Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 07-01 đến 13-01-2013)
1. Hội nghị giao ban công tác tuyên giáo các đảng ủy trực thuộc Trung ương và các tổ chức chính trị - xã hội
Ngày 7-1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác tuyên giáo các đảng ủy trực thuộc Trung ương và các tổ chức chính trị - xã hội.
Hội nghị tập trung đánh giá công tác 6 tháng cuối năm 2012; những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; giới thiệu một số mô hình, cách làm mới có hiệu quả công tác tuyên giáo của ngành, lĩnh vực. Các đại biểu thảo luận đánh giá tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, những nét mới về diễn biến tư tưởng của ngành, đơn vị, những mặt thuận và không thuận; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp triển khai có hiệu quả công tác tuyên giáo năm 2013.
Hội nghị thống nhất, Ban Tuyên giáo các cấp thường xuyên tham mưu, chỉ đạo, định hướng và tổ chức công tác tuyên truyền, báo chí, xuất bản nhằm thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2013. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là tuyên truyền tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4( khóa XI) về công tác xây dựng Đảng, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; giải pháp, kết quả kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; Cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “ Hàng Việt về nông thôn”; tuyên truyền đối ngoại, hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ… Công tác tuyên giáo đẩy mạnh tuyên truyền trong nước và thông tin đối ngoại, làm cho bạn bè, dư luận quốc tế hiểu rõ lập trường, cơ sở pháp lý và thực tiễn về chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, vùng đặc quyền kinh tế nước ta và thềm lục địa; những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề biển Đông để nhân dân thế giới, nhất là nhân dân Trung Quốc hiểu hơn và ủng hộ lập trường đúng đắn của Việt Nam. Thông qua công tác tuyên truyền, khơi dậy lòng tự dân tộc, bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tư tưởng đoàn kết trong nhân dân; bồi đắp, giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ, tạo khí thế, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, đạt thành tựu tơ lớn, quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Ban hành Nghị quyết của Chính phủ số 02/NQ-CP
Ngày 7-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị quyết của Chính phủ số 02/NQ-CP “Về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu”.
Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2013 của Quốc hội giao: Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo sự chuyển biến ngay từ những tháng đầu năm, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, đồng thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước xử lý nợ xấu gắn với hỗ trợ phát triển thị trường, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động bám sát tình hình thực tế, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7 tháng 1 năm 2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; đồng thời tập trung chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu như sau: Giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư; Giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm; Về vốn tín dụng; Về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản...
3. Hội nghị toàn quốc triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Ngày 8-1, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Hội nghị được truyền hình trực tiếp; được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm quán triệt, triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại Hội nghị, đại biểu tại các điểm cầu đã nghe Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trình bày báo cáo về những nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; đồng chí Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Ban Biên tập trình bày Báo cáo về Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Theo Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, chậm nhất đến ngày 15-3-2013, Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cùng ngày, Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải được gửi đến Chính phủ; Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải được gửi đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tổng hợp. Chậm nhất đến ngày 31-3-2013: Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận gửi Báo cáo tổng hợp ý kiến đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Kế hoạch cũng quy định, chậm nhất đến ngày 20-4-2013: Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình dự thảo Báo cáo kết quả lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và dự kiến những vấn đề cần giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân để chỉnh lý các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; trình Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp xem xét, quyết định.
Đóng góp ý kiến với Hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đều cho biết, đang tích cực triển khai và khẳng định quyết tâm thực hiện tốt các nội dung trong Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các đại biểu cũng đề nghị Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho ý kiến về việc mở rộng thành phần tham dự hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại cấp hành chính thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
4. Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo toàn quốc năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013
Ngày 9-1, ngành tuyên giáo đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ: Năm 2012, công tác tuyên giáo vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Với quyết tâm và sự nỗ lực lớn, toàn ngành tuyên giáo đã tích cực triển khai nhiệm vụ công tác, đạt được những kết quả nổi bật. Ngành đã thực hiện tốt công tác tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; coi trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng; cùng toàn Đảng triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Ban Tuyên giáo Trung ương và toàn ngành tuyên giáo đã tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thường vụ cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên giáo trên các mặt tư tưởng, lý luận, tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, báo cáo viên, nghiên cứu dư luận xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, các vấn đề xã hội, thông tin đối ngoại. Toàn ngành đã tập trung tuyên truyền nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của đất nước; tích cực góp phần vào việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Hội nghị đã dành thời gian phân tích, làm rõ những hạn chế, thiếu sót của công tác tuyên giáo năm 2012, phân tích sâu sắc nguyên nhân chủ quan và khách quan; khẳng định một số bài học kinh nghiệm, nhất là bài học về nắm vững đường lối, bám sát thực tiễn, xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm, phát huy dân chủ, chủ động, kịp thời, chính xác, nhạy bén trong tham mưu, xử lý tình huống… Các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá tình hình, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác tuyên giáo năm 2013.
5. Hội thảo lý luận lần thứ nhất giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào
Từ ngày 10 đến 11-1, tại Hà Nội đã khai mạc Hội thảo lý luận lần thứ nhất giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào với chủ đề “Một số vấn đề lý luận thực tiễn chủ yếu trong quá trình đẩy mạnh công cuộc đổi mới ở Việt Nam và Lào”. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam tham gia Hội thảo do đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương làm Trưởng đoàn và Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do đồng chí Chương Xổm-bun-khẳn, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Xã hội Quốc gia Lào làm Trưởng Đoàn.
Trong báo cáo đề dẫn của mình, đồng chí Đinh Thế Huynh đánh giá cao ý nghĩa của việc lần đầu tiên tổ chức Hội thảo lý luận giữa hai Đảng; khẳng định Hội thảo lý luận lần thứ nhất giữa hai Đảng được tổ chức nhằm triển khai chương trình hợp tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn đổi mới giữa hai Đảng, hai nước, theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Cuộc hội thảo càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra ngay sau khi hai nước vừa khép lại năm 2012 "Năm Đoàn kết - Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam" với đầy ắp các hoạt động sôi nổi, thiết thực, hiệu quả chào mừng hai sự kiện lớn: 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ngày ký hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt Nam - Lào và ngay sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của đồng chí Tổng Bí thư Đảng NDCM Lào, Chủ tịch nước CHDCND Lào Chu-ma-ly Xay-nha-xỏn. Hội thảo là dịp để hai Đảng cùng nhau trao đổi những vấn đề lý luận và thực tiễn bức xúc đặt ra trong quá trình đổi mới và phát triển ở mỗi nước; cùng nghiên cứu và học tập những kinh nghiệm của hai Đảng và hai nước trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở mỗi nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe tham luận của các đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; đồng thời, trao đổi, thảo luận làm sâu sắc thêm các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.
6. Hội thảo khoa học về chủ đề “Nhận diện lợi ích nhóm”
Ngày 11-1, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nhận diện lợi ích nhóm” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học tập trung trao đổi về bản chất, tác động của lợi ích nhóm đến xã hội, đất nước và phát triển kinh tế ở Việt Nam; các dạng thức biểu hiện của lợi ích nhóm và tác hại của chúng; xu hướng phát triển của các dạng lợi ích nhóm ở Việt Nam; nguyên nhân tồn tại các loại lợi ích nhóm ở Việt Nam hiện nay; Lợi ích nhóm và vấn đề suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên. Các đại biểu đề xuất các giải pháp hạn chế tác hại ở lợi ích nhóm trong tổng thể các giải pháp chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Theo một số đại biểu, để ngăn chặn lợi ích nhóm cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh công khai hóa, minh bạch hóa các hoạt động của bộ máy công quyền; tăng cường kiểm tra chéo các hoạt động công vụ nhằm ngăn chặn khả năng hình thành lợi ích nhóm; nâng cao mức lương cho công chức để họ có thể sống được bằng lương, đồng thời cần có quy định để kiểm soát, giám sát thu nhập của cán bộ, công chức; tăng cường sự giám sát của cộng đồng xã hội để phát hiện những dấu hiệu bất thường. Đấu tranh chống lợi ích nhóm tiêu cực cần gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, với công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, với tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
7. Các địa phương triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013
* Bắc Kạn: Ngày 11-1, UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2013. Năm 2013, Bắc Kạn phấn đấu GDP tăng 13% so với năm 2012. Tổng doanh thu theo giá hiện hành đạt trên 6.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 20 triệu đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 390 tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 160.000 tấn. Trồng rừng đạt trên 12.500 ha. Tạo việc làm cho 4.500 lao động, giảm hộ nghèo xuống còn 12,5%...
* Bắc Ninh: Năm 2013, tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu phấn đấu thực hiện giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 14 tỉ USD, thu hút khoảng 50 dự án thứ cấp với tổng số vốn đăng ký từ 250-300 triệu USD; tạo mới việc làm cho 26.000 lao động. Để thực hiện mục tiêu trên, Bắc Ninh tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải tiến hoạt động bộ phận một cửa tạo điều kiện phục vụ các doanh nghiệp nhanh chóng, hiệu quả; đôn đốc, theo dõi chủ đầu tư triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án cấp bách ở các khu công nghiệp (KCN): VSIP – Bắc Ninh, Gia Bình, Yên Phong 2, Đại Đồng – Hoàn Sơn, Thuận Thành 3, Quế Võ 2 và 3. Đồng thời, tiếp tục tham gia tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư tại các quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản, vùng lãnh thổ Đài Loan.
* Vĩnh Long: Để đạt mục tiêu năm 2013 thu ngân sách được 2.686 tỉ đồng, ngay từ đầu năm tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo các ngành: Tài chính, Thuế và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh các biện pháp quản lý khai thác nguồn thu trong đó tập trung xử lý thu hồi nợ thuế tồn đọng của năm 2012 và các nguồn thu có tỷ trọng lớn như thu thuế doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nguồn thu từ đất đai, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… Trong quý 1/2013, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long tập trung xử lý các trường hợp nợ thuế, thu nợ đọng. Các Chi cục Thuế rà soát 2.137 doanh nghiệp đang hoạt động và 1.081 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, xử lý dứt điểm những trường hợp chưa đóng mã số thuế. Đối với các khoản gia hạn thời gian nộp thuế theo Nghị quyết 13 của Chính phủ, tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo Cục Thuế tổ chức kiểm tra, rà soát để kịp thời quản lý thu thuế các khoản gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên 56,8 tỉ đồng và khoản thu tiền sử dụng đất đối với 4 dự án hơn 34,5 tỉ đồng.
8. Bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo Tết cho gia đình chính sách, hộ nghèo
* Kiên Giang: Tỉnh Kiên Giang xuất ngân sách hơn 6,6 tỉ đồng hỗ trợ cho gia đình đối tượng chính sách, người có công với nước vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, mức hỗ trợ 200.000 - 400.000 đồng/hộ. Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với địa phương tập trung triển khai thực hiện tốt các chế độ, chi trả trợ cấp ưu đãi cho đối tượng chính sách, người có công; tổ chức nhiều đoàn đến thăm, chúc Tết, tặng quà gia đình thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng ở những vùng kháng chiến, căn cứ địa cách mạng năm xưa. Tỉnh vận động xã hội hóa kết hợp với ngân sách địa phương hỗ trợ hơn 23.000 hộ nghèo và cận nghèo với mức 400.000 đồng/hộ, trong đó đặc biệt quan tâm những hộ khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để mọi người đều có Tết. Tỉnh Kiên Giang cùng với Quân khu 9, các tỉnh Vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đến thăm, chúc Tết các đơn vị bộ đội, biên phòng đang làm nhiệm vụ trên đảo, gia đình chính sách, người có công với nước và nhân dân làm ăn, sinh sống trên các đảo thuộc hai huyện đảo Phú Quốc và Kiên Hải của tỉnh.
* Lâm Đồng: Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, tỉnh Lâm Đồng sẽ hỗ trợ gần 17 tỉ đồng cho hơn 90 nghìn cá nhân và gia đình có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh vui Xuân, đón Tết. 18.306 hộ nghèo được hỗ trợ mức là 200.000 đồng/hộ. Điểm mới của Tết năm nay là tỉnh cũng dành kinh phí để hỗ trợ 15.888 hộ cận nghèo đón Tết, với mức 150.000 đồng/hộ. Dịp này, các đối tượng chính sách gồm Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh hạng 1/4… được trợ cấp 1 triệu đồng/người. Các đối tượng khác như thương binh loại B, bệnh binh hạng 1/3, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội, đối tượng được nuôi dưỡng, điều trị tại các cơ sở bảo trợ xã hội… được hỗ trợ từ 150.000 – 500.000 đồng/người. Các cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang thuộc Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được hỗ trợ 500 triệu đồng trong thời gian làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh,. Tiền hỗ trợ người dân đón Tết được tỉnh giao cho UBND các huyện, thành phố tổ chức cấp phát đến đúng các đối tượng thụ hưởng trước ngày 1-2-2013 (trước ngày 21 tháng Chạp năm Nhâm Thìn).
* Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức khánh thành, bàn giao 5 trường mầm non thuộc các xã: Hùng Sơn, Đại Thành (huyện Hiệp Hòa), Cao Xá, Ngọc Thiện (Tân Yên), Canh Nậu (Yên Thế) của tỉnh Bắc Giang. Các công trình bao gồm 26 phòng học kiên cố và các công trình phụ trợ như tường bao, sân chơi, bếp ăn. VietinBank cũng tài trợ các trang thiết bị y tế cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang gồm 1 máy phân tích y tế, 1 máy siêu âm mầu 3D và 1 hệ thống nội soi đại tràng, dạ dày. Các công trình và thiết bị y tế có tổng trị giá 15 tỉ đồng được đưa vào sử dụng góp phần giúp các trường hoàn thiện về cơ sở vật chất, xây dựng trường chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng giáo dục;nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
9. Nâng cao khả năng tác chiến, bảo vệ vững chắc bầu trời của Tổ quốc
Ngày 13-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm và kiểm tra công tác trực ban huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của Đoàn tên lửa phòng không 64, Sư đoàn Phòng không 361, Quân chủng Phòng không Không quân.
Đoàn tên lửa phòng không 64 được trang bị đồng bộ tổ hợp tên lửa phòng không S-300 PMU 1 có thể tiêu diệt tất cả các phương tiện tập kích đường không hiện đại của đối phương không chỉ hiện tại mà cả trong tương lai như: các loại máy bay chiến lược và chiến thuật, ngay cả máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2A, máy bay ném bom chiến lược B-52 G, H…đồng thời tiêu diệt các loại tên lửa hành trình dạng Tomahowk, tên lửa đạn đạo chiến lược, chiến dịch - chiến thuật ở mọi giải độ cao và vận tốc, ngay cả trong mọi điều kiện có nhiễu cường độ lớn và các thủ đoạn kỹ chiến thuật... Tổ hợp tên lửa phòng không S-300 PMU 1 có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly 300 km, di chuyển cả giải phương vị 360 độ, diệt mục tiêu từ cự ly từ 5 km đến 150 km trên độ cao từ 10 m đến 27.000 m...
Kiểm tra công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại Đoàn tên lửa phòng không 64, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước những bước trưởng thành và phát triển vượt bậc, đi nhanh vào chính quy hiện đại của lực lượng phòng không, không quân để sẵn sàng bảo vệ vững chắc bầu trời của Tổ quốc. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của Sư đoàn Phòng không 361 nói chung và Đoàn tên lửa Phòng không 64 đã phát huy truyền thống anh hùng, lập được nhiều thành tích trong việc tiếp nhận, làm chủ nhanh các vũ khí hiện đại, hoàn thành huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cao, góp phần trực tiếp vào gìn giữ hòa bình, độc lập chủ quyền Quốc gia.
Nhân dịp sắp bước sang năm mới Quý Tỵ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời thăm hỏi, lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng phòng không không quân sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt./.
Hải quan Lào Cai: cải cách và từng bước hiện đại hóa  (15/01/2013)
Kinh tế Thủ đô: thành công năm 2012 và cơ hội năm 2013  (15/01/2013)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 7 đến ngày 13-01-2013  (15/01/2013)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 7 đến ngày 13-01-2013  (15/01/2013)
Chia sẻ thông tin hợp tác công tư về phát triển hạ tầng  (15/01/2013)
Diễn đàn tài chính châu Á thu hút sự quan tâm lớn  (15/01/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên