Vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế
Văn kiện Đại hội XI của Đảng khẳng định: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh. Để thực hiện thành công chủ trương đó đòi hỏi phải có sự chủ động, tích cực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó Quân đội nhân dân Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng.
Trước hết, Quân đội là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho các hoạt động hội nhập quốc tế.
Hòa bình, ổn định của quốc gia có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển mọi lĩnh vực của đất nước. Chỉ trong môi trường hòa bình, mọi trí tuệ, tài năng, mọi nguồn lực vật chất, tinh thần trong nhân dân mới được huy động có hiệu quả và mới có thể mở cửa hội nhập vào nền kinh tế khu vực, thế giới để thu hút các nguồn lực cho xây dựng, phát triển mọi lĩnh vực của đất nước, mà trước hết là xây dựng kinh tế. Nói tóm lại, hoà bình, ổn định của đất nước được bảo đảm là tiền đề khách quan, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, mở rộng quan hệ quốc tế về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh.
Ngày nay, tuy nước ta đang có hòa bình, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước ổn định, nhưng các thế lực thù địch vẫn chưa từ bỏ âm mưu xâm lược, gây mất ổn định đất nước ta bằng những âm mưu, thủ đoạn mới nham hiểm, xảo quyệt hơn. Để củng cố nền hòa bình, tạo môi trường thuận lợi cho hội nhập quốc tế chúng ta phải tăng cường hơn nữa sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng quân đội nói riêng. Quân đội phải là lực lượng luôn luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng trước những thử thách khắc nghiệt của tình hình thế giới, những khó khăn của đất nước và sự chống phá của kẻ thù, thường xuyên giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Quân đội còn phải thực sự là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch phản động nhằm bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, toàn vẹn lãnh thổ, truyền thống văn hóa dân tộc, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng. Với tư cách là đội quân công tác, quân đội còn phải tích cực làm tốt công tác vận động quần chúng, tuyên truyền giáo dục đường lối đổi mới của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, thông qua đó tiếp tục góp phần tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân.
Thứ hai, Quân đội cùng toàn Đảng, toàn dân đấu tranh trên các mặt trận kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa để bảo vệ đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.
Trong điều kiện quốc tế hiện nay, các thế lực thù địch đang sử dụng kịch bản “diễn biến hòa bình” hòng lái nước ta đi vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản... Chúng ta không được quên rằng kịch bản này đã thu được thành công ở Đông Âu và Liên Xô trước đây, đẩy các dân tộc này đến thảm họa chiến tranh và suy thoái kinh tế triền miên biến họ thành những “quốc gia hạng 2” trên các diễn đàn quốc tế. Trước những toan tính của các thế lực thù địch, đòi hỏi chúng ta trong khi tập trung mọi nguồn lực của quốc gia để phát triển đất nước, không được lơ là, mất cảnh giác, buông lỏng trận địa quốc phòng - an ninh. Phải coi sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội là sự bảo đảm bằng vàng cho sự thành công của công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ nhận thức đó, Quân đội phải cùng toàn Đảng, toàn dân đấu tranh tích cực trên tất cả các mặt trận, loại trừ ngay từ gốc âm mưu “chiến thắng không cần chiến tranh” của các thế lực thù địch để bảo vệ thành quả cách mạng.
Thực tiễn những năm vừa qua cho thấy kẻ thù đang gây sức ép về kinh tế, từng bước thực hiện "chủ nghĩa thực dân kinh tế" đối với nước ta, đòi chúng ta phải tư nhân hóa mạnh mẽ khu vực kinh tế nhà nước; hậu thuẫn cho kinh tế tư bản tư nhân không đi vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản nhà nước, phát triển một cách độc lập đi đến đối lập với khu vực kinh tế nhà nước. Đây là một mưu đồ thâm hiểm của chủ nghĩa đế quốc muốn vô hiệu hoá nền tảng kinh tế của chế độ, để từ đó tạo ra các diễn biến khác về mặt chính trị. Do vậy, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa phải được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Phải đầu tư xây dựng các cơ sở kinh tế nhà nước mạnh lên (trong đó có cả những cơ sở công nghiệp quốc phòng và kinh tế do quân đội quản lý), chứng minh được sức sống và tính hiệu quả của kinh tế nhà nước; phải chính bằng những công cụ kinh tế để kiểm soát và quản lý được quá trình phát triển của kinh tế tư bản chủ nghĩa, hướng khu vực kinh tế này vào phục vụ mục tiêu xã hội chủ nghĩa, làm cho các nhân tố xã hội chủ nghĩa trong khu vực kinh tế tư bản tư nhân ngày càng mạnh lên cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chúng ta đều biết rằng mọi động thái "diễn biến hòa bình’’ trên các lĩnh vực kinh tế tựu chung đều nhằm mục đích chính trị. Mục tiêu hàng đầu mà kẻ thù hướng tới là phá hủy hệ thống chính trị của ta, vô hiệu hóa quân đội và giành lấy chính quyền. Những kinh nghiệm lịch sử xương máu trong mấy chục năm tiến hành kháng chiến giành độc lập dân tộc cũng như thực tiễn Đông Âu và Liên xô khẳng định: Sự vững mạnh của hệ thống chính trị trong đó nòng cốt là uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản là tiền đề cơ bản, chủ yếu để củng cố nền độc lập dân tộc và để nhân dân ta có thể thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện hòa bình. Do vậy, lực lượng quân đội phải cùng với toàn dân đấu tranh bảo vệ sự ổn định chính trị của đất nước trên cả hai phương diện: cùng lực lượng công an bảo vệ Đảng, chính quyền, triệt phá các băng nhóm phản cách mạng, các hoạt động tình báo, gián điệp của địch và đấu tranh trên mặt trận lý luận, tư tưởng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của chế độ đó là chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Bằng công tác vận động quần chúng, tranh thủ trái tim khối óc của quần chúng, làm cho nhân dân đi theo và tin vào sự lãnh đạo của Đảng, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân cũng là cách để vô hiệu hóa mưu đồ đòi đa nguyên, đa đảng, cùng những thủ đoạn lừa mị khác của các thế lực thù địch về "dân chủ’’, "nhân quyền’’… Có thể nói, dựa vào "lòng dân’’ làm điểm tựa để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền là cách tạo ra sự miễn dịch ngay từ cơ sở trước những thủ đoạn "diễn biến hòa bình’’, đó cũng là cách tốt nhất để tạo sự ổn định về chính trị cho đất nước.
Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch đang ráo riết thực thi "diễn biến hòa bình’’ trong lĩnh vực văn hóa, thực hiện "chủ nghĩa thực dân văn hóa’’, coi đó là lực lượng yểm trợ đắc lực cho sự tấn công về kinh tế, chính trị. Bằng những phương tiện thông tin hiện đại các thế lực "thực dân văn hóa’’ đang tìm mọi cách tấn công vào các chuẩn mực giá trị của văn hóa dân tộc là tinh thần yêu nước, thương nòi, là tư tưởng nhân nghĩa Việt Nam, coi trọng đạo lý hơn tiền bạc, coi trọng những giá trị cao đẹp của lý tưởng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Thực tế, trước những thủ đoạn tiến công bằng văn hóa của kẻ thù, hiện trạng văn hóa của đất nước đang phát ra tín hiệu báo động: Đó là, lối sống vô trách nhiệm đã lan tỏa tới cả vùng thôn quê nơi mà chưa bao giờ đồng tiền lại được đề cao trên cả tình người. Thước đo phẩm giá đối với mỗi con người vốn là đạo đức và thái độ đối với lao động đang bị thay bởi thước đo của các tiện nghi hiện đại, đắt tiền. Một bộ phận thế hệ trẻ đang có xu hướng xa rời lý tưởng, sống vô trách nhiệm, chạy theo lạc thú tầm thường, kiếm tiền bằng bất cứ giá nào… Tình hình trên là hết sức đáng lo ngại đòi hỏi sự quan tâm của mọi lực lượng trong xã hội đấu tranh để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.
Do vậy, để chiến thắng trên trận chiến văn hóa, quân đội trước hết phải xây dựng cho mình một môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc. Xây dựng và bồi dưỡng lối sống của con người mới xã hội chủ nghĩa cho thế hệ trẻ trong quân đội, tạo sự miễn dịch đối với lối sống vị kỷ mà kẻ thù đang muốn gieo vào hòng làm lung lạc và tha hóa thế hệ trẻ Việt Nam. Quân đội phải cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ và xây dựng nền văn hóa dân tộc, làm cho nền văn hóa dân tộc không chỉ đủ sức chống trả những nhân tố tiêu cực và phá hoại của văn hóa ngoại lai, chống trả nguy cơ bị đồng hóa về văn hóa, mà còn biết làm giàu mình bằng gạn lọc và tiếp thu tinh hoa của các nền văn hóa đó.
Thứ ba, Quân đội chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương từ Trung ương đến cơ sở trong tham gia quy hoạch, thẩm định các dự án đầu tư nước ngoài, bảo đảm sự thống nhất giữa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với chiến lược củng cố quốc phòng - an ninh.
Trong thời gian tới, để Quân đội có thể đóng góp thiết thực, có cơ sở khoa học vững chắc trong việc thẩm định các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, các dự án đầu tư nước ngoài nhằm mang lại hiệu quả cao cho cả kinh tế và quốc phòng đòi hỏi, một mặt, Nhà nước ban hành pháp lệnh, xây dựng quy chế khẳng định sự cần thiết và tạo cơ sở pháp lý cho Quân đội tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch, thẩm định các chương trình, dự án đầu tư của các chủ đầu tư cả trong và ngoài nước trên các vùng, miền, lĩnh vực với một quy trình chặt chẽ, khoa học nhưng không gây phiền hà, mất thời gian; mặt khác, Chính phủ cần khẩn trương thành lập Hội đồng tư vấn về những vấn đề liên quan đến quốc phòng trong phát triển kinh tế - xã hội, để giúp Chính phủ xem xét những vấn đề quốc phòng ở tầm vĩ mô. Hội đồng cần được xây dựng dựa theo hệ thống tổ chức của quân đội từ Bộ Quốc phòng đến quân khu, bộ chỉ huy quân sự tỉnh (thành phố). Cùng với việc kiện toàn về tổ chức, cần đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức toàn diện cho đội ngũ cán bộ, sĩ quan là thành viên của Hội đồng tư vấn.
Thứ tư, Quân đội tham gia xây dựng kinh tế vừa tạo điều kiện cho tăng cường hội nhập quốc tế, vừa tăng cường khả năng bảo vệ lãnh thổ của Tổ quốc.
Tham gia lao động sản xuất, làm kinh tế cũng là một truyền thống quý báu của Quân đội ta. Trước đây, ngay trong điều kiện chiến tranh, cùng với việc đặt lên hàng đầu nhiệm vụ chiến đấu, nhiệm vụ lao động sản xuất của Quân đội cũng luôn được coi trọng và đạt những kết quả tốt. Ngày nay, khi toàn Đảng, toàn dân đang tập trung mọi nỗ lực để xây dựng đất nước thì vai trò của Quân đội trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội lại càng được khẳng định. Quân đội không chỉ là lực lượng nòng cốt trong bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho các hoạt động kinh tế, mà còn là bộ phận quan trọng góp phần tạo ra của cải vật chất, hàng hoá, dịch vụ cho xã hội, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn phức tạp, như xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng ở những địa bàn chiến lược trên các tuyến biên giới, hải đảo của Tổ quốc.
Hiện nay, các doanh nghiệp quân đội, chủ yếu là các doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng, điển hình như Tổng Công ty Thành An, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, Công ty Lũng Lô, Tân Cảng, Viettel, Binh đoàn 15, 18... đang quản lý một khối lượng lớn máy móc, thiết bị, phương tiện kỹ thuật tương đối hiện đại cùng với một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công nhân kỹ thuật có phẩm chất chính trị tốt, có trình độ chuyên môn giỏi, có ý thức tổ chức kỷ luật và có tác phong lao động công nghiệp. Các doanh nghiệp này đã từng tham gia thi công nhiều công trình xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng được Nhà nước đánh giá cao. Trong thời gian tới, việc Quân đội tiếp tục đóng góp sức mình vào xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế của đất nước cần được đẩy mạnh hơn nữa và cần coi đó là một giải pháp quan trọng tạo điều kiện thuận lợi để nước ta hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới.
Để thực hiện tốt vai trò này, các doanh nghiệp quân đội, đặc biệt là các tổng công ty cần khẩn trương tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức theo hướng giảm tối thiểu các bộ phận trung gian, làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, công nhân kỹ thuật; bảo đảm để họ có đủ khả năng nắm bắt, sử dụng có hiệu quả công nghệ quản lý, thi công hiện đại; mạnh dạn đầu tư thêm vốn để từng bước trang bị kỹ thuật, công nghệ, phương tiện thi công hiện đại; chủ động xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn và tạo dựng tiềm lực tài chính mạnh; chủ động liên doanh, liên kết với các tổng công ty nhà nước để đủ sức thắng thầu và trở thành nhà thầu chính trong xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế quan trọng ở trong nước, khu vực, mà trước hết là tham gia thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng trong khuôn khổ những chương trình hợp tác của ASEAN trên lĩnh vực giao thông vận tải./.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Lễ ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank)  (30/11/2012)
Báo chí truyền hình với việc tuyên truyền thương hiệu nông sản Việt Nam  (30/11/2012)
Hội nghị Khoa học Công nghệ Điện lực toàn quốc năm 2012  (30/11/2012)
Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV  (30/11/2012)
Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp Đại diện Bộ Nội vụ Cuba tại Việt Nam  (30/11/2012)
Ý nghĩa tượng trưng mang giá trị lịch sử  (30/11/2012)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên