Thành tựu chủ yếu trong lĩnh vực Văn hóa, Thể Thao và Du lịch năm 2012 và nhiệm vụ đặt ra cho năm 2013.
Năm 2012 ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT - DL) đã nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động trên nhiều lĩnh vực và đạt những kết quả quan trọng.
- Về quản lý Nhà nước, ngành đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý trên các lĩnh vực hoạt động của ngành. Nhiều văn bản pháp quy và đề án quan trọng được phê duyệt, góp phần tiếp tục hoàn thiện các chế độ, chính sách và hệ thống tổ chức quản lý. Trong năm, Bộ VHTT-DL đã trình Chính phủ ban hành 7 nghị định, 1 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ra 12 quyết định; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành 20 văn bản, đề án khác thuộc lĩnh vực VHTT-DL. Ngoài ra, Bộ VHTT-DL còn ban hành theo thẩm quyền 24 Thông tư thuộc các lĩnh vực hoạt động quản lý, đề án, chương trình và kế hoạch, chiến lược phát triển ngành.
Trong chỉ đạo, điều hành, đã bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động sáng tạo đưa ra nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về VHTT-DL. Hệ thống tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành sau hơn 5 năm hoạt động theo cơ chế quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đã có sự trưởng thành, ngày càng gắn kết và phát huy được vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Công tác thanh tra chuyên ngành đã phát huy quyền năng quản lý và hỗ trợ trong định hướng phát triển; làm tốt việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là các hoạt động du lịch, lễ hội, quản lý và tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Qua kiểm tra, thanh tra, ngành đã kịp thời chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, dịch vụ, nâng cao vai trò quản lý điều hành nhà nước theo luật định.
- Hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế về VHTT-DL tiếp tục được mở rộng. Đã ký kết 11 văn bản, hiệp định, điều ước quốc tế trong lĩnh vực VHTT-DL, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế và tăng cường sự hiểu biết, tình đoàn kết và hợp tác hữu nghị với bạn bè trên thế giới.
Đặc biệt, trong từng lĩnh vực hoạt động chuyên ngành đã tạo được dấu mốc quan trọng hơn hẳn các năm trước:
- Về lĩnh vực Văn hóa, Gia đình, năm 2012, các di sản văn hóa truyền thống của Việt Nam tiếp tục được vinh danh như: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở Phú Thọ được đưa vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; “ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)” được xếp vào loại di sản tư liệu ký ức của thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình dương, nâng tổng số di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận lên 17 di sản. Hiện cả nước đã có 134 bảo tàng công lập và ngoài công lập; hơn 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, trong đó 34 di tích được xếp hạng đặc biệt (riêng năm 2012 có 24 di tích được xếp hạng này); 30 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và tôn vinh các anh hùng dân tộc, các lãnh tụ của Đảng, của đất nước theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương, ngành VHTT-DL đã đảm nhận tốt vai trò thường trực cho các hoạt động này. Nhiều sự kiện, nhiều ngày lễ lớn, nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch được tổ chức và mang lại hiệu quả quan trọng. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, biểu diễn đã đáp ứng căn bản nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Một số sự kiện văn hóa lớn như: Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ II, Liên hoan Xiếc quốc tế, Liên hoan Múa rối quốc tế… Lễ tôn vinh và trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn hóa nghệ thuật lần thứ III, trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ VII được tổ chức trọng thể, ghi nhận và tôn vinh đối với cống hiến của các văn nghệ sĩ cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.
- Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục được đẩy mạnh, gắn kết với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò là phong trào thi đua yêu nước rộng lớn, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn ở cơ sở trong cả nước.
Công tác tổ chức xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã tập trung bám sát các mục tiêu, giải pháp cơ bản để bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2011 đến 2020. Tổ chức thành công các ngày hội giao lưu văn hóa cấp toàn quốc và cấp vùng như Liên hoan văn hóa các dân tộc Việt Nam; Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm (Ninh Thuận) và khánh thành cụm Tháp Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Liên hoan Tuyên truyền văn hóa tuyến biên giới khu vực miền Trung - Tây Nguyên… góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Gia đình Việt Nam đến năm 2020 và ban hành Nghị định số 02/2013/NĐ-CP, ngày 03 tháng 01 năm 2013 quy định về công tác gia đình. Công tác tuyên truyền việc xây dựng gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được đẩy mạnh; nhiều mô hình can thiệp phòng chống bạo lực gia đình bước đầu phát huy hiệu quả tốt và được nhân rộng.
- Về lĩnh vực Thể dục thể thao
Cuộc vận dộng “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại giai đoạn 2012-2020” được đẩy mạnh. Ngành đang tích cực chuẩn bị tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII năm 2014. Quy mô, chất lượng các phong trào thể thao quần chúng cũng được nâng lên, các chỉ tiêu cơ bản hoàn thành theo đúng kế hoạch. Tại các giải thể thao quốc tế năm 2012, các vận động viên Việt Nam đã giành được 5 HCV, 2 HCB, 3 HCĐ. Học sinh và sinh viên Việt Nam tham dự các Đại hội Thể thao học sinh và Đại hội Thể thao Động Nam Á tiếp tục đạt được thứ hạng cao trong khu vực.
Công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên luyện tập, thi đấu tại các Đại hội, giải thể thao khu vực và thế giới được quan tâm hơn. Thành tích một số môn thể thao thành tích cao có bước phát triển đáng khích lệ (thể dục dụng cụ, bắn súng, bơi lội). Tham dự vòng loại Olympic, Việt Nam có 18 vận động viên giành vé chính thức ở 11/13 môn thi đấu. Tại các giải thể thao quốc tế năm 2012, vận động viên Việt Nam đã giành được 271 huy chương vàng, 234 huy chương bạc và 154 huy chương đồng. Trong đó, nhiều vận động viên đạt được thứ hạng cao cấp khu vực và thế giới như: Nguyễn Tiến Minh (Cầu lông), Phan Thị Hà Thanh, Nguyễn Hà Thanh (Thể dục dụng cụ), Nguyễn Thị Ánh Viên (Bơi lội)…
- Về du lịch
Trong bối cảnh chịu tác động của suy thoái kinh tế thế giới và khu vực, Việt Nam tiếp tục khắng định là một trong những điểm sáng tạo được điểm nhấn chú ý, thu hút hơn 6,8 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 32,5 triệu lượt khách nội địa, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 160 nghìn tỷ đồng.
Sự liên kết giữa các địa phương trong việc hình thành các khu vực, tuyến, điểm du lịch được quan tâm chỉ đạo và thực hiện đồng bộ hơn. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư khá cơ bản, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch. Cùng với việc Vịnh Hạ Long chính thức đón nhận danh hiệu Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới và triển khai tốt các hoạt động Năm Du lịch Quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012, Việt Nam tiếp tục khẳng định là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn và giàu bản sắc văn hóa.
Một số khó khăn hạn chế cần được khắc phục
- Về văn hóa, gia đình, tình trạng vi phạm di tích, danh lam thắng cảnh vẫn xảy ra ở một số địa phương. Việc tu bổ di tích không xin phép vẫn tiếp tục diễn ra một số địa phương. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở hiện có còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế, nhất là các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em; những công trình đã có lại chưa được khai thác, vận hành hiệu quả. Các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật chưa được hoàn thiện, các chế tài chưa đủ sức răn đe, tình trạng vi phạm tái diễn kéo dài, nhất là trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Chính sách đối với văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập. Tình trạng các vụ bạo lực gia đình, đặc biệt là đối với phụ nữ, người già và trẻ em có xu hướng diễn ra nghiêm trọng. Trong năm 2011, theo số liệu báo cáo của 56 tỉnh/thành, cả nước có gàn 46.500 vụ bạo lực gia đình, 6 tháng đầu năm 2012 có trên 25.00 vụ, trong đó đối tượng là phụ nữ chiếm hơn 60%; tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở địa phương chậm được kiện toàn.
- Về thể dục, thể thao
Phong trào thể dục thể thao quần chúng tuy có bước phát triển song còn mang tính tự phát, chưa trở thành thói quen, nếp sống hàng ngày của phần lớn dân cư. Thành tích thể thao ở một số môn thể thao cơ bản và các môn trong chương trình Olympic tuy có tiến bộ nhưng nhìn chung còn thấp so với châu lục và thế giới; đội tuyển bóng đá quốc gia thi đấu thiếu thuyết phục tại AFC Suzuki Cup 2012.
Việc đào tạo lực lượng vận động viên trẻ kế cận và chuẩn bị cho các đại hội lớn chưa đáp ứng yêu cầu theo lộ trình phát triển lâu dài và bền vững; chế độ dinh dưỡng cho vân động viên và trang thiết bị tập luyện cho các đội tuyển quốc gia còn rất nhiều khó khăn chưa khắc phục được. Các hiện tượng tiêu cực trong thi đấu thể thao, nhất là bóng đá vẫn diễn ra phức tạp; công tác điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp bộc lộ nhiều yếu kém và bất cập.
- Về Du lịch, quy hoạch phát triển du lịch ở cấp quốc gia, cấp vùng và khu vực còn thiếu tính chiến lược và tính đồng bộ. Cảnh quan môi trường du lịch chưa được chú trọng bảo vệ, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững tài nguyên du lịch và môi trường sống. Việc quảng bá, xúc tiến chưa được đầu tư tương xứng, thiếu trọng tâm, thiếu tính chuyên nghiệp nên hiệu quả thấp. Chưa có sản phẩm du lịch chất lượng cao mang bản sắc văn hóa dân tộc nên chưa có thương hiệu du lịch bảo đảm có thể cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Nạn lừa đảo, nâng giá, ép giá khách và các tệ nạn xã hội khác chưa được khắc phục dứt điểm, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh du lịch Việt Nam.
Tại Hội nghị này, ngành VHTT-DL đã bàn thảo và xây dựng phương hướng khả thi trong năm 2013. Nhiệm vụ trọng tâm sẽ được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm là: Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Từ đó, rút ra những bài học quan trong tiếp tục phát triển mạnh mẽ sự nghiệp VHTT - DL trong giai đoạn mới; Đổi mới quản lý nhà nước và cải cách thể chế của ngành; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Đề án, các Chương trình mục tiêu quốc gia được Chính phủ phê duyệt; Tập trung xây dựng các thiết chế VHTT - DL, xây dựng môi trường văn hóa và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; Tiếp tục triển khai mạnh và xây dựng tốt hệ thống thiết chế về công tác gia đình, thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia về Gia đình đã được Chính phủ phê duyệt; Mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động thể dục thể thao, kiên quyết khắc phục tình trạng yếu kém và tiêu cực trong hoạt động thể thao chuyên nghiệp và có kế hoạch hành động cụ thể để phát triển lực lượng thể thao chuẩn bị tham gia các đại hội thể thao lớn trong khu vực và quốc tế.
- Về du lịch, sẽ tận dụng cơ hội tăng trưởng, chuyển sang phát triển theo chiều sâu, bền vững và hướng xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia có đủ sức cạnh tranh trong khu vực theo định hướng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020./.
Năm Hữu nghị Việt - Ấn tạo đà cho sự phát triển mới  (10/01/2013)
Đại biểu cấp cao tỉnh Vĩnh Phúc làm việc tại Lào  (10/01/2013)
Đa dạng văn hóa và sự phát triển xã hội  (10/01/2013)
Đổi mới doanh nghiệp nhà nước ở nước ta hiện nay  (10/01/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên