Ai Cập: Kim tự tháp chưa thể bình yên

Quế Anh
23:44, ngày 23-08-2012
TCCSĐT - Đã bầu được tân Tổng thống từ cuối tháng 6 và thành lập được một chính phủ khá bề thế gồm 35 thành viên từ đầu tháng 8 vừa qua, nhưng xứ sở kim tự tháp vẫn chưa thể bình yên khi cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các bên vẫn tiếp diễn và chưa đến hồi kết.
Nhọc nhằn những bước đi ban đầu

Việc công bố kết quả vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập đã phải lui lại, vì Ủy ban bầu cử phải xem xét vô vàn lý do kiện tụng cả từ hai phía. Số phiếu ủng hộ hai ứng cử viên cũng chênh nhau không nhiều: 13,2/12,3 triệu phiếu bầu. Bởi thực chất đây là cuộc đấu tranh giữa các phe phái, mà chủ yếu là giữa tổ chức Anh em Hồi giáo và giới quân sự. Sau một thời gian trì hoãn, ngày 24-6, Ủy ban bầu cử chính thức công bố ông Mô-ha-mét Mơ-xi (Mohamed Mursi), một thành viên của Anh em Hồi giáo đã đắc cử, trở thành tân Tổng thống Ai Cập.

Đúng một tháng sau khi đắc cử, ngày 24-7 tân Tổng thống M. Mơ-xi mới chọn lựa được ông Hi-sim Can-đin (Hesham Qandil), Bộ trưởng Thủy lợi, để bổ nhiệm làm Thủ tướng mới. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này đã vấp phải nhiều lời chỉ trích, nhất là giới quân sự. Họ cho rằng, ở tuổi 50, ông H. Can-đin còn non nớt về chính trị, thiếu kinh nghiệm điều hành bộ máy nhà nước và không đủ mạnh mẽ, quyết liệt để xử lý muôn vàn vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội vô cùng khó khăn phức tạp, đã tích tụ từ hàng thập kỷ nay, nhất là từ sau cuộc cách mạng “Mùa xuân Arập” đầu năm 2011, lật đổ Tổng thống Hô-xni Mu-ba-rắc (Hosni Mubarak).

Dù sao thì một Chính phủ lâm thời của tân Thủ tướng H. Can-đin cũng đã được thành lập và tuyên thệ vào ngày 2-8. Chính phủ mới gồm 35 thành viên, trong đó thống tướng Mô-ha-mét Hút-xê-in Tan-ta-uy (Mohamed Hussein Tantawi), Chủ tịch SCAF và đã từng đảm đương cương vị Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống H.Mu-ba-rắc, nay tiếp tục giữ ghế Bộ trưởng Quốc phòng. Bộ trưởng Ngoại giao Mô-ha-mét Ca-men Am-ru (Mohammed Kamal Amr) và Bộ trưởng Tài chính Mum-ta An Xa-ít (Mumtaz al-Said) trong chính phủ cũ vẫn tiếp tục giữ nguyên chức vụ trong chính phủ mới. Trung tướng A-mét Ga-man An Đin (Ahmed Jamal al-Din), Trợ lý Bộ trưởng Nội vụ về công tác an ninh dưới thời ông H.Mu-ba-rắc nay đảm nhận cương vị Bộ trưởng Nội vụ. Theo nguồn tin báo chí, trong số 18 bộ trưởng đã được công bố đầu tháng 8, ít nhất có ba bộ trưởng của chính phủ thời Tổng thống bị lật đổ H.Mu-ba-rắc. Số còn lại được phân chia quân bình giữa các phe cánh của tổ chức Anh em Hồi giáo và giới quân sự.

Phát biểu tại lễ tuyên thệ chính phủ mới, Thủ tướng H. Can-đin khẳng định: “Đây là chính phủ của toàn thể nhân dân Ai Cập, không đại diện cho bất kỳ phe phái nào. Trong quá trình lựa chọn lãnh đạo các bộ, tôi tuyệt đối không dựa trên cơ sở phe phái, hay tôn giáo. Tôi xem xét các ứng cử viên hoàn toàn dựa trên trình độ và năng lực của họ. Tôi hoàn toàn tin tưởng đã lựa chọn được những gương mặt ưu tú nhất. Nhân đây, tôi kêu gọi tất cả hãy đoàn kết cùng Tổng thống thực hiện các mục tiêu mà chúng ta đã xác định”.

Giai đoạn tranh giành quyền lực mới

Cuộc đấu đá tranh giành quyền lực căng thẳng giữa các phe phái khiến chính phủ mới chịu rất nhiều hạn chế. Những dư chấn của “Mùa xuân Arập”, trong suốt năm rưỡi qua, vẫn tạo ra những đợt chấn động chính trị, xô đẩy hàng trăm hàng nghìn người dân Ai Cập vào các cuộc xung đột đẫm máu. Quân đội - lực lượng lãnh đạo đất nước từ khi ông H. Mu-ba-rắc bị lật đổ - vẫn nắm giữ quyền lực áp đảo, trong đó có cả quyền lập pháp. Mặc dù về mặt chính thức, các cơ quan an ninh phải chịu sự giám sát của Tổng thống M. Mơ-xi, song phần lớn quyền lực đều nằm ngoài khả năng kiểm soát của ông. Cũng vì vậy hầu như tất cả các đảng tự do đều từ chối tham gia chính phủ đoàn kết của Tổng thống M. Mơ-xi, họ không muốn thực hiện chương trình nghị sự do tổ chức Anh em Hồi giáo vạch ra. Tổng thống M. Mơ-xi là tổng thống được toàn thể nhân dân bầu ra trong một cuộc bầu cử hợp pháp, là tổng thống dân sự đầu tiên sau hơn 60 năm dưới quyền cai quản đất nước của những viên tướng quân sự độc tài, hơn nữa lại được tổ chức Anh em Hồi giáo và Đảng vì Tự do và Công lý ủng hộ, nhưng trên thực tế ông vẫn bị giới quân sự o ép, thao túng.

Quốc gia Bắc Phi 82 triệu dân này đang đứng trước những thách thức to lớn: Trước hết đó là tình trạng chia rẽ sâu sắc giữa các dòng Hồi giáo Sunni và Shiite, giữa các phe phái Hồi giáo với giới quân sự, giữa các lực lượng Hồi giáo với các đảng tự do. Nhiều nhà quan sát cho rằng, Tổng thống M. Mơ-xi vốn là một thủ lĩnh của Đảng vì Tự do và Công lý, nhưng lại đại diện cho lợi ích của Anh em Hồi giáo. Còn Thủ tướng H. Can-đin là một chính khách độc lập, nhưng quan điểm bảo thủ, năng lực tầm thường. Ông M. Mơ-xi đã phải mất gần một tháng mới có thể dàn xếp, thương lượng giữa các phe phái, để bổ nhiệm thủ tướng. Điều đó cho thấy ông đã rất nhọc nhằn trong việc tìm ra một nhân vật đồng thuận, để có thể cùng ông điều hành bộ máy quản lý nhà nước, giải quyết những vấn đề khó khăn, ổn định tình hình và phát triển đất nước Ai Cập.

Trong vòng một năm rưỡi qua, Ai Cập đã phải chứng kiến tình trạng hỗn độn, bạo lực gia tăng, các cuộc biểu tình trên đường phố khiến nhiều người thiệt mạng, một nền kinh tế trì trệ và các cuộc tấn công, xung đột dường như chưa có hồi kết. Cảnh sát đã từ bỏ nhiều nhiệm vụ. Các dịch vụ công cộng vốn đã rất tồi tệ dưới thời cựu Tổng thống H. Mu-ba-rắc thì nay càng thêm xuống cấp. Hầu như hàng ngày, người dân Ai Cập trút sự tức giận lên hệ thống dịch vụ y tế quá nghèo nàn, lạc hậu và thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm của các nhân viên y tế. Dân chúng còn tức giận bởi tình trạng bị cắt điện và mất nước triền miên ở một số quận. Tình trạng bất ổn trong lực lượng lao động cũng gia tăng. Công nhân nhiều khu công nghiệp liên tục đình công đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc và thay đổi ban quản lý… Thực ra, đấy mới chỉ là “tảng băng nổi”. Những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực ở xứ sở này người ta ví như những cơn xoáy ngầm trên dòng sông Nin to lớn và dài rộng thứ nhì thế giới (chỉ sau dòng sông A-ma-zôn ở Nam Mỹ), chúng có thể lật úp, nhấn chìm bất cứ con tàu nào, nếu không có thuyền trưởng am hiểu, tinh tường, vững tay lái. Nhiều nhà quan sát địa phương, cũng như các chuyên gia phân tích tình hình quốc tế cho rằng, việc thành lập được một chính quyền dân sự của Tổng thống M. Mơ-xi chỉ là sự khởi đầu giai đoạn mới của cuộc đấu tranh giành quyền lực ở xứ sở Kim tự tháp.

Một trong những bằng chứng hùng hồn về điều đó là những sự kiện xung quanh việc xử lý đối với vận mệnh của Quốc hội được bầu đầu năm 2012. Như mọi người đã biết, trước cuộc bầu cử vòng hai, giới quân sự đã tiên lượng được tương quan số phiếu bầu giữa hai ứng cử viên, nên ngày 15-6, nghĩa là trước cuộc bầu cử một ngày, Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập đã ra lệnh giải tán Quốc hội theo phán quyết của Tòa án Hiến Pháp Tối cao (SCC) cho rằng, 1/3 số ghế trong Quốc hội được bầu đầu năm 2012 là không hợp lệ. Đồng thời cũng đưa ra nhiều hạn chế đối với quyền hạn của tổng thống.

Và câu chuyện chưa có hồi kết


Vốn là người đại diện cho lợi ích của tổ chức Anh em Hồi giáo, ngay sau khi nhậm chức được một tuần, ngày 8-7, tân Tổng thống M. Mơ-xi đã ban bố sắc lệnh khôi phục hoạt động của Quốc hội do các lực lượng Hồi giáo chiếm đa số, cho tới khi bầu được một quốc hội mới, bởi theo ông điều này hoàn toàn không trái pháp luật. Đây có thể coi là động thái đầu tiên ông M. Mơ-xi khẳng định vị trí và quyền lực của mình trên cương vị tổng thống. Quyết định đó mang tính cách mạng, hoàn toàn đúng đắn với cương vị của một tổng thống do nhân dân bầu ra. Thế nhưng, nó lại trái ngược với ý muốn và tham vọng nắm quyền hạn quan trọng bậc nhất điều hành đất nước của giới quân sự - Đó là quyền điều hành các lực lượng vũ trang, quyền quyết định soạn thảo Hiến pháp mới, hay các quyền liên quan đến ngân sách nhà nước như nắm giữ các thể chế tài chính và công nghiệp. Thậm chí SCAF đã vượt quyền quốc hội, quyết định những vấn đề ngân sách nhà nước năm 2012.


Ngay sau khi ban bố quyết định triệu tập Quốc hội, SCAF đã họp khẩn cấp để “nghiên cứu và thảo luận” về tác động của quyết định của Tổng thống M. Mơ-xi. Sau đó, SCC đã ra tuyên bố nhằm vô hiệu hóa sắc lệnh Tổng thống, trong đó nhấn mạnh “Mọi phán quyết của SCC là quyết định cuối cùng, mang tính bắt buộc phải thực hiện và không thể bị thách thức”. Qua động thái này có thể thấy rằng, giới quân sự không hề có ý định từ bỏ tham vọng, họ vẫn tìm mọi cách gây sức ép buộc Tổng thống M. Mơ-xi phải hành động theo cách của họ. Tuy nhiên, họ không muốn đối đầu trực tiếp với Tổng thống M. Mơ-xi, mà lựa chọn trung gian là SCC.

Cũng có thể đến nay giới quân sự đã hiểu ra rằng, đối đầu trực tiếp với một vị Tổng thống do dân bầu ra là không hề có lợi. Hơn thế nữa, quyết định triệu tập lại Quốc hội của Tổng thống M. Mơ-xi đã được Oa-sing-tơn hậu thuẫn. Các quan chức chính quyền M. Mơ-xi đã loan báo thông điệp của Tổng thống B. Ô-ba-ma rằng, Mỹ bảo đảm cam kết đối với “quan hệ đối tác” mới với Ai Cập. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Uy-li-am Bơn (William Burns) đã tuyên bố với giới báo chí rằng: “Ai Cập có thể dựa vào sự ủng hộ của Mỹ trong bối cảnh họ đang nỗ lực hiện thực hóa khát vọng của họ”. Với tuyên bố đó người ta thấy rõ rằng, Oa-sing-tơn khẳng định sự ủng hộ đối với nguyện vọng của cử tri Ai Cập đã bỏ phiếu bầu ra vị tổng thống dân sự đầu tiên của họ. Và trung tuần tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry Clin-tơn cũng đã tới Cai-rô gặp tân Tổng thống M. Mơ-xi để một lần nữa khẳng định sự ủng hộ của chính quyền B. Ô-ba-ma.

Mặt khác, cũng phải thấy rằng, dù phe Hồi giáo và Tổng thống M. Mơ-xi có khôi phục lại được Quốc hội thì chưa chắc cơ quan dân cử này đã có thể đưa ra được những quyết định có hiệu lực. Bởi vậy, Tổng thống M. Mơ-xi đã xử lý rất khéo léo và mềm mỏng: Ông đã ra thông báo sẽ tôn trọng phán quyết của Tòa án Hiến pháp tối cao (SCC), bãi bỏ sắc lệnh mà chính ông đã ký ngày 8-7 về việc khôi phục hoạt động của Quốc hội. Đây được xem là sự nhượng bộ đầu tiên của một Tổng thống dân cử trước giới quân sự đầy quyền lực, cốt làm sao giữ được sự ổn định chính trị của đất nước vẫn đang chao đảo sau cơn lốc “Mùa xuân Arập”.

Đúng như nhận định của đông đảo các nhà phân tích quốc tế cho rằng, con đường phía trước, cuộc chiến đấu nhằm bảo đảm thực thi quyền lực của chính quyền của Tổng thống M. Mơ-xi, bảo vệ ảnh hưởng và lợi ích của tổ chức Anh em Hồi giáo còn rất dài, đầy cam go, gian khổ. Mặc dù giới quân sự đang tạm thời lùi bước, không đối đầu trực tiếp với Tổng thống và chính phủ lâm thời, nhưng rõ ràng không thể phủ nhận tiếng nói và sức mạnh của Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang SCAF, cũng như của giới quân sự Ai Cập nói chung. Như vậy, trong thời gian tới, chính trường Ai Cập chắc chắn vẫn sẽ bị bóp nghẹt bởi cuộc chiến tranh giành quyền lực, mà đến nay còn chưa thể dự đoán hồi kết./.