Theo Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến ngày 18-2, nhiều khu vực thuộc 20 tỉnh, thành trên cả nước đã nhiều ngày không có mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm và cấp nguy hiểm.

Cụ thể, nhiều khu vực thuộc 11 tỉnh đang ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Nếu cháy rừng xảy ra thì hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan tràn rất nhanh gồm: Khu vực Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang); Khu vực Bù Đăng, Lộc Ninh, Phước Long, Bình Long, Đồng Phú (Bình Phước); Khu vực Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Tuy Phong (Bình Thuận); Khu vực Buôn Đôn, Ea H'leo, Ea Súp, Lắk, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk); Khu vực Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu (Đồng Nai); Khu vực Chư Păh, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Mang Yang, Krông Pa, TX. Ayun Pa (Gia Lai); Khu vực Phú Quốc (Kiên Giang); Khu vực Đắc Hà, Ngọc Hồi, Đắk Tô, Sa Thầy, TX. Kon Tum (Kon Tum); Khu vực Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Lạc Dương, Di Linh, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) và toàn tỉnh Đắk Nông, Tây Ninh.

 

Tại 9 tỉnh khác cũng có nhiều khu vực được cảnh báo thuộc diện nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp nguy hiểm, gồm: Khu vực Lục Nam, Lục Ngạn (Bắc Giang); Khu vực Long Điền, Tân Thành, Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu); Khu vực Khánh Sơn, TX. Cam Ranh (Khánh Hoà); Khu vực Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp (Nghệ An); Khu vực Ninh Sơn, Ninh Phước, Bác Ái (Ninh Thuận); Khu vực Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Quan Hóa (Thanh Hóa) và toàn tỉnh Cà Mau, Đồng Tháp, Long An.

 

Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng cháy, chữa cháy rừng yêu cầu UBND các cấp và chủ rừng thuộc các địa phương trên thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng./.