TCCSĐT - Chào mừng kỷ niệm 103 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và 1973 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sáng nay, tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2012 và Cuộc thi viết “Những tấm gương Phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”.

Tới tham dự Lễ trao giải thưởng có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Trương Thị Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Phát biểu tại Lễ trao giải, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết: 28 năm qua, Giải thưởng Kovalesvkaia đã trở thành giải thưởng có uy tín hàng đầu dành cho các nhà khoa học nữ, đã được trao cho 39 cá nhân và 16 tập thể các nhà khoa học nữ xuất sắc, tiêu biểu trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và ứng dụng. Giải thưởng mang ý nghĩa quốc tế này đã góp phần động viên các nhà khoa học nữ của Việt Nam phấn đấu có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị kinh tế - xã hội, tăng thêm uy tín của hoạt động khoa học của phụ nữ Việt Nam trên thế giới.

Về tập thể, năm 2012, giải thưởng Kovalesvkaia được trao cho Trung tâm Sinh học thực nghiệm thuộc Viện Ứng dụng công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Trung tâm Sinh học thực nghiệm (tên cũ là Trung tâm Công nghệ Quang hợp và Cố định đạm) trực thuộc Viện Ứng dụng công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 7-1989. Trải qua 22 năm hoạt động, tập thể nữ cán bộ của Trung tâm luôn cố gắng trong công tác nghiên cứu, tham gia đào tạo, triển khai và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào đời sống, cống hiến cho sự nghiệp khoa học và công nghệ của nước nhà. Tập thể nữ cán bộ nghiên cứu liên tục đảm nhận 05 đề tài cấp Nhà nước, 31 nhiệm vụ cấp bộ, 30 đề tài cấp viện, 03 nhiệm vụ được tài trợ của các quỹ. Hầu hết các đề tài đều do các nữ cán bộ của đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện.

Các công trình tiêu biểu gồm: đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu công nghệ sản xuất các chế phẩm giàu dinh dưỡng và giàu hoạt tính sinh học từ nguồn vi tảo phục vụ cho dinh dưỡng người và động vật”, Dự án Sản xuất thử nghiệm “Sản xuất một số sản phẩm (viên nén, viên nang, cốm) giàu dinh dưỡng và giàu hoạt tính sinh học từ tảo Spirulina”, đề tài trọng điểm cấp bộ “Nghiên cứu trồng cây Nopal trên các vùng đất cát khô hạn làm cây che phủ đất, làm thức ăn gia súc và bước đầu xác định khả năng làm rau cho người”, nhiệm vụ cấp Nhà nước “Khai thác và phát triển nguồn gen Lan Kim Tuyến (Anoectochilus roxburghii (Wall.) Lindl.) và Bạch Tật Lê (Tribulus terrestris L.) làm nguyên liệu sản xuất thuốc”,…

Về cá nhân, giải thưởng Kovalevskaia được trao cho PGS, TS. Bạch Khánh Hòa - Viện Huyết học và truyền máu Trung ương. Với 30 năm công tác tại Viện, 14 năm giảng dạy tại Đại học Y Hà Nội, chị đã chủ trì 04 đề tài cấp bộ và 07 đề tài cơ sở, tham gia 02 đề tài cấp Nhà nước và 01đề tài của Sở Khoa học và Công nghệ. Chị là người đầu tiên làm về hệ thống HLA (hệ thống kháng nguyên) - dùng để ghép tạng, không thể thiếu trong khâu đầu tiên của ghép tạng; là một trong những bác sỹ tham gia ca ghép thận đầu tiên tại Việt Nam thành công. Chị cũng là người đầu tiên nghiên cứu về nhiễm sắc thể, sinh học phân tử đạt ngang tầm quốc tế, người đầu tiên ứng dụng thành công và triển khai kỹ thuật sàng lọc các bệnh di truyền trong máu, kết quả có ý nghĩa lớn lao tạo sự an toàn trong quá trình truyền máu.

Với những thành tích đạt được, chị đã vinh dự được nhận Danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, 9 Bằng khen của Bộ Y tế và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền.

Cũng tại buổi lễ này, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương phụ nữ Việt Nam Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”. 

Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhằm động viên phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện Đề án Tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam, năm 2012, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Cuộc thi viết “Những tấm gương phụ nữ Việt Nam Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” nhằm tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ Việt Nam về giá trị đạo đức truyền thống, những phẩm chất đạo đức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, biểu dương phụ nữ tiêu biểu trên khắp mọi miền của đất nước. Cuộc thi đã được hưởng ứng tích cực với gần 30.000 bài dự thi được chọn lọc gửi về Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Mỗi bài dự thi là một bài ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn và những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực, ngành, nghề, ở mọi cương vị công tác: công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, cán bộ, hội viên phụ nữ,… Hình ảnh phụ nữ Việt Nam được khắc họa cảm động, chân thực trong từng bài viết. Ban Tổ chức cuộc thi đã trao giải cho 3 tập thể và 15 tác giả, đồng thời trao tặng Bằng khen cho 14 nhân vật tiêu biểu được tôn vinh qua các bài dự thi.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng: Thành công lớn nhất mà cuộc thi mang lại chính là việc phát hiện, giới thiệu với công chúng hàng chục ngàn câu chuyện có thực về những người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu với các phẩm chất đạo đức tốt đẹp, làm át đi những tiêu cực, góp phần giúp bạn đọc thêm yêu cuộc sống, lạc quan, tin tưởng. Đó cũng chính là chúng ta đã học theo gương Bác trong công tác giáo dục chính trị - tư tưởng về biểu dương và học tập gương người tốt việc tốt trong quần chúng nhân dân, góp phần làm cho “cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân”, làm cho “cả dân tộc là một rừng hoa đẹp”.

Nhân dịp này, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cũng đã tặng Bằng khen cho 57 nữ tiến sĩ là hội viên Hội Nữ trí thức Việt Nam bảo vệ thành công luận án trong năm 2011 và năm 2012./.