TCCSĐT - Hội nghị cấp cao chính thức lần thứ hai của lãnh đạo Nhóm 4 nước mới nổi BRIC (gồm Nga, Bra-xin, Trung Quốc và Ấn Độ) được tổ chức tại Thủ đô Bra-xi-li-a của Bra-xin để thảo luận chiến lược hợp tác nhằm ổn định nền kinh tế sau khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới và thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa các thành viên trong khối. Hội nghị đã kết thúc với sự đồng thuận, nhất trí cao của các nước này trong việc kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại trên mọi hình thức.

 
Trước thềm Hội nghị cấp cao lần này, các chuyên gia, học giả và hoạch định chính sách từ các nước thành viên đã họp tại Thủ đô Bra-xi-li-a của Bra-xin nhằm đưa ra những đề xuất và kiến nghị về những chủ trương và biện pháp phát triển kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hiện nay để trình lên Hội nghị cấp cao. Nhiều chuyên gia cho rằng, các nước thành viên BRIC cần tiếp tục đẩy mạnh trao đổi thương mại nội khối, kể cả trong trường hợp hoạt động thương mại thế giới suy giảm. Ông Gim Ô-nây, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs của Mỹ dự đoán, bốn nền kinh tế này sẽ tạo thành "sức mạnh thống trị" nền kinh tế thế giới vào năm 2050.

Trong Thông cáo được Hội nghị thông qua sau khi kết thúc đã nhấn mạnh, nhóm BRIC sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa các nước thành viên trên trường quốc tế, cam kết đồng thời hối thúc tất cả các quốc gia chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và đấu tranh với những hạn chế được che đậy trong thương mại, cần thiết phải duy trì tính ổn định của các đồng tiền chủ chốt, được sử dụng làm phương tiện dự trữ của thế giới, đề cao tầm quan trọng của các mối quan hệ giữa chúng với sự bền vững trong các chính sách tài chính hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế vững chắc, dài hạn và cân bằng. Các nước BRIC cũng đồng thời kêu gọi cải tổ hệ thống tài chính thế giới.

Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép cho biết, các nước trong nhóm BRIC thống nhất ý kiến trong cách tiếp cận đối với việc giải quyết các thách thức toàn cầu. Nga quan tâm đến việc phát triển sự hợp tác trong khuôn khổ 4 nước BRIC, bởi sự hợp tác đó giúp giải quyết nhiều vấn đề phức tạp, mà một trong số đó là khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, củng cố hệ thống tài chính quốc tế, thiết lập một hệ thống quốc tế dân chủ và công bằng hơn nữa. Tại một cuộc họp báo sau khi Hội nghị kết thúc, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép khẳng định, BRIC đang phát triển một cách đầy đủ và điều đó không chỉ giúp liên kết sức mạnh của các thành viên trong nhóm mà còn cho phép đưa ra một loạt các quyết định cụ thể. Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào về nước sớm hơn so với kế hoạch, ngay sau khi dự Hội nghị, để giải quyết các vấn đề do trận động đất mạnh 7,1 độ rich-te xảy ra hôm 14-4 tại tỉnh Thanh Hải, nhưng trong chương trình nghị sự, lãnh đạo của 4 nước thành viên BRIC đã thảo luận nhiều vấn đề kinh tế, chính trị...

Tại Hội nghị lần này, các ngân hàng thương mại của bốn nước BRIC đã ký kết một thỏa thuận nhằm tăng cường cơ hội đầu tư giữa các bên. Ngân hàng nhà nước Vnesheconombank của Nga, Tập đoàn Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng phát triển Bra-xin BNDES và Ngân hàng xuất nhập khẩu của Ấn Độ đã ký kết một bản ghi nhớ về hợp tác trong một loạt những dự án.

Cuộc gặp tiếp theo của nhóm BRIC sẽ diễn ra vào năm 2011 tại Trung Quốc.

*** Cũng trong dịp này, tại Thủ đô Bra-xi-li-a của Bra-xin đã diễn ra Hội nghị cấp cao lần thứ tư giữa ba nước: Bra-xin, Ấn Ðộ và Nam Phi (IBSA). Hội nghị đã tập trung thảo luận về cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, các vấn đề liên quan đến Nhóm G-20 và sự biến đổi khí hậu trên thế giới, việc tăng cường đối thoại chính trị, hợp tác phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các quốc gia mới nổi cũng như vai trò, vị trí của ba nước này trong việc phối hợp giải quyết các vấn đề toàn cầu quan trọng hiện nay. Các nhà lãnh đạo ba nước kêu gọi cải cách Liên hợp quốc nhằm làm cho tổ chức đa phương lớn nhất thế giới trở nên phù hợp hơn với những ưu tiên của các nước đang phát triển. Nhân dịp này, ba nước đã ký kết một loạt hiệp định và thỏa thuận hợp tác tay ba về khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, sở hữu trí tuệ và phát triển năng lượng sạch./.