Bộ đội Cụ Hồ

Trung tướng Phạm Hồng Cư
06:45, ngày 21-12-2012
TCCSĐT - Văn hóa là sự kết tinh những giá trị cao quý nhất, đẹp đẽ  nhất của con người, của một dân tộc, một xã hội, một cộng đồng bao gồm tất cả những gì liên quan đến sự sáng tạo của con người hun đúc qua nhiều thế hệ trở thành truyền thống bền vững. Bộ đội Cụ Hồ là một sự kết tinh như vậy, là những giá trị cao quý nhất, đẹp đẽ nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam được hun đúc qua nhiều thế hệ trở thành bản chất, truyền thống của quân đội ta.

Bộ đội Cụ Hồ, một giá trị văn hóa, một danh hiệu vinh dự do nhân dân khen tặng


Từ đội quân chủ lực đầu tiên là “Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân” và “Quân giải phóng” thời Tiền khởi nghĩa đến “Vệ quốc đoàn”, “Quân đội quốc gia”, “Quân đội nhân dân” thời chống Pháp, “Quân đội nhân dân” và “Quân Giải phóng miền Nam” thời chống Mỹ, “Quân tình nguyện Việt Nam” tại Lào và Cam-pu-chia trong chiến tranh Đông Dương, lớp lớp các thế hệ chiến sĩ Việt Nam từ đời cha đến đời con đi đánh giặc cứu nước đã hun đúc nên một phẩm chất, một bản lĩnh mà nhân dân ta gọi là “Bộ đội Cụ Hồ và nhân dân nước bạn gọi là “Bộ đội nhà Phật”.

Bộ đội Cụ Hồ là một danh hiệu vinh dự. Một danh hiệu vinh dự do nhân dân khen tặng. Đó là danh hiệu của lòng dân. Được dân gọi là “Bộ đội Cụ Hồ”, đó là vinh dự lớn lao, là phần thưởng cao quý nhất đối với quân đội ta, là sự xác nhận của nhân dân rằng: quân đội ta thật sự là Quân đội nhân dân, thật sự là quân đội của dân, do dân, vì dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ.

Bộ đội Cụ Hồ, con nòi của dân tộc Việt Nam anh hùng

 

Toàn thể cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân các thế hệ chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Mẹ hiền Tổ quốc là nhân dân Việt Nam anh hùng. Nhân dân ta có lòng nồng nàn yêu nước, có truyền thống quật cường, bất khuất suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Dân tộc ta có một nền văn hóa mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất để làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội. Chính nhờ sức mạnh của nền văn hóa ấy mà dưới ách đô hộ hơn một nghìn năm của phong kiến phương Bắc, dân tộc ta không hề bị đồng hóa và cuối cùng đã vùng lên giành lại nền độc lập. Trong hơn một nghìn năm của kỷ nguyên độc lập tự chủ, dân tộc ta đã đánh thắng mọi kẻ địch xâm lược lớn mạnh hơn mình nhiều lần từ Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Đặc biệt trong thế kỷ XIII, dân tộc ta đã chiến thắng quân Nguyên - Mông là đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới thời bấy giờ đã từng chinh phục nhiều quốc gia từ Á sang Âu, chiếm lĩnh cả lục địa Trung Hoa, vậy mà 3 lần đến xâm lược nước ta là 3 lần thất bại.

Quân đội ta là con nòi của dân tộc, là quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam kiên cường. Quân đội Việt Nam kế thừa và phát triển nghệ thuật quân sự độc đáo, tài thao lược sáng tạo của ông cha. Xưa kia, ông cha ta đã từng “lấy đoản binh thắng trường trận”,“lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy yếu thắng mạnh” trên cơ sở khẳng định chủ quyền độc lập tự chủ “Nam quốc sơn hà nam đế cư, trên cơ sở “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”.

Việt Nam vốn là một nước đất không rộng, người không đông, kinh tế chậm phát triển mà đã vùng lên bẻ gãy gông xiềng nô lệ, liên tiếp đánh thắng “hai đế quốc to” trong một cuộc chiến tranh không cân sức, giành lại trọn vẹn non sông đất nước, tiến lên giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đó là một kỳ tích của thời đại Hồ Chí Minh, viết nên một huyền thoại trong thế kỷ XX. Thắng lợi ấy làm nức lòng các dân tộc bị áp bức, đưa Việt Nam, Hồ Chí Minh vào ngôn ngữ các dân tộc, trở thành biểu tượng muôn đời trong lòng các thế hệ và loài người tiến bộ.

Bộ đội Cụ Hồ, thành công của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, là mẫu người mới trong quân đội

 

Trong lò lửa của hai cuộc kháng chiến toàn dân, các lực lượng vũ trang nhân dân đã được tôi luyện. Mỗi chặng đường chiến thắng, mỗi bước trưởng thành của quân đội ta đều gắn với sự lãnh đạo của Đảng. Đảng và Bác Hồ là người cha, người thầy vĩ đại đã tổ chức nên mọi thắng lợi của quân đội ta. Nguồn gốc sức mạnh của quân đội Việt Nam, trước hết và chủ yếu là ở sự lãnh đạo của Đảng. Bác Hồ nói: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là một quân đội do nhân dân, do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”. Đảng đã đem lòng trung thành vô hạn của mình đối với Tổ quốc, với nhân dân mà giáo dục cho quân đội lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân. Đảng đã đem tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng triệt để của giai cấp công nhân mà hun đúc chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho quân đội. Đảng đã đem tính kỷ luật nghiêm minh của mình mà rèn luyện kỷ luật tự giác cho quân đội, đem truyền thống đoàn kết thống nhất của Đảng mà đoàn kết cán bộ với chiến sĩ, đoàn kết quân đội với nhân dân, đoàn kết nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước bạn trên tinh thần quốc tế vô sản.

Đảng đã xây dựng thành công lực lượng quân đội nhân dân chân chính, một đội quân kiểu mới của giai cấp công nhân trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu. “Bộ đội Cụ Hồ” chính là mẫu con người mới trong lực lượng vũ trang.

Trong hai cuộc kháng chiến, “Bộ đội Cụ Hồ” là những chiến sĩ hiền như đất, nhưng khi xung trận trước quân thù thì “quân ta khí mạnh nuốt ngưu đẩu”. Thời bình, đó lại là những chiến sĩ ngày đêm canh giữ bầu trời, vùng biển, biên giới, hải đảo, bảo vệ cuộc sống lao động hòa bình của nhân dân; là những “anh bộ đội mang trái tim Cụ Hồ” đến giúp đồng bào bị thiên tai, bão lụt, đến với các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa, cùng với đồng bào xóa đói, giảm nghèo, đẩy lùi tối tăm, bệnh tật, thắp sáng những niềm tin.

Bộ đội Cụ Hồ qua lời dạy của Bác

 

Không có lời nào khái quát, cô đọng bản chất truyền thống quân đội ta bằng câu nói bất hủ của Bác Hồ: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Lời dạy này đã được Bác Hồ nói vào ngày 29-12-1964, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, trong buổi tiếp khách trọng thể của Bộ Quốc phòng.

Ngày đó, tôi là Cục phó Cục Tuyên huấn - Tổng Cục Chính trị phụ trách công tác tuyên truyền báo chí trong quân đội, được tham dự lễ kỷ niệm cùng với nhiều nhà báo. Tối 22-12, nhà khách Bộ Quốc phòng lung linh ánh điện, mọi người đều vận trang phục mùa đông màu sẫm, duy có Bác Hồ vẫn mặc bộ ka-ki giản dị màu sáng. Năm ấy, Bác 74 tuổi, bước đi nhanh nhẹn, “mình hạc vóc mai” mang đậm cốt cách một nhà hiền triết phương Đông. Bác bước vào chủ tọa buổi lễ. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp cùng nhiều đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng, các vị bộ trưởng, nhiều đại biểu các cơ quan đoàn thể Trung ương và Hà Nội đã đến dự. Các đồng chí lãnh đạo quân đội: Văn Tiến Dũng, Song Hào, Hoàng Văn Thái cùng nhiều tướng lĩnh và cán bộ cao cấp quân đội đã có mặt. Về phía nước ngoài có các vị trong Đoàn Ngoại giao, Ủy ban Quốc tế, thành viên Đoàn đại biểu quân sự Triều Tiên, nhiều vị khách quốc tế và rất nhiều nhà báo nước ngoài. Họ chờ đợi một lời tuyên bố quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước tình hình căng thẳng lúc đó.

Mọi người còn nhớ: ngày 5-8-1964, Đế quốc Mỹ dựng ra “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc; rồi đầu năm 1965, chuyển chiến lược từ “chiến tranh đặc biệt” sang “chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ vào trực tiếp xâm lược nước ta. Thấy trước âm mưu thâm độc của Đế quốc Mỹ, từ tháng 3-1964, Bác Hồ đã triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt, một “Hội nghị Diên Hồng” trong thời đại mới. Hội nghị biểu thị ý chí sắt đá của quân và dân ta quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong buổi lễ kỷ niệm 22-12 năm đó, mọi người chăm chú theo dõi bài diễn văn của Bác. Bác nói ngắn gọn. Trong 12 câu, Bác dành tới 9 câu để nói với quân đội. Lời Bác thân thiết, tràn đầy tình cảm của một người cha. Còn thông điệp quan trọng mà nhà báo và khách quốc tế chờ đợi thì Bác chỉ nói mỗi một câu đanh thép kết thúc bài diễn văn, một lời tiên đoán hơn 10 năm sau đã thành sự thật vĩ đại: “Thắng lợi nhất định sẽ về chúng ta!”.

Đến nay tôi vẫn thấm thía từng chữ, từng lời của Bác Hồ nói với quân đội. Đó là một nhận định sâu sắc nhất, một lời khen ngợi xứng đáng  nhất, một lời động viên cổ vũ toàn quân xung trận bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt với giặc Mỹ xâm lược.

Tôi suy ngẫm: trên con đường trường chinh hơn nửa thế kỷ, mỗi chặng đường, mỗi bước đi của quân đội ta đều có công lao dạy dỗ của Bác Hồ. Về bản chất quân đội, Bác dạy: “Quân đội ta là quân đội nhân dân, từ  nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ”. Bởi vậy, quân đội ta phải: Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân. Về lý tưởng, mục tiêu chiến đấu của quân đội, Bác chỉ rõ: Sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.

 

Trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, Bác đã trao lá cờ Quyết chiến quyết thắng làm phần thưởng thi đua. Ngày 7-5-1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, cắm lá cờ của Bác lên nóc hầm tướng Đờ Cát-xtri. Chiến thắng lớn, Bác dạy: Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Bác đã nhìn xa, thấy trước.

Ngày 22-12-1964, trước cuộc quyết chiến trực tiếp với Đế quốc Mỹ, Bác dạy: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Đó là nội dung của tinh thần quyết chiến quyết thắng, là chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên chặng đường mới. Lời dạy của Bác Hồ vào thời điểm bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt là nguồn động viên cổ vũ quân và dân ta đạp bằng mọi khó khăn trở ngại, vượt qua mọi gian khổ hy sinh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đánh thắng mọi kẻ thù, dù đó là tên đế quốc đầu sỏ, mạnh nhất, hung bạo nhất.

Ngày 30-4-1975, bằng Đại thắng mùa Xuân mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã biến lời dạy của Bác Hồ thành hiện thực. Đội quân trăm trận, trăm thắng của Người đã cắm lá cờ cách mạng lên nóc Dinh Độc lập, kết thúc cuộc chiến 30 năm, giành lại trọn vẹn giang sơn cho Tổ quốc.

Ngày nay, Bác đã đi xa, nhưng lời dạy của Người vẫn âm vang trong tâm hồn chúng ta, từ các cựu chiến binh lính già đầu bạc đến các chiến sĩ trẻ đang tiếp bước cha anh.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, là hành động thiết thực của toàn quân ta để hưởng ứng. Mỗi chiến sĩ hãy tự hỏi mình: “Đã xứng danh Bộ đội Cụ Hồ chưa?”. Mỗi cán bộ hãy tự hỏi mình: “Đã gương mẫu chưa? Đã thực hiện lời dạy của Bác: Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung như thế nào?”.

Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là viên ngọc quý, càng mài càng sáng, là điều không thể mất, là di sản tinh thần vô giá mà các thế hệ đi trước để lại làm hành trang cho các thế hệ sỹ quan và chiến sĩ hôm nay và mãi mãi mai sau./.