời có tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc đối với quân đội nhân dân là sự cần thiết. Nhiều ý kiến đồng tình: Việc hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân sẽ bảo đảm xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh trong mọi hoàn cảnh, đủ sức trấn áp, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động chống phá Đảng, Nhà nước và xâm phạm lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Góp ý với Điều 2 của Dự thảo: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức”, PGS, TS. Nguyễn Tấn Phát, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề nghị nên thay cụm từ: “nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức” bằng cụm từ: “trụ cột là các giai tầng trí thức, nông dân, công nhân, doanh nhân, binh sĩ”. Bởi lẽ, trong giai đoạn thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiến đến một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào khoảng năm 2020, vai trò của giai cấp công nhân thể hiện mạnh mẽ, tiên phong hơn bao giờ hết, nhưng đồng thời tầng lớp doanh nhân có vai trò rất quan trọng góp phần đưa đất nước ta bước vào thị trường toàn cầu. Tương tự, vai trò, tính chất của quân đội cũng rất khác trước. Cụ thể, tính chuyên nghiệp, trình độ tinh nhuệ, khả năng sử dụng công nghệ, khí tài hiện đại của quân đội ngày càng cao để đáp ứng yêu cầu thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Do vậy, nêu vấn đề 5 giai tầng làm nên trụ cột khối đại đoàn kết toàn dân trong giai đoạn mới là có cơ sở khoa học, thực tiễn và lịch sử.
Góp ý Chương II: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”, PGS, TS Nguyễn Văn Trình, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định: Đây là một bước tiến lớn so với Hiến pháp năm 1992, bởi vì quyền con người là quyền tự nhiên, phải được Hiến pháp bảo đảm. Đề nghị không nên ghi là: Nhà nước “tạo điều kiện” để thực hiện quyền đó, mà nên thống nhất ghi là: Nhà nước “bảo đảm” vì đây là quyền tự nhiên của con người, Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ những quyền đó của con người, chứ không phải Nhà nước ban phát những quyền đó cho con người. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị: để hạn chế tình trạng xâm phạm các quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, khoản 2 Điều 15 quy định về các trường hợp giới hạn quyền con người, quyền công dân nên bổ sung cụm từ "do luật định” và nên viết lại là: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết và vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng do luật quy định”.
Góp ý Chương III, nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung và khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường. Để bảo đảm nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong quá trình vận động vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, thành phần kinh tế nhà nước phải tự vươn lên, làm sao để cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng cho nền kinh tế quốc dân. Đại hội XI của Đảng đã nêu rõ các điều kiện để doanh nghiệp nhà nước có thể phát huy ưu thế của mình, đó là doanh nghiệp nhà nước được giao quyền tài sản, được thực sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo nguyên tắc thị trường và pháp luật, tạo cơ chế gắn trách nhiệm và lợi ích của cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước… Theo TS. Lê Vũ Nam, Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh việc hiến định tính chất đa sở hữu, đa thành phần và công nhận tính bình đẳng và cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế, Điều 54 của Dự thảo cần bổ sung thêm một số nội dung để làm rõ bản chất và đặc trưng mới của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong giai đọan mới. TS. Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Lý luận chính trị, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong giai đoạn hiện nay vẫn cần thiết và phù hợp về phương diện lý luận và thực tiễn. Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội dựa trên nền tảng học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin, vì vậy việc xác lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất nói chung và chế độ sở hữu toàn dân về đất đai nói riêng là phù hợp về phương diện lý luận. Đồng thời, việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, đòi hỏi tất yếu phải dựa trên nền tảng của chế độ công hữu về tư liệu sản xuất nói chung và chế độ sở hữu toàn dân về đất đai nói riêng.
Đối với Chương IX “Chính quyền địa phương”, một số ý kiến đề nghị nên bổ sung quy định về xây dựng giải pháp linh hoạt về tổ chức chính quyền địa phương như là biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xác định quy mô tổ chức bộ máy tùy theo khả năng tự chủ của địa phương. Theo đó, từ cấp quận, huyện xuống đến cơ sở, việc áp dụng mô hình phải được xem xét trên cơ sở thẩm định năng lực của từng đơn vị hành chính lãnh thổ. Đối với người dân cũng như trong quan hệ với cấp quản lý Trung ương, người đứng đầu Uỷ ban nhân dân hoặc Uỷ ban hành chính cần được xác định là người chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành ở địa phương. Liên quan đến vấn đề kiểm soát quyền lực của cơ quan nhà nước ở địa phương, để bảo đảm sự thông suốt và không mâu thuẫn trong việc thực thi quy định tại Điều 119 thì khoản 2 Điều 9 của Dự thảo cũng nên điều chỉnh lại: “Mặt trận Tổ quốc là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”. Vì Mặt trận đóng vai trò là thiết chế giám sát xã hội hoạt động của cơ quan nhà nước, phải độc lập với cơ quan nhà nước. Ở khía cạnh khác, không thể đồng nhất cơ sở chính trị của hệ thống chính trị với cơ quan của chính quyền - cơ quan nhà nước được. Với cách quy định như thế sẽ dẫn đến sự suy diễn mang tính nhầm lẫn về mặt lý luận cho rằng “quyền lực chính trị đồng nhất với quyền lực nhà nước của nhân dân”.
Phát biểu kết luận tại buổi tọa đàm, PGS,TS. Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, hoan nghênh các đại biểu với tinh thần trách nhiệm cao đã tham gia đóng góp 16 lượt ý kiến và gửi hơn 50 bản tham luận góp phần cho sự thành công của buổi Tọa đàm. Các ý kiến và tham luận sẽ được tổng hợp để gửi đến Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.
Việt Nam mất đi một người Bạn lớn thân thiết đã từng gắn bó với nhân dân Việt Nam trong những năm tháng khó khăn, gian khổ  (09/03/2013)
Lễ kỷ niệm và trao kỷ vật nhân dịp 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam- Ô-xtrây-li-a  (09/03/2013)
Truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Tây Nguyên  (09/03/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên