TCCSĐT - Chiều 7-1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cao Bằng, Hà Giang về tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương này.

Cùng dự buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương nêu trên có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

 

Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Nguyễn Hoàng Anh cho biết, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, song với sự hỗ trợ của Trung ương, sự cố gắng, nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của Cao Bằng trong năm 2012 tiếp tục giữ được ổn định và có bước phát triển.

 

Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP đạt 9,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 15,2 triệu đồng (tương đương 735 USD); tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 242,5 nghìn tấn; tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 4,6%.

 

Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân địa phương từng bước được cải thiện; an ninh quốc phòng tiếp tục được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.

 

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, hiện nay Cao Bằng vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất nước do đặc điểm là một tỉnh miền núi, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều yếu kém.

 
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc với
 lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cao Bằng. Ảnh: chinhphu.vn

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Cao Bằng trong thời gian qua, cho rằng những kết quả mà Cao Bằng đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2012 là khá toàn diện, cơ cấu kinh tế của địa phương chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng đạt khá cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh không ngừng được nâng cao.

 

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, do điểm xuất phát thấp, địa hình đồi núi hiểm trở, đến nay, Cao Bằng vẫn còn là một tỉnh nghèo; quy mô kinh tế nhỏ; tỷ lệ hộ nghèo còn lớn; dù đã hết sức cố gắng song cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng về giao thông của tỉnh còn kém phát triển.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, Cao Bằng cần tiếp tục phấn đấu, nỗ lực để tìm ra các cách làm năng động, sáng tạo để tiếp tục vươn lên trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trung ương sẽ tạo các điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho Cao Bằng phát triển, bứt phá đi lên.

 

Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Cao Bằng trước hết cần tập trung phát huy các tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình; phát triển du lịch, dịch vụ, mở rộng giao thương với nước láng giềng Trung Quốc… Bên cạnh đó, Cao Bằng cần quan tâm nhiều hơn nữa cho công tác giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững; chú trọng phát triển y tế, văn hóa, giáo dục; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý Cao Bằng quan tâm đến công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn theo hướng khai khoáng phải bền vững, bảo đảm môi trường sinh thái, tránh các tác động tiêu cực đến đời sống cư dân cũng như những tác động đến hệ thống hạ tầng về giao thông, thủy lợi.

 

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với các kiến nghị của Cao Bằng liên quan đến việc lập Đề án thành lập lại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng trên cơ sở sát nhập 3 khu kinh tế cửa khẩu hiện hành với tổng diện tích khoảng 26.000 ha, xem xét đưa vào quy hoạch chung cả nước tuyến đường bộ cao tốc và tuyến đường sắt từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng), bổ sung vốn đầu tư để thực hiện hoàn thành Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 206 (đoạn từ Quốc lộ 3 - Thác Bản Giốc).

* Cũng trong chiều 7-1, tại Trụ sở Chính phủ, tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Giang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, Hà Giang bám sát vào Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội của tỉnh và căn cứ vào khả năng của tỉnh, tập trung nguồn lực vào những ngành, lĩnh vực mang tính đột phá để phát triển bền vững.

 

Trong đó, Thủ tướng lưu ý tỉnh cần quan tâm chăm lo cho đời sống của đồng bào, thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững gắn liền với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, là một tỉnh vùng cao núi đá, điểm xuất phát thấp… song những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang đã nỗ lực, phấn đấu và đạt được những kết quả quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân…

 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ với Hà Giang về những khó khăn của tỉnh, nhất là khó khăn về hạ tầng, địa hình hiểm trở, giao cắt, đi lại khó khăn, quy mô kinh tế nhỏ, tỷ hộ nghèo cao...

 
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh chung với
 lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Giang. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, Hà Giang cần quan tâm hơn nữa tới hoạt động giao thương, tính toán cơ chế phát triển kinh tế biên mậu với Trung Quốc trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, cùng có lợi và bảo vệ vững chắc biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, Hà Giang cần làm tốt công tác quy hoạch, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương lựa chọn đầu xây dựng các công trình mang tính trọng điểm để làm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, Đàm Văn Bông cho biết, với quyết tâm chính trị cao, trong năm 2012, Hà Giang đã phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của năm. Tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh năm 2012 tăng 10,78%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng (nông lâm nghiệp - thủy sản chiếm 31,98%; công nghiệp - xây dựng chiếm 29,68%; các ngành về dịch vụ chiếm 38,4%). Các thế mạnh về thủy điện, khoáng sản, du lịch từng bước được khai thác hiệu quả. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 11,1 triệu đồng/người/năm, tăng 15,43% so với năm 2011;…

 

Trong năm 2013, Hà Giang khẳng định quyết tâm mạnh mẽ nhằm đạt tốc độ tăng trưởng 12,5%, đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 25,06%... Cùng với đó là tập trung thực hiện một số chương trình trọng tâm của năm 2013 như: phát triển kinh tế biên mậu gắn với đầu tư xây dựng phát triển các cửa khẩu và quy tụ dân cư biên giới; phát triển du lịch gắn với xây dựng, bảo tồn Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; đầu tư phát triển Khu công nghiệp Bình Vàng giai đoạn 2…

 

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã xem xét, cho ý kiến cụ thể với các kiến nghị, đề xuất của Hà Giang về tháo gỡ khó khăn cho các huyện biên giới, vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh; hỗ trợ kinh phí để Hà Giang xây dựng một số hồ chứa nước sinh hoạt, đầu tư cho các công trình giao thông, thủy lợi trọng điểm; hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng ở các chợ biên giới…/.