Vào lúc 19 giờ 10 phút tối 21-7-2012 (tức 18 giờ 10 phút cùng ngày, giờ Hà Nội), trang web của Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc (CNR) đã phát tin của phóng viên Chu Vĩnh cho biết, cùng ngày, hơn 1.100 cử tri thuộc 15 khu vực bầu cử ở ba quần đảo: Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) và Trung Sa đã đi bỏ phiếu bầu đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Tam Sa khóa 1.Đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”

Trước đó, ngày 20-7, giới chức quân sự Trung Quốc đã phê chuẩn việc thành lập và triển khai một đơn vị đồn trú tại cái gọi là "thành phố Tam Sa" mới thành lập với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng, Việt Nam).

Nguồn tin từ Bộ Tư lệnh Quảng Châu của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) cho biết Bộ này đã được Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) cho phép thành lập bộ tư lệnh của đơn vị đồn trú tại thành phố Tam Sa.

Đây sẽ là bộ tư lệnh cấp phân khu thuộc bộ tư lệnh tỉnh Hải Nam của PLA và chịu trách nhiệm quản lý sự huy động về quốc phòng, quân phòng bị cũng như tiến hành các hoạt động quân sự tại Tam Sa.

Bộ Tư lệnh của đơn vị đồn trú này sẽ nằm dưới quyền lãnh đạo song song của bộ tư lệnh tỉnh Hải Nam và chính quyền nhân dân thành phố Tam Sa.

Sau khi phía Trung Quốc có quyết định thành lập thành phố Tam Sa thì ngày 23-6, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã lên tiếng phản đối quyết định sai trái và phi pháp này, làm tổn hại quan hệ hai nước, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng, khẳng định huyện đảo Trường Sa là một bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam và trực thuộc quyền quản lý hành chính của tỉnh Khánh Hòa. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa hết sức bất bình trước việc Trung Quốc quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Trường Sa. Quyết định này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị về pháp lý. "Chúng tôi kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ quyết định sai trái và phi pháp này, không có thêm hành động làm tổn hại đến quan hệ hai nước, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước và tình cảm của nhân dân Tỉnh Khánh Hòa", Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tuyên bố.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, cũng khẳng định huyện đảo Hoàng Sa là một bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam và trực thuộc quyền quản lý hành chính của thành phố Đà Nẵng. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng hết sức bất bình trước việc Trung Quốc quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Hoàng Sa. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Năng tuyên bố: "Quyết định này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị về pháp lý. Chúng tôi kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ quyết định sai trái và phi pháp này, không có thêm hành động làm tổn hại đến quan hệ hai nước, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước và tình cảm của nhân dân thành phố Đà Nẵng".

Việc Trung Quốc tiến hành bầu cử Hội đồng Nhân dân ở khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam diễn ra chỉ một ngày sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này, ông Hồng Lỗi nêu rõ Trung Quốc sẵn sàng cùng các nước ASEAN thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) một cách toàn diện và hiệu quả, cũng như tham vấn để hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)./.