Đa dạng văn hóa và sự phát triển xã hội

Ngô Đức Thịnh GS, TS, Viện Khoa học xã hội Việt Nam
21:06, ngày 10-01-2013
TCCS - Tính đa dạng về sắc thái là bản chất của văn hóa. Đặc biệt, với văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa “thống nhất trong đa dạng” thì tính đa dạng lại càng thể hiện rõ trên nhiều phương diện và mức độ khác nhau, như đa dạng văn hóa tộc người, văn hóa vùng (văn hóa địa phương), văn hóa tôn giáo, văn hóa nghề nghiệp (nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công, buôn bán,...), văn hóa đô thị và nông thôn, thậm chí cả văn hóa làng và văn hóa dòng họ,...
Các sắc thái văn hóa tộc người

Việt Nam từ thời lập quốc với quốc hiệu Văn Lang - Âu Lạc (cách ngày nay khoảng 2.500 năm) đã là quốc gia đa tộc người. Các dấu hiệu văn hóa hiện tại còn nhận biết được qua các di vật khảo cổ học cho thấy, có thể cư dân của các quốc gia cổ đại ấy nói các ngôn ngữ khác nhau thuộc ngữ hệ Môn - Khmer cổ, Việt - Mường cổ, Tày - Thái cổ.

Cùng với việc mở rộng và củng cố cương vực của các triều đại phong kiến, thì tính đa tộc người của quốc gia Việt Nam càng trở nên rõ rệt hơn. Theo công bố chính thức của Nhà nước vào năm 1972, nước Việt Nam có 54 tộc người, thuộc nhiều nhóm ngôn ngữ - tộc người khác nhau: Việt - Mường, Môn - Khmer, Tày - Thái, Nam Đảo, Mông - Dao, Tạng - Miến, Hán, với những sắc thái văn hóa rất phong phú, đa dạng. Sắc thái văn hóa đa dạng ấy thể hiện trên ba cấp độ: nhóm ngôn ngữ - tộc người, tộc người và của nhóm địa phương.

Từ góc độ tộc người và văn hóa, Việt Nam giống như một Đông Nam Á thu nhỏ, bởi vì trên lãnh thổ Việt Nam hiện tồn tại đầy đủ các đại diện của các nhóm ngôn ngữ - tộc người (ngữ hệ và ngữ tộc) lớn của Đông Nam Á, như Nam Á (trong đó có Môn - Khmer, Việt - Mường, Thái, Mông - Dao), Nam Đảo (Austronesien) và Hán - Tạng (Tạng - Miến, Hán).

Từ các mối quan hệ tộc người, sự tương đồng về những đặc trưng văn hóa cũng thể hiện khá rõ. Mỗi tộc người thường hình thành các nhóm địa phương, giữa chúng có những khác biệt nhất định về thổ ngữ (phương ngữ), trang phục, phong tục tập quán, nghi lễ. Tình trạng đó khiến cho tính đa dạng và phong phú của văn hóa tộc người càng trở nên sống động và rõ rệt hơn.

Như vậy, xét từ góc độ nguồn gốc và lịch sử, Việt Nam là nơi hội tụ giữa các tộc người bản địa (Việt - Mường, Môn - Khmer) với các tộc từ phía bắc di cư xuống (Thái, Mông - Dao, Tạng - Miến, Hán) và từ biển phía nam lên (Nam Đảo). Tình trạng cư trú xen cài giữa các tộc người, một mặt, tạo môi trường thuận lợi cho sự giao lưu văn hóa; mặt khác, làm tách biệt giữa các nhóm địa phương của tộc người, góp phần làm suy giảm đáng kể tính thống nhất và cố kết văn hóa giữa các nhóm địa phương của tộc người, khiến bức tranh văn hóa càng trở nên phức tạp hơn.

Do lịch sử phân bố và di cư của các tộc người, ở Việt Nam đã hình thành nên các vùng sinh thái - tộc người khác nhau, như: Cư dân - tộc người đồng bằng và ven biển (Việt - Mường), cư dân - tộc người thung lũng (Tày - Thái), cư dân - tộc người rẻo núi giữa và cao nguyên (Môn - Khmer, Nam Đảo), cư dân - tộc người rẻo núi cao (Mông - Dao, Tạng - Miến). Chính nhân tố sinh thái tộc người này đã tạo nên những truyền thống văn hóa khác nhau, góp phần làm phong phú, đa dạng hơn văn hóa các tộc người Việt Nam.

Các sắc thái văn hóa vùng

Văn hóa vùng (hay văn hóa địa phương) là một thực thể văn hóa, hình thành và tồn tại trong một không gian lãnh thổ nhất định, thể hiện qua một tập hợp các đặc trưng văn hóa về cách thức hoạt động sản xuất; về ăn, mặc, ở, đi lại; về cách tổ chức xã hội cổ truyền và giao tiếp cộng đồng; về tín ngưỡng, phong tục và lễ hội; về các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật; về vui chơi giải trí; về các sắc thái tâm lý của cư dân,... từ đó có thể phân biệt với các đặc trưng văn hóa của vùng khác. Những đặc trưng văn hóa đó hình thành và định hình trong quá trình lịch sử lâu dài, do cư dân các dân tộc trong vùng thích ứng với cùng một điều kiện môi trường, có sự tương đồng về trình độ phát triển xã hội, đặc biệt là giữa họ có mối quan hệ giao lưu văn hóa mật thiết.

Trên cơ sở những quan niệm lý thuyết nêu trên có thể phân vùng văn hóa Việt Nam thành 7 vùng văn hóa lớn, trong mỗi vùng lại có thể phân chia thành các tiểu vùng văn hóa nhỏ hơn, khoảng 23 tiểu vùng, bao gồm: vùng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, vùng văn hóa Việt Bắc, vùng văn hóa Tây Bắc và miền núi Thanh - Nghệ, vùng văn hóa Bắc Trung Bộ,  vùng văn hóa Nam Trung Bộ, vùng văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên, vùng văn hóa Nam Bộ.

Đa dạng văn hóa và sự phát triển xã hội

1- Từ đa dạng sinh học tới đa dạng văn hóa

Việt Nam nằm trong vùng chuyển tiếp giữa lục địa Đông Á, Nam Á với lục địa Úc châu, do vậy tính đa dạng về tự nhiên, thế giới động, thực vật càng thể hiện rõ rệt hơn. Hệ sinh thái của con người ở đây là “hệ tạp”, thức ăn của con người thuộc hệ sinh thái này cũng là “ăn tạp”, tức là con người tìm kiếm, sản xuất và tiêu thụ nhiều loại thực phẩm khác nhau cho bữa ăn hằng ngày.

Nếu coi văn hóa là kết quả, là sự thể hiện quá trình thích ứng của con người trong môi trường tự nhiên nhất định, thì từ đa dạng sinh học đến đa dạng văn hóa là thuộc về quy luật và mối quan hệ bản chất. Điều đó cũng có nghĩa, muốn bảo tồn và làm giàu tính đa dạng văn hóa thì phải bắt nguồn từ việc bảo tồn và làm giàu đa dạng sinh học.

Con người Việt Nam không phải là con người thuần nhất, mà thuộc về các tộc người, các nhóm địa phương, bộ phận dân cư, nghề nghiệp, tôn giáo,... khác nhau. Do vậy, cho dù cùng một điều kiện tự nhiên, mỗi tộc người, nhóm dân cư đều có cách thích ứng riêng, mang truyền thống và bản sắc riêng của cộng đồng của mình.

Cho nên, nếu hiểu khái niệm “sinh học” theo nghĩa bao quát, tức là không chỉ động thực vật, mà cả con người với tư cách là một bộ phận của tự nhiên, thì từ đa dạng sinh học đến đa dạng văn hóa là hiểu cả theo chiều tự nhiên với con người và ngược lại, con người với tự nhiên. Và như vậy cũng có nghĩa là muốn bảo tồn tính đa dạng về sinh học, về tự nhiên thì cũng phải từ sự bảo tồn tính đa dạng của văn hóa.

2- Đa dạng và thống nhất của văn hóa

Không thể nói “đa dạng văn hóa” theo kiểu một chiều, mà văn hóa Việt Nam còn thể hiện mặt thống nhất của nó, đó là sự thống nhất của đa dạng, từ đa dạng.

Sự thống nhất của văn hóa Việt Nam có cơ sở tự nhiên và con người. Tính chất nhiệt đới gió mùa quy định hoạt động sản xuất nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa nước. Nguồn gốc và lịch sử tộc người, lịch sử đất nước quy định những xu hướng phát triển chung của lịch sử văn hóa, có thể tạm phân chia chúng thành 4 giai đoạn chính:

- Văn hóa thời Hùng Vương dựng nước.

- Chuyển tiếp văn hóa thời Bắc thuộc (thế kỷ I - X).

- Văn hóa Đại Việt (thế kỷ X - XIX).

- Chuyển tiếp văn hóa từ cổ truyền sang hiện đại (văn hóa nông nghiệp sang văn hóa công nghiệp hóa). Với tư cách là một thực thể văn hóa của quốc gia, văn hóa Việt Nam mang những đặc trưng chung về ý thức hệ, về đạo đức, hệ thống giáo dục, ngôn ngữ và chữ viết phổ thông.

Nếu coi thống nhất văn hóa từ đa dạng, thì muốn củng cố sự thống nhất ấy, phải trên cơ sở bảo tồn và phát triển tính đa dạng của văn hóa, mà ở đây thể hiện rõ nhất là đa dạng văn hóa tộc người và văn hóa địa phương (văn hóa vùng). Sẽ không có sự thống nhất văn hóa nào vững chắc và lành mạnh lại dựa trên cơ sở thuần nhất hóa hay đơn nhất hóa văn hóa. Tuy nhiên, rất tiếc là quá trình đơn nhất hóa này, vô tình hay hữu ý (vô thức hay có ý thức) đang là thực tế diễn ra ở nhiều tộc người hay địa phương của nước ta. Việc bảo tồn và làm giàu thêm sắc thái văn hóa tộc người và địa phương đang còn nằm ngoài sự quan tâm thực sự của một số người quản lý văn hóa ở cả Trung ương và địa phương. Vì vậy, thời gian qua tính đa dạng văn hóa tộc người và vùng ở nước ta có bị giảm sút, tuy mức độ và tính chất của sự giảm sút đó ở các tộc người và vùng không đồng đều, nhưng mang tính phổ biến và đáng báo động. Cũng không thể để cho sự đồng hóa về văn hóa, dù đó là sự “đồng hóa tự nhiên”, đang diễn ra một cách “tự nhiên” như hiện nay.

Đối với các tộc người số lượng nhỏ đang có nguy cơ bị đồng hóa vào các cộng đồng người lớn hơn, Nhà nước phải kịp thời phát hiện, tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc phục hưng văn hóa cổ truyền của họ, trước hết là trên lĩnh vực tiếng nói, chữ viết, giáo dục, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức tộc người và ý thức về bản sắc văn hóa của các tộc người ấy. Hiện nay, chúng ta đã có những dự án với sự tài trợ của UNESCO nhằm cứu vãn các di sản văn hóa của các cộng đồng, tộc người nhỏ bé đang đứng trước sự “diệt vong”. Ví dụ như dự án về bảo tồn văn hóa của tộc người Rơ- măm, Brâu ở Tây Nguyên,...

Hãy lấy hiện tượng phục hồi và phát triển lễ hội truyền thống của các địa phương hiện nay làm ví dụ. Các địa phương đang đua nhau tu sửa lại di tích và mở lại các lẽ hội của làng mình. Vốn xưa, mỗi làng mỗi vùng xuất phát từ việc thờ các vị thần thánh khác nhau mà có những lễ nghi, phong tục khác nhau trong lễ hội theo kiểu: “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy, vui thì vui vậy chẳng tầy rã La” nhưng nay, do lâu không mở hội, nhiều người không còn nhớ các tục lệ cổ xưa, hơn nữa lại nặng đầu óc ganh đua, học đòi cách tân, nên có xu hướng nội dung lễ hội làng nào cũng thực hiện giống nhau, dễ gây cảm giác nhàm chán, làm mất đi nét độc đáo và đa dạng của các hội làng. Một vài lần mở hội như vậy, người xem không còn hứng thú nữa, nên cũng thưa thớt dần. Nếu cứ theo chiều hướng ấy, sắc thái văn hóa địa phương cũng có nguy cơ bị san bằng. Vấn đề đặt ra là, muốn cho lễ hội có sức cuốn hút mạnh mẽ, mỗi làng nên cố gắng phục hồi và bảo tồn những sắc thái độc đáo của lễ hội làng mình. Đó chính là cái “thần”, cái “hồn” của làng đó, và bằng những nét độc đáo phong phú, đa dạng của mình đóng góp vào cái chung của văn hóa Việt Nam.

3- Đa dạng văn hóa và sự giao lưu, hội nhập

Giao lưu văn hóa và sự hội nhập giữa các cộng đồng vốn là quy luật chung của sự phát triển văn hóa nhân loại. Tuy nhiên, hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử, ngày nay thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới với sự giao lưu và hội nhập vô cùng sống động. Nó là một động lực thúc đẩy sự phát triển văn hóa và rộng hơn nữa là sự phát triển xã hội. Mọi sự đóng kín, đoạn tuyệt hay cản trở giao lưu, sự biệt lập giữa các cộng đồng đều làm mất đi sinh lực, sức sống và thậm chí dẫn tới sự thoái hóa về mọi mặt của cộng đồng. Thực tế các tộc người như Chứt, Thổ, các nhóm thiểu số quen gọi là “Xá lá vàng” sinh sống ở vùng núi giáp giới giữa nước ta và Lào,... đã chứng minh điều đó.

Tuy nhiên, để giao lưu và hội nhập thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển văn hóa và xã hội của một cộng đồng, thì bản thân văn hóa của mỗi cộng đồng ấy phải bảo tồn và phát huy bản sắc, sắc thái văn hóa của mình. Bởi vì, một cộng đồng với bản sắc riêng như vậy, một mặt, sẽ là cơ sở, “vốn liếng” để giao lưu, khiến cộng đồng người đó không những không bị “hòa tan”, đồng hóa, mà còn làm phong phú thêm nền văn hóa của chính mình; mặt khác, trong sự giao lưu ấy, mỗi nền văn hóa sẽ đóng góp những tinh hoa, sắc thái riêng của mình vào kho tàng chung của văn hóa nhân loại. Chúng ta đã từng chứng kiến trong quá trình hình thành và phát triển văn hóa của mình, người Việt đã chủ động tiếp thu những ảnh hưởng văn hóa của các tộc người láng giềng như: Môn - Khmer, Tày - Thái cổ, Nam Đảo, sau này cả văn hóa Hán và văn hóa phương Tây nữa. Cho nên có thể nói, văn hóa tộc Việt là một thí dụ điển hình chứng minh vai trò của giao lưu, hội nhập với sự hình thành và phát triển của một nền văn hóa là như thế nào.

Nói sự hội nhập ở đây là sự hội nhập giữa các tộc người trong một quốc gia, hội nhập quốc gia với quốc tế. Đó cũng là biểu hiện của mối quan hệ giữa bộ phận và toàn thể trong một hệ thống. Một cộng đồng nào tách mình ra khỏi hệ thống tức là sẽ tự làm mất đi những khả năng, động lực của xu hướng phát triển chung. Tất cả các dân tộc trong quốc gia Việt Nam, dân tộc thiểu số hay đa số, không tự phát triển riêng rẽ, mà hòa vào một xu hướng phát triển chung của cả quốc gia. Đó là bài học rút ra từ sự nghiệp giải phóng dân tộc trước kia, cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn, đặc biệt là với nước ta, một quốc gia nông nghiệp, nghèo nàn, lạc hậu vừa thoát ra từ cuộc chiến tranh kéo dài, nay còn đang “ngỡ ngàng” và chậm bước so với sự phát triển nhanh chóng của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

4- Tính đặc thù và khả năng phát triển

Mỗi cộng đồng người dù lớn hay nhỏ, đã phát triển hay còn ở tình trạng lạc hậu, chậm phát triển đều có một lịch sử truyền thống lâu đời, tích lũy vốn tri thức và thể hiện qua nền văn hóa của mình. Đó là một nhân tố rất quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất, cần phải tính đến trong việc tìm kiếm con đường và khả năng phát triển của cộng đồng đó. Bởi vì, không thể có một cộng đồng nào từ số “không”, từ “ hư vô” mà phát triển, nó đều xuất phát từ một truyền thống cụ thể nào đó.

Đã có một thời, chúng ta quá nhấn mạnh đến cái chung, quy luật chung của sự phát triển cho mọi cộng đồng, ít chú ý tới truyền thống, tính đặc thù, bản sắc riêng của mỗi cộng đồng trong phát triển. Từ đó dẫn đến tình trạng rập khuôn, áp đặt, duy ý chí trong chủ trương, chính sách, trong hoạch định kế hoạch phát triển, cuối cùng là hiệu quả đạt được không như ý muốn.

Thực tế đó cho thấy, việc hoạch định kế hoạch và tìm kiếm các giải phát phát triển mỗi cộng đồng đòi hỏi, một mặt, chú trong hệ thống chung quy định xu hướng của phát triển phù hợp với quốc gia và quốc tế; mặt khác, quan trọng hơn là từ thực tế mỗi tộc người và địa phương, từ tính đặc thù, từ truyền thống riêng, tìm kiếm cách thức và các giải pháp cụ thể cho sự phát triển của dân tộc hay địa phương ấy.

Nhìn ra thế giới, chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc đã nêu tấm gương thành công cho việc phát triển đất nước từ truyền thống riêng, từ tính đặc thù và bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Việt Nam là một đất nước có nhiều tộc người với sự khác biệt về quy mô dân số, hoàn cảnh sống, điều kiện lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa. Do vậy, chiến lược chung của Đảng và Nhà nước là phát triển toàn diện ở mỗi dân tộc, nhưng chúng ta cần đặc biệt lưu ý với tính đặc thù và bản sắc dân tộc ấy trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Phải nghiên cứu, tìm hiểu một cách kỹ lưỡng những mặt riêng có ấy, để từ đó định ra những hình thức, bước đi, biện pháp phù hợp với mỗi vùng, mỗi địa phương, mỗi dân tộc.

Xuất phát từ quan điểm đó thì không chỉ đối với nghiên cứu khoa học, mà trước nhất là đối với thực tiễn phát triển hiện nay, vấn đề nghiên cứu, tìm hiểu, phát hiện tính đặc thù và bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi địa phương có vai trò rất quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc hoạch định các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở các tộc người, các địa phương, nhất là với các tộc người, địa phương còn ở trình độ phát triển chậm, mang nhiều nét đặc thù. Đối với những hoạt động ở tầm vĩ mô, như tổ chức triển lãm các mặt hàng tiêu dùng toàn quốc, triển lãm ngành nghề truyền thống, mang tính cạnh tranh, thì tài “đọ sức” giữa các vùng, miền, những cuộc thi thời trang, giọng hát, nhạc cụ hay giữa các dân tộc đủ thể hiện sự chuyển biến bước đầu trong nhận thức về phát huy sức mạnh tính đa dạng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là trong quá trình chuyển đổi cơ chế ở nước ta.

5 - Về mô hình tổng thể phát triển văn hóa các dân tộc ở nước ta

Trong điều kiện nước ta, muốn cho văn hóa các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn, làm giàu và phát huy vai trò của nó trong sự nghiệp phát triển đất nước, thì lựa chọn mô hình tổng thể “Đa văn hóa” (đa văn hóa, đa ngôn ngữ) là phù hợp hơn cả. Mô hình phát triển này vừa phù hợp với thực tế “thống nhất và đa dạng” của văn hóa các dân tộc Việt Nam, vừa phù hợp với xu hướng chung của phát triển đất nước hiện nay và tương lai. Đó là phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống của con người, nhưng vẫn giữ gìn và làm giàu bản sắc văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc, mỗi địa phương.

Nói tới mô hình “Đa văn hóa” trong phát triển văn hóa của các dân tộc ở nước ta là nói tới một mô hình tổng thể, trong đó thống nhất và đa dạng là hai mặt của một thực thể văn hóa. Do vậy, không thể cường điệu mặt đa dạng để dẫn tới suy yếu tính thống nhất, cũng như cường điệu sự thống nhất, hợp nhất, đơn nhất để làm thui chột đi tính đa dạng. Chỉ có đặt sự đa dạng trong thể thống nhất thì sự đa dạng đó mới thực sự trở thành nền tảng, động lực của sự phát triển văn hóa nói riêng và của cả xã hội nói chung./.