TCCSĐT - Ngày 19-11-2012, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm 14 chương và 190 điều, tăng thêm 6 chương và 44 điều so với Luật Đất đai năm 2003, nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế của Luật hiện hành.

 

Qua gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2003 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đồng thời cũng phát sinh những hạn chế, bất cập như: chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ; pháp luật về đất đai hiện hành còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp, chưa thật đồng bộ; quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư và các thủ tục hành chính về đất đai còn nhiều hạn chế.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, Dự thảo lần này đặt ra các mục tiêu sau: Thứ nhất đất phải được sử dụng hiệu quả hơn, việc 20.000 ha đất đang bỏ trống hiện nay sẽ bàn phương án để xử lý. Thứ hai trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, người dân có lợi hơn; hài hòa lợi ích giữa người có đất, Nhà nước và doanh nghiệp. Thứ ba giảm khiếu kiện và tham nhũng về đất đai.

 

Nhiều ý kiến của cử tri thảo luận ở hội trường đã được ghi lại.

 

Làm rõ bất cập, thiếu sót trong hệ thống pháp luật về đất đai

 

Khẳng định Luật Đất đai là một đạo luật hết sức quan trọng, có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, sản xuất và đời sống nhân dân cũng như sự ổn định xã hội, ông Ngô Đức Phiến, cán bộ Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 là rất cần thiết, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước.

 

Qua theo dõi thảo luận của Quốc hội cho thấy, các đại biểu đã tập trung đánh giá khách quan, trung thực và đúng đắn về thực trạng quản lý, thực thi pháp luật đất đai hiện nay; đồng thời làm rõ các bất cập, thiếu sót trong hệ thống pháp luật; đưa ra được những kiến nghị, đề xuất cụ thể để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn, hạn chế những khiếu kiện bức xúc trong nhân dân.

 

Từ quá trình triển khai thực hiện tại Hà Nội, ông Phiến cho biết, khó khăn nhất trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng là việc tự thỏa thuận với người dân. Thực tế, người dân luôn yêu cầu chủ đầu tư phải chấp thuận giá bồi thường và các chính sách hỗ trợ cao hơn rất nhiều so với quy định của Nhà nước mà không căn cứ vào loại đất, mục đích sử dụng. Do vậy, trên địa bàn Hà Nội, mới có 33 trường hợp thực hiện hình thức nhà đầu tư tự thỏa thuận với dân. Tuy nhiên, trong số đó, chỉ có 9 trường hợp nhà đầu tư tự thỏa thuận thành công, còn lại đều vướng mắc và đang xin điều chỉnh theo hướng Nhà nước thu hồi đất.

 

Ông Phiến kiến nghị, nên bỏ hình thức nhà đầu tư tự thỏa thuận với dân và phải có sự vào cuộc của chính quyền; việc xây dựng bảng giá đất cần giữ ổn định từ 3-5 năm để thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng. Theo đó, Chính phủ cần điều chỉnh tăng các mức giá đất tối đa của khung giá đất cho phù hợp với giá thực tế trên thị trường...

 

Thừa nhận cơ chế thỏa thuận trong lĩnh vực thu hồi đất khi áp dụng vào thực tế đã bộc lộ những bất cập nhưng ông Phiến cho rằng, không thể bỏ một cách dễ dàng mà cần được nhìn nhận, đánh giá một cách thận trọng để bảo vệ quyền lợi của người dân. Đặc biệt, cần tránh trường hợp “thỏa thuận ngầm” và cần xác định rõ nguồn vốn đền bù cho dân trước khi thu hồi.

 

Là người dân có đất nằm trong dự án phát triển đô thị của Thủ đô, cử tri Nguyễn Văn Khôi (xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội ) thẳng thắn nhìn nhận: Chính sách, pháp luật về đất đai ngày càng được hoàn thiện theo hướng có lợi hơn cho người dân. Tuy nhiên, sự thay đổi liên tục của chính sách, pháp luật và những vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Đất đai năm 2003, các văn bản hướng dẫn thực thi đạo luật này và các luật có liên quan cũng như khâu tổ chức thực hiện chính là nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng các khiếu nại, tố cáo của người dân trong thời gian qua.

 

Theo cử tri Khôi, tại nhiều địa phương, vẫn còn tình trạng thiếu công khai, minh bạch trong việc lập, công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án đền bù và hỗ trợ tái định cư. Một số nơi còn có tình trạng cán bộ trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ quản lý đất đai nhũng nhiễu dân, áp dụng pháp luật thiếu công bằng hoặc do hiểu không đầy đủ nên áp dụng không đúng. Trong khi đó, việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân liên quan đến đất đai còn chậm, giải quyết không dứt điểm hoặc đùn đẩy trách nhiệm...

 

Cử tri Khôi cũng cho biết, trong quá trình thực thi pháp luật về đất đai, nhiều địa phương chưa giải quyết tốt mối quan hệ lợi ích giữa nhà nước với người dân; “thường chỉ nhấn mạnh đến môi trường đầu tư, đến tính cấp thiết của việc giải phóng mặt bằng để có được dự án”, cử tri Khôi nói.

 

Với tính chất đặc biệt của đất đai, cử tri Nguyễn Văn Khôi bày tỏ: Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để giải quyết dứt điểm những vướng mắc về chính sách đất đai, giải quyết khiếu nại cần phải song song “gỡ” từ hai phía: cả ở tầm chính sách, pháp luật và cả ở khâu tổ chức thực hiện. Tất cả phải thống nhất, hòa hợp, minh bạch và công bằng, đôi khi cũng cần phải sáng tạo, nhưng không có nghĩa là vượt ra ngoài khuôn khổ của pháp luật, làm trái luật.

 

Cần có chính sách cụ thể khuyến khích tích tụ ruộng đất

 

Ông Lê Luân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Yên bày tỏ đồng tình với dự thảo của luật về sở hữu đất đai và về Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chính sách cụ thể khuyến khích tích tụ ruộng đất và quy định thời hạn sử dụng đất là 50 năm đối với đất nông nghiệp. Như vậy, mới khuyến khích người dân yên tâm đầu tư bằng các giải pháp thâm canh để tăng giá trị nông sản. Ở Phú Yên, vấn đề này càng quan trọng hơn vì 70% số dân sống bằng nông nghiệp và 105 HTX nông nghiệp đang hoạt động nhưng còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Luật cần quy định đối với đồng bào dân tộc thiểu số nên nâng mức hạn điền nhiều hơn so với các vùng khác vì đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu của họ.

 

Về việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để giao cho nhà đầu tư, ông Ma Chuộng ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa cho biết: Nếu nhà đầu tư thuê vì mục đích lợi nhuận, không nên dựa vào bảng giá đất hàng năm do địa phương ban hành vì thực tế không sát giá thị trường, mà phải dựa trên thỏa thuận giữa nhà đầu tư với người sử dụng đất. Giá bồi thường là giá tại thời điểm người dân nhận tiền bồi thường, chứ không phải thời điểm ra quyết định bồi thường; hoặc nếu cần thiết, người dân có quyền góp vốn bằng đất đai với nhà đầu tư. Luật nên quy định rõ khi nhà đầu tư thỏa thuận được với 80% trở lên số hộ trong vùng dự án. Nếu những hộ còn lại không chấp thuận, Nhà nước có quyền áp dụng cơ chế chuyển nhượng bắt buộc theo giá trị đất đã ban hành để thực hiện dự án.

 

Phú Yên là tỉnh thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp huyện, phường nên chính quyền phải tăng cường kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng nhà đầu tư không sử dụng đất đúng mục đích như mục tiêu dự án. Như vậy, mới giảm bớt tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai.

 

Thời hạn sử dụng đất nông nghiệp là 50 năm

 

Đồng tình với nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Luật sư Nguyễn Văn Tờn, chuyên gia về đất đai của Văn phòng Luật sư THT, thành phố Buôn Ma Thuột ( Đắk Lắk) cho rằng: Luật Đất đai năm 2003 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong công tác quản lý, sử dụng đất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng còn có nhiều bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, tài chính đất đai và giá đất... gây nên nhiều bức xúc trong xã hội.

 

Chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã, cấp huyện còn hạn chế, tính khả thi chưa cao, chủ yếu mang tính định hướng sử dụng đất của từng địa phương, tình trạng bố trí công trình, dự án hoặc thỏa thuận địa điểm công trình vẫn còn nằm ngoài phạm vi quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh còn nặng về phân bố đất cho các công trình nhỏ lẻ, thiếu tầm nhìn về chiến lược lâu dài, chưa thể hiện được vai trò điều tiết vĩ mô rong việc lập quy hoạch.

 

Tại Đắk Lắk, công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn yếu kém, việc chuyển mục đích sử dụng đất trái phép từ sản xuất nông nghiệp sang đất ở, tăng diện tích đất trồng cà phê, đất trồng cây trồng khác không theo quy hoạch xảy ra hầu hết các huyện, thị xã, thành phố... Về tài chính đất đai và giá đất, tại Điều 11, Nghị định 69 của Chính phủ quy định khi Nhà nước cho thuê đất mà giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm cho thuê đất chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường để xác định lại giá đất cụ thể cho phù hợp, giá đất trong một năm thường biến động, việc xác định giá lại do Sở Tài chính chủ trì cùng các cơ quan dựa trên các ý kiến chủ quan để ban hành giá đất nên các doanh nghiệp thuê đất cùng một năm, cùng một khu vực nhưng có đơn giá thuê khác nhau, vì vậy, có sự không công bằng trong trả tiền thuê đất...

 

Luật sư Nguyễn Văn Tờn cũng đồng tình với các đại biểu Quốc hội thời hạn sử dụng đất nông nghiệp là 50 năm, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng, khi hết thời hạn vẫn được Nhà nước tiếp tục cho gia hạn khi có nhu cầu sử dụng để tạo điều kiện cho người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

 

Luật sư cũng kiến nghị, Quốc hội bãi bỏ hợp đồng thuê đất đối với các trường hợp được Nhà nước cho thuê đất quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 122 Luật Đất đai mà chỉ căn cứ quyết định cho thuê đất, quyết định đơn giá cho thuê, người sử dụng đất thực hiện việc nộp tiền thuê đất theo quy định của pháp luật. Việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cần xác định cụ thể thế nào là nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ; cần xác định rõ giá trị đền bù từ tài sản hữu hình đến vô hình.

 

Bên cạnh thảo luận dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều dự luật, trong đó có Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Thủ đô…

 

Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua nhiều nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về công tác tư pháp; Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai…; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Theo chương trình, Quốc hội khóa XIII sẽ họp phiên bế mạc tại kỳ họp thứ tư vào sáng 23-11-2012./.