Tuần tin cải cách hành chính từ 17 đến 23-12-2012

Đức Toàn tổng hợp
18:02, ngày 24-12-2012
TCCSĐT - Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai một số nhiệm vụ để nhân rộng cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại. Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Thông báo số 415/TB-VPCP.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan soạn thảo, trình Chính phủ trong quý I-2013 dự thảo văn bản mới thay thế Quyết định 93/2007/QĐ-TTg ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Trong đó, cần làm rõ khái niệm về cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại. Thống nhất nhận thức là Bộ phận một cửa thuộc Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện là đầu mối tập trung hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của cá nhân, tổ chức sau đó chuyển giao cho các cơ quan chuyên môn xử lý, trong đó có các cơ quan chuyên môn giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về đất đai, về đăng ký kinh doanh và cuối cùng là nhận kết quả để trả lại cho cá nhân, tổ chức. UBND cấp tỉnh, cấp huyện phân công trách nhiệm, quyền hạn và thời hạn trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Trong văn bản này cũng cần quy định những thủ tục hành chính được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông hiện đại cũng như quy định trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan, các ngành trong việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông hiện đại.

Hỗ trợ nhân rộng cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại

Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Hỗ trợ nhân rộng triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại UBND cấp huyện giai đoạn 2013 - 2020”.

Mục tiêu chung của Đề án là tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với tổ chức, công dân thông qua việc triển khai nhân rộng cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại UBND cấp huyện giai đoạn 2013 - 2015 với kinh phí của địa phương và sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND cấp tỉnh cần quan tâm chỉ đạo một cách quyết liệt hơn nữa việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại; xây dựng, trang bị cơ sở vật chất; phân công nhiệm vụ, quyền hạn, trợ cấp, kiểm tra, đôn đốc cán bộ, công chức thực hiện công vụ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại; bố trí hòm thư góp ý của công dân và tổ chức về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại địa phương.

UBND cấp huyện cần tận dụng cơ sở vật chất hiện có để thực hiện cơ chế một cửa, những nơi chưa có cơ sở vật chất cho công tác này thì xem xét, bố trí phù hợp với khả năng ngân sách, không đầu tư quá mức cần thiết; cần lồng ghép với Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015.

Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phần mềm dùng chung trong việc tiếp nhận và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận thủ tục hành chính thuộc Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện và chuyển giao cho các địa phương trong năm 2013 để thực hiện, hướng đến nền hành chính hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực để thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, tổng hợp danh mục các đơn vị hành chính cấp huyện cần được hỗ trợ kinh phí thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại theo từng năm và cả giai đoạn 2013 - 2015 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 Theo thống kê, trong số 700 đơn vị hành chính cấp huyện của cả nước, hiện đã có 686 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại lần đầu tiên được khởi xướng và thực hiện vào năm 2006 tại một số huyện, quận của thành phố Hải Phòng. Đến nay, đã có 203/700 đơn vị hành chính cấp huyện của 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện cơ chế này tại UBND cấp huyện; trong đó có 4 tỉnh là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình và 5 thành phố trực thuộc Trung ương (không tính các huyện đảo của các thành phố Hải Phòng và Đà Nẵng) triển khai ở tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện.


Cải cách hành chính chậm, trách nhiệm người đứng đầu

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ công bố chỉ số CCHC do Bộ Nội vụ tổ chức tại Hà Nội. Phó Thủ tướng khẳng định: “Sự yếu kém, tồn tại của CCHC chính là ở phương pháp, cách làm, ở yếu tố con người, quyết tâm chính trị của người đứng đầu”. Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, CCHC đã có nhiều bước tiến nhưng nhìn chung vẫn còn gây nhiều phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Về thủ tục hành chính, về cơ chế một cửa vẫn còn nhiều điểm khiến người dân và doanh nghiệp chưa hài lòng, nhất là sự công khai, minh bạch. Phó Thủ tướng nêu rõ, tăng cường công tác kiểm tra kết quả triển khai của bộ, ngành, địa phương là cơ sở quan trọng để đánh giá người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, các ngành.

Người dân được chấm điểm trực tuyến cán bộ, công chức

Từ năm 2013, người dân sẽ trực tiếp chấm điểm công chức ngay sau khi được giải quyết thủ tục hành chính. Thông tin từ Phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố vừa ban hành quy định về khảo sát mức độ hài lòng đối với chất lượng dịch vụ hành chính công. Theo đó, người dân sẽ trực tiếp chấm điểm công chức ngay sau khi được giải quyết thủ tục hành chính.

Tại các cơ quan này, sẽ có màn hình cảm ứng chạy phần mềm khảo sát qua địa chỉ cchc.danang.gov.vn và được đặt liên kết tại website của các cơ quan cung ứng dịch vụ hành chính công.

Các thang đánh giá gồm: chất lượng dịch vụ, tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thái độ công chức khi giải quyết yêu cầu của dân.

Người dân thực hiện chấm điểm công chức trực tuyến ngay tại màn hình cảm ứng này hoặc các phương tiện có kết nối internet khác. Thông tin đánh giá của người dân sẽ được lãnh đạo cơ quan cập nhật, được công khai và không thể sửa.

Ông Trần Trung Sơn, Trưởng Phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng, cho biết, việc khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với cải cách thủ tục hành chính không mới. Trước đó, đã có 9 đơn vị thí điểm, nhưng phần lớn mang tính nội bộ. Hơn nữa, việc khảo sát thực hiện bằng bảng giấy cho người dân mất thời gian, thiếu khách quan. Điểm mới lần này là tính kịp thời, công khai, minh bạch, trên diện rộng.

Một cửa điện tử - bước đột phá mới

Quá trình thực hiện mô hình “Một cửa điện tử”cho thấy các cấp chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã triển khai một cách quyết liệt, với kết quả đạt được bước đầu khá toàn diện…

Thành phố đang triển khai quy trình thực hiện các nhóm thủ tục về đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, nhập hộ khẩu và đăng ký khai tử, xóa hộ khẩu với dự kiến giảm khoảng 30 thủ tục hành chính và chấm dứt tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần cho một loại thủ tục hành chính. Đây được coi là hướng đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính được nhiều doanh nghiệp và người dân đồng tình. Để giải quyết nhanh hồ sơ trên các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, thành phố hiện đã triển khai mô hình liên thông kết nối hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc từ UBND thành phố đến các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện bằng văn bản điện tử có ứng dụng chữ ký số.

Với hệ thống “Một cửa điện tử”, hiện có 7 sở, ngành và 24 UBND quận, huyện cung cấp thông tin giải quyết hồ sơ trên 7 lĩnh vực cho người dân và doanh nghiệp thông qua điện thoại di động có ứng dụng mạng 3G. Đây được coi là bước đột phá mới, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận với phương thức cập nhật, theo dõi quá trình giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất; đồng thời giúp cơ quan hành chính phát hiện, ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền các cấp.

Theo ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ, các mô hình “Một cửa”, “Một cửa liên thông”, “Một cửa điện tử”… đều gắn với việc kiện toàn bộ máy chính quyền, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Qua đó, từng bước hoàn thiện và mở ra cơ chế, điều kiện mới thúc đẩy quá trình hình thành mô hình chính quyền đô thị vào năm 2015.

Để thực hiện mục tiêu quan trọng trên, trong năm 2013, TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh triển khai các đề án về nâng cao hiệu quả công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ thủ tục hành chính trên các lĩnh vực, không để phát sinh tăng thêm thủ tục hành chính; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai thực hiện thủ tục hành chính trên các lĩnh vực y tế, tài nguyên môi trường, thuế…, nhằm giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, phân cấp quản lý mạnh hơn, đồng bộ hơn cho các sở ngành, UBND các quận, huyện để nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong việc giám sát và thực thi các thủ tục hành chính theo hướng có lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Hướng tới một nền hành chính hiện đại, vì dân

Luật Thủ đô vừa được công bố đã nêu rõ trách nhiệm của Hà Nội: "Xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước". Thực hiện trách nhiệm đó, Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng hướng tới xây dựng một nền hành chính hiện đại, vì dân.

Mục tiêu xuyên suốt của công tác CCHC của TP. Hà Nội là cải cách toàn diện về thể chế hành chính, bộ máy hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức để bộ máy hành chính nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, thể hiện rõ nét tính chất phục vụ của bộ máy hành chính của dân, do dân, vì dân. Coi trọng công tác CCHC, Hà Nội đã đạt kết quả tích cực trong công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đơn giản, dễ thực hiện. Việc thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn từng bước có nền nếp, hiệu quả. Đặc biệt, kết quả trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã cho thấy nỗ lực của Hà Nội trong việc xây dựng nền hành chính hiện đại. Với mục đích ứng dụng CNTT nhằm nâng cao năng lực quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước, TP. Hà Nội đã tập trung đầu tư trang thiết bị, hạ tầng CNTT, nâng cấp, xây dựng mới trang thông tin điện tử cho các đơn vị. Hiện nay, TP. Hà Nội đã thực hiện giao ban trực tuyến với các đơn vị; 100% sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã đã thiết lập mạng máy tính nội bộ (mạng LAN); tỷ lệ máy tính trên cán bộ, công chức cần sử dụng máy tính là 95%; 15/20 sở, ngành và 29/29 UBND quận, huyện, thị xã sử dụng phần mềm "một cửa điện tử"; 100% sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện đã được triển khai chữ kỹ số để gửi và nhận văn bản giữa UBND thành phố và giữa các cơ quan nhà nước của Hà Nội. Đến nay, TP. Hà Nội đã không còn địa bàn "trắng" CNTT, các phần mềm ứng dụng dùng chung bước đầu sử dụng có hiệu quả, tạo nền móng ban đầu cho giai đoạn xây dựng "cơ quan điện tử" và tiến tới "chính quyền điện tử Thủ đô" giai đoạn 2011 - 2015.

Bộ Thông tin và Truyền thông: Phương thức thanh toán dịch vụ công trực tuyến

Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Thông tư quy định về phương thức, cơ chế và các yêu cầu đảm bảo an toàn cho hoạt động thanh toán đối với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Về phương thức thanh toán, dự thảo dự kiến cơ quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến khi có nhu cầu triển khai hoạt động thanh toán, căn cứ vào quy mô và kế hoạch phát triển để lựa chọn triển khai các phương thức thanh toán trực tuyến phù hợp.

Đa dạng các phương tiện thanh toán

Theo đó, có 3 phương thức thanh toán gồm: thanh toán thông qua tài khoản thanh toán được cung cấp trực tiếp từ các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hợp pháp; sử dụng phương thức trung gian thanh toán của các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền; xây dựng và sử dụng cổng thanh toán điện tử phù hợp các yêu cầu của cơ quan cấp phép có thẩm quyền.

Dự thảo quy định cơ quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến cân nhắc lựa chọn đơn vị cung cấp phương thức thanh toán hoặc triển khai phương thức thanh toán có hỗ trợ đa dạng các phương tiện thanh toán, như: thanh toán chuyển khoản; thanh toán qua thẻ tín dụng; thanh toán qua séc điện tử; thanh toán qua ví điện tử; thanh toán qua các phương tiện khác phù hợp quy định đối với tài khoản thanh toán đang sử dụng.

Cơ chế thanh toán

Dự thảo quy định rõ, cơ quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến khi triển khai các phương thức thanh toán cần đảm bảo các cơ chế: công bố toàn bộ các phương thức thanh toán áp dụng trên cổng thông tin điện tử, kèm theo giải thích rõ ràng, chính xác để người sử dụng có thể hiểu và lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp.

Đồng thời, dự thảo yêu cầu phải lưu trữ toàn bộ chứng từ điện tử chứa những thông tin chi tiết về từng giao dịch thanh toán đã được thực hiện, đồng thời tạo điều kiện cho người sử dụng xem, in ấn và lưu trữ chứng từ ngay thời điểm chứng từ được khởi tạo. Cũng như phải thiết lập và công bố các chính sách đảm bảo tính riêng tư, bảo mật thông tin cho người sử dụng; thiết lập các giải pháp kỹ thuật và các chính sách đảm bảo tính an toàn và thuận tiện cho các giao dịch.

Bên cạnh đó, cơ chế thanh toán khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn phải cung cấp các hóa đơn, chứng từ tài chính phù hợp quy định pháp luật cho người sử dụng khi thực hiện thanh toán. Thiết lập các biện pháp xác thực mạnh bao gồm: xác thực đa nhân tố, xác thực bằng chữ ký số nhằm đảm bảo tính xác thực và chống chối bỏ đối với các bên tham gia giao dịch.

Ngoài ra, dự thảo còn quy định việc hỗ trợ cơ chế hoàn phí trực tuyến đối với các giao dịch không thành công hoặc các giao dịch phải hoàn phí khác. Và có cơ chế xác thực tài khoản tham gia thanh toán, ngăn chặn việc dùng tài khoản giả mạo để thanh toán.

Dự thảo cũng yêu cầu việc thiết lập hệ thống thông tin phục vụ hoạt động thanh toán phải đảm bảo kết nối trực tuyến 24 giờ trong 1 ngày và 7 ngày trong tuần. Thời gian dừng hệ thống để bảo trì tối đa là 3 giờ/lần bảo trì và phải có thông báo trước cho người sử dụng./.