TCCSĐT - Bộ Luật Lao động 2012 (sửa đổi) với một số điểm mới cơ bản, góp phần hoàn thiện khung pháp lý để phù hợp với thực tế thị trường và quan hệ lao động sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013 tới đây.

Bộ Luật Lao động 2012 (sửa đổi) gồm 17 chương và 242 điều quy định tiêu chuẩn lao động, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động. 

Việc bổ sung thêm một nội dung hoàn toàn mới về cho thuê lao động (gồm 6 điều từ Điều 53 đến Điều 58), trong đó quy định những vấn đề cơ bản, chủ yếu về hình thức sử dụng lao động mới xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian gần đây, Bộ Luật Lao động 2012 đã chính thức thừa nhận dạng quan hệ lao động đặc biệt này để tăng tính linh hoạt cho việc chắp nối cung cầu của thị trường lao động và bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Bộ Luật (sửa đổi) cũng tạo ra tầm ảnh hưởng mang tính tích cực trong quan hệ lao động. Cụ thể là các quy định về việc thành lập Hội đồng Tiền lương quốc gia với chức năng là cơ quan chủ đạo trong việc ấn định tiền lương tối thiểu. Điểm mới này sẽ giúp cho các đối tác xã hội trở nên tích cực hơn trong việc tham gia điều chỉnh thị trường lao động. Bên cạnh đó, nội dung của Bộ Luật Lao động 2012 mang đến sự chủ động và linh hoạt cao hơn cho các chủ thể tham gia xác lập và tiến hành quan hệ lao động. Cụ thể, bổ sung thêm 2 mục mới quy định về đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng tập thể trong Chương VI nhằm tăng sự chủ động, linh hoạt của người lao động/đại diện tập thể người lao động và người sử dụng lao động/tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong việc đối thoại, thương lượng giữa các bên nhằm xác lập điều kiện lao động mới cao hơn luật, có lợi hơn cho người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa nhằm phòng ngừa và giải quyết những vướng mắc giữa các bên trong quan hệ lao động. Thông qua các quy định như khái niệm về cưỡng bức lao động, đối xử bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ, sử dụng lao động trẻ em, người chưa thành niên..., Bộ Luật Lao động 2012 cũng đã tạo ra một bước tiến mới nhằm hài hòa các quy định về vấn đề lao động trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bộ Luật (sửa đổi) cũng bổ sung thêm các quy định mới trong việc giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng lao động nhằm tăng cường sự bình đẳng và linh hoạt giữa các bên như: bổ sung nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động trên tinh thần tự do, tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, trung thực và hợp tác nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội; sửa đổi, bổ sung các quy định về loại hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm; bổ sung một mục về hợp đồng lao động vô hiệu...

Một số nội dung trong Bộ Luật Lao động 2012 cũng thể hiện tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật lao động, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động. Theo đó, các quy định về thỏa ước lao động tập thể, tiền lương đã bãi bỏ việc đăng ký thỏa ước lao động tập thể, thang lương, bảng lương của chủ sử dụng lao động nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, thay vào đó là cơ chế hậu kiểm gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền để biết. Đồng thời, Bộ Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung các quy định về nội dung quản lý nhà nước về lao động, thẩm quyền quản lý nhà nước về lao động, thanh tra lao động để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật lao động, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động./.