TCCSĐT - Chiều ngày 14-01-2010, Tạp chí Cộng sản và Phòng Thương mại và Công nghiệp đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm trong việc cải thiện môi trường kinh doanh giữa các tỉnh, thành phố ở Việt Nam”.

Chủ trì tọa đàm có TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, TS Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập Thường trực Tạp chí Cộng sản và ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Với hai chủ đề “Kinh nghiệm trong cải cách thủ tục hành chính tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam (các chỉ số thành phần về gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, tính minh bạch, chi phí không chính thức)” và “Kinh nghiệm trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam”, các đại biểu đã nghe đại điện từng địa phương chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Ở chủ đề thứ nhất, tọa đàm đã tập trung vào hai vấn đề là thủ tục hành chính và đào tạo nguồn nhân lực. Đây được coi là hai khâu quan trọng nhất góp phần nâng cao cấp điều hành của các địa phương. Ông Nguyễn Phương Bắc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh; ông Dương Quốc Xuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An; ông Lê Vĩnh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp; ông Hồ Kỳ Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng; bà Trần Thị Đẹp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang... chia sẻ những kinh nghiệm thành công trong công tác cải cách thủ tục hành chính tại địa phương như giảm chi phí gia nhập thị trường; thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh; tập trung các biện pháp tác động trực tiếp đến nâng điểm các chỉ số thành phần của PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh); thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”; thực hiện một đầu mối trong tiếp nhận đầu tư; giảm đến mức tối thiểu các chi phí, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; tiếp cận và sử dụng ổn định đất; thực hiện chính sách phát triển khu vực tư nhân; tính minh bạch và tiếp cận thông tin với phương châm “Khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của tỉnh – thành công của các doanh nghiệp là nhiệm vụ của chúng tôi”; huy động nguồn lực của tư nhân cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế và khắc dấu; phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với công tác giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được thực hiện tốt; xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, đào tạo được đẩy mạnh; gắn việc nghiên cứu khoa học với phát triển công nghệ, đi đôi với tăng cường chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp; khuyến khích thực hiện đào tạo lao động ngay trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tạo điều kiện cho công nhân, lao động tiếp cận thực tế của lao động sản xuất, gắn quyền lợi của người lao động với đơn vị sử dụng lao động...

Ở chủ đề thứ hai, ông Hồ Kỳ Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đã chia sẻ các giải pháp như thực hiện cải cách giáo dục, hoàn thành phổ cập giáo dục trung học. Riêng đối với lĩnh vực đào tạo nghề, các ngành nghề tuyển sinh tập trung vào các lĩnh vực thành phố đang cần như du lịch, công nghệ thông tin… Ông Lê Duy Bình, Tư vấn viên Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (USAID/VNCI) cũng đưa ra một số kinh nghiệm tốt mà nhóm nghiên cứu của ông đã thực hiện khảo sát tại một số tỉnh trong vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, như khuyến khích tăng cường đầu tư tư nhân vào lĩnh vực đào tạo nghề; coi đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực dựa trên nhu cầu là nguyên tắc chủ đạo trong việc xây dựng và thực hiện chính sách người lao động, đào tạo nghề; thực hiện các chương trình khuyến khích nhằm thu hút giáo viên và giảng viên dạy cho các trường và cơ sở dạy nghề và các cơ sở giáo dục tại tỉnh; chú trọng đào tạo các kỹ năng mềm cho sinh viên trong các trường dạy nghề và các cơ sở đào tạo; xây dựng các chính sách rõ ràng về việc hỗ trợ chuyển đổi nghề và đào tạo công ăn việc làm trong các đề án thu hồi đất phù hợp với yêu cầu của người dân và thực tiễn cuộc sống; thực hiện khảo sát nghiêm túc, có chất lượng nhằm đánh giá đúng nhu cầu đào tạo nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, đảm bảo cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ cho quá trình ra quyết định; đào tạo miễn phí cho những người thuộc diện chuyển đổi nghề; đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề và chú trọng tới công tác đào tạo nghề cho lao động quá tuổi; nâng cao hiệu quả hoạt động của dịch vụ giới thiệu việc làm, thị trường lao động, trung tâm hoặc hội chợ việc làm; xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống thông tin thị trường lao động; chủ động liên kết lao động với các tỉnh; giải quyết đình công, xây dựng mối quan hệ lao động thuận hòa được hết sức quan tâm; xây dựng, triển khai những chương trình và chính sách nhằm hỗ trợ cho lao động nhập cư...

Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm, ông Gim Uyn-lơ (Jim Winkler) thuộc Dự án USAID/VNCI bày tỏ: 5 năm vừa qua, mọi thứ đều thay đổi rất nhiều. Chúng ta đã có các thước đo khác nhau về những chỉ số khác nhau. Cũng giống như bất kỳ con người nào trên trái đất, chúng ta không thể biết được những gì xảy ra ở cách chúng ta quá xa. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta đã có thước đo. Và các tỉnh có chỉ số PCI thấp sẽ phải học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố khác có chỉ số PCI cao hơn để vươn lên. Như vậy, họ sẽ không chỉ phải cạnh tranh với 64 tỉnh, thành phố mà còn phải cạnh tranh với các nước khác. Có như vậy chúng ta mới đạt được mục tiêu cuối cùng là cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Với tinh thần trao đổi thẳng thắn, sôi nổi, tọa đàm đã thu được những kết quả khả quan. Kết luận buổi tọa đàm, TS Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập Thường trực Tạp chí Cộng sản, nhấn mạnh: Trong những năm qua, đất nước ta đã đạt được những thành công lớn trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Có được những thành quả quan trọng này, không chỉ là nhờ có sự nỗ lực cải cách từ Chính phủ, các bộ, ngành trung ương mà còn nhờ có vai trò ngày càng quan trọng của chính quyền các tỉnh, thành phố, đặc biệt là nhận thức đúng của người đứng đầu các cấp ở địa phương về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Việc nghiên cứu và công bố PCI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã góp phần ghi nhận những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh trong mọi lĩnh vực. Cuộc cạnh tranh hằng năm là cuộc cạnh tranh lành mạnh. Các địa phương đều không muốn tụt hậu. Vì vậy, phải làm thế nào để các địa phương cùng vượt lên.

Dù còn nhiều vấn đề chưa được giải đáp hết trong buổi tọa đàm, song Tạp chí Cộng sản và Phòng Thương mại và Công nghiệp hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức nhiều chương trình giao lưu, trao đổi và làm cầu nối, làm kênh thông tin phản hồi hữu ích những vấn đề của các tỉnh, thành phố tới công chúng, tạo sức lan tỏa lớn trong xã hội. Với vai trò là cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng, là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế ở Việt Nam, chúng tôi đã, đang lắng nghe và sẽ truyền đạt tới công chúng, những người quan tâm tới sự phát triển của đất nước những thông tin bổ ích mà đại diện các tỉnh, thành phố chia sẻ tại những buổi tọa đàm tiếp theo./.