TCCSĐT - Ngày 5-11-2012, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Lý luận lần thứ nhất giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Cu-ba. Tạp chí Cộng sản điện tử xin giới thiệu toàn văn bài Diễn văn khai mạc của đồng chí Hô-xê Ra-môn Ba-la-gua Ca-bre-ra, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Cu-ba tại Hội thảo.

Kính thưa đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam,

 

Thưa các đồng chí Việt Nam và Cu-ba thân mến.

 

Quan hệ lịch sử giữa Đảng Cộng sản Cu-ba và Đảng Cộng sản Việt Nam, được tôi luyện bằng tình đoàn kết anh em trong hơn nửa thế kỷ qua, đã vượt qua mọi thử thách của thời gian, của những biến đổi sâu sắc trong hệ thống quan hệ quốc tế và hiện nay đang phát triển ở mức độ cao nhất.

 

Hai Đảng chúng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội với những đặc điểm riêng của mỗi nước và những kinh nghiệm này đã được hai Đảng chúng ta thường xuyên trao đổi trong suốt những thập kỷ qua. Những cuộc gặp gỡ, trao đổi ở các cấp khác nhau, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, đã giúp hai Đảng chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của nhau, góp phần nâng cao sự tin cậy chính trị giữa hai Đảng.

 

Câu nói của đồng chí Tổng Tư lệnh Phi-đen Cát-xtơ-rô (Fidel Castro): “... Quan hệ giữa Cu-ba và Việt Nam là biểu tượng của thời đại” đã thể hiện sinh động nhất bản chất của mối quan hệ này.

 

Với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ này và theo thỏa thuận của Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, chúng ta tổ chức cuộc Hội thảo lý luận lần thứ nhất để trao đổi ý kiến về kết quả, kinh nghiệm và những vẫn đề của công tác Đảng, cũng như về phương pháp và phong cách làm việc trong bối cảnh mỗi nước và quốc tế hiện nay.

 

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn đồng chí đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, các đồng chí cán bộ Ban Đối ngoại Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nỗ lực để bảo đảm cho Hội thảo thành công tốt đẹp.

 

Thưa các đồng chí:

 

Cách đây vài tháng, Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất Đảng Cộng sản Cu-ba đã thông qua các mục tiêu công tác, trong đó thể hiện rất rõ cơ sở, quan niệm về các nguyên tắc của Đảng chúng tôi, đó là:

 

Đảng Cộng sản Cu-ba là lực lượng lãnh đạo tối cao của xã hội, của Nhà nước, là thành quả chân chính của Cách mạng, đồng thời là lực lượng tiên phong có tổ chức, cùng nhân dân bảo đảm sự kế thừa lịch sử.

 

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ nhất Đảng Cộng sản Cu-ba, tổ chức tháng 12-1975, đồng chí Tổng Tư lệnh Phi-đen Cát-xtơ-rô Ru-giơ (Fidel Castro Ruz) đã nói:

 

“Đảng là sự tổng hợp của tất cả. Đảng là kết tinh những mơ ước của tất cả những người cách mạng trong suốt chiều dài lịch sử; những tư tưởng, những nguyên tắc và sức mạnh cách mạng đều được cụ thể hóa trong Đảng; Trong Đảng, chủ nghĩa cá nhân đã không còn tồn tại và chúng ta đã biết cách suy nghĩ vì lợi ích chung của tập thể; Đảng là người giáo dục, người thày, người chỉ đường, người dẫn dắt ý thức của chúng ta bởi đôi khi chính chúng ta cũng không thấy hết được những sai lầm, những yếu kém và hạn chế của mình; trong Đảng, chúng ta đoàn kết hơn, mỗi chúng ta trở thành một người lính Spaktacud kiên cường và cùng nhau trở thành một người khổng lồ bất khả chiến bại”.

 

Quan niệm này đã tổng hợp những tư tưởng và hành động của chúng tôi; đã dẫn dắt chúng tôi trong công cuộc xây dựng và củng cố một xã hội hoàn toàn tự do và tự chủ như đã thể hiện trong Hiến pháp của Cu-ba. Nguyên tắc lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân, như trụ cột trong công tác tổ chức và cơ cấu của Đảng, vẫn còn nguyên giá trị; điều mà chúng tôi đang làm là ngày càng hoàn thiện nó. Đảng Cộng sản Cu-ba lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng José Martí làm nền tảng tư tưởng, là Đảng duy nhất của dân tộc Cu-ba; có nhiệm vụ đoàn kết tất cả những người yêu nước Cu-ba, đấu tranh vì những lợi ích tối cao của dân tộc là xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ những thành quả của Cách mạng và tiếp tục đấu tranh vì giấc mơ xây dựng một xã hội công bằng cho Cu-ba và cho toàn nhân loại.

 

Cuộc đấu tranh của nhân dân chúng tôi là lâu dài và gian khổ. Đảng Cộng sản Cu-ba đã biết tiếp nối truyền thống cách mạng của các thế hệ đã hy sinh quên mình trong các cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân Tây Ban Nha và chủ nghĩa thực dân mới, chủ nghĩa đế quốc Mỹ; là người kế thừa trung thành của Đảng Cách mạng Cu-ba do José Martí sáng lập để đấu tranh giành độc lập dân tộc, thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Tây Ban Nha; là người tiếp nối sự nghiệp của Đảng Cộng sản Cu-ba đầu tiên, được thành lập trong thời kỳ thực dân mới, và của các tổ chức cách mạng đã tiến hành cuộc đấu tranh chống lại chế độ độc tài Batista vào giữa thế kỷ trước.

 

Khi Cách mạng thành công, các đảng tư sản truyền thống đã không còn tồn tại bởi Lãnh đạo các đảng này đã cấu kết với chế độ độc tài Batista cũng như đã tham gia vào cuộc bầu cử bỉ ổi năm 1958. Ban lãnh đạo của các đảng này, với suy nghĩa là chỉ trong một thời gian ngắn Chính phủ Mỹ sẽ lật đổ chính quyền cách mạng bằng sức mạnh, nên đã rời bỏ đất nước sang nương nhờ sự che trở của chủ nghĩa đế quốc. Trong khi đó, các lực lượng cách mạng đã đoàn kết, thống nhất nhau lại để bảo vệ và củng cố Cách mạng.

 

Ngay sau khi Cách mạng thành công, Ban Lãnh đạo Đảng Cộng sản Cu-ba, đứng đầu là đồng chí Phi-đen, đã bắt đầu quá trình tiến tới việc thành lập một tổ chức chính trị duy nhất. Tổ chức chính trị thống nhất đầu tiên với tên gọi các Tổ chức Cách mạng Liên kết (ORI) đã được thành lập năm 1961. Tuy nhiên, nỗ lực này đã thất bại bởi chủ nghĩa bè phái trong Đảng lúc đó và điều này đã bị đồng chí Fidel công khai chỉ trích mạnh mẽ.

 

Trước nhu cầu thống nhất các lực lượng chính trị thành một tổ chức duy nhất, sau khi tuyên bố tính chất xã hội chủ nghĩa của cuộc cách mạng tháng 4-1961, năm 1962, đồng chí Phi-đen đã đưa ra lập luận: “Sẽ là lô-gic hơn nếu một cuộc cách mạng được tập hợp bởi nhiều lực lượng khác nhau - vì quá trình cách mạng là sự tập hợp của các lực lượng - từng bước được tổ chức lại, tiến tới thành lập một tổ chức cách mạng duy nhất. Chúng ta không thể hiểu được một cuộc cách mạng mà lại không có một tổ chức để lãnh đạo nó tiến lên phía trước; biến nó trở thành trường tồn và dẫn dắt nó đi tới tương lai; tức là dẫn dắt cuộc cách mạng đi tới tương lai”.

 

Bước đầu tiên trong việc thành lập một công cụ chính trị duy nhất của Cách mạng là tập hợp 3 tổ chức đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống lại chế độ độc tài Batista, đó là: Phong trào Cách mạng 26 tháng 7, đứng đầu là đồng chí Phi-đen Cát-xtơ-rô; Đảng Xã hội chủ nghĩa Nhân dân (Đảng Cộng sản), đứng đầu là đồng chí Blát Rô-ca (Blas Roca), Tổng Bí thư của Đảng và Ban Lãnh đạo Cách mạng 13 tháng 3 do tư lệnh Phô-rê-sô-môn (Faure Chomón) đứng đầu.

 

Phong trào 26 tháng 7, trước hết là đại diện cho tầng lớp nông dân tập hợp xung quanh Quân đội Khởi nghĩa, cho các bộ phận của giai cấp công nhân chưa tham gia các đảng phái chính trị nào và các bộ phận trước đây đã từng tham gia vào các đảng của giai cấp tiểu tư sản. Đảng cũng đại diện cho tầng lớp trí thức, thanh niên, sinh viên và bộ phận tiến bộ và cách mạng nhất của giai cấp trung lưu và tiểu tư sản ở các thành phố.

 

Đảng Xã hội Nhân dân, đại diện cho bộ phận tiên tiến nhất của giai cấp công nhân, ở nông thôn cũng như thành thị, là đảng có nhiều kinh nghiệm nhất trong hoạt động đảng và tổ chức chính trị. Nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đảng cũng có sự tham gia của một bộ phận người dân nông thôn, nhất là nông dân và một bộ phận thanh niên. Hoạt động của Đảng tương đối hạn chế bởi các chiến dịch chống cộng điên cuồng của chính quyền độc tài lúc đó.

 

Ban Lãnh đạo Cách mạng “13 tháng 3” chủ yếu đại diện cho tầng lớp sinh viên đại học; đồng thời cũng phát triển ảnh hưởng tại một bộ phận của giai cấp công nhân, trí thức và nông dân. Ngoài ra, phong trào này cũng có lực lượng du kích hoạt động tại miền Trung của đất nước.

 

Đồng chí Phi-đen cũng nhấn mạnh rằng “3 tổ chức này tất nhiên có quan hệ với nhau; họ đã phối hợp, giúp đỡ nhau trong suốt cuộc đấu tranh cách mạng; tuy nhiên, về mặt tổ chức, họ là 3 tổ chức hoàn toàn khác nhau; mỗi tổ chức có ban lãnh đạo riêng, có chiến lược, chiến thuật và phạm vi hoạt động riêng”.

 

Quá trình lịch sử này đã tạo cơ sở cho việc thành lập một chính đảng duy nhất trong điều kiện cụ thể của Cu-ba lúc bấy giờ là phải có sự đoàn kết các lực lượng chính trị để tiếp tục tiến lên và chiến thắng. Ngay từ khi Cách mạng thành công, cuộc đấu tranh chống kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc Mỹ đã cho chúng tôi thấy là bất cứ đảng phái chính trị nào tồn tại hoặc được thành lập để thay thế Đảng Cộng sản Cu-ba sẽ được coi là đứng cùng phía với chủ nghĩa đế quốc, phục vụ cho âm mưu thống trị của chủ nghĩa đế quốc.

 

Tháng 3 năm 1962, Phi-đen đã vạch ra các nguyên tắc và cơ sở cho việc thành lập Đảng Thống nhất Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Cu-ba (PURS); đó là:

 

- Đảng phải được tổ chức bằng các phương pháp Mác-xít Lê-ni-nít, xuất phát từ nguyên tắc tập trung-dân chủ và với tính tiên phong.

 

- Đảng viên của Đảng phải được lựa chọn trong số những người tiên tiến nhất của giai cấp công nhân và nhân dân.

 

- Việc gia nhập Đảng phải dựa trên ba nguyên tắc: Tự nguyện, ý kiến của quần chúng và sụ lựa chọn nghiêm ngặt.

 

Khi thành lập Đảng PURS, đồng chí Phi-đen đã chỉ rõ rằng người đảng viên “… phải là người lao động gương mẫu, đồng thời phải chấp nhận cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa, phải chấp nhận tư tưởng Cách mạng, và tất nhiên là có mong muốn được sinh hoạt trong một chi bộ cách mạng, chấp nhận trách nhiệm của người đảng viên và đồng thời có một cuộc sống trong sạch…”.

 

Như vậy, một tổ chức đảng mới đã được chính thức thành lập. Ngày 3 tháng 10 năm 1965, Đảng đã đổi tên thành Đảng Cộng sản Cu-ba trong một buổi lễ trang trọng mà ở đó, đồng chí Phi-đen Cát-xtơ-rô đã đọc lá thư từ biệt của người du kích Anh hùng E. Chê Guê-va-ra (Ernesto Che Guevara), một trong những người sáng lập ra tổ chức tiên phong của Cách mạng và là người theo đuổi mục tiêu xây dựng một chính đảng duy nhất. Cũng trong hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đầu tiên của Đảng Cộng sản Cu-ba đã được thành lập.

 

Điều đặc biệt của Cu-ba là Đảng Cộng sản Cu-ba không được thành lập để tiến hành Cách mạng. Nó được thành lập sau khi Cách mạng Cu-ba đã thành công trước nhu cầu lịch sử là phải có một công cụ chính trị thống nhất để thực hiện thành công học thuyết Cách mạng và bắt đầu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Kể từ khi Đảng được thành lập cho tới nay, những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình xây dựng và phát triển Đảng đã khẳng định sự đúng đắn của quan điểm về sức mạnh của khối đoàn kết những người yêu nước và cách mạng dưới sự lãnh đạo của đội quân tiên phong có tổ chức là Đảng Cộng sản Cu-ba, nhân tố bảo đảm cho tính kế thừa và không thể đảo ngược của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa.

 

Trong lễ kỷ niệm 20 năm chiến thắng Hi-rôn , ngày 19 tháng 4 năm 1981, khi đề cập tới việc thành lập Đảng Cộng sản Cu-ba hiện nay, đồng chí Phi-đen đã nói rằng chính tại Hi-rôn, Đảng chúng tôi đã được tôi luyện khi tiến hành nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết các lực lượng cách mạng trong một tổ chức duy nhất với một ban lãnh đạo duy nhất. Đồng chí chỉ rõ: “Vì vậy, có thể coi ngày 16 tháng 4 năm 1961, ngày tuyên bố tính chất xã hội chủ nghĩa của Cách mạng, như ngày thành lập Đảng Cộng sản Cu-ba”.

 

Việc lựa chọn những người lao động tiên tiến tại các trung tâm lao động, nơi quần chúng giới thiệu những người có đủ các tiêu chuẩn cần thiết để xem xét kết nạp vào Đảng, là kinh nghiệm quý trong cuộc đấu tranh xây dựng một chính Đảng có chất lượng, gắn bó mật thiết với quần chúng.

 

Đảng Cộng sản Cu-ba là nhân tố bảo đảm khối đoàn kết của tất cả những người cách mạng và người yêu nước, trong cuộc đấu tranh không mệt mỏi chống lại chính sách bao vây hiếu chiến của chủ nghĩa đế quốc, là nhân tố bảo đảm cho nền độc lập, cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc và an ninh quốc gia. Chính vì vậy, trong Điều lệ, Đảng được coi là Đảng của dân tộc Cu-ba.

 

Mục tiêu lớn nhất của Đảng Cộng sản Cu-ba trong thời gian tới là: Duy trì khối thống nhât toàn dân, tăng cường đạo đức cách mạng, phát huy tinh thần Cách mạng, củng cố tình đoàn kết, công bằng xã hội, sự tin cậy lẫn nhau, kỷ luật, sự chân thành, khiêm tốn, tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình và an ninh quốc gia. Đảng đấu tranh chống lại chủ nghĩa cá nhân, chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức, chủ nghĩa hoài nghi, sự thiếu niềm tin vào chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa bi quan, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa theo đuôi, lá mặt lá trái, sự vô kỷ luật, tham nhũng và tất cả các biểu hiện vô đạo đức, phản xã hội.

 

Quyền lực của Đảng dựa trên sự đúng đắn của đường lối, sự gương mẫu của đảng viên và quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa trên khả năng biết lắng nghe, khuyên nhủ và lôi kéo, tập hợp nhân dân trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu của cách mạng; tóm lại, Đảng là hạt nhân của hệ thống chính trị, trên cơ sở một nền dân chủ với sự tham gia rộng rãi của nhân dân.

 

Đảng có trách nhiệm hoạch định những đường lối và những nội dung cụ thể của công tác tư tưởng, trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin, học thuyết Martí, truyền thống đấu tranh của nhân dân và kinh nghiệm lịch sử của Đảng và của các dân tộc khác.

 

Đảng chúng tôi rất coi trọng sự kết hợp có hiệu quả giữa kỷ luật tự giác và nền dân chủ nội bộ rộng rãi; bảo đảm tự do tranh luận và tự do ý kiến, bảo đảm khối đoàn kết trong hành động của các cơ quan và tổ chức Đảng; khuyến khích và ủng hộ những tư tưởng sáng tạo, không giáo điều và việc phê bình mang tính xây dựng.

 

Thưa các đồng chí:

 

Tháng 4 năm ngoái, Đảng Cộng sản Cu-ba đã tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ VI, để bàn chủ yếu về các vấn đề kinh tế. Sau khi đã tham khảo một cách rộng rãi và dân chủ ý kiến của nhân dân, Đại hội dã thông qua Đường lối Chính sách kinh tế và xã hội của Đảng và Cách mạng. Đồng thời, Đại hội cũng thông qua việc tiến hành Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất, tổ chức vào tháng 1 năm nay để bàn về công tác tổ chức của Đảng, sau khi đã tham khảo ý kiến rộng rãi của đảng viên. Hội nghị đã thông qua Mục tiêu công tác Đảng nhằm thực hiện những thay đổi cần thiết để công tác Đảng có thể đáp ứng được những đòi hỏi của tình hình mới. Nhiệm vụ lớn nhất của Đảng lúc này là tìm ra được những giải pháp để giải quyết các vấn đề kinh tế bức xúc hiện nay. Đây là một nhiệm vụ chiến lược và không thể trì hoãn.

 

Kết quả của Đại hội VI và Hội nghị toàn quốc của Đảng cho thấy, những quan niệm về Cách mạng của Đảng vẫn còn nguyên giá trị. Đại hội và Hội nghị đã cung cấp vũ khí, công cụ và chỉ ra con đường để Cách mạng tiếp tục tiến lên, hiện thực hơn, rõ ràng hơn. Quan điểm này là sự tổng hòa giữa lịch sử trước đây, hiện nay và đặc biệt là tương lai của dân tộc Cu-ba.

 

Đồng chí Phi-đen Cát-xtơ-rô đã định nghĩa: “Cách mạng mang ý nghĩa thời đại; là thay đổi tất cả những gì cần phải thay đổi; là bình đẳng và tự do hoàn toàn; là được đối xử và đối xử với những người khác như những con người; là tự giải phóng mình bằng chính những nỗ lực của chúng ta; là đấu tranh chống lại các thế lực thống trị hùng mạnh ở cả trong và ngoài nước; là bảo vệ những giá trị mà chúng ta tin tưởng bằng bất cứ giá nào; là sự khiêm tốn, vô tư, lòng vị tha, tình đoàn kết và chủ nghĩa anh hùng; là đấu tranh một cách khôn khéo, thông minh và thực tế; là không bao giờ dối trá và vi phạm những nguyên tắc đạo đức; là lòng tin sâu sắc rằng trên thế giới không có thế lực nào có thể chiến thắng được sức mạnh của sự thật và tư tưởng. Cách mạng là đoàn kết, là độc lập, là đấu tranh vì những ước mơ công lý cho Cu-ba và cho cả thế giới; và đó chính là cơ sở của chủ nghĩa yêu nước, của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa quốc tế vô sản của chúng ta”.

 

Để thực hiện thành công Đường lối và những mục tiêu đã được thông qua tại Đại hội VI và Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất, điều quan trọng nhất trong đời sống chính trị của Đảng hiện nay là phải thay đổi tư duy, kiên quyết loại bỏ chủ nghĩa giáo điều và các quan điểm lỗi thời. Ngoài ra, Đảng chỉ nên tập trung vào những nhiệm vụ chính trị của mình, theo nguyên tắc là Đảng lãnh đạo và kiểm tra, chứ không phải là quản lý; cần chú trọng nhiều hơn vào công tác giáo dục chính trị và tư tưởng đối với các đối tượng xã hội khác nhau, đối với từng người, từng tổ chức cơ sở Đảng và Đoàn Thanh niên Cộng sản Cu-ba, từng trường học, tổ chức quần chúng và các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Trong việc củng cố vai trò của Đảng, thì việc khắc phục những sai lầm và yếu kém hiện nay trong công tác chính sách cán bộ là mang tính quyết định. Chính sách này phải dựa trên cơ sở của công tác dự báo, mục tiêu và phải được thực thi một cách nghiêm túc; phải dựa trên sự đánh giá, tầm nhìn và tính hiệu quả của công tác lựa chọn và đào tạo đội ngũ kế cận, cũng như trên cơ sở ý chí chính trị để có thể bảo đảm việc bổ nhiệm phụ nữ, người da đen, da lai và thanh niên vào những chức vụ chủ chốt, trên cơ sở những thành tích và điều kiện cá nhân của người đó.

 

Việc đổi mới phong cách làm việc của cán bộ, gia tăng trách nhiệm cá nhân, tìm kiếm các giải pháp cho những vấn đề hàng ngày, việc nâng cao tính sáng tạo, củng cố mối quan hệ chặt chẽ với quần chúng, tinh thần đấu tranh chống lại những vi phạm, ý thức vô kỷ luật và các biểu hiện tham nhũng, việc xóa bỏ các phương pháp lãnh đạo quan liêu và nâng cao tính gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên là những thách thức to lớn hiện nay và trong tương lai của chúng tôi.

 

Việc thống nhất, liên kết tất cả các phương tiện và lực lượng để củng cố khối đoàn kết toàn dân và tinh thần của nhân dân; việc phát triển những giá trị cách mạng; việc đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của cá nhân và tập thể; việc đấu tranh chống lại những thành kiến hiện vẫn đang tồn tại trong xã hội chúng tôi cũng là những thách thức to lớn và nhiệm vụ hàng đầu cần thực hiện.

 

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi mạnh mẽ như hiện nay, chủ nghĩa đế quốc đang đặt hy vọng vào tính dễ bị tổn thương của thế hệ trẻ và của một số bộ phận xã hội; họ đang thúc đẩy sự phân hóa trong nội bộ chúng ta; đang reo rắc tính thờ ơ, sự tuyệt vọng, sự xa rời nguồn cội, thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng. Họ cố tình tuyên truyền, nói xấu xã hội chúng ta là một xã hội không có tương lai, nhằm phủ nhận những thành tựu mà Cách mạng đã giành được trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhằm tước đoạt nền độc lập và những thành quả của Cách mạng.

 

Bên cạnh đó, những biểu hiện của một chính sách can thiệp và hiếu chiến mới, cũng như việc sử dụng vũ lực của chủ nghĩa đế quốc Mỹ và các đồng minh đang đặt ra cho chúng ta nhu cầu tiếp tục dành ưu tiên cho công tác quốc phòng và tăng cường công tác chính trị, tư tưởng tại các đơn vị quân đội.

 

Thưa các đồng chí:

 

Mặc dù như đồng chí Phi-đen đã từng nói “… không có hai quá trình cách mạng giống nhau, không có hai đất nước giống nhau, không có hai lịch sử giống nhau, không có hai phong cách sống giống nhau…”, nhưng nhân dân và quá trình cách mạng của hai nước chúng ta có rất nhiều điểm tương đồng và chính sự tương đồng này đã gắn bó hai Đảng và hai nước chúng ta. Đồng thời, cả hai nước chúng ta đều đang phải chịu nhiều tác động của những nhận thức, giá trị và tư tưởng do các trung tâm tư bản chủ nghĩa, đặc biệt là Mỹ ngày đêm truyền bá; nền kinh tế của hai nước chúng ta đều bị tác động mạnh bởi quá trình toàn cầu hóa tự do mới và cuộc khủng hoảng quốc tế hiện nay. Trong bối cảnh đầy rẫy những thách thức đó, hai Đảng chúng ta vẫn kiên trì xây dựng một xã hội công bằng, nhân đạo, dân chủ, tự chủ và độc lập; những giá trị mà chỉ chủ nghĩa xã hội mới có thể tạo dựng được. Chính vì lý do đó, chúng ta tiến hành trao đổi kinh nghiệm nhằm tham khảo và áp dụng một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể ở mỗi nước.

 

Ban Lãnh đạo Đảng Cộng sản Cu-ba, đặc biệt là đồng chí Bí thư Thứ nhất rất coi trọng việc hai Đảng chúng ta tổ chức cuộc Hội thảo Lý luận lần thứ nhất này.

 

Những quan niệm và kinh nghiệm mà chúng ta trao đổi sẽ phục vụ cho việc tiếp tục hoàn thiện chủ nghĩa xã hội với những đặc điểm riêng của hai nước chúng ta, góp phần tăng cường quan hệ anh em giữa Đảng Cộng sản Cu-ba và Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Tôi xin dừng bài phát biểu của tôi bằng một câu nói của đồng chí Ra-un Cát-xtơ-rô (Raul Castro): “Từ bỏ nguyên tắc một đảng cũng đồng nghĩa với việc hợp pháp hóa các đảng của chủ nghĩa đế quốc ở ngay trên mảnh đất của mình; là đồng nghĩa với việc hy sinh vũ khí chiến lược của chúng ta là khối đoàn kết toàn dân, khối đoàn kết đã biến giấc mơ độc lập và công bằng xã hội của biết bao thế hệ những người yêu nước, từ Hatuey, cho tới Cespedes, Martí và Fidel, thành hiện thực”.

Xin cảm ơn./.

-----------------------
* Tiêu đề bài Diễn văn khai mạc do Tạp chí Cộng sản điện tử đặt.