Nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào
Đến dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Đảng, chính quyền của 6 tỉnh bắc Lào; đại diện lãnh đạo Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Luông Pha Băng, Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Việt Nam, cùng đông đảo cán bộ chiến sĩ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, ông Mùa A Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đánh giá: Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó thủy chung từ lâu đời. Đặc biệt hơn 80 năm qua, kể từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, mối quan hệ hiếm có Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hẳn kính mến, cùng các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân 2 nước Việt Nam - Lào dày công vun đắp, được tôi luyện trong thử thách đấu tranh cách mạng và được hun đúc bằng công sức, xương máu của biết bao Anh hùng liệt sĩ, bằng sự hy sinh phấn đấu của nhiều thế hệ cả hai dân tộc Việt Nam - Lào.
Tỉnh Điện Biên có 360km đường biên giới, tiếp giáp với 4 huyện của 2 tỉnh Phong Xa Ly và Luông Pha Băng, có 3 cửa khẩu và Cảng Hàng không Điện Biên Phủ với đường bay quốc tế tới Lào và một số nước trong khu vực. Từ năm 2005 đến nay, tỉnh Điện Biên đã cử 109 đoàn với 1.161 lượt cán bộ trong tỉnh sang thăm, trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh bắc Lào. Các tỉnh bắc Lào cũng đã cử 146 đoàn với 2.047 lượt cán bộ sang hội đàm thường niên, học tập trao đổi kinh nghiệm với tỉnh Điện Biên. Bằng nguồn ngân sách địa phương, tỉnh Điện Biên đã và đang giúp đỡ các tỉnh bắc Lào xây dựng một số công trình phúc lợi trị giá 64 tỷ đồng; giúp đỡ quy hoạch phát triển nông - lâm nghiệp, hạ tầng kinh tế nông thôn một số vùng... Kể từ năm 2005, tỉnh Điện Biên cũng đã giúp đỡ đào tạo 807 lưu học sinh, cán bộ các tỉnh bắc Lào tại một số trường chuyên nghiệp; tạo điều kiện để nhân dân vùng biên giới bắc Lào sang khám chữa bệnh, hỗ trợ ngăn chặn dịch bệnh. Tỉnh Luông Pha Băng mỗi năm cũng đã đào tạo 5 học sinh Việt Nam tại Đại học Xu Pha Nu Vông; phối hợp giúp đỡ, qui tập và đưa về nước 1.474 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Điện Biên.
Ông Khăm Chên Vông Phô Si, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng Phong Xa Ly thay mặt cho các tỉnh bắc Lào phát biểu: Hai nước Việt Nam, Lào nói chung và Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào nói riêng là hàng xóm có chung đường biên giới “núi liền núi - sông liền sông”, có chung mục tiêu cách mạng, cùng viết nên lịch sử tình hữu nghị hiếm có. Trong suốt thời gian qua, nhân dân 6 tỉnh bắc Lào đã được tỉnh Điện Biên giúp đỡ, chia sẻ trên mọi lĩnh vực xây dựng kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng. Mong rằng sắp tới, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Điện Biên tiếp tục giữ vững mối quan hệ, giúp đỡ Đảng và nhân dân 6 tỉnh bắc Lào để tình hữu nghị giữa 2 dân tộc “Mãi mãi xanh tươi - đời đời bền vững" như mong ước của Chủ tịnh Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hẳn đã đặt nền móng và dày công vun đắp.
Lễ kỷ niệm 35 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị hợp tác và 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào tại Điện Biên đã kết thúc trong không khí long trọng, thắm tình đoàn kết hữu nghị. Đại diện của tỉnh Điện Biên và 6 tỉnh bắc Lào đã long trọng tuyên bố sẽ nguyện làm hết sức mình để mối quan hệ hữu nghị truyền thống, thủy chung, trong sáng, tình đoàn kết đặc biệt, hiếm có giữa 2 Đảng, 2 Nhà nước và nhân dân 2 dân tộc mãi mãi là tài sản chung, có giá trị thiêng liêng vô giá của cả 2 dân tộc.
* Sáng cùng ngày 22-8, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bôlikhamxay (Trung Lào), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào tổ chức lễ khởi công Làng Hữu nghị Thanh niên biên giới Lào - Việt Nam.
Đến dự có các đồng chí Bí thư, Tỉnh trưởng Bôlikhamxay Pan Nọimany; Đại sứ Việt Nam tại Lào Tạ Minh Châu; Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào Vilayvông Bútđakhăm; Bí thư Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, cùng nhiều quan chức chính quyền địa phương và cán bộ đoàn thanh niên hai nước.
Dự án nằm ở huyện Khămcợt, tỉnh Bôlikhamxay, cách thủ đô Viêng Chăn hơn 400 km về phía Đông Nam, cách cửa khẩu quốc tế Cầu Treo khoảng 75 km về phía Tây. Tổng vốn đầu tư dự án trên 180 tỷ đồng, trong đó vốn ODA Việt Nam giúp Lào trên 65 tỷ đồng, Tập đoàn Cao su Việt Nam 117 tỷ đồng; vốn đối ứng của Lào 5 tỷ đồng.
Tổng diện tích dự án là 1.034 héc-ta, trong đó 12,1 héc-ta là khu trung tâm và dân cư; 37 héc-ta là khu trình diễn kỹ thuật nông lâm nghiệp; 700 hécta trồng cao su và 200 hécta rừng phòng hộ...
Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành, Làng Hữu nghị Thanh niên biên giới Lào - Việt Nam sẽ là trung tâm cụm bản của vùng; trung tâm văn hóa, thể thao, giao thương hàng hóa, dịch vụ; vùng dân cư kiểu mẫu mang đậm bản sắc dân tộc và tình hữu nghị; trung tâm đào tạo chuyển giao nghề kỹ thuật nông - lâm nghiệp cho 350 - 400 thanh niên Lào hằng năm, bao gồm nhà văn hóa cộng đồng 200 chỗ ngồi; nhà trẻ, mẫu giáo phục vụ cho khoảng 50 cháu 2 lớp mầm non; trạm y tế có 6 phòng; sân thể thao quy mô 10.000m2; khu dân cư cho khoảng 70 - 80 hộ gia đình thanh niên cùng nhiều hạng mục quan trọng khác.
Phát biểu tại buổi lễ, lãnh đạo của Đoàn Thanh niên hai nước khẳng định Làng Hữu nghị Thanh niên biên giới Lào - Việt là một dự án quan trọng thiết thực chào mừng Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012 nhằm thu hút thanh niên và hộ gia đình trẻ của địa phương đến lập nghiệp lâu dài, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, phát triển kinh tế hàng hóa với cơ cấu kinh tế hợp lý, làm nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng, xây dựng khu dân cư mới phát triển bền vững; đào tạo dạy nghề, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp, tạo mô hình mẫu cho thanh niên, nhân dân địa phương và các vùng lân cận đến học tập. Thông qua dự án, Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào tổng kết và sẽ nhân rộng mô hình thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết việc làm, đoàn kết tập hợp thanh niên Lào tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa nước cũng như hai tổ chức Đoàn./.
Ý kiến của cử tri qua phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ  (22/08/2012)
Lý luận hàng hóa sức lao động và tiền công của C. Mác - cơ sở quan trọng để cải cách chính sách tiền lương  (22/08/2012)
Phấn đấu đưa nợ xấu ngân hàng về mức an toàn theo thông lệ quốc tế  (22/08/2012)
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn  (22/08/2012)
Bế mạc hội nghị triển khai kết luận của Bộ Chính trị  (22/08/2012)
Trả lời của Bộ trưởng đáp ứng nhu cầu của cử tri  (22/08/2012)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên