TCCSĐT - Tại phiên họp ngày 26-10-2012, Đại Hội đồng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã nhất trí kết nạp CHDCND Lào trở thành thành viên thứ 158 của tổ chức này. Đây là kết quả của 15 năm đàm phán - một chặng đường khá dài với rất nhiều khó khăn mà Lào đã trải qua. Theo Tổng Giám đốc WTO Pa-xcan La-mi (Pascal Lamy), những nỗ lực gia nhập WTO không phải là điều dễ dàng đối với những nước kém phát triển.
Tăng cường nội lực

Tuy vẫn còn là một trong những quốc gia kém phát triển nhất tại khu vực Đông Nam Á, nhưng trong gần 10 năm trở lại đây, nền kinh tế Lào đã có những bước tiến khả quan với mức tăng trưởng khá ổn định, trung bình đạt 6,8%/năm. Đặc biệt năm 2011, mặc dù nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai lũ lụt, song tăng trưởng kinh tế của Lào vẫn đạt 7,8% - tốc độ gia tăng được đánh giá là cao nhất khu vực; ngành công nghiệp tăng 15,6%.

Ngành tài chính ngân hàng được hiện đại hóa tại nhiều tỉnh, thành với việc mở cửa 19 ngân hàng thương mại. Trong năm 2011, Lào cũng đã chính thức mở cửa thị trường chứng khoán. Ngành viễn thông phát triển mạnh mẽ với gần 2 triệu người sử dụng điện thoại di động trên tổng dân số 6,5 triệu người. Dịch vụ thông tin - viễn thông của nước này đạt mục tiêu “phủ sóng” 90% khu vực nông thôn, tỷ lệ phủ sóng điện thoại đạt 80% trong giai đoạn 5 năm (2010 - 2015). 

Những thành tựu đó là kết quả của chính sách ưu tiên đầu tư phát triển vào một số ngành của Chính phủ. Chính phủ Lào cũng chủ trương thúc đẩy toàn diện 6 chiến lược thương mại lớn gồm: ngoại thương, sản xuất sản phẩm và quản lý xuất - nhập khẩu, dịch vụ thương mại quá cảnh, phát triển thị trường và quản lý hàng hóa, phát triển nguồn nhân lực và quản lý hành chính. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) nhận định, sở dĩ Lào đạt được kết quả trên, chủ yếu do mở rộng các lĩnh vực kinh tế quan trọng, như thủy điện, khai thác khoáng sản và dịch vụ. 

Trong chiến lược phát triển kinh tế, Lào xác định nỗ lực hoàn thành các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ vào năm 2012, cố gắng giảm tỷ lệ đói nghèo và đưa Lào thoát khỏi danh sách các nước kém phát triển vào năm 2020. Năm 2012, Lào được đánh giá là một trong những nền kinh tế có triển vọng tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Việc đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 9 (ASEM 9) vào tháng 11-2012 - sự kiện mang tính lịch sử và lớn nhất được tổ chức ở nước này từ trước đến nay là cơ hội tốt để Lào nêu cao vai trò và uy tín trong khu vực và trên trường quốc tế, giới thiệu chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị và hợp tác của Lào; tăng cường hợp tác, kết nối kinh tế giữa Lào với châu Á và châu Âu nhằm khuyến khích xuất khẩu, thu hút thêm đầu tư, trợ giúp về tài chính, kỹ thuật, công nghệ cũng như những bài học kinh nghiệm để phát triển; quảng bá văn hóa và truyền thống tốt đẹp của Lào. Đồng thời, tổ chức thành công sự kiện đó là sự khẳng định những thành tựu mà đất nước và nhân dân Lào đạt được trong thời gian qua.

Để tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu

Cùng với tăng cường sức mạnh của nền kinh tế trong nước, năm 1997, Lào đã đệ đơn gia nhập WTO. Sau 15 năm đàm phán, Lào đã hoàn chỉnh việc sửa đổi 90 quy định về luật thương mại; thành công trong đàm phán thương mại song phương với nhiều quốc gia lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a, Liên minh châu Âu (EU),…

Những tiến bộ vượt bậc của Lào trong quá trình cải cách nhằm đáp ứng những yêu cầu trong tiến trình gia nhập tổ chức thương mại lớn nhất thế giới đã được ghi nhận trong các bản báo cáo gần đây của WTO. Cuối cùng, sau 15 năm đàm phán, tại phiên họp ngày 26-10-2012, Đại Hội đồng WTO đã nhất trí để Lào trở thành thành viên mới của tổ chức này. Sau khi được Quốc hội Lào phê chuẩn toàn bộ các thủ tục gia nhập, Lào sẽ trở thành thành viên đầy đủ của WTO. 

Tổng Giám đốc WTO nói, “Từ năm 1997 đến nay, Lào đã phải vượt qua cả một chặng đường dài để được kết nạp vào WTO… Trên thực tế, những bước đi khởi đầu gia nhập WTO của Lào diễn ra rất chậm chạp. Tuy nhiên, cho đến nay, Lào đã thực hiện nghiêm túc quá trình cải cách kinh tế và thể chế, đồng thời bộc lộ rõ nhiều kỹ năng vượt trội trong quá trình đàm phán gia nhập WTO”.

Gia nhập WTO, tham gia sâu rộng hơn vào tiến trình toàn cầu hóa kinh tế giúp Lào nắm bắt những cơ hội quan trọng và tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Một là, những động lực về cải cách chính sách, thể chế để đáp ứng yêu cầu sau khi gia nhập WTO,…là sức ép nhưng, mặt khác, cũng là yếu tố giúp Lào hội nhập tốt hơn, phục vụ cho sự nghiệp đổi mới, mở cửa của Lào với thế giới bên ngoài trên cơ sở phát triển lâu dài và bền vững. Việc thực hiện các cam kết này sẽ đưa các thị trường của Lào phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và tạo sự minh bạch lớn hơn.

Hai là, cơ hội tiếp cận ở mức độ nhất định với thị trường hàng hóa và dịch vụ của 157 nước thành viên còn lại của WTO theo tinh thần các cam kết mà Lào đã đưa ra cùng các nguyên tắc của WTO. Đây là nhân tố thúc đẩy ngoại thương của Lào phát triển.

Ba là, cơ hội hưởng các quy chế kinh doanh minh bạch hơn và dễ đoán định hơn. Theo đó, các nước khác không thể đơn phương ra quyết định hạn chế nhập khẩu hàng hóa của Lào mà cần tuân thủ theo những nguyên tắc, tiêu chuẩn của WTO.

Bốn là, trở thành địa chỉ hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Quá trình hoàn tất các chương trình cải cách khác nhau để gia nhập WTO đã giúp Lào trở thành một quốc gia “mạnh mẽ hơn về thương mại”, dần thoát khỏi mô hình nền kinh tế quá nhỏ và phức tạp. Không chỉ có vậy, mặc dù đầu tư nước ngoài ở Lào tăng từ 300 triệu USD năm 2005 lên 3 tỷ USD năm 2011, song có tới 85% số tiền này được tập trung vào một số lĩnh vực như thủy điện và các dự án khai thác mỏ. Do vậy, việc gia nhập WTO sẽ giúp Lào đa dạng hóa các nguồn đầu tư sang các lĩnh vực khác. 

Năm là, là một quốc gia kém phát triển trong khu vực, việc gia nhập WTO sẽ mang lại cho Lào nhiều cơ hội để cải thiện chỉ số xếp hạng về kinh tế. Bên cạnh đó, mở ra cho Lào điều kiện để tiếp cận với nhiều chương trình “viện trợ thương mại” - vốn được kết nối xuyên suốt giữa các nước thành viên WTO.

Việc gia nhập WTO sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Lào, tuy nhiên, cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức đòi hỏi phải có những điều chỉnh để đáp ứng các cam kết, thỏa thuận, những quy định bắt buộc đối với thành viên của tổ chức này. 

Trước hết là việc tuân thủ mức trần thuế đối với hàng hóa, các giới hạn trợ cấp cho nông nghiệp, sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và sức cạnh tranh của một số mặt hàng nông sản. Chẳng hạn, đối với hàng hóa, Lào cam kết áp mức thuế trung bình tối đa 18,8% đối với mọi sản phẩm, 19,3% đối với nông sản và 18,7% đối với các loại còn lại. Trong lĩnh vực dịch vụ, Lào đã đưa ra các cam kết về tiếp cận thị trường, dựa trên cơ sở các điều kiện và giới hạn đã được thông qua trong 10 lĩnh vực, bao gồm: các dịch vụ thương mại, dịch vụ viễn thông và truyền thông, xây dựng, phân phối, giáo dục tư nhân, môi trường, bảo hiểm, ngân hàng và các ngành tài chính khác, dịch vụ chăm sóc y tế tư nhân,... bao trùm 79 phân ngành. 

Thứ hai, cần phải đạt được các tiêu chuẩn về mở cửa thị trường, phù hợp với nguyên tắc thông thoáng, trong đó bao gồm thể chế kinh tế, xây dựng nền kinh tế thị trường theo yêu cầu của WTO đối với các thành viên. Ngành công nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài có sức mạnh hơn về nhiều mặt.

Thứ ba, những yếu kém trong kết cấu hạ tầng, tình trạng lạc hậu của nền kinh tế (đứng hàng thứ 138 trong tổng số 187 quốc gia theo bảng xếp hạng của Liên hợp quốc về trình độ phát triển) và hơn 1/4 trong tổng số 6,5 triệu dân đang sống trong cảnh nghèo khổ, chủ yếu dựa vào nghề nông sẽ càng bộc lộ rõ hơn, trở thành những thách thức gay gắt hơn khi mở cửa ra bên ngoài. 

Thêm vào đó, nền kinh tế toàn cầu vừa trải qua cuộc khủng hoảng và vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi tình trạng suy thoái, thậm chí còn đứng trước nguy cơ suy thoái kép, theo một số dự báo, sẽ không thể mang đến cho Lào những tác động tích cực như đối với các nền kinh tế khác gia nhập WTO vào thời điểm kinh tế thế giới phát triển mạnh. 

Như vậy, bên cạnh những thuận lợi tích cực trong phát triển kinh tế của đất nước khi trở thành thành viên chính thức của tổ chức thương mại lớn nhất trên thế giới, Lào cần có những nỗ lực rất lớn để vượt qua những khó khăn, thách thức cả từ bên trong, nội tại nền kinh tế cũng như những thách thức tác động từ bên ngoài. Kết hợp nội lực với ngoại lực, trong đó nội lực là yếu tố quyết định vẫn là bài học quan trọng để đất nước Hoa Chăm-pa hội nhập sâu rộng hơn, giảm thiểu những thua thiệt, thu được nhiều lợi ích hơn từ nền kinh tế toàn cầu./.

 Đánh giá về thành công của chặng đường 15 năm đàm phán gia nhập WTO của Lào, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thoong-lao Si-su-li nói: “đối với một đất nước như CHDCND Lào, tiến trình gia nhập WTO không chỉ giới hạn ở việc thay đổi một số luật và quy định. Chúng tôi đã phải thay đổi cách thức kinh doanh. Thật vậy, một sự thay đổi lớn như vậy là hết sức khó khăn và mất nhiều thời gian. Với những tiến bộ mà chúng tôi đã đạt được, cả về trong lĩnh vực thể chế, luật pháp và lề lối suy nghĩ thì 15 năm qua có vẻ như một quãng thời gian rất ngắn…Trong thời gian qua, chúng tôi đã ban hành được hơn 90 luật và quy định, liên quan tới lĩnh vực kinh doanh, cấp phép nhập khẩu, định giá hải quan, đầu tư, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại và các quyền sở hữu trí tuệ”./.