Bước ngoặt của chính biến

Quách Quỳnh
22:37, ngày 20-08-2012
TCCSĐT - Với quyết định giành thực quyền nhiếp chính, Tổng thống Ai Cập Mohammed Mursi đã tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của đất nước này. Và cuộc chính biến ở Ai Cập đã bước sang một thời kỳ mới.
Trong một bước đi bất ngờ và có cả những rủi ro, ông M.Mursi đã quyết định cho cả Bộ trưởng Quốc phòng Mohamad Hussein Tantawi và Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sami Annan về hưu. Chuyện sẽ hoàn toàn bình thường nếu lý do đơn thuần chỉ là tuổi tác bởi cả hai đều đã rất cao tuổi. Nhưng ông M.Tantawi còn là người đứng đầu Hội đồng Quân đội tối cao và Hội đồng này đã cai trị Ai Cập kể từ khi cuộc chính biến bùng nổ lật đổ thể chế của cựu Tổng thống Hosni Mubarak. Ông M.Tantawi đã đồng hành với cựu Tổng thống Hosni Mubarak suốt mấy thập kỷ độc trị Ai Cập.

Cùng với quyết định thay đổi nhân sự đứng đầu giới quân sự, ông M.Mursi còn tuyên bố hủy bỏ tất cả những quyết định của giới quân sự hạn chế quyền lực của Tổng thống và Quốc hội, tăng thêm quyền hạn cho Hội đồng Quân sự và Tòa án hiến pháp được ban hành từ trước khi ông M.Mursi đắc cử tổng thống. Những quyết định ấy của ông M.Mursi cả bề ngoài lẫn thực chất đều có thể được nhìn nhận và hiểu là lời tuyên chiến của tổng thống với Hội đồng Quân đội tối cao, của phía dân sự dân cử với giới quân sự nguyên y từ thời kỳ trước.

Vậy là một tình thế mới đã xuất hiện trong cuộc chính biến ở Ai Cập. Tương quan lực lượng và cục diện quyền lực giữa ông M.Mursi và đằng sau ông là tổ chức Anh em Hồi giáo với Hội đồng Quân đội tối cao, mà đằng sau đó là giới quân sự, đã thay đổi với ưu thế hiện tại thuộc về phe ông M.Mursi. Diễn biến tới đây của cuộc chính biến ở Ai Cập phụ thuộc vào thái độ chấp nhận hay không chấp nhận của giới quân sự. Trước mắt, giới quân sự tạo ấn tượng không bị tước quyền mà có thỏa thuận với ông M.Mursi về việc bớt quyền. Có thể như thế, nhưng cũng không loại trừ khả năng, giới quân sự lui khỏi chính trường về thủ thế ở doanh trại, chờ thời cơ xuất chinh tiếm quyền.

Với những quyết định nhân sự mới cho các cương vị cao cấp và chủ chốt nhất trong giới quân sự, ông M.Mursi thể hiện quyết tâm lật ngược cục diện quyền lực hình thành do chính biến, chuyển từ bị giới quân sự kiểm soát và chi phối sang kiểm soát và kiềm chế giới quân sự, cho rằng đã đến lúc phải hành động như thế, nhất là khi giới quân sự đã chủ động phản ứng rất quyết liệt về vụ việc xảy ra ở bán đảo Sinai mà thực chất là nhằm vào lực lượng Hồi giáo hoạt động ở đó.

Điểm đặc biệt ở bước ngoặt này của cuộc chính biến là để ngỏ hai kịch bản có thể xảy ra trong tương lai. Một là, sự thắng thế của nhà nước dân sự nếu giới quân sự chấp nhận bị bớt quyền. Hai là, chính quyền quân sự thực thụ nếu giới quân sự đối đầu với tân Tổng thống Mohammed Mursi. Đối với cuộc chính biến, vị thế và ảnh hưởng của Ai Cập ở khu vực và trong thế giới Arập thì tác động của bước ngoặt này rất tích cực và đáng kể. Tương lai chính trị ở Ai Cập chi phối rất đáng kể triển vọng hòa bình và hòa giải giữa Israel và Palestine. Dù ai nắm quyền ở Ai Cập thì cũng đều coi trọng quan hệ với Mỹ và duy trì Hiệp ước hòa bình với Israel đã được ký kết năm 1979. Nếu phe Hồi giáo tiếp tục thắng thế thì đương nhiên sự hậu thuẫn dành cho Palestine sẽ mạnh mẽ và hiệu quả hơn nhưng sẽ không có chuyện đứng hẳn về phía Palestine trong cuộc xung đột ở Trung Đông.

Hiện còn quá sớm để nói vấn đề quyền lực ở Ai Cập đã được giải quyết sau những quyết định mới nói trên của tân Tổng thống M.Mursi nhưng điều khiến cả người dân trong nước lẫn tất cả các đối tác bên ngoài lo ngại là nguy cơ tiến trình chính biến bị đảo ngược vẫn chưa hoàn toàn bị loại trừ, làm cho triển vọng tình hình ở đây bất chấp diễn biến mới vẫn đầy bí ẩn như câu đố của con nhân sư Ai Cập./.