TCCSĐT - Ngày 24-6 vừa qua, Ủy ban bầu cử tổng thống ở Ai cập đã công bố kết quả chính thức vòng 2 cuộc bầu cử này. Ông Mohamed Mursi, ứng cử viên của Đảng vì Tự do và Công lý trong Quốc hội, đồng thời cũng là ứng cử viên của tổ chức Anh em Hồi giáo, đã được công nhận là Tổng thống mới ở Ai cập. Ông M.Mursi giành được 51,7% phiếu bầu với 13,2 triệu lá phiếu trong khi cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq giành được 12,3 triệu lá phiếu.

Lẽ ra, kết quả bầu cử của vòng bầu thứ 2 này đã phải được công bố trong ngày 21-6-2012. Tuy nhiên, với lý do xem xét rất nhiều kiện tụng từ cả hai phía, Ủy ban bầu cử đã trì hoãn vô thời hạn việc công bố kết quả bầu cử. Điều này đã khiến tình hình chính trị - xã hội nội bộ ở đất nước này trở nên căng thẳng. Thêm vào đó, chính quyền quân sự quá độ lại tuyên bố giải tán quốc hội mới được bầu ra cách đây mấy tháng. Cả hai vụ việc này đã tạo cớ để dư luận chung lo ngại về khả năng kết quả bầu cử tổng thống bị thao túng và giới quân sự tìm cách ngăn cản ông M.Mursi trở thành tổng thống.

Việc ông M.Mursi được công nhận thắng cử là một nhượng bộ của giới quân sự đang nắm quyền. Giới quân sự e ngại sự bất bình của người dân nếu coi ông Shafiq thắng cử. Hơn nữa, quyền hạn của tổng thống cũng đã bị thu hẹp đáng kể, trong đó có việc tổng thống không phải đồng thời là tổng tư lệnh quân đội và tổng thống không chỉ định Bộ trưởng quốc phòng.

Tổ chức Anh em Hồi giáo được thành lập năm 1928 và đã có thời bị cấm ở Ai cập. Bản thân ông M.Mursi cũng từng bị phạt tù. Trong những phát biểu đầu tiên sau khi được công nhận đắc cử, ông M.Mursi đều nhấn mạnh muốn trở thành "tổng thống của tất cả mọi người dân Ai cập". Điều đó không chỉ cần thiết mà còn có tầm quan trọng sống còn đối với vị trí quyền lực mới của ông M.Mursi và tương lai của tổ chức Anh em Hồi giáo vì mức độ chênh lệch phiếu bầu với ông Shafiq không nhiều và cũng chỉ có 13,2 triệu trong tổng số hơn 50 triệu cử tri Ai cập bỏ phiếu bầu ông M.Mursi.

Cũng tròn những tuyên bố chính sách đầu tiên, ông M.Mursi cam kết thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc, tuân thủ những hiệp ước quốc tế đã ký kết, nhưng đồng thời lại nhấn mạnh việc thúc đẩy quan hệ với Iran.

Mỹ và các nước phương Tây vừa hoan nghênh, lại vừa lo ngại về kết quả bầu cử này. Họ hoan nghênh vì ông M.Mursi không liên quan đến bộ máy chính quyền thời trước và giới quân sự. Họ lo ngại vì thắng cử của ông M.Mursi đồng nghĩa với sự trỗi dậy mạnh mẽ của lực lượng Hồi giáo ở Ai cập, khả năng quan hệ giữa chính quyền mới với Israel sẽ được cải thiện và về tác động của trào lưu ấy tới mối quan hệ với Israel.

Hòa giải dân tộc, quan hệ suôn xẻ với giới quân sự, bảo đảm an ninh ổn định và phát triển kinh tế sẽ là những thách thức đối nội lớn nhất và cũng khó khăn nhất đối với ông Mursi sau khi chính thức nhậm chức vào ngày 30-6 tới. Nếu không xử lý ổn thỏa và lâu bền những vấn đề trước hết ấy, ông M.Mursi sẽ không thể xử lý được các vấn đề đối ngoại không kém phần cấp thiết và nan giải như quan hệ với các nước láng giềng, với Mỹ, phương Tây; định vị Ai cập trong làn sóng chính biến vẫn đang diễn ra ở Bắc Phi và Trung Đông và đặc biệt là quan hệ với Israel cũng như Iran.

Cuộc bầu cử tổng thống được xem là dấu mốc rất quan trọng trong quá trình biến động chính trị ở Ai cập, nhưng thắng cử của ông M.Mursi lại chưa đủ để tiến trình này không bị đảo ngược. Mọi chiều hướng diễn biến trong thời gian tới vẫn đều có thể xảy ra và cuộc đấu tranh quyền lực giữa lực lượng làm chính biến và giới quân sự vẫn chưa đi vào hồi kết./.