Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 11 đến ngày 17-1-2010)
1. Ông I-vô Y-ô-xi-pô-vích đắc cử Tổng thống Crô-a-ti-a
Ngày 11-1-2010, với 99,62% số phiếu đã được kiểm, ông Y-ô-xi-pô-vích, ứng cử viên Đảng Dân chủ Xã hội (SDP) đối lập, đã giành 60,29% số phiếu bầu, so với 39,71% dành cho ứng cử viên còn lại là Thị trưởng Da-grép (Zagrep) Mi-lan Ban-đích (Milan Bandic), trở thành vị tổng thống thứ ba của Crô-a-ti-a kể từ khi nước này tách khỏi Nam Tư cũ năm 1991. Ông Y-ô-xi-pô-vích 52 tuổi, là chuyên gia về luật và là nhà soạn nhạc cổ điển nên chưa có nhiều kinh nghiệm về chính trị. Hiến pháp Crô-a-ti-a quy định, tổng thống chỉ có một số quyền hạn chế, việc điều hành đất nước thuộc quyền hạn của thủ tướng. Tuy nhiên, phát biểu trước những người ủng hộ sau khi kết quả bầu cử được công bố, ông cam kết sẽ ủng hộ các kế hoạch của Thủ tướng Gia-đran-ca Cô-xô (Jadranka Kosor) thuộc Đảng Bảo thủ (HDZ) cầm quyền về cải cách kinh tế và chống tham nhũng để đưa Crô-a-ti-a gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 2012. Trong cuộc bầu cử tổng thống vòng một ngày 27-12 vừa qua, không ai trong số 11 ứng cử viên tham gia cuộc đua này giành đủ 50% số phiếu bầu theo luật định để trở thành tổng thống, bao gồm các ứng cử viên của HDZ cầm quyền. Hai ứng cử viên chạy đua trong vòng hai là những người giành số phiếu cao nhất trong vòng một.
2. Vụ động đất kinh hoàng tại Ha-i-ti
Ngày 12-1-2010, một trận động đất lớn nhất xảy ra ở Ha-i-ti trong vòng 200 năm qua. Đó là vụ động đất mạnh 7,3 độ rích-te kéo dài hơn 1 phút với 3 cơn dư chấn mạnh khoảng từ 5,1 đến 5,9 độ rích-te đã san phẳng dinh Tổng thống, làm sập một bệnh viện lớn, phá hủy trụ sở Văn phòng Liên hợp quốc và gây hư hại nhiều tòa nhà của Chính phủ nước này. Toàn bộ các phương tiện truyền thông trên đảo đều mất liên lạc. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) dẫn nguồn tin Chính phủ Ha-i-ti cho biết, tới nay đã có khoảng 40.000 - 50.000 người thiệt mạng trong trận động đất này, ít nhất 3 triệu người (chiếm khoảng 1/3 dân số Ha-i-ti) bị ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, theo ICRC, con số thiệt mạng có thể còn tiếp tục tăng lên. Trước đó, các quan chức Ha-i-ti dự đoán số người chết trong trận động đất trên có thể lên tới 100.000 người. Hai ngày sau thảm họa động đất tại Ha-i-ti, các nhân viên cứu hộ vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những nạn nhân có thể còn sống sót trong các đống đổ nát. Liên đoàn Chữ thập đỏ quốc tế (CICR) đã kêu gọi lập quỹ quyên góp ban đầu 10 triệu USD, một báy may chở 11 nhân viên của tổ chức này cùng 40 tấn thuốc và thiết bị y tế đã tới để cứu trợ Ha-i-ti. Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Phát triển liên Mỹ cam kết giải ngân ít nhất 100 triệu USD để giúp Ha-i-ti vượt qua thảm họa này. Những chuyến hàng từ Bra-xin, Mê-xi-cô, Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và nhiều nơi khác đang tiếp tục đổ về Ha-i-ti, bất chấp những khó khăn về vận tải.
3. Ngân sách của Chính phủ Mỹ thâm hụt kỷ lục
Ngày 13-1-2010, Bộ Tài chính Mỹ thông báo, thâm hụt ngân sách liên bang trong tháng 12-2009 đã lên tới mức kỷ lục 91,8 tỉ USD. Đây là tháng thứ 15 liên tiếp ngân sách của Mỹ thâm hụt, với tốc độ nhanh hơn nhiều trong quý I/2010 (bắt đầu từ ngày 1-10-2009) so với năm trước đó. Như vậy, trong quý I/2010, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã lên tới 388 tỉ USD, tăng 56,5 tỉ USD so với mức thâm hụt 332 tỉ USD cùng kỳ năm trước. Trong quý I này, tổng thu ngân sách là 487 tỉ USD, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng chi ngân sách cũng giảm 0,4%, xuống 878 tỉ USD. Bộ Tài chính Mỹ dự báo trong cả năm tài khóa 2010, ngân sách sẽ thâm hụt 1.500 tỉ USD, tăng 5,6% so với mức 1.400 tỉ USD của năm tài khóa 2009. Chính quyền Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma ước tính trong thập kỷ này, tổng thâm hụt ngân sách liên bang sẽ là hơn 9.000 tỉ USD. Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Ti-mo-thy Gết-nơ đã cam kết sẽ giảm thâm hụt ngân sách hiện ở mức hai con số xuống 3% GDP trong trung hạn. Giới phân tích nhận định, báo cáo trên cho thấy FED sẽ không có thay đổi nào trong chính sách tiền tệ thời gian tới. Mức lãi suất thấp kỷ lục từ 0 đến 0,25% sẽ tiếp tục được duy trì.
4. Căng thẳng trước bầu cử tại U-crai-na
Ngày 14-1-2010, mặc dù có tới 18 ứng cử viên tham gia cuộc đua giành chiếc ghế tổng thống mới của U-crai-na, nhưng đa số các nhà phân tích cho rằng, trên thực tế chỉ là cuộc đua giữa đương kim Thủ tướng Y-u-li-a Ti-mô-chen-cô và Chủ tịch Đảng "Các khu vực" Víc-to Y-a-nu-cô-vích. Thế nhưng, bất ngờ đã xảy ra khi tổ chức VTSIOM của Nga công bố kết quả của thăm dò dư luận mới cho thấy, trùm ngân hàng từng giữ chức Bộ trưởng Kinh tế Xéc-gây Ti-gíp-cô có khả năng đạt số phiếu cao hơn bà Y. Ti-mô-chen-cô để tranh đua cùng ông V. Y-a-nu-cô-vích ở vòng hai, nếu không ứng cử viên nào giành đủ số phiếu quá bán trong cuộc bầu cử vòng 1 ngày 17-1 tới. Theo kết quả cuộc thăm dò này, tỷ lệ ủng hộ ông X. Ti-gíp-cô là 14,4%, cao hơn tỉ lệ ủng hộ bà Y. Ti-mô-chen-cô được 13,9%, trong khi ông V. Y-a-nu-cô-vích vẫn dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 30,5%. Hiện các ứng cử viên vẫn đang thực hiện những nỗ lực vận động tranh cử trong những ngày còn lại. Người dân đang hy vọng, cuộc bầu cử sẽ giúp U-crai-na thoát khỏi những cơn sóng dữ. Dù ai trong số các ứng cử viên tiềm năng trở thành tổng thống mới của U-crai-na thì theo các nhà quan sát, mối quan hệ giữa U-crai-na với Nga có thể sẽ được cải thiện đáng kể.
5. Nhật Bản chấm dứt sứ mệnh tiếp nhiên liệu ở Ấn Độ Dương
Ngày 15-1-2010, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tô-shi-mi Ki-ta-da-oa đã ra lệnh chấm dứt sứ mệnh tiếp nhiên liệu tại Ấn Độ Dương. Theo lệnh trên, Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) của Nhật Bản sẽ chấm dứt hoạt động tiếp nhiên liệu, vốn được thực hiện từ năm 2001, nhằm hỗ trợ các chiến dịch chống khủng bố bên trong và xung quanh Áp-ga-ni-xtan. Tàu Mashu, trọng tải 13.500 tấn và tàu khu trục I-ka-du-chi, trọng tải 4.550 tấn, sẽ rút khỏi Ấn Độ Dương sau khi thực hiện nhiệm vụ tiếp nhiên liệu cuối cùng trong ngày 15-1. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, tính đến cuối năm 2009, Nhật Bản đã cung cấp khoảng 510.000 ki-lô-lít nhiên liệu cho tàu chiến của 12 nước, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp và Pa-ki-xtan. Ngoài ra, Nhật Bản còn cung cấp khoảng 1.200 ki-lô-lít nhiên liệu cho các máy bay trực thăng của quân đội nước ngoài tham gia chống khủng bố và cung cấp khoảng 11.000 tấn nước sinh hoạt cho các tàu chiến nước ngoài. Cùng với việc chấm dứt sứ mệnh tiếp nhiên liệu ở Ấn Độ Dương, Thủ tướng Y-u-ki Ha-tô-y-a-ma còn cam kết Nhật Bản sẽ tăng cường viện trợ tái thiết Áp-ga-ni-xtan, ước tính khoảng 5 tỉ USD trong vòng 5 năm tới. Sứ mệnh tiếp nhiên liệu của Nhật Bản cho lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu có hiệu lực từ tháng 12-2001. Tuy nhiên, sau khi lên cầm quyền, Thủ tướng Y. Ha-tô-y-a-ma đã cam kết chấm dứt sứ mệnh trên và xây dựng mối quan hệ đối tác cân bằng hơn với Mỹ.
6. P5+1 không nhất trí được các biện pháp trừng phạt mới đối với I-ran
Ngày 16-1-2010, đại diện nhóm P5+1, gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức đã không đạt được thỏa thuận về các biện pháp trừng phạt mới đối với I-ran. Mặc dù không đưa ra được quyết định nào, nhưng các nước đã nhất trí tổ chức một cuộc họp khác, với sự tham dự của I-ran nhằm thảo luận đề xuất của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về việc I-ran làm giàu u-ra-ni ở một nước thứ 3. Theo đề xuất của IAEA, I-ran sẽ chuyển phần lớn u-ra-ni đã được làm giàu ở cấp độ thấp của họ sang Nga và Pháp để làm giàu lên cấp cao hơn, sau đó số u-ra-ni này sẽ được chuyển trở lại I-ran phục vụ lò phản ứng nghiên cứu ở Thủ đô Tê-hê-ran. IAEA ra thời hạn chót là ngày 31-12-2009 để I-ran chấp nhận đề xuất này. Tuy nhiên, I-ran đã bỏ qua thời hạn này, đồng thời đưa ra đề xuất mới, theo đó phương Tây bán nhiên liệu hạt nhân cho I-ran hoặc đổi nhiên liệu hạt nhân lấy u-ra-ni làm giàu ở cấp độ thấp của nước này, song việc trao đổi phải được thực hiện thành nhiều đợt.
7. Hội nghị Ngoại trưởng Diễn đàn hợp tác các nước Đông Á và Mỹ La-tinh
Ngày 17-1-2010, tại Tô-ky-ô (Nhật Bản), Hội nghị Ngoại trưởng Diễn đàn hợp tác các nước Đông Á và Mỹ La-tinh lần thứ 4 (FEALAC) đã bế mạc. Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị, Ngoại trưởng của 33 nước thành viên và Ngoại trưởng Mông Cổ tham gia với tư cách là quan sát viên đã tập trung trao đổi 3 chủ đề chính là: vấn đề biến đổi khí hậu; cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu; và các vấn đề xã hội. Trong phiên bế mạc, Ngoại trưởng của 34 nước đã thông qua tuyên bố chung Tô-ky-ô, trong đó nhấn mạnh: Mọi thành viên FEALAC quyết tâm thực hiện mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, dựa trên nỗ lực của mỗi thành viên và nguyên tắc trách nhiệm chung trong cộng đồng FEALAC; thực hiện sáng kiến mang tên môi trường xanh OKADA nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường; chống phổ biến vũ khí hạt nhân, sớm nối lại vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Thành quả của Diễn đàn FEALAC đạt được trong 10 năm qua cũng như tại Hội nghị Ngoại trưởng FEALAC lần thứ 4 đang mở ra triển vọng hợp tác mới cho hai khu vực châu Á và châu Mỹ, đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, ổn định và phồn vinh trên toàn thế giới.
8. Lao động tại các nước vùng Vịnh bị cắt giảm nhiều nhất do khủng hoảng kinh tế
Ngày 17-1-2010, theo số liệu thống kê của Tổ chức Lao động A-rập, trong năm 2009 các nước vùng Vịnh (GCC) đã cắt giảm 90.000 lao động do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Các nước cắt giảm nhiều nhất là Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất, Ô-man và Ba-ranh. Lĩnh vực cắt giảm lớn nhất là ngân hàng, đầu tư. Lĩnh vực ổn định là xây dựng hạ tầng, y tế, giáo dục và dầu khí. Tỷ lệ thất nghiệp là mối đe dọa đối với các nước vùng Vịnh. Một chuyên gia kinh tế A-rập cho biết, ngành xây dựng là một trong các ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất do khủng hoảng. Các nước vùng Vịnh, một mặt, cắt giảm lao động; mặt khác vẫn tuyển thêm các lao động có tay nghề cao. Qua phân tích số liệu của quý IV/2009, các chuyên gia kinh tế cho rằng, giữa năm nay sẽ chứng kiến sự phát triển ở một số ngành và sẽ tăng thêm cơ hội việc làm./.
*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 4 đến ngày 10-1-2010)
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao FEALAC thông qua Tuyên bố Tô-ky-ô  (18/01/2010)
Gặp mặt Hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc  (18/01/2010)
Ðiện mừng kỷ niệm lần thứ 60 Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc  (18/01/2010)
Giao lưu gặp gỡ thầy trò Xô - Việt  (18/01/2010)
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên