TCCSĐT - Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 20-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP-AN); cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết liên tịch số 06 ngày 10-9-2004 giữa UBTVQH khóa XI và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn về việc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh trình bày Tờ trình dự án Luật nêu rõ, qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác GDQP-AN cho thấy văn bản quy phạm pháp luật về GDQP - AN nếu chỉ dừng lại ở những nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành thì sẽ gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, vì giáo dục quốc phòng - an ninh quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, tổ chức. Hơn nữa, một số nội dung giáo dục quốc phòng liên quan đến Luật Giáo dục, Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các luật khác, do đó để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật cần phải ban hành văn bản có giá trị pháp lý cao để giải quyết các vấn đề nêu trên. Giáo dục quốc phòng - an ninh cho công dân có vị trí quan trọng trong chiến lược quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia; mục tiêu cơ bản xuyên suốt của GDQP - AN của các quốc gia trên thế giới đều nhằm giáo dục trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quốc phòng, an ninh cần thiết, để mỗi công dân có thể thực hiện tốt nhất quyền và nghĩa vụ của mình đối với đất nước. Đến nay, nhiều nước trên thế giới đã ban hành Luật Giáo dục quốc phòng. Để khắc phục những hạn chế, đưa nhiệm vụ giáo dục quốc phòng - an ninh đi vào chiều sâu, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với sự nghiệp quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, việc ban hành Luật GDQP - AN là cần thiết và phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Dự thảo Luật bao gồm 6 chương, 42 điều quy định về giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức quốc phòng - an ninh; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giáo dục quốc phòng - an ninh. Qua thảo luận nhiều ý kiến tán thành với nội dung Tờ trình của Chính phủ cho rằng, trước tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, để đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân thì việc ban hành Luật GDQP - AN là rất cần thiết. Thảo luận nội dung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho đối tượng trong các doanh nghiệp ngòai nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngòai công lập (Điều 16), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi tán thành với quan điểm của Chính phủ cho rằng việc quy định bồi dưỡng kiến thức QP - AN cho người quản lý, người đại diện theo ủy quyền tại các doanh nghiệp ngòai nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngòai công lập là phù hợp. Để bảo đảm tính khả thi và tập trung về đối tượng, dự thảo Luật đã xác định một số điều kiện của đối tượng này như: Có tổ chức bộ máy quản lý nghiệp vụ, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc hoạt động phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Đánh giá về dự án Luật, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng nội dung về an ninh chưa được quy định nổi bật trong dự án Luật; đồng thời chưa thấy rõ trách nhiệm các bộ trong thực thi pháp luật. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu ra 3 phạm trù cụ thể của dự án Luật bao gồm: phổ biến, bồi dưỡng và giáo dục. Đánh giá mỗi một phạm trù ứng với mức độ khác nhau, đại biểu đề nghị làm rõ 3 phạm trù này để áp dụng phù hợp đối với từng đối tượng cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng cho rằng cần phân biệt ra các nội hàm, giáo dục tập trung đối với nhà trường, bồi dưỡng tập trung đối tượng cán bộ, công chức… phổ biến là cho toàn xã hội. Đại biểu cho rằng sự hòa quyện giữa 3 đối tượng này rất cần thiết và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm về vấn đề này để không thấy sự phân biệt, ranh giới. Về giáo dục quốc phòng - an ninh cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, đại biểu Ksor Phước đề nghị dự án Luật cần thể hiện theo phương thức vừa học vừa chơi thì phù hợp với đối tượng này hơn.

Nâng cao hơn nữa trách nhiệm, vai trò của đại biểu Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc Hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết liên tịch số 06 ngày 10-9-2004 giữa UBTVQH khóa XI và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn về việc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự phiên họp.

Theo UBTVQH, qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 06, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội đã từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, hoạt động tiếp xúc cử tri hiện nay vẫn tồn tại một số bất cập như: Chưa đa dạng về hình thức, nội dung, nặng về thủ tục hành chính, chưa đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và yêu cầu của thực tiễn. Thời gian phát biểu của cử tri còn ít; việc giải trình, tiếp thu của đại biểu Quốc hội và cơ quan có thẩm quyền ở địa phương còn chưa thấu đáo... Quy định về tập hợp, tổng hợp, chuyển ý kiến, kiến nghị cử tri; trách nhiệm giải quyết của cơ quan có thẩm quyền và của cá nhân, tổ chức hữu quan trong việc phục vụ hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết kiến nghị cử tri chưa đầy đủ, rõ ràng, cụ thể. Hình thức tiếp xúc cử tri chủ yếu mới duy trì trước và sau kỳ họp. Các hình thức khác chưa được chú trọng.

Dự thảo Nghị quyết có 6 Chương, 39 Điều, tăng 1 Chương và 20 Điều so với Nghị quyết số 06 với yêu cầu sửa đổi, bổ sung là tập trung khắc phục những bất cập; tạo thuận lợi, phát huy tính chủ động của đại biểu Quốc hội trong mọi hoạt động tiếp xúc, giữ mối liên hệ chặt chẽ, thường xuyên với cử tri; nâng cao hơn nữa trách nhiệm, vai trò của đại biểu Quốc hội, của các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan trong việc tiếp xúc cử tri, tiếp thu, giải quyết kịp thời kiến nghị của cử tri và giám sát chặt chẽ việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

UBTVQH nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 06 nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; hoàn thiện một bước các quy định về tiếp xúc cử tri; bổ sung các quy định cụ thể về việc tổ chức, phục vụ các hoạt động tiếp xúc cử tri... Cho ý kiến về một nội dung còn ý kiến khác nhau là xây dựng báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước để trình Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp, các đại biểu đều đồng tình quy định như Nghị quyết số 06 để phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, nội dung kiến nghị mang tính toàn diện hơn gồm cử tri và nhân dân cả nước; phối hợp hài hòa, tập trung vào một mối việc tập hợp ý kiến, kiến nghị cử tri. Việc này không trái quy định, hợp lý, hợp pháp và hợp lòng dân, nên duy trì.
Nhiều ý kiến cũng đồng tình cần tiếp tục tổ chức tiếp xúc cử tri cả trước và sau kỳ họp Quốc hội như hiện nay. Tuy nhiên, nên quy định hình thức tiếp xúc cử tri theo hướng mở để không gây khó cho các đại biểu; tạo sự chủ động và điều kiện để đại biểu tiếp xúc cử tri được nhiều cuộc. Từng đại biểu tiếp xúc với cử tri sẽ hiệu quả và nâng cao trách nhiệm, chất lượng hơn tổ chức theo đoàn. Việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp không chỉ có nội dung thông báo kết quả kỳ họp mà đại biểu còn có trách nhiệm giải trình những vấn đề mà cử tri nêu, phù hợp với đối tượng và địa bàn. Hội nghị tiếp xúc cử tri phải được thông báo công khai và thành phần tham dự được quy định cụ thể với vai trò, trách nhiệm rõ ràng; có thể tổ chức hình thức tiếp xúc “phi hành chính”, nhất là ở những địa bàn đặc thù như khu công nghiệp. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, việc tiếp tục cải tiến, đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri, tăng cường hơn nữa mối quan hệ gắn bó mật thiết, quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cử tri của đại biểu Quốc hội là rất quan trọng và cần thiết. Mục tiêu của hoạt động tiếp xúc với cử tri, với nhân dân là để sau đó, đại biểu Quốc hội tham gia xây dựng luật pháp, chính sách, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đúng hơn, tốt hơn và hiệu quả hơn; đồng thời nêu cao trách nhiệm của từng đại biểu, giải quyết tốt những vấn đề thiết yếu của người dân. Hoạt động tiếp xúc cử tri cần được thiết kế phong phú, đa dạng; đặt trong hoạt động giám sát, xây dựng luật pháp và các hoạt động khác để có các hình thức, cách thức phù hợp./.