TCCSĐT - Những chỉ số kinh tế vĩ mô mới nhất cho thấy hậu quả cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã bắt đầu ảnh hưởng tới Đức và Pháp.

Theo dự báo của Bộ Kinh tế Đức, tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ trì trệ trong quý IV năm nay và sẽ kéo dài trong suốt quý I năm 2013. Mặc dù hiện các doanh nghiệp Đức đang buộc phải giảm mạnh đầu tư, song Bộ Kinh tế Đức nhận định rằng đây chỉ là hiện tượng mang tính chất chất tạm thời, do cuộc khủng hoảng nợ công ở "lục địa già" gây ra.

Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu, trụ cột chính của nền kinh tế Đức, đã sụt giảm 3,4% trong tháng 9 vừa qua. Trong khi đó, xuất khẩu toàn khu vực châu Âu giảm tới 9,1%, mức kỷ lục chưa từng thấy kể từ tháng 11-2009. Số lượng đơn đặt hàng công nghiệp ghi nhận trong khoảng thời gian này cũng sụt giảm thê thảm mà chưa xuất hiện tín hiệu lạc quan về triển vọng hồi phục. Một số doanh nghiệp lớn của Đức bắt đầu rục rịch các chính sách sa thải nhân viên. Ngay cả ngành công nghiệp sản xuất xe ô-tô cũng bắt đầu có dấu hiệu "hụt hơi", trong khi các nhà sản xuất buộc phải bán tống bán tháo sản phẩm để duy trì doanh số bán hàng. Các chuyên gia kinh tế còn lo ngại rằng lĩnh vực máy móc, dụng cụ cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng, do một số doanh nghiệp bắt đầu thực hiện chính sách thất nghiệp bán phần.

Trong khi đó, nền kinh tế Pháp đang đứng bên bờ vực suy thoái. Ngân hàng Pháp dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý IV sẽ tiếp tục sụt giảm 0,1%, tương tự như quý trước đó. Như vậy, kinh tế Pháp gần như rơi vào giai đoạn suy thoái. Tuy nhiên, Bộ Tài chính và Bộ Kinh tế Pháp đang cố trấn an các nhà đầu tư, khi cho rằng “tình hình cuối năm sẽ gặp phải một số khó khăn, nhưng sau đó sẽ dần được khắc phục".

Viện thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE) đã dự báo nền kinh tế Pháp sẽ tăng trưởng 0,4% trong năm 2012, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 1,7% năm 2011 và thấp hơn mức tăng trưởng dự kiến 0,7% trong năm 2012 do chính phủ đề ra. Báo cáo của INSEE cho biết sau 6 tháng đầu năm hầu như không tăng trưởng, nền kinh tế Pháp sẽ có chuyển biến tích cực hơn với tăng trưởng 0,1% trong quý 3 và 0,2% trong quý 4-2012.

Báo cáo cho rằng sự sụt giảm nhu cầu trong nước của các đối tác khu vực đồng ơrô sẽ làm giảm lượng xuất khẩu của Pháp cũng như ảnh hưởng tới nỗ lực củng cố ngân sách của nước này. INSEE cũng dự báo tỉ lệ thất nghiệp của Pháp sẽ tăng từ 9,3% tổng số người trong độ tuổi lao động của Pháp vào cuối năm 2011 lên 9,9% vào cuối năm 2012 hay 10,3% nếu tính cả các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp.

Trước đó, Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) và các nhà lãnh đạo 5 tổ chức kinh tế hàng đầu thế giới kêu gọi các nước Eurozone tiếp tục chính sách tiến hành các cuộc cải cách nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và củng cố ngân sách quốc gia.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong tuyên bố chung sau cuộc họp ngày 30-10 tại Béc-lin (Đức) giữa Thủ tướng A.Méc-ken với Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Cri-xtin La-gác-đơ (Christine Lagarde), Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Gim Châng Kim (Jim Young Kim), Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) Pa-xcan La-mi (Pascal Lamy) và Tổng Thư ký́ Tổ chức lao động quốc tế (ILO) Gai Rai-đơ (Guy Ryder).

Tuyên bố khẳng định những nỗ lực của một loạt nước Khu vực đồng ơ-rô nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính đã giúp khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư. Tuyên bố nhấn mạnh̀ điều quan trọng là phải thúc đẩy liên minh tiền tệ châu Âu, tiếp tục các cải cách toàn diện để bảo đảm tăng trưởng bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời cần nhanh chóng thông qua các biện pháp tiếp theo, trước hết nhằm đảm bảo việc làm cho thanh niên và thiết lập một hệ thống xã hội hiệu quả cũng như tiến hành các cải cách cơ cấu.

Lãnh đạo các tổ chức kinh tế hàng đầu thế giới cho rằng trong quá trình phục hồi kinh tế thế giới vẫn tồn tại một số nhân tố không ổn định, khiến lòng tin của giới đầu tư và các thị trường tài chính vẫn chưa đạt mức trước khủng hoảng. Theo đánh giá của IMF, tình hình kinh tế vẫn có nguy cơ cao trở nên tồi tệ hơn. Tuyên bố cũng nhấn mạnh các thách thức chính đối với thế giới vẫn là tình trạng biến đổi khí hậu, vấn đề bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như đảm bảo an ninh lương thực.

Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp An-tô-nít Xa-ma-rát (Antonis Samaras) cho biết, nước này đã đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế về một loạt biện pháp khắc khổ mới cần thiết để có được khoản giải ngân tối quan trọng trị giá 31,5 tỷ ơ-rô để thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ vào tháng tới. Ông cho rằng việc Quốc hội thông qua đợt cắt giảm chi tiêu mới sẽ giữ Hy Lạp ở lại Eurozone và thoát khỏi khủng hoảng.

Ông A.Xa-ma-rát đang tìm cách thuyết phục các đồng minh thuộc Đảng Xã hội và phe cánh tả theo đường lối trung dung thông qua các biện pháp khắc khổ tại Quốc hội vào ngày 12-11 tới, thời điểm các bộ trưởng tài chính Eurozone dự kiến đưa ra quyết định về số phận của khoản giải ngân nói trên. Và hai Bộ trưởng Tài chính của Đức và Pháp đã cam kết sẽ làm mọi thứ để bảo đảm kế hoạch giải cứu Hy Lạp có thể được ký trong tháng tới. Với những gì đang diễn ra hiện nay, khó có thể nói trước được điều gì có thể đến với Hy Lạp/.