Đất nước Cuba chuyển mình, khởi sắc
Về lộ trình cập nhật mô hình kinh tế của Cuba, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cuba Marino Murillo khẳng định, Cuba đang tiếp tục theo đuổi mục tiêu này trên cơ sở giữ vững nguyên tắc bảo vệ những thành quả của cách mạng và con đường chủ nghĩa xã hội mà nước này đã theo đuổi trong hơn nửa thế kỷ qua. Cuba đã nghiên cứu kinh nghiệm điều chỉnh của một số nước như Trung Quốc, Việt Nam và Nga, để từ đó áp dụng những biện pháp dựa trên những điều kiện thực tiễn của đất nước.
Chính phủ Cuba định hướng xây dựng nền kinh tế thực, sản xuất ra của cải vật chất, với ưu tiên phát triển cho các hoạt động nông nghiệp để thay thế nhập khẩu. Cuba cũng luôn chú trọng phát triển các lĩnh vực đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho ngân sách nhà nước như du lịch, xuất khẩu niken, công nghệ sinh học và dược phẩm.
Phát triển kinh tế tự doanh
Nhằm thúc đẩy sự phát triển đa dạng nền kinh tế, Chính phủ Cuba đã tiến hành một bước đột phá khi quyết định mở rộng thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, từng bước tái cơ cấu lực lượng lao động trong các cơ quan, xí nghiệp nhà nước. Số người tham gia kinh tế tự doanh ngày càng tăng mạnh. Theo thống kê của Bộ Lao động và An sinh xã hội Cuba, tính từ đầu năm 2012 đến nay đã có thêm 25.000 người được cấp giấy phép kinh doanh cá thể, đưa tổng số người tham gia thành phần kinh tế tự doanh tại Cuba lên 387.275 người, sau hơn 18 tháng triển khai các chính sách khuyến khích mở rộng kinh tế tư nhân. Điều cần nhấn mạnh là, 68% trong số những đối tượng được cấp phép kinh doanh cá thể là những người trước đây không có việc làm, những người về hưu hoặc trong diện giảm biên chế. Phần lớn những người kinh doanh cá thể đã lựa chọn những ngành nghề dịch vụ như dịch vụ ăn uống, vận chuyển hàng hóa và hành khách, cho thuê nhà và bán hàng rong. Hiện có khoảng 400.000 người Cuba đang làm việc trong lĩnh vực tư nhân về xây dựng, con số này ước tính sẽ tăng lên đến 600.000 vào cuối năm 2012. Việc khuyến khích mở rộng kinh tế tư nhân được hy vọng sẽ đóng góp khoảng 40% - 45% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Để nâng cao hiệu quả và kỷ cương trong hình thức kinh tế còn khá mới mẻ đối với người dân, trong thời gian gần đây, Cuba thường xuyên mở các lớp tập huấn về văn hóa kinh doanh, về tiêu chuẩn đòi hỏi đối với ngành cung cấp dịch vụ như an toàn thực phẩm, chính sách thuế… tại nhiều địa phương, giúp cho những người tham gia thành phần kinh tế tự doanh nắm vững, chủ động hơn trong các hoạt động kinh doanh vừa bảo đảm tính pháp lý, vừa mang đến sự an toàn cho người tiêu dùng.
Tháng 6-2012, Tòa án Nhân dân tối cao Cuba (TSP) tiến hành xem xét việc thay đổi luật lao động nhằm mở rộng quyền lợi đối với nhóm đối tượng lao động này. Trên cơ sở Bộ luật Lao động được ban hành từ năm 1984, lợi ích của người lao động trong lĩnh vực tư nhân được bảo đảm. Quyền lao động đối với lao động trong lĩnh vực công cũng sẽ được áp dụng cho lao động làm việc trong lĩnh vực tư, bao gồm quyền được trả lương phù hợp về khối lượng và chất lượng công việc, bảo đảm về ngày nghỉ và phúc lợi xã hội. Hệ thống luật pháp Cuba sẽ đóng vai trò là công cụ cần thiết để bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động đang làm việc trong lĩnh vực tư nhân.
Cải cách nông nghiệp hiệu quả
Sau hơn 3 năm thực hiện chính sách cải cách nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp của Cuba đang từng bước thay thế lương thực nhập khẩu cho dù những thách thức ở phía trước vẫn còn rất nhiều để có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân Cuba.
Diện tích đất hoang đã được trao tới tay người nông dân với gần 1,5 triệu héc-ta đất, trong đó 79% đã được đưa vào khai thác. 163.000 nông dân trên cả nước đã làm chủ ruộng đất, có thể tự quyết công việc chăn nuôi gia súc và canh tác các loại cây trồng. Không chỉ có vậy, khoảng 900.000 ha đất hoang sẽ tiếp tục được từng bước giao cho các hộ nông dân khai thác trong thời gian tới.
Chính phủ Cuba chủ trương phát triển các dự án nghiên cứu, đầu tư để bảo đảm thực hiện thành công các chương trình sản xuất nông nghiệp, trong đó canh tác lúa và đậu - các loại lương thực không thể thiếu trong khẩu phần của mỗi gia đình Cuba - sẽ là hướng ưu tiên phát triển. Ngoài ra, theo kế hoạch, khoảng 450 triệu USD sẽ được Chính phủ Cuba đầu tư từ nay cho đến năm 2016 để thúc đẩy sản xuất lúa gạo với hy vọng Cuba sẽ tự cung cấp được khoảng 80% nhu cầu tiêu thụ, trong đó 108 triệu USD đã được giải ngân để mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất tại 152 quận, huyện trên cả nước. Nguồn ngân sách dùng cho việc chi trả nhập khẩu lương thực đang ở mức 1,7 tỉ USD sẽ được giảm dần, nhất là theo thống kê chính thức, sản xuất nông nghiệp của Cuba trong quý I-2012 đã tăng ở mức khả quan 9,8%.
Tăng nguồn thu ngân sách
Trong những năm gần đây, Chính phủ Cuba đã áp dụng một loạt chương trình phát triển trung hạn ở các lĩnh vực thế mạnh của quốc đảo này như xuất khẩu và dịch vụ. Cụ thể là xuất khẩu các sản phẩm dược và công nghệ sinh học, bên cạnh việc chú trọng phát triển hình thức du lịch y tế, lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng đem lại nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách quốc gia.
Năm 2011, theo Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba (MINCEX), kim ngạch xuất khẩu của nước này đạt gần 9 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2010 và sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong năm 2012. Chính phủ Cuba đang nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào các ngành truyền thống như khai thác khoáng chất niken và sản xuất đường mía. Bởi theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trước đây, niken đóng góp 30% giá trị hàng xuất khẩu và đường mía từng chiếm 70% giá trị này, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 9%. Trong khi đó, du lịch, y tế và tin học hiện chiếm hơn 70% nguồn thu trong lĩnh vực xuất khẩu và dịch vụ.
Bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy các lĩnh vực có thế mạnh, trong thời gian tới, Cuba chủ trương mở rộng và thúc đẩy sản xuất trong nước và hướng tới xuất khẩu ra thị trường quốc tế các mặt hàng nông nghiệp quan trọng như gạo, cà phê, đỗ và quả có múi, vốn từng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế Cuba, nhưng bị giảm sút nghiêm trọng trong những năm 90 của thế kỷ XX. Cuba cũng đã bắt đầu triển khai các dự án thăm dò và khai thác dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế trên Vịnh Mexico - lĩnh vực được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của Cuba.
Tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước
Thành công của chính sách cải cách kinh tế không chỉ phụ thuộc việc thay đổi trong từng thành phần, lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, mà còn cần tới một bộ máy quản lý nhà nước được vận hành thông suốt.
Trên tinh thần đó, tháng 3-2012, Hội đồng Nhà nước Cuba đã thực hiện điều chỉnh một số bộ, ngành nhằm giúp các cơ quan quản lý trung ương có được một cấu trúc chặt chẽ và hoạt động một cách hiệu quả hơn, đồng thời giúp giảm thiểu những chi phí không cần thiết. Bộ Công nghiệp đã được thành lập, phụ trách các mảng luyện kim, công nghiệp nhẹ và hóa học, còn Bộ Công nghiệp cơ bản được chuyển thành Bộ Năng lượng và Mỏ, điều hành các hoạt động sản xuất dầu khí, năng lượng và khai khoáng. Ngoài ra, các Bộ Tài chính và Vật giá, Bộ Lao động và An sinh xã hội cũng đã được hoàn thiện về cơ cấu.
Trong phân công quản lý cấp địa phương, Hội đồng Bộ trưởng Cuba áp dụng thử nghiệm mô hình tách vai trò của Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện tại hai tỉnh mới được tách của Cuba là Artemisa và Mayabeque từ ngày 1-6-2012. Thời gian thử nghiệm sẽ kéo dài trong 18 tháng. Nếu mô hình trên đem lại kết quả tích cực, Chính phủ Cuba sẽ mở rộng ra tất cả các tỉnh/ thành trong cả nước kể từ năm 2015. Hội đồng Nhà nước Cuba hy vọng, với sự phân chia rõ ràng chức năng và nhiệm vụ của hai chức vụ trên, công tác quản lý tại các địa phương sẽ có những thay đổi tích cực, hợp lý và minh bạch hơn.
Quyết tâm loại bỏ tội phạm kinh tế và tham nhũng
Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, Chính phủ Cuba cũng như toàn dân quyết tâm loại bỏ những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới sự tăng trưởng của nền kinh tế. Ngày 17-2-2012, Tổng Kiểm toán Nhà nước Cuba Gladis Bejerano đã kêu gọi toàn thể xã hội tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng và tội phạm kinh tế một cách có hệ thống và chuyên nghiệp. Tổng Kiểm toán Cuba khẳng định, chống tham nhũng và các loại tội phạm kinh tế là cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ với sự tham gia của ngành kiểm toán, tòa án và Bộ Nội vụ ở tất cả các cấp cũng như toàn xã hội, đồng thời kêu gọi mỗi cá nhân có trách nhiệm thay đổi tư duy cho phù hợp với tình hình mới của đất nước, vì mục tiêu thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội ở Cuba.
Ngân hàng Trung ương Cuba (BCC) đã ra quyết định yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước hàng quý phải gửi thông báo xác nhận cho các ngân hàng về việc đồng thuận với giấy báo thống kê giao dịch và hoạt động của tài khoản. Quy định trên được áp dụng với các công ty thương mại 100% vốn của Cuba. Cơ quan hoặc doanh nghiệp nào không thực hiện nghiêm túc yêu cầu trên sẽ bị tạm ngừng cung cấp dịch vụ ngân hàng. Đánh giá về biện pháp chống tham nhũng này, Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao Cuba Dario Delgado nhấn mạnh, đây là một cơ chế hiệu quả để phát hiện việc sử dụng không đúng mục đích các nguồn tài chính và những dấu hiệu tham nhũng mà Chính phủ Cuba cam kết sẽ đấu tranh đến cùng. Ông D.Delgado thừa nhận, hiện tượng tham nhũng tại Cuba tập trung chủ yếu trong khối doanh nghiệp, đặc biệt phổ biến kể từ khi Cuba bắt đầu đưa ra những biện pháp điều chỉnh mô hình kinh tế.
Gặt hái thành công
Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL) mới đây đã đưa ra nhận định, tiến trình cập nhật mô hình kinh tế của Cuba đang đem lại những kết quả thiết thực. Theo bà Alicia Barcena, Thư ký điều hành CEPAL, Cuba đang triển khai lộ trình cập nhật mô hình kinh tế một cách năng động và rất quyết tâm với sự tham gia của toàn xã hội. Những biện pháp được Chính phủ Cuba đưa vào áp dụng có tính thực tiễn cao vì đã chú trọng vào phát huy nội lực, mở rộng sản xuất.
Đón nhận những chuyển mình của đất nước Cuba, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới tăng cường mở rộng hợp tác, hỗ trợ Cuba trong nhiều lĩnh vực thời gian gần đây.
Tháng 1-2012, Cuba và Brazil ký kết 9 thỏa thuận hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực thế mạnh của hai bên như công nghệ sinh học, lương thực, xây dựng, và thiết bị máy móc nông nghiệp. Theo thống kê chính thức, trao đổi thương mại giữa Cuba và Brazil năm 2011 đạt 642 triệu USD, tăng 31% so với năm 2010.
Quan hệ giữa Cuba và Mexico được đánh dấu mốc khi tháng 4-2012, hai nước ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác song phương trên các lĩnh vực y tế, giáo dục và năng lượng, khởi động một giai đoạn mới trong mối quan hệ và hợp tác song phương toàn diện. Chính phủ Mexico thể hiện sự ủng hộ vai trò của Cuba là một trong ba thành viên sáng lập và điều hành Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC).
Cùng bề dày 20 năm hợp tác, Cuba và Belarus đã ký kết 5 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực y tế, khoa học, nông nghiệp và công nghiệp vào tháng 6-2012. Theo đó, Belarus giúp Cuba hiện đại hóa trang thiết bị nông nghiệp và cung cấp cho nước này một loạt máy móc mới. Về y tế, hai nước thỏa thuận thành lập một nhóm làm việc chung có nhiệm vụ giám sát và công nhận những nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng, cũng như sự tương đồng của các loại thuốc được sản xuất tại mỗi nước. Hai bên cũng cam kết hợp tác về kiểm tra vệ sinh dịch tễ để tránh lây truyền các loại sâu bệnh có hại cho nông nghiệp trên lãnh thổ mỗi nước. Ngoài ra, tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ tại các viện nghiên cứu và các tổ chức khác theo đuổi những mục đích trên tại Belarus và Cuba.
Với Việt Nam, trên cơ sở quan hệ chính trị, ngoại giao rất tốt đẹp, hai nước chú trọng tăng cường hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả; dành ưu tiên cao cho những lĩnh vực hợp tác còn nhiều tiềm năng, lợi thế mà hai bên có thể bổ trợ cho nhau để cùng phát triển. Một loạt các hoạt động hợp tác thiết thực đã được hai bên thúc đẩy, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2010 và năm 2011, Việt Nam liên tục xuất khẩu có hỗ trợ tín dụng cho Cuba tổng cộng 700.000 tấn gạo; triển khai một số dự án nông nghiệp có tổng số tiền hỗ trợ Cuba hơn 43 triệu USD. Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục triển khai các dự án hợp tác dầu khí ký kết với Cuba từ năm 2007; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như xây dựng, giao thông, công nghệ sinh học, giáo dục, y tế.
Sự ủng hộ đất nước Cuba của các nước trong khu vực và trên thế giới còn thể hiện rõ nét trong làn sóng phản đối chính sách bao vây cấm vận mà Mỹ đã áp đặt đối với Cuba trong hơn nửa thế kỷ qua. Các nước Mỹ Latinh cũng đồng loạt lên tiếng ủng hộ Cuba tái tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), khẳng định sự có mặt của quốc đảo vùng Caribe là cần thiết để Hội nghị OAS trở lại với đúng ý nghĩa của nó./.
Thấy gì từ những cuộc chiến tranh do NATO tiến hành đầu thế kỷ XXI?  (10/07/2012)
Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân - một số vấn đề rút ra sau 3 năm thực hiện  (10/07/2012)
Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2012  (10/07/2012)
Tạp chí Cộng sản tặng nhà tình nghĩa các gia đình chính sách ở Củ Chi  (10/07/2012)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp Chủ tịch Cuba Raul Castro Ruz  (09/07/2012)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên