Kinh tế thế giới chứa đựng nhiều rủi ro

Theo TTXVN
22:27, ngày 30-07-2012
Kinh tế thế giới vẫn diễn biến khá phức tạp và chứa đựng nhiều rủi ro. Đó là lý do khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây (tháng 7-2012) đã hạ mức dự báo tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu năm 2012 và 2013 lần lượt xuống còn 3,5% và 3,9%, giảm 0,1% và 0,2% so với dự báo trước đó.

Sự thay đổi triển vọng kinh tế toàn cầu, ngoài những tác động từ sự trì trệ của nền kinh tế châu Âu và sự tăng trưởng chậm hơn dự báo ở một số nước công nghiệp phát triển lớn như Mỹ (giảm 0,1% xuống còn 2%); Anh (giảm 0,6% xuống còn 0,2%) và Pháp (giảm 0,1% xuống còn 0,3%), chủ yếu do tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế lớn mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brasil.

Kinh tế châu Âu vẫn rơi vào tình trạng ảm đạm và trì trệ với sự sụt giảm sản lượng sản xuất, chỉ số niềm tin kinh doanh giảm, thất nghiệp cao và những rủi ro lớn trong khu vực tài chính ngân hàng.

Kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi chậm: chỉ số sản xuất đạt thấp, giải quyết việc làm vẫn gặp nhiều khó khăn; cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và sự bế tắc trong chính sách tài chính của Mỹ là hai nguy cơ lớn nhất làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế này.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2012 và 2013 cũng được dự báo giảm lần lượt là 8% (giảm 0,2%) và 8,5% (giảm 0,3%). Sự suy giảm trong một thời gian dài của Trung Quốc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế thế giới bởi Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn dầu mỏ, quặng sắt và nhiều hàng hóa khác từ Australia, Brasil và châu Phi. Các quốc gia ở châu Á coi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ đạo cũng sẽ bị tác động mạnh.

Các nền kinh tế mới nổi khác như Brasil và Ấn Độ cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức: nhu cầu tiêu thụ suy giảm cả trong và ngoài nước; những tác động tiêu cực từ lãi suất tăng cao và các chính sách thắt chặt nhằm hạ nhiệt nền kinh tế phát triển quá nóng được áp dụng trước đó; các nhà đầu tư ngày càng hoài nghi về triển vọng tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển dẫn đến hiện tượng thoái vốn và đồng nội tệ giảm giá.

Tình hình thương mại thế giới sẽ vẫn còn nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng nợ công châu Âu. Những căng thẳng địa chính trị ngày càng leo thang ở Trung Đông tiếp tục đe dọa nguồn cung dầu thế giới, gây áp lực tăng giá giá dầu thô thế giới.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến đưa ra chương trình kích thích kinh tế mới sau khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp bất ngờ tăng mạnh trở lại còn hoạt động sản xuất thì yếu đi cũng gây áp lực tăng giá dầu.

Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới cũng đón nhận những tín hiệu tích cực từ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Nhật Bản và sự tăng trưởng vững chắc của nền kinh tế Đức. IMF đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Nhật Bản lên 2,4% trong năm 2012 (tăng 0,4%) và Đức lên 1% (tăng 0,4%). Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang trở thành mục tiêu hàng đầu trong chính sách tiền tệ của nhiều nền kinh tế trên thế giới do tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và niềm tin tiêu dùng và đầu tư giảm./.