TCCSĐT - Ngày 24-12-2012, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra Hội thảo khoa học “Quản lý, sử dụng hiệu quản đất đai gắn với xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh Tây Nguyên” do Tạp chí Cộng sản, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp tổ chức.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Vũ Văn Phúc, Tổng Biên Tập Tạp chí Cộng sản; đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III, Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tại Đà Nẵng, lãnh đạo và chuyên viên của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Tạp chí Cộng sản, Tỉnh ủy Đắk Lắk; các nhà nghiên cứu, nhà giáo trong cả nước và khu vực miền Trung - Tây Nguyên, các đồng chí lãnh đạo, quản lý ở các huyện, thị, thành phố của tỉnh Đắk Lắk cùng đông đảo phóng viên báo chí Trung ương và địa phương trên địa bàn.

Các đồng chí: Trương Giang Long, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Trần Việt Hùng, Phó ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Cao Đức Khiêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đồng chủ trì Hội thảo.
 
 PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
trình bày Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo

Tại Hội thảo, đồng chí Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã trình bày Báo cáo đề dẫn. Báo cáo nêu rõ: Với việc xác định là vùng đất có nhiều tiềm năng và lợi thế về đất đai, thời gian qua, các địa phương ở Tây Nguyên đã tập trung quán triệt, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tập trung huy động các nguồn lực, nhất là nguồn tài nguyên đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên những chuyển biến tích cực trên địa bàn. Kinh tế liên tục tăng trưởng, giá trị tổng sản phẩm tăng bình quân 11,9%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; đời sống của người dân trong vùng không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 15,5 triệu đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2001. Tuy nhiên, trong “cái áo mới” của mình, Tây Nguyên vẫn còn không ít những vấn đề cần phải tiếp tục giải quyết. Trong đó, có vấn đề quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nói riêng.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Cao Đức Khiêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho rằng, Hội thảo khoa học: “Quản lý, sử dụng hiệu quản đất đai gắn với xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh Tây Nguyên” có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI của Đảng, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020… Đồng thời, góp phần cung cấp những luận chứng khoa học và thực tiễn cho việc đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong tình hình mới.

Trên cơ sở Báo cáo đề dẫn, 15 báo cáo tham luận trong tổng số gần 50 tham luận tham gia Hội thảo lần này, tập trung giới thiệu, phân tích và làm rõ những vấn đề trong quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai gắn với xây dựng nông thôn mới như: các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai trong những năm gần đây và những yêu cầu đặt ra đối với việc đổi mới chính sách về quản lý và sử dụng đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Tây Nguyên. Các đại biểu tham dự Hội nghị đã đưa ra và tranh luận khá sôi nổi về hiệu quả cũng như tác động của việc quản lý, sử dụng đất đai đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn nói riêng; tập trung phân tích kỹ những vấn đề cấp thiết trong việc quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đồng thời, đưa ra những kiến nghị và giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai gắn với xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian tới.
 
 Quang cảnh Hội thảo

Kết luận Hội thảo, đồng chí Trương Giang Long, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định: Hội thảo thành công tốt đẹp và đạt hiệu quả cao. Trong khoảng thời gian hạn hẹp, nhưng Hội thảo đã tập trung thảo luận và làm rõ một số nội dung quan trọng:

Thứ nhất, Hội thảo nhất trí cao với quan điểm của Đảng về sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo hướng hiện đại. Và, khẳng định, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có sự quan tâm đầu tư rất lớn cho Tây Nguyên, dành cho Tây Nguyên sự ưu ái đặc biệt, tương xứng với các vùng, miền khác trong cả nước.

Thứ hai, Hội thảo đã tập trung đánh giá hiện trạng và hiệu quả của việc quản lý, sử dụng nguồn đất đai ở Tây Nguyên; đồng thời đề cập đến những tác động của vấn đề này đối với sự phát triển toàn diện và bền vững của Tây Nguyên, trong đó có cả việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Thứ ba, các đại biểu tranh luận sôi nổi về những vấn đề đặt ra trong quản lý và sử dụng đất đai gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn như: nhận thức của chính quyền, người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và các doanh nghiệp về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về vấn đề đất đai, cũng như việc vận dụng trong thực tiễn; việc quy hoạch, phân bổ và sử dụng đất; việc bảo đảm đất đai, ổn định sản xuất của dân cư tại chỗ, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng nông thôn mới; bảo đảm gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; hạn chế nạn phá rừng, tranh chấp đất đai; bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số được làm chủ và có thu nhập cao trên mảnh đất của mình.

Thứ tư, các ý kiến tham gia tại Hội thảo đưa ra một số kiến nghị, giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai gắn với xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh ở Tây Nguyên, như:

- Đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai theo hướng hiệu quả và phát triển bền vững.

- Bố trí đất sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết đất ở và đất sản xuất cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất.

- Tổ chức lại sản xuất trên địa bàn, chú trọng hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ sản xuất, bao gồm cả việc tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ vốn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chuyển đổi ngành nghề và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất,…

- Tập trung quy hoạch xây dựng nông thôn mới; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở nông thôn; có chính sách đặc thù với vùng chuyên canh cây cà phê và có chính sách đối với đội ngũ cán bộ cơ sở ở Tây nguyên./.