Ngày 23-10, ngày làm việc thứ hai của Cuộc họp Ban Điều hành Sáng kiến Chống tham nhũng khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 17, Thanh tra Chính phủ tổ chức phiên họp tham vấn mở rộng đối với khu vực tư, xã hội dân sự và báo chí với chủ đề "Vai trò của xã hội trong phòng, chống tham nhũng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Phiên họp này nhằm tham vấn quan điểm, khẳng định vai trò của khu vực tư, xã hội dân sự và báo chí về những vấn đề tham nhũng đáng chú ý nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đưa ra cách thức phối hợp để các bên có thể cùng nhau đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống tham nhũng ở khu vực. Phiên họp sẽ đề ra định hướng hợp tác trong khu vực tư, xã hội dân sự và báo chí trong thời gian tới.
Các đại biểu dự phiên họp tham vấn chỉ ra rằng tham nhũng hiện đang là vấn đề nhức nhối, gây tốn kém, lãng phí trong nhiều lĩnh vực. Theo ông Đa-vit Oai-hit, đại diện Phòng Thương mại Úc tại Việt Nam, tham nhũng xuất hiện ở nhiều mức độ khác nhau, trong nhiều lĩnh vực và xuất hiện ngay ở cấp xã, thành phố, thậm chí cả ở cấp trung ương. Bà Đào Thị Nga, đại diện Tổ chức Hướng tới minh bạch cũng cho rằng: tham nhũng trong lĩnh vực dịch vụ công khá nhức nhối. Tham nhũng ở những lĩnh vực này tuy nhỏ nhưng có tác động lớn đến xã hội vì nó hạn chế sự tiếp cận của người dân đối với dịch vụ công, nhất là đối với người nghèo, gây bức xúc trong xã hội.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại Thương Đào Minh Tuấn nhấn mạnh: nếu bảo đảm mức thu nhập cho những vị trí làm việc của cán bộ sẽ hạn chế tình trạng nhận phong bì, lợi dụng chức vụ quyền hạn để tham nhũng. Ông Tuấn cũng cho rằng cần tăng cường vai trò của báo chí và người dân trong việc phát hiện các hành vi tham nhũng có thể xảy ra, nhưng phải biết chọn lọc, bảo đảm độ chính xác của những thông tin này. Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Ngô Mạnh Hùng cũng đưa ra số liệu dẫn chứng: hiện ở Việt Nam, 73% doanh nghiệp chưa tích cực nỗ lực phòng, chống tham nhũng; trên 80% cán bộ, công chức, người dân đồng ý rằng báo chí đã tích cực phòng, chống tham nhũng, cung cấp thông tin để cho các cơ quan vào cuộc.
Các đại biểu cũng nhất trí với nhận định: Công cuộc phòng, chống tham nhũng không chỉ là sự tham gia mà là trách nhiệm của mọi người dân, trong đó các tổ chức dân sự, báo chí, đồng thời đưa ra các khuyến nghị: tăng cường sự giám sát của người dân, báo chí; nâng cao nhận thức cho người dân để người dân hiểu được quyền của mình khi tiếp cận dịch vụ công; các quy định trong chính sách kinh doanh phải rõ ràng và có những kênh cung cấp thông tin một cách minh bạch, công bằng cho các doanh nghiệp.../.