Ngày 30-9, tại Pháp, hơn 50.000 người đã xuống đường ở trung tâm thủ đô Pa-ri phản đối Hiệp ước Tài chính của Liên minh châu Âu (EU) buộc chính phủ các nước thành viên thực hiện những biện pháp tài chính hà khắc để hạn chế thâm hụt ngân sách.

Cuộc biểu tình diễn ra hai ngày trước khi Quốc hội Pháp bắt đầu cuộc họp xem xét hiệp ước về ngân sách của châu Âu. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối tháng 10, hai viện Quốc hội Pháp sẽ phải thông qua hiệp ước nói trên. Hiệp ước này được các nhà lãnh đạo EU nhất trí hồi tháng 3-2012, yêu cầu các nước đã tham gia ký kết đưa vào Hiến pháp "quy tắc vàng" - cam kết giữ mức thâm hụt cơ cấu ngân sách không quá 0,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), coi đây là biện pháp cần thiết bắt buộc để tránh và khắc phục cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ đe dọa sự tồn tại của đồng tiền chung châu Âu.

Với khẩu hiệu "Phản đối!", đoàn người biểu tình đã tuần hành rầm rộ qua các nhiều đường phố trung tâm thủ đô. Các nhà tổ chức cho biết họ phát động cuộc biểu tình nhằm phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" do EU áp đặt, chứ không nhằm chỉ trích chính quyền của Tổng thống Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ (Francois Hollande). Phát biểu trước đoàn người biểu tình, thủ lĩnh Mặt trận Cánh tả Giăng Luých Mơ-lăng-sông (Jean-Luc Melenchon) tuyên bố: "Đây là ngày dân chúng Pháp phát động một phong trào chống chính sách thắt lưng buộc bụng".
Trước đó, ngày 28-9, Chính phủ Pháp đã công bố gói biện pháp tăng thuế và cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ nhất từ trước tới nay trong ngân sách năm 2013 nhằm bù đắp khoản thâm hụt gần 37 tỷ ơ-rô ở khu vực tài chính công trong bối cảnh nền kinh tế đang suy giảm.

Theo kế hoạch trên, khoản tiết kiệm tổng cộng 36,9 tỷ ơ-rô này sẽ bao gồm 2,5 tỷ ơ-rô cắt giảm chi tiêu trong lĩnh vực y tế và 10 tỷ ơ-rô chi tiêu cho các cơ quan chính phủ. Tăng thuế cá nhân và doanh nghiệp dự kiến mang lại 20 tỷ ơ-rô nữa và 4,4 tỷ ơ-rô còn lại là từ các khoản thuế mới được công bố hồi tháng Bảy.

Tổng thống Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ cho rằng, việc Chính phủ Pháp thông qua chương trình kinh tế khắc khổ vào thời điểm nền kinh tế đang đứng trên bờ vực suy thoái là hoàn toàn "hợp lý và tất yếu", nếu nước này muốn giảm thâm hụt ngân sách xuống còn tương đương 3% GDP vào năm 2013, theo đúng quy định của EU, để cứu đồng ơ-rô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế hoài nghi về khả năng Chính phủ của ông Ô-lăng-đơ đáp ứng được mục tiêu cắt giảm ngân sách của EU, đồng thời cảnh báo việc cắt giảm chi tiêu và tăng thuế sẽ khiến cho mục tiêu tăng trưởng 0,8% trong năm 2013 và 2% trong năm 2014 là khó khả thi./.