TCCSĐT - Kết thúc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã có hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến của người dân gửi gắm tới Quốc hội.

*Tại Bình Thuận, trong các buổi tiếp xúc cử tri, ngoài nhiều kiến nghị liên quan đến chính sách đối với thương bệnh binh, người có công cách mạng, cán bộ hưu trí, cán bộ cơ sở… Cử tri kiến nghị Chính phủ cần có những giải pháp tích cực và quyết liệt hơn nữa để kiềm chế lạm phát, tăng cường bình ổn giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất như: xăng, dầu, phân bón… và xử lý nghiêm các trường hợp tự nâng giá, buôn bán hàng giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc trên thị trường, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống cuả nhân dân. Cử tri mong muốn Chính phủ quan tâm hơn đến đời sống cuả nông dân trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; việc thu hồi đất phải bảo đảm hài hoà lợi ích cuả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất bị thu hồi, vì hiện nay vẫn còn nhiều dự án treo, giá đền bù thấp gây khó khăn cho nhân dân ở các vùng dự án. Cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường hơn nữa công tác giám sát của Quốc hội; có giải pháp hữu hiệu, công khai, minh bạch và bảo vệ người có công tố giác trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng… Theo kế hoạch, từ ngày 3 đến ngày 10-7, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận tiếp tục tiếp xúc với bà con cử tri trong tỉnh, để báo cáo kết quả kỳ họp thứ ba – Quốc hội khoá XIII và ghi nhận ý kiến của cử tri chuẩn bị cho kỳ họp tới.

* Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 28-6, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri tại thành phố Vũng Tàu và huyện Xuyên Mộc. Tại các điểm tiếp xúc, cử tri đã đóng góp nhiều ý kiến như: đề nghị Quốc hội cần nâng cao hơn nữa vai trò giám sát của mình, đặc biệt các vấn đề như đầu tư công, quản lý các tập đoàn kinh tế, quản lý người nước ngoài làm ăn sinh sống tại nước ta. Cử tri bày tỏ sự bức xúc về tình trạng tham nhũng, quy hoạch treo quá lâu khiến người dân không xây sửa được nhà, thậm chí không có điện, nước sử dụng; tình trạng quảng cáo tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng không được kiểm soát; thiếu nơi vui chơi giải trí lành mạnh cho thanh thiếu nhi... Các đại biểu trong Đoàn đã ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết của cử tri và cho biết sẽ sớm tổng hợp phản ảnh lên Quốc hội.

* Tại Trà Vinh, cũng trong ngày 28-6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bí thư tỉnh ủy Trà Vinh Trần Trí Dũng và Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh đã tiếp xúc cử tri với bà con vùng cù lao sông nước ở ấp Cồn Cò và Cồn Chim, huyện Châu Thành, một địa phương ở xa đất liền, hiện đang còn rất nhiều khó khăn. Phần lớn cử tri ở hai ấp Cồn Cò và Cồn Chim đề nghị tỉnh nhanh chóng kéo điện cho bà con, xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch. Nhiều cử tri kiến nghị, tỉnh cần đầu tư xây dựng trung tâm y tế trên cù lao vì người dân ở khá xa đất liền. Các ý kiến còn tập trung đề nghị các ngành chức năng cần có biện pháp xử lý đối với một số công ty nuôi cá da trơn trên cù lao gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống bà con, tình trạng khai thác cát lậu tràn lan, gây sạt lỡ, thất thoát tài nguyên… Trả lời những ý kiến của cử tri, ông Trần Khiêu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh cam kết sẽ đưa điện đến vùng cù lao này trong khoảng tháng 10 năm nay và sẽ nhanh chóng triển khai xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch, cũng như đồng ý về mặt chủ trương đào tạo cán bộ y tế, đưa y bác sỹ về cù lao, xây dựng trạm y tế để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho bà con. Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình bày tỏ sự phấn khởi về những đổi thay trên vùng đất nghèo khó này đồng thời đề nghị lãnh đạo tỉnh Trà Vinh xem xét đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của bà con, đầu tư, xây dựng vùng cù lao để rút ngắn khoảng cách với đất liền. Đặc biệt, chú trọng các lĩnh vực điện nông thôn, nước sạch, y tế, giáo dục, cũng như hệ thống đê bao tránh sạt lở, xây dựng thêm hệ thống cầu tàu, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông cho bà con.

* Tại Bạc Liêu, trong 3 ngày 26 đến 28-6, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chia thành nhiều tổ, đến tiếp xúc hơn 1.000 cử tri tại 12 xã, phường, thị trấn của các huyện, thành phố trong tỉnh. Tại các điểm tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội đã thông báo kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII; tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thông báo dự kiến chương trình, nội dung nghị sự kỳ họp thứ V, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII. Cử tri các huyện Hòa Bình, Giá Rai và Phước Long đề nghị một số vấn đề như: Nhà nước cần tiếp tục thực hiện những giải pháp bình ổn giá các mặt hàng nông, thuỷ sản, nhất là lúa, gạo và tôm nguyên liệu; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm; xử lý nghiêm tình trạng mua bán hàng giả hàng kém chất lượng, nhất là tình trạng bán phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng, ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân; cần có chính sách tăng mức sinh hoạt phí và định suất cán bộ làm công tác ở cơ sở xã, ấp... Cử tri Bạc Liêu yêu cầu Nhà nước cần xem xét nguồn vốn cho vay, lãi suất cho vay phù hợp đối với hộ nghèo và học sinh, sinh viên. Để khắc phục tình trạng quá tải ở bệnh viện các tuyến, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu khám và chữa bệnh cho nhân dân....

* Tại Lào Cai, trong các ngày 27 đến ngày 28-6-2012, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã tiếp xúc cử tri tại cụm phía Bắc thành phố Lào Cai, các trường trung cấp Y tế, cao đẳng sư phạm và các xã Tả Giàng Phình, Tả Phìn (huyện Sa Pa); xã Bản Liền, Nậm Khánh (huyện Bắc Hà) và cụm xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát. Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành làm rõ trách nhiệm liên quan đến vấn đề thất thoát của các Tổng công ty Nhà nước; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng giáo dục; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chế độ cho cán bộ cấp xã… Cử tri khẳng định việc thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trong cả nước là rất thiết thực, nhằm phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cải thiện môi trường. Nhiều cử tri cho rằng Quốc hội cần tổ chức thanh tra, kiểm tra về hiệu quả của dự án này tại các địa phương. Cử tri đánh giá việc thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn nhằm tạo đà cho nông thôn phát triển. Cử tri Lào Cai đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đầu tư mạnh và đồng bộ hơn nữa vào khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015; quan tâm nhiều hơn tới các huyện vùng cao, vùng sâu, xa, biên giới đặc biệt khó khăn như Ý Tý, Bản Liền, Nậm Khánh, Tả Giàng Phình và Tả Phìn. Nhà nước tiếp tục cho xây dựng các hồ treo; đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế xã; có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số được ưu tiên tuyển thẳng vào các trường Cao đẳng, Đại học và tiếp nhận vào làm việc tại các cơ sở sản xuất. Chính phủ cần tăng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới cho các huyện nghèo; có cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới; tăng chỉ tiêu ngân sách hàng năm dành cho công tác khuyến nông; các đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng vào sản xuất, chế biến nông lâm sản; hỗ trợ nông dân vay vốn trong thời gian dài hơn.

*Tại Ninh Bình, trong các ngày từ 25 đến 28-6-2012, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Ninh Bình đã tiến hành các đợt tiếp xúc cử tri ở một số địa phương để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3, đồng thời lắng nghe ý kiến đề xuất, kiến nghị của cử tri. Tiếp xúc cử tri tại thị xã Tam Điệp, Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thông báo nhanh tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại của đất nước trong thời gian qua. Những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành Trung ương, Bộ trưởng tiếp thu, nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ xem xét. Tại các địa điểm tiếp xúc, cử tri bày tỏ sự hài lòng, phấn khởi với kết quả và chất lượng của kỳ họp, đề cập nhiều vấn đề nóng, thông qua nhiều dự luật quan trọng. Cử tri mong muốn và đặt niềm tin ở Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong việc tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát về xây dựng và quyết toán ngân sách, đầu tư công, hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước, bộ máy chính quyền, công tác phòng chống tham nhũng, cũng như giám sát việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội, trước cử tri của các thành viên Chính phủ. Bên cạnh đó, cử tri đã phát biểu nhiều ý kiến tập trung vào việc xây dựng, củng cố hệ thống giao thông nông thôn, vấn đề môi trường và việc giải quyết các chế độ, chính sách đối với cán bộ ở cơ sở. Một số ý kiến cho rằng, thủ tục hành chính về miễn giảm học phí cho học sinh nghèo còn khá rườm rà, mất rất nhiều thời gian và chi phí gây khó khăn cho hộ nghèo và cận nghèo, kiến nghị ngành giáo dục rà soát các nguồn thu trong trường học, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh nghèo được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Cử tri kiến nghị Quốc hội và địa phương quan tâm hơn nữa đến các chính sách xã hội cho người cao tuổi, người có công; chính sách ưu đãi cho sinh viên nghèo; vấn đề vệ sinh môi trường cho các làng nghề; quản lý dịch vụ internet...

* Tại Bắc Giang, ngày 28-6, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Bắc Giang đã tiếp xúc cử tri tại huyện Lục Nam và huyện Lạng Giang. Tại các điểm tiếp xúc cử tri huyện Lục Nam, cử tri kiến nghị với đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang về một số nội dung như: Tăng cường cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ đầu tư để phát triển nông nghiệp, nông thôn; cải tạo hệ thống giao thông, thủy lợi, tạo việc làm cho lao động khu vực nông thôn; đầu tư và nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, bảo hiểm y tế; khắc phục bất cập trong công tác chi trả chế độ cho giáo viên mầm non... Tại huyện Lạng Giang, đông đảo cử tri bày tỏ vui mừng trước thành công của kỳ họp và đồng tình với kết quả trả lời của các cơ quan chức năng. Nhiều cử tri kiến nghị việc cắt điện cần có kế hoạch và thông báo đến người dân, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh. Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn nữa chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, thanh niên xung phong và những vấn đề khác như: ô nhiễm môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm... khu vực nông thôn./.