TCCSĐT - Nhận lời mời của Quốc vương Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Ngài Ha-gi Hát-xa-nan Bôn-ki-a Mui-da-đin Oa-đau-la (Haji Hassanal Bolkiah Mu’izzaddin Waddaulah) và Hoàng hậu, ngày 27-11-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân đã bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Bru-nây Đa-rút-xa-lam.

Chiều 27-11, lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã được tổ chức trọng thể tại Cung điện Ítxtana Nurun Iman. Ngay sau lễ đón, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân đã hội kiến với Quốc vương và Hoàng hậu.

Tham gia đoàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Vĩnh Tân; Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Thanh Mẫn; Đại sứ Việt Nam tại Bru-nây Nguyễn Trường Giang; Đại sứ Việt Nam tại Mi-an-ma Chu Công Phùng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Lương Minh; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu; Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ngô Đức Mạnh; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đặng Thanh Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng; Trợ lý Chủ tịch nước Vũ Quang Tuấn; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc.

Tại cuộc hội kiến, Quốc vương Ha-gi Hát-xa-nan Bôn-ki-a Mui-da-đin Oa-đau-la nhiệt liệt hoan nghênh Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Bru-nây Đa-rút-xa-lam. Quốc vương nhấn mạnh ý nghĩa của chuyến thăm đối với việc củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước nhân dịp Việt Nam và Bru-nây Đa-rút-xa-lam tiến hành các hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1992 - 2012). Quốc vương chúc mừng những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc Đổi mới và phát triển đất nước; tin tưởng nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện thành công “Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn 2011-2020” nhằm xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ vui mừng đến thăm đất nước Bru-nây Đa-rút-xa-lam; cảm ơn sự đón tiếp chu đáo, trọng thị mà Quốc vương và Hoàng hậu, Chính phủ và nhân dân Bru-nây Đa-rút-xa-lam dành cho Đoàn. Chủ tịch nước chúc mừng những thành tựu quan trọng về mọi mặt của Bru-nây Đa-rút-xa-lam, nhất là về phát triển kinh tế; đồng thời bày tỏ tin tưởng dưới sự trị vì anh minh của Quốc vương, nhân dân Bru-nây Đa-rút-xa-lam sẽ thực hiện thành công “Tầm nhìn Quốc gia 2035”; đưa đất nước trở thành quốc gia hòa bình, thịnh vượng và phát triển; đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA trong năm 2013; góp phần khẳng định vai trò và vị thế ngày càng quan trọng của Bru-nây Đa-rút-xa-lam ở khu vực cũng như trên thế giới.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Quốc vương Ha-gi Hát-xa-nan Bôn-ki-a Mui-da-đin Oa-đau-la cũng đã tiến hành hội đàm. Cùng dự có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ và Bí thư các tỉnh Đồng Tháp, Hà Giang, Đại sứ Việt Nam tại Bru-nây Đa-rút-xa-lam Nguyễn Trường Giang, Thứ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng nhiều quan chức cấp cao khác.

Tại cuộc hội đàm, hai nhà Lãnh đạo bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước trong khuôn khổ song phương, cũng như tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; nhất trí cùng quyết tâm đưa quan hệ hai nước phát triển hơn nữa trong thời gian tới, cả về bề rộng lẫn chiều sâu, vì lợi ích của nhân dân hai nước. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, đồng thời đẩy mạnh giao lưu nhân dân nhằm thắt chặt hiểu biết, tin cậy lẫn nhau. Hai bên cũng thỏa thuận sớm tổ chức kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban Hợp tác song phương nhằm đề ra các biện pháp tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể, nhất là lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Theo thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều trong 9 tháng đầu năm nay đạt khoảng 500 triệu USD. Hiện Bru-nây đứng thứ 12/92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 129 dự án có tổng số vốn đạt 4,9 tỷ USD.

Hai nhà Lãnh đạo đánh giá sự hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng có bước phát triển đáng kể; nhất trí xem xét khả năng thiết lập đường dây nóng giữa lực lượng hải quân hai nước và xúc tiến ký kết Thỏa thuận Hợp tác về Phòng chống Tội phạm. Ngoài ra, hai bên cũng thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng như nông nghiệp-thủy sản, dầu khí, lao động, du lịch, giáo dục, giao thông - vận tải… Trên tinh thần đó, hai nhà Lãnh đạo nhất trí giao các bộ, ngành hữu quan xúc tiến đàm phán, sớm ký kết các thỏa thuận như Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư, Bản ghi nhớ về Hợp tác Thủy sản, Lao động; Hiệp định Vận tải biển…

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai nhà Lãnh đạo nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong ASEAN và Liên hợp quốc; cùng phối hợp với các nước thành viên ASEAN khác phấn đấu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Chủ tịch Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam sẽ hết lòng ủng hộ và hợp tác tích cực để Bru-nây Đa-rút-xa-lam hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA trong năm 2013. Quốc vương Ha-gi Hát-xa-nan Bôn-ki-a Mui-da-đin Oa-đau-la khẳng định Bru-nây Đa-rút-xa-lam sẽ ủng hộ Việt Nam đăng cai Hội nghị Cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017, tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hai nhà Lãnh đạo cũng nhất trí về lập trường có tính nguyên tắc là đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực; an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông và Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc nhân kỷ niệm 10 năm ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); nhất trí thực thi đầy đủ và nghiêm túc DOC, sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử (COC).

Cuộc hội kiến và hội đàm diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã mời Quốc vương Ha-gi Hát-xa-nan Bôn-ki-a Mui-da-đin Oa-đau-la và Hoàng hậu trở lại thăm chính thức Việt Nam vào thời gian thích hợp, và Quốc vương đã vui vẻ nhận lời. Tiếp đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Quốc vương Ha-gi Hát-xa-nan Bôn-ki-a Mui-da-đin Oa-đau-la đã chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Cơ quan Quản lý Tiền tệ Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Thỏa thuận Hợp tác về Dầu khí giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Dầu khí Quốc gia Bru-nây Đa-rút-xa-lam. Tối cùng ngày, Quốc vương Ha-gi Hát-xa-nan Bôn-ki-a Mui-da-đin Oa-đau-la và Hoàng hậu đã mở quốc yến chiêu đãi trọng thể Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

Đầu năm nay, Việt Nam và Bru-nây đã kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (29-2-1992 -29-2-2012). Trong thời gian qua, hai bên đã nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt, trong đó, hợp tác về kinh tế - thương mại - đầu tư có nhiều khởi sắc. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 204 triệu USD năm 2011, riêng trong 9 tháng của năm 2012 con số này đã đạt 403 triệu USD. Bru-nây có 129 dự án với tổng giá trị 4,9 tỷ USD. Việt Nam cũng có một dự án đầu tư vào Bru-nây với tổng vốn đăng ký 650.000 USD đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh kim loại mầu, kim loại quý, kinh doanh hóa chất. Hai nước còn có những hợp tác trong một số lĩnh vực khác như nông- ngư nghiệp, dầu khí, lao động, thủy sản, giáo dục - đào tạo... có nhiều tiềm năng phát triển.

Trong hợp tác về giáo dục, hai nước chủ yếu thông qua các khuôn khổ hợp tác đa phương. Những năm gần đây, Bru-nây đều đặn cấp cho Việt Nam một số học bổng tại các trường đại học, một số học bổng đào tạo về dầu khí và tiếng Anh. Hợp tác văn hóa giữa hai nước đều được mỗi bên tích cực thúc đẩy, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1992 -2012), hai bên đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật tại mỗi nước. Việt Nam và Bru-nây đều là thành viên của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, thường xuyên có quan hệ hợp tác chặt chẽ, trao đổi đoàn, thi đấu, tập huấn, tham gia các khóa đào tạo, tham dự Hội nghị về thể dục thể thao được tổ chức ở mỗi nước.

Hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong những năm gần đây phát triển tốt, song chỉ dừng ở mức trao đổi đoàn quân sự các cấp nhằm tăng cường sự hiểu biết, xây dựng lòng tin và tìm hiểu khả năng hợp tác cùng có lợi giữa quân đội hai nước. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng (2005), thiết lập phòng tùy viên quốc phòng (2010). Hợp tác an ninh giữa Bộ Công an Việt Nam với các cơ quan hữu quan Bru-nây được duy trì đều đặn, tuy hai bên chưa triển khai được nhiều hợp tác cụ thể, chủ yếu là thông qua các diễn đàn hợp tác đa phương như ARF, Interpol, Aseanapol, SOMTC... Hai bên cũng thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác như lao động, hiện có khoảng 1.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Bru-nây. Hai nước đã ký kết một số hiệp định, thỏa thuận nhằm thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai bên như các Hiệp định về hàng không, thương mại, hợp tác hàng hải; Thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Bru-nây cùng một số Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch, quốc phòng, thể thao, thanh niên...

Diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam với Bru-nây tiếp tục đà phát triển tốt đẹp, chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Bru-nây./.