Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 7-01 đến ngày 13-01-2013)
20:18, ngày 14-01-2013
TCCSĐT - Ngày 7-01-2013, Cam-pu-chia đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 34 năm chiến thắng chế độ diệt chủng tàn bạo Pôn Pốt (Pol Pot).
1. Cam-pu-chia kỷ niệm 34 năm ngày độc lập
Cam-pu-chia kỷ niệm 34 năm ngày độc lập (7-01-1979 - 7-01-2013) |
Ngày 7-01-2013, Cam-pu-chia đã tổ chức mít tinh kỷ niệm 34 năm chiến thắng chế độ diệt chủng tàn bạo Pôn Pốt (Pol Pot). Phát biểu trước hơn 10.000 đảng viên, Chủ tịch Danh dự Đảng Nhân dân Cam-pu-chia, Xam-đéc Heng Xam-rin (Samdech Heng Samrin) nhấn mạnh, với chiến thắng ngày 7-1-1979, nhân dân Cam-pu-chia có tất cả mọi thứ ngày hôm nay và hướng đến tương lai đầy hy vọng. Chủ tịch X. Xam-rin khẳng định, tự hào với những thành tựu ngày hôm nay, nhưng không người dân Cam-pu-chia nào quên được những ngày tháng đen tối cách đây 34 năm. Chỉ trong hơn 3 năm, hơn 3 triệu người dân Cam-pu-chia đã bị giết hại dã man, toàn bộ cơ sở kinh tế - xã hội của đất nước bị đảo lộn. Chế độ diệt chủng tàn bạo của Pôn Pốt bị lật đổ khi lực lượng cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia vùng lên với sự giúp đỡ của bộ đội tình nguyện Việt Nam. Lễ kỷ niệm năm nay diễn ra trong bối cảnh Vương quốc Cam-pu-chia đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, như tổ chức thành công bầu cử Thượng viện và bầu cử Hội đồng xã phường, hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2012, và đặc biệt là những chỉ số phát triển ấn tượng về kinh tế xã hội. Năm 2012, kinh tế Cam-pu-chia đạt mức tăng trưởng 7%, dự kiến năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của Cam-pu-chia sẽ vượt mức 1.000 USD/năm, đưa Cam-pu-chia trở thành nước có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình.
2. Xin-ga-po lần đầu tiên có nữ Chủ tịch Quốc hội
Ngày 8-01-2013, Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố, ông sẽ đề cử bà Ha-li-ma Y-ca-cốp (Halimah Yacob) giữ chức Chủ tịch Quốc hội mới, thay thế ông Mai-cơn Pan-mơ (Michael Palmer). Nếu không có gì thay đổi, bà Ha-li-ma Y-ca-cốp sẽ trở thành nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Xin-ga-po. Tại phiên họp với các thành viên Quốc hội thuộc Đảng Nhân dân hành động (PAP) cầm quyền, Thủ tướng Lý Hiển Long đã tóm tắt quyết định đề cử của mình và nhận được sự ủng hộ của các thành viên. Bà Ha-li-ma Y-ca-cốp, 58 tuổi, đã giữ chức Quốc vụ khanh Bộ Phát triển cộng đồng, Thanh niên, Thể thao và Bộ Phát triển Xã hội và Gia đình trong 2 năm qua.
3. Lễ bàn giao chức Tổng Thư ký ASEAN cho Việt Nam
Ông Lê Lương Minh (trái) bắt tay Tổng Thư ký ASEAN mãn nhiệm Xu-rin Pít-xu-van |
Ngày 9-01-2013, tại Gia-các-ta (Jakarta), In-đô-nê-xi-a, ông Lê Lương Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức đảm nhận cương vị Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhiệm kỳ 2013 - 2017. Tổng Thư ký ASEAN mãn nhiệm Xu-rin Pít-xu-van (Surin Pitsuwan), cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan, đã nhấn mạnh kết quả hợp tác chặt chẽ, tốt đẹp giữa ASEAN và các nước đối tác, góp phần củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và nâng cao vị thế của khối trên phạm vi toàn cầu, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho việc thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN giữa 6 nước thành viên cũ (Xin-ga-po, Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin) và 4 nước thành viên mới (Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma). Về phần mình, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nêu bật sự cần thiết tăng cường nỗ lực và thiện chí của cả đôi bên, ASEAN và Trung Quốc, trên cơ sở những tiến bộ đã đạt được trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc nhân kỷ niệm 10 năm DOC, để đẩy nhanh đàm phán, tiến tới hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), nhằm bảo đảm ASEAN và Đông Á là một khu vực hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển. Ông Lê Lương Minh khẳng định trong nhiệm kỳ 5 năm (2013 - 2017), ông và Ban thư ký ASEAN sẵn sàng làm việc chặt chẽ với các nước thành viên để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra cho ASEAN, trong đó có việc xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
4. Đối thoại an ninh chiến lược Trung - Nga lần 8
Ngày 9-01-2013, vòng 8 đối thoại an ninh chiến lược Trung - Nga đã diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc với sự chủ trì của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc và Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Ni-cô-lai Pa-tru-sép (Nikolai Patrushev). Tại các cuộc hội đàm, hai bên nhất trí tiếp tục hoàn thiện, sử dụng hiệu quả cơ chế đối thoại an ninh chiến lược, đưa ra những đóng góp mới cho phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Nga. Hai bên thống nhất rằng, Trung Quốc và Nga cần kiên định ủng hộ sự lựa chọn con đường phát triển của nhau, ủng hộ nhau trong vấn đề giữ gìn chủ quyền, an ninh và bảo vệ lợi ích quốc gia, hỗ trợ nhau trong công cuộc chấn hưng và phát triển đất nước. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác chiến lược trên vấn đề quốc tế và khu vực, xét tới các mối quan tâm của nhau, duy trì và tăng cường sự tiếp xúc, điều phối và hợp tác trong khuôn khổ các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, G 20, BRICS,... Trước đó, tại vòng tham vấn an ninh chiến lược Trung - Nga lần thứ 7 diễn ra tại Mát-xcơ-va ngày 20-8-2012, Nga và Trung Quốc đã cùng thể hiện mong muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác song phương, tăng cường liên hệ và phối hợp về những vấn đề quốc tế cũng như khu vực thông qua cơ chế đối thoại an ninh chiến lược.
5. Nhật Bản - Hàn Quốc tiến hành đối thoại chiến lược
Ngày 10-01-2013, tại thủ đô Tô-ki-ô (Tokyo), Nhật Bản đã diễn ra cuộc đối thoại chiến lược lần thứ 12 kể từ năm 2005 giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây cũng là cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên kể từ khi hai nước đều có lãnh đạo mới hồi tháng 12-2012 mà phía Nhật Bản là Thủ tướng Sin-dô A-bê (Shinzo Abe) còn phía Hàn Quốc là nữ Tổng thống Pắc Cưn Hi (Park Geun-Hye). Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chi-cao Ca-oai (Chikao Kawai) và người đồng cấp Hàn Quốc An Hô Dâng (Ahn Ho-young) đã tiến hành cuộc đối thoại và “có những trao đổi quan điểm thẳng thắn về cách thức thúc đẩy, tăng cường hơn nữa các quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc”. Ông Ch. Ca-oai đề xuất hợp tác song phương để xây dựng một quan hệ “hướng về tương lai” bất chấp “những vấn đề khó khăn đôi lúc xảy ra”. Tại cuộc đối thoại này, hai nước cũng nhất trí duy trì, tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ trong vấn đề Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc rơi vào tình trạng căng thẳng trong năm 2012 sau khi Tổng thống Hàn Quốc sắp mãn nhiệm Li Minh-bắc (Lee Myung-bak) có chuyến thăm tới hòn đảo tranh chấp Đốc-Đô/Ta-kê-si-ma (Dokdo/Takeshima). Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Pắc Cưn Hi cho rằng việc thành lập hai chính phủ mới ở Hàn Quốc và Nhật Bản có thể sẽ là “điểm khởi đầu tốt” cho mối quan hệ song phương.
6. Nhật Bản thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 224 tỷ USD
Ngày 11-01-2013, Nội các Nhật Bản thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 20.000 tỷ yên (tương đương với 224 tỷ USD) nhằm thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản đang trì trệ hiện nay. Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê nhấn mạnh, kiềm chế giảm phát và ngăn đà tăng giá của đồng yên rất quan trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản hiện nay. Gói kích thích này dự kiến giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản tăng thêm 2%, đồng thời tạo ra 600.000 việc làm. Ngay sau khi Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Sin-dô A-bê thắng cử trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 12-2012, Chính phủ Nhật Bản, Đảng Dân chủ Tự do và đối tác liên minh của đảng này là Đảng Công minh mới (NKP) đã nỗ lực đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế. Theo đó, Chính phủ Trung ương sẽ chi 10,3 nghìn tỷ yên cho gói kích thích kinh tế này. Chính phủ cũng sẽ chi hơn 19.000 tỷ yên cho việc tái thiết các khu vực bị thiệt hại nặng nề sau thảm họa động đất, sóng thần hồi tháng 3-2011.
7. Li-bi tổ chức Hội nghị cấp cao an ninh 3 bên
Hôm 12-01-2013, tại thành phố Gha-đa-mê (Ghadames), miền Tây Li-bi đã tổ chức Hội nghị cấp cao về an ninh cùng 2 nước láng giềng Tuy-ni-di và An-giê-ri. Phát biểu trong buổi họp báo sau Hội nghị, Thủ tướng Li-bi A-li Di-đan (Ali Zeidan) cho biết, Hội nghị là bước quan trọng để cải thiện quan hệ giữa 3 nước láng giềng này. Đây cũng là một trong những nỗ lực nhằm xác định mối quan hệ hữu nghị sâu sắc giữa Li-bi, Tuy-ni-di và An-giê-ri, đồng thời tìm ra các biện pháp hợp tác một cách tích cực và hiệu quả. Thủ tướng Tuy-ni-di Ha-ma-đi Giê-ba-li (Hamadi Jebali) cho biết, Tuy-ni-di sẽ cố gắng đẩy mạnh sự ổn định trên lãnh thổ nước này nhằm mang lại lợi ích cho đất nước cũng như khu vực. Ông H. Giê-ba-li nhấn mạnh Hội nghị cấp cao này có ý nghĩa quan trọng vì nó diễn ra ở một thành phố gần biên giới chung giữa 3 nước. Tuy-ni-di hy vọng các nước có thể thống nhất quan điểm về vấn đề an ninh trong cuộc họp lần này.
8. Hai-ti tưởng niệm 3 năm xảy ra động đất
Ngày 12-01-2013, Tổng thống Hai-ti Mi-chen Ma-tê-li (Michel Martelly) kêu gọi người dân Hai-ti tưởng nhớ hàng chục nghìn người đã bị thiệt mạng trong trận động đất khủng khiếp cách đây 3 năm. Trong lễ tưởng niệm, Tổng thống Mi-chen Ma-tê-li gửi lời cảm ơn tới các nước, các tổ chức quốc tế đã giúp đỡ nước này từ sau trận động đất ngày 12-1-2010. Tổng thống Hai-ti cho biết, Chính phủ vừa công bố bộ luật xây dựng mới nhằm bảo đảm các công trình xây dựng có khả năng chống đỡ được động đất. Theo thống kê của Chính phủ Hai-ti, 316.000 người bị thiệt mạng, hơn 1 triệu người mất nhà cửa do trận động đất này. Nhiều ý kiến chỉ trích tiến độ tái thiết chậm và việc giải ngân nhỏ giọt của các tổ chức tài trợ quốc tế. Hiện vẫn còn hơn 350.000 người sống trong các khu lều bạt tạm bợ. Ngày 13-1, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ cấp cho Hai-ti 30,5 triệu ơ-rô để hỗ trợ cho những người sống tại các trại tị nạn, những nạn nhân của dịch tả và những người bị ảnh hưởng do bão Xan-đi (Sandy). Quỹ Clin-tơn (Clinton) cũng thông báo đóng góp 30 đèn chiếu sáng chạy bằng năng lượng mặt trời tại một khu nhà nhà dành cho những người bị khiếm thính ở phía Bắc Thủ đô Póc-au-Prin (Port-au-Prince).
9. Báo động tình trạng ô nhiễm tại Bắc Kinh
Ngày 13-01-2013, chính quyền thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc khuyến cáo người dân nên ở trong nhà, ít ra ngoài trời vì ô nhiễm không khí đã tới mức nguy hiểm. Trung tâm Quan trắc môi trường Bắc Kinh cho biết, tại nhiều khu vực ở Bắc Kinh, mật độ hạt PM 2,5 (bao gồm các hạt bụi trong không khí với đường kính đo được nhỏ hơn 2,5 micrômét) đã vượt ngưỡng 700 microgram/1 m3. Do các hạt bụi bẩn đủ nhỏ để đi sâu vào phổi của người dân, PM 2,5 được xếp vào loại nguy hiểm nếu tồn tại quá lâu trong không khí và đường hô hấp. Trung tâm Quan trắc môi trường Bắc Kinh khuyến cáo người già và trẻ em nên ở trong nhà, những người khác cần tránh các hoạt động ngoài trời. Nhiều người đã ở trong nhà và bật máy lọc không khí. Nguyên nhân dẫn tới việc ô nhiễm không khí tăng cao là do khí thải ô tô, nhà máy hóa chất và bụi đường. Việc thiếu gió khiến không khí không thể phân tán các chất thải, chúng càng ngày càng cô đặc và gây ô nhiễm nặng. Ô nhiễm không khí đang là vấn đề lớn tại Trung Quốc do tốc độ công nghiệp hóa nhanh, phụ thuộc nhiều vào than, và việc gia tăng sở hữu ô tô riêng. Trung tâm Quan trắc môi trường Bắc Kinh cho biết, tình trạng không khí còn xấu cho tới ngày 15-1-2013. Trung tâm Quan trắc môi trường Bắc Kinh đã triển khai 14 đội kiểm tra đến 14 quận huyện trong thành phố để giám sát các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí. 28 công trình đang xây dựng đã phải ngừng thi công và hơn 50 nhà máy, trong đó có tập đoàn ô tô Hyundai Bắc Kinh, đã đồng ý yêu cầu giảm 30% lượng khí thải./.
Một số vấn đề cấp bách trong đổi mới công tác cán bộ hiện nay  (14/01/2013)
Trung Quốc với vấn đề nợ công  (14/01/2013)
Hội thảo quan hệ quốc tế: “Trật tự thế giới từ năm 2001 đến năm 2012” (Tổng thuật)  (14/01/2013)
Thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng gắn với triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam  (14/01/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên