TCCSĐT - Ngày 12-9, phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội. Tại phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đồng thời, thảo luận Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai.

1. Hội thảo khu vực châu Á – Thái Bình Dương: “Phát triển chiến lược và chính sách quốc gia về quyền tác giả”

Từ ngày 10 đến 12-9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với Cục Bản quyền tác giả Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Cơ quan Bản quyền tác giả Nhật Bản tổ chức hội thảo khu vực châu Á – Thái Bình Dương “Phát triển chiến lược và chính sách quốc gia về quyền tác giả”, với sự tham dự của hơn 30 chuyên viên chính của cơ quan bản quyền đến từ 22 quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Hội thảo là cơ hội để các chuyên viên, những người đứng đầu các cơ quan bản quyền tại các nước cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng và hoàn thiện các chính sách, chiến lược quốc gia về quyền tác giả và quyền liên quan, đồng thời đề xuất những giải pháp chống vi phạm bản quyền tác giả trong thời gian sắp tới. Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề về: sự tăng trưởng và phát triển của hệ thống pháp luật quốc tế về quyền tác giả và quyền liên quan; những tăng trưởng và phát triển của hệ thống pháp luật quyền tác giả tại Việt Nam ; xu hướng hiện nay và thách thức trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan…

2. Hội chợ thương mại, du lịch Việt Nam - Lào 2012

Tối 10-9, Hội chợ Thương mại, du lịch Việt Nam - Lào với chủ đề “tỉnh Điện Biên và các tỉnh Bắc Lào đoàn kết, hợp tác cùng phát triển” đã khai mạc tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Đến dự khai mạc có đại diện sở Thông tin - Văn hóa - Du lịch và Sở Công thương của các tỉnh: Phong Xa Ly, U Đôm Xay, Luông Pha Băng, Bo Kẹo, Luông Nậm Thà và Xay Nha Bu Ly của Bắc Lào.

Hội chợ thương mại, du lịch Việt Nam - Lào thu hút 150 doanh nghiệp với 200 gian hàng gồm: hàng dệt may, điện tử, điện dân dụng, da giày, đồ gỗ, thực phẩm, hàng gia dụng... Các doanh nghiệp Bắc Lào mang sang triển lãm, trưng bày các loại sản phẩm gồm: hóa mỹ phẩm, nước giải khát, đồ thủ công mỹ nghệ, hàng dệt may, thổ cẩm... Tỉnh Điện Biên tham gia với nhiều mặt hàng sản xuất tại địa phương như: xi măng, thức ăn gia súc, gạo Điện Biên, chè cây cao Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng...

Hội chợ Thương mại, du lịch Việt Nam - Lào 2012 có ý nghĩa quan trọng, góp phần giới thiệu các thành tựu, tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào; tạo điều kiện để doanh nghiệp của hai nước mở rộng hợp tác kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư.

3. Hội nghị khu vực ASEAN về tăng cường dịch vụ xã hội và an sinh xã hội cho các nhóm yếu thế

Ngày 11-9, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tổ chức Hội nghị khu vực ASEAN về tăng cường dịch vụ xã hội và an sinh xã hội cho các nhóm yếu thế. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN phụ trách về Phúc lợi xã hội và Phát triển lần thứ 8 (SOMSWD 8).

Hội nghị nhằm nâng cao kiến thức và nhận thức của các nước thành viên ASEAN liên quan đến bảo vệ các nhóm yếu thế trong các tiêu chuẩn và văn kiện quốc tế; chia sẻ thông tin về các chiến lược, chính sách và chương trình của các nước thành viên ASEAN để cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho các cộng đồng yếu thế (tập trung vào phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật). Hội nghị góp phần tăng cường vai trò của Chính phủ và sự hợp tác của các đối tác xã hội trong việc thúc đẩy các chính sách an sinh xã hội và các dịch vụ xã hội; thu thập các điển hình tốt về các dịch vụ xã hội liên quan đến cung cấp và tiếp cận dịch vụ cho các nhóm yếu thế, duy trì, phát triển các dịch vụ này; lập bản đồ các dịch vụ an sinh xã hội trong các nước thành viên ASEAN.

Qua các phiên thảo luận, các đại biểu ASEAN, các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế, các cơ quan liên quan trao đổi, làm rõ hơn quan điểm an sinh xã hội, dịch vụ xã hội cho các nhóm yếu thế; thiết lập Mạng lưới các hệ thống an sinh xã hội, các dịch vụ xã hội để hợp tác, thu thập, xuất bản các hồ sơ an sinh xã hội, các điển hình tốt về các dịch vụ xã hội của các nước thành viên ASEAN làm cơ sở cho việc lập bản đồ các dịch vụ an sinh xã hội trong từng quốc gia và trong khu vực.

4. Khai mạc phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngày 12-9, phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII đã khai mạc và diễn ra trong 2 đợt: từ ngày 12 đến 19-9 và từ ngày 24 đến 26-9.

Theo dự kiến chương trình, tại phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đồng thời, thảo luận Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai.

UBTVQH sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012; về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012; UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2012 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2012. Một số nội dung quan trọng khác như kế hoạch kiểm toán năm 2013; việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII cũng được đưa ra thảo luận.

Về công tác xây dựng pháp luật, UBTVQH sẽ cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư; Luật xuất bản (sửa đổi); Luật Thủ đô; đồng thời cho ý kiến về các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân; Luật hộ tịch; Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi); Luật đất đai (sửa đổi); Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật việc làm.

5.  WB hỗ trợ Việt Nam cải thiện hiệu quả lưới điện

Ngày 13-9, theo thông tin từ Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Ban Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt kinh phí “Dự án phân phối điện hiệu quả cho Việt Nam”, nhằm cấp điện chất lượng tốt và ổn định hơn cho người sử dụng điện, đồng thời giúp giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thông qua cải thiện hiệu quả lưới điện.

Dự án có tổng chi phí 800 triệu USD, trong đó Ngân hàng Thế giới đóng góp 449 triệu USD; Quỹ đầu tư Sạch (CTF) góp 30 triệu USD hỗ trợ việc thực hiện các công nghệ lưới điện thông minh. Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc (AusAID) cung cấp 8 triệu USD tài trợ cho hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực. Khoản 313 USD còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Trong thập kỷ qua, Ngân hàng Thế giới đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam mở rộng mạng lưới điện và cung cấp điện cho tất cả mọi miền của đất nước. Kết quả, độ bao phủ điện đã tăng từ 50% vào năm 1996 lên tới khoảng 97% năm 2011. Hiện nay, trọng tâm hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đã chuyển từ tăng độ bao phủ của điện sang nâng cao chất lượng các dịch vụ cho người tiêu dùng ở Việt Nam.

6. Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2012

Ngày 13-9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2012. Theo đó Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung khẩn trương khắc phục những khó khăn, thách thức, chỉ đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 13/NQ-CP, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, hỗ trợ vốn kịp thời cho các tổ chức tín dụng để bảo đảm thanh khoản, đáp ứng nhu cầu thanh toán và mở rộng tín dụng có hiệu quả trong những tháng cuối năm nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; giám sát chặt chẽ việc các tổ chức tín dụng thực hiện quy định về lãi suất; thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại theo đúng lộ trình đã được duyệt, xử lý nhanh chóng và quyết liệt các ngân hàng yếu kém. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu, xem xét tiếp tục cho vay mới đối với doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khả thi; áp dụng linh hoạt các biện pháp bảo đảm tiền vay và thủ tục cho vay nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân; tăng mức tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn với lãi suất thấp; điều chỉnh lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở tiết kiệm chi phí hoạt động và lãi suất huy động.

Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 là: Tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại; bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý và tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm: Đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tổ chức tín dụng; tạo đà cho việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

7. Một số địa phương tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân Ban thường vụ Tỉnh ủy

* Đồng Nai: Ngày 10-9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (TVTU) Đồng Nai tổ chức hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể và cá nhân Ban TVTU theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI )“Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Mục đích của đợt sinh hoạt chính trị, kiểm tra tự phê bình và phê bình lần này của tập thể và cá nhân Ban TVTU là nhằm làm rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ thời gian qua, để từ đó phát huy mặt mạnh, tìm giải pháp khắc phục hạn chế ; tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng của Đảng bộ, thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh đề ra. Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân Ban TVTU sẽ diễn ra đến hết ngày 28-9-2012 và được chia ra thành nhiều đợt.

* Bình Phước: Ngày 10-9, Ban thường Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã tổng kết công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI về xây dựng Đảng sau 5 ngày làm việc. Phát biểu nhận xét tại buổi kết thúc hội nghị, thay mặt Tổ công tác của Trung ương, đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao công tác chuẩn bị cho hội nghị kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo Nghị quyết TW4 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước. Sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 14-9, Tỉnh ủy Bình Phước sẽ tổ chức hội nghị quán triệt và chia sẻ những kinh nghiệm trong việc triển khai công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình đến các Đảng bộ trực thuộc trên địa bàn.

* Ninh Thuận:  Ngày 11-9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận tổ chức Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể, cá nhân Ban Thường vụ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Mục đích của đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này nhằm nhận rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, phát huy mặt mạnh, khắc phục sai lầm, khuyết điểm; tạo ra sự chuyển biến trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng... Theo kế hoạch, Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể và cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 14-9.

* Bắc Kạn:  Ngày 11-9, tại Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Kạn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh đến vai trò đầu tàu của Ban Thường vụ, của từng thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn, Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo chặt chẽ khâu lấy ý kiến góp ý, tạo không khí dân chủ để tổ chức, cá nhân tham gia góp ý trên tinh thần nói thẳng, nói thật, nói hết những tâm tư, suy nghĩ với tinh thần trách nhiệm cao. Trong quá trình chuẩn bị tổ chức kiểm điểm, tập thể và cá nhân các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như cán bộ lãnh đạo các cấp đã nhận được góp ý đóng góp một cách chân thành, thẳng thắn và trách nhiệm của cán bộ lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên là cán bộ chủ chốt các cấp cũng như của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn dự kiến sẽ tiến hành kiểm điểm trong 3 ngày, sau khi hoàn thành kiểm điểm đối với tập thể Ban Thường vụ, Tỉnh uỷ tiếp tục thực hiện kiểm điểm đối với cá nhân các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ theo đúng kế hoạch đã đề ra.

* Thừa Thiên - Huế: Ngày 11-9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã tổ chức hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với cá nhân các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá XI), trọng tâm tập trung vào 3 vấn đề chủ yếu về đấu tranh ngăn chặn tình trạng suy thoái chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức lối sống; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách". Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế nêu rõ: Việc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này của cá nhân Ban Thường vụ Tỉnh ủy là nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng nhằm xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch vững mạnh, giữ vững vai trò và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân. Tinh thần đặt ra trong việc kiểm điểm cá nhân Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần này là, trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, hạn chế, không nể nang, né tránh; qua đó đề ra biện pháp khắc phục sửa chữa thiết thực, khả thi.

* Bắc Ninh: Ngày 11-9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Hội nghị hướng dẫn kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đối với các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Đến thời điểm này, công tác triển khai các nội dung thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) ở Bắc Ninh được Trung ương đánh giá là một trong những đơn vị làm sớm, đảm bảo nghiêm túc, đúng tiên độ, nhất là việc tổ chức lấy ý kiến góp ý cho tập thể và cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã được tiến hành đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu, đúng thinh thần chỉ đạo của Trung ương.

Theo Kế hoạch, Tỉnh ủy Bắc Ninh sẽ hoàn tất việc kiểm điểm đối với tập thể và cá nhân các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong tháng 9. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp sẽ tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình, bảo đảm hoàn thành trong tháng 11-2012./.