Đưa Nghị quyết Đại hội X của Đảng vào cuộc sống

Vũ Văn Ninh: Một số giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Theo nhiều dự báo, tình hình kinh tế, giá cả thế giới sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp tác động không nhỏ đến quan hệ cung - cầu, gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát và ổn định các cân đối vĩ mô nền kinh tế ở nước ta. Vấn đề đặt ra là dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành, các cấp cần nghiêm túc thực hiện kiềm chế lạm phát có hiệu quả và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Huỳnh Đảm: Nhìn lại 10 năm thực hiện Quy chế Dân chủ ở xã, phường, thị trấn

Qua 10 năm thực hiện Quy chế Dân chủ ở xã, phường, thị trấn, quyền làm chủ của nhân dân ở các địa phương trong cả nước được phát huy mạnh mẽ. Đó là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển, đổi mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quy chế Dân chủ ở xã, phường, thị trấn, các cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quy chế.

Nguyễn Thị Kim Ngân: Nỗ lực phấn đấu thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội

Chính sách an sinh xã hội là một trong những chính sách xã hội cơ bản của quốc gia hướng vào bảo vệ, bảo đảm an toàn cho các thành viên trong xã hội. Xã hội càng phát triển, đời sống con người càng phong phú, nhu cầu đáp ứng về an sinh xã hội càng đa dạng và tăng lên. Chúng ta cần nỗ lực phấn đấu bảo đảm các nhu cầu về an sinh xã hội cơ bản, bao gồm bảo hiểm xã hội; duy trì mức thu nhập đủ sống khi gặp rủi ro; tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nước sạch sinh hoạt... cho nhân dân.

Bùi Văn Huấn: Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội trong thời kỳ hội nhập và phát triển

Chính sách hậu phương quân đội giữ một vị trí quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng nói chung, cũng như đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân nói riêng. Trước nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội; bởi điều đó có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, tác động tích cực đến việc tăng cường nhân tố chính trị, tinh thần của lực lượng vũ trang nhân dân, động viên toàn quân và toàn dân hăng hái thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Nguyễn Tấn Hùng: Tìm hiểu cơ sở triết lý của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nhằm tăng tính thuyết phục trong việc giáo dục tư tưởng của Người

Bất cứ một hệ thống tư tưởng đạo đức nào cũng có cơ sở triết lý của nó. Cơ sở triết lý của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết hợp giữa hai nền triết học phương Đông và phương Tây, tạo nên ở Hồ Chí Minh một niềm tin vững chắc vào lối sống cần kiệm, giản dị, liêm khiết, vào việc suốt đời phấn đấu cho lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Không chỉ thế, Hồ Chí Minh còn phát triển triết lý về đạo đức làm nền tảng cho sự nghiệp cách mạng ở nước ta. Do đó, làm rõ được cơ sở triết lý của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh sẽ giúp việc giáo dục tư tưởng đạo đức của Người cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đạt hiệu quả to lớn hơn.

Nguyễn Thế Thắng: Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân tố nhân dân và dư luận xã hội trong đấu tranh chống quan liên, tham nhũng

Ngay khi trở thành người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến việc đấu tranh khắc phục tệ tham ô, lãng phí, quan liêu, các căn bệnh thường có của bộ máy nhà nước. Trong cuộc đấu tranh này, Người đặc biệt đề cao nhân tố nhân dân và dư luận xã hội. Tư tưởng của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị định hướng cho cuộc đấu tranh chống nạn tham nhũng và tệ quan liêu ở nước ta hiện nay.

Nghiên cứu - trao đổi

Nguyễn Đắc Hưng: Cần có sự phối hợp đồng bộ các giải pháp để kiềm chế lạm phát có hiệu quả

Lạm phát vẫn đang là vấn đề thời sự trong điều hành kinh tế vĩ mô của nhiều quốc gia trên thế giới. Thời gian gần đây, nhiều nhà bình luận quốc tế cho rằng, "cơn bão giá" đang đe dọa nguy cơ lạm phát tăng cao ở hàng loạt nước châu á. Đối với Việt Nam, để kiềm chế lạm phát có hiệu quả cần có sự phối hợp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Song, trong điều hành chính sách không nên quá cứng nhắc và chỉ một chiều, đồng thời phải có sự phối hợp đồng bộ với các giải pháp khác thì mới tạo cơ sở kiềm chế lạm phát một cách vững chắc.

Nguyễn Thị Mỹ Linh: Phát triển thị trường bất động sản lành mạnh và bền vững

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Hội nghị Trung ương 6 khóa X) đã nhấn mạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để các quyền về đất đai và bất động sản được vận động theo cơ chế thị trường, trở thành một nguồn vốn trong sản xuất kinh doanh và xác định rõ quyền sử dụng đất là một loại hàng hóa đặc biệt, được định giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước.

Nguyễn Đức Hà: Để “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”

Nghị quyết Trung ương 6, khoá X về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên" đề ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới. Nhằm cụ thể hóa và đưa Nghị quyết của Trung ương vào cuộc sống, xin đi sâu phân tích một số nhiệm vụ và giải pháp như: 1 - Về xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức của Đảng ở cơ sở. 2 - Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở. 3 - Xây dựng và phát triển tổ chức đảng, kết nạp đảng viên ở những nơi chưa có tổ chức đảng, chưa có đảng viên. 4 - Thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở xã, phường, thị trấn.

Hồ Văn Vĩnh: Xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế đối với thị trường lương thực nước ta hiện nay

Quản lý nhà nước đối với thị trường lương thực, chủ yếu là gạo, không chỉ là quản lý mặt hàng gạo, bảo đảm đưa gạo tới người tiêu dùng và xuất khẩu mà là quản lý toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối, tiêu dùng loại hàng hóa có tính chiến lược này. Cơn khủng hoảng lương thực mang tính toàn cầu thời gian qua vừa cảnh tỉnh về nguy cơ thiếu lương thực, vừa cho phép nhận thức lại vai trò, vị trí của ngành nông nghiệp trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vừa để nhìn lại toàn bộ cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp. Từ đó nhận thấy, trong lĩnh vực sản xuất gạo, quản lý còn có những hạn chế.

Nguyễn Sinh Cúc: Phát triển khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng và vấn đề nông dân mất đất nông nghiệp

Các khu công nghiệp tập trung đã đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển chung, vào nguồn ngân sách trung ương và địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực cũng nảy sinh các vấn đề xã hội bức xúc: do thu hồi đất để phát triển khu công nghiệp, hàng chục nghìn hộ nông dân mất đất sản xuất, thiếu việc làm nên thu nhập thấp và giảm dần; các tệ nạn xã hội phát triển; môi trường sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng; có sự phân hóa về thu nhập và đời sống trong nội bộ dân cư nông thôn.

Minh Đường: Khoa học và công nghệ đang thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội

Ngày nay, người ta đã rút ra quy luật: trên thế giới, không phải những nước chiếm giữ nhiều đất đai và tiền bạc mà chính những nước chiếm giữ tri thức và công nghệ mới trở thành các quốc gia phát triển hàng đầu. Nói một cách ngắn gọn, trên toàn cầu, quyền lực công nghệ bao giờ cũng quyết định vị trí và thứ bậc phát triển của các quốc gia. "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi".

Nguyễn Quốc Luật: Không nên quá thiên về quan điểm kinh tế trong giáo dục, đào tạo

Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tích cực hội nhập quốc tế và xa hơn nữa tiến tới phát triển kinh tế tri thức, vấn đề giáo dục, đào tạo ở nước ta có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nhưng quan điểm hiệu quả kinh tế trong giáo dục, đào tạo như thế nào đang là vấn đề "nóng" của dư luận xã hội. Thời điểm để nước ta mở cửa dịch vụ giáo dục cho tất cả các thành viên WTO đang đến gần. Vấn đề không chỉ là sự cạnh tranh gay gắt làm cho nhiều trường đại học trong nước khó có thể đứng vững, mà còn là vấn đề bảo vệ nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trần Ngọc Hiên: Mục tiêu chiến lược của Đảng trong giai đoạn mới và tính cấp bách xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh

Nghị quyết xây dựng đội ngũ trí thức dân tộc để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược của Đảng phải xuất phát từ bối cảnh và yêu cầu của đất nước ở giai đoạn mới, phải nhìn thẳng vào mối quan hệ giữa lãnh đạo Đảng và Nhà nước với trí thức, tạo ra mối quan hệ mới nhằm đồng thời đạt được hai kết quả: phát huy mạnh mẽ đội ngũ trí thức của Đảng trong thực hiện mục tiêu chiến lược đến năm 2020 - một giai đoạn ngắn nhưng có tính chất sống còn đối với sự nghiệp đổi mới của nước ta, và nâng cao hiệu quả, chất lượng lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Nguyễn Đình Cử: Dân số Việt Nam: Những đặc điểm nổi bật

Sau 15 năm (1993 - 2008) thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa VII, về chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tình hình dân số nước ta đã có những thay đổi rất căn bản. Mục tiêu cốt lõi của chính sách này là giảm sinh và thực hiện "mỗi cặp vợ chồng có 2 con" đã đạt được. Năm 1999, Liên hợp quốc đã tặng Giải thưởng Dân số cho Việt Nam. Để có những khuyến nghị phù hợp góp phần xây dựng và thực hiện chính sách dân số giai đoạn từ 2008 đến 2015, việc làm rõ những đặc điểm nổi bật của dân số nước ta hiện nay là vấn đề rất cần thiết.

Thực tiễn - Kinh nghiệm

Trần Thị Kim Cúc: Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Tiền Giang đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

Định hướng chiến lược lâu dài tạo nguồn cán bộ mạnh làm căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới nhằm bảo đảm ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội bền vững là mục tiêu của Tiền Giang. Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII nhiệm kỳ 2005 - 2010, Tỉnh đã đề ra chương trình, kế hoạch tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ đến năm 2010 và những năm tiếp theo.

Huỳnh Minh Đoàn: Nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân và tổ chức công đoàn ở Đồng Tháp

Qua 22 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đồng Tháp đã đạt được bước tiến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm, 2003 - 2007 đạt 12,63%; nhiều khu, cụm công nghiệp đã hình thành cùng với sự phát triển đồng bộ của thương mại - dịch vụ, tạo ra diện mạo mới cho nền kinh tế công - nông - thương ngày càng phong phú, đa dạng; đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân được cải thiện rõ nét. Từ năm 2003 đến nay, cùng với sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp, đội ngũ công nhân Đồng Tháp cũng ngày càng lớn mạnh.

Bùi Hồng Lĩnh: Thực hiện tốt hơn nữa chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng

Thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là sự hy sinh bằng xương máu, mồ hôi và nước mắt của các thế hệ người Việt Nam. Sự hy sinh vì đất nước của đồng bào và chiến sĩ ta là vô giá, không gì sánh nổi. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, ngay từ những ngày đầu kháng chiến, cách đây 61 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27-7 hằng năm là ngày “Thương binh - Liệt sĩ” để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tỏ lòng “hiếu nghĩa bác ái” với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Nguyễn Đình Tự - Trần Xuân Hiệu: Ngân hàng Việt Nam sau hơn 1 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới

Sau hơn một năm chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế nước ta đã có bước tăng trưởng ngoạn mục, đặc biệt là tăng trưởng GDP ở mức cao, đầu tư nước ngoài, kiều hối và xuất nhập khẩu tăng mạnh. Đó là kết quả từ điều hành vĩ mô đến tổ chức thực hiện theo xu hướng cạnh tranh và hội nhập ở các cấp, các ngành. Ngân hàng là một ngành dịch vụ đặc biệt với những cam kết gia nhập WTO, trong thời gian qua đã có những cố gắng để đáp ứng và qua đó tiếp tục đổi mới để hội nhập sâu hơn.

Lê Văn Toàn: Phân tầng xã hội ở nước ta qua điều tra mức sống hộ gia đình

Phân tầng xã hội và phân hóa giàu nghèo đã trở thành những vấn đề nổi cộm mà ai cũng cảm nhận được. Nó diễn ra giữa các vùng, miền khác nhau, giữa khu vực thành thị và nông thôn..., thậm chí trong nội bộ một giai cấp, trong cùng một nghề nghiệp hay giữa các hộ gia đình. Đó là những vấn đề bức xúc cần có lời giải.

Thư gửi Bộ Biên tập

Thu Hà: Xây dưng hệ thống khu công nghiệp trong chính sách phát triển đất nước

Từ những năm 60 của thế kỷ XX, tại Mỹ đã phát triển rất nhanh các khu vực làm việc được kết nối với các đô thị bằng tuyến đường cao tốc, phương tiện vận tải công cộng và ô- tô cá nhân. Vào cuối thập kỷ 80, ở các nước công nghiệp bắt đầu xuất hiện khái niệm mới về một "khu vực đặc biệt" kết hợp nhiều chức năng: làm việc, nghỉ ngơi, giải trí... với tên gọi là Công viên khoa học, văn phòng, thương mại. Tại đây, có các công trình nghiên cứu và sản xuất của các tập đoàn công nghệ kỹ thuật cao, các trung tâm thương mại, dịch vụ và công trình phục vụ nghỉ ngơi, giải trí được tổ hợp với mật độ xây dựng thấp và một môi trường cảnh quan đẹp.

Thế giới: Vấn đề, sự kiện

Nguyễn Bảo - Doãn Công Khánh: Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc: Một chặng đường nhìn lại

Thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế và chính sách mở cửa nền kinh tế do Đại hội VI đề ra, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt chú trọng phát triển quan hệ với Trung Quốc trên cơ sở 16 chữ vàng. Kết quả của quá trình đó phần nào thể hiện trong phát triển các quan hệ kinh tế - thương mại, nhất là hoạt động xuất - nhập khẩu giữa hai nước.

Phan Doãn Nam: Sau G.W.Bu-sơ: Nước Mỹ sẽ đi về đâu?

Hai mươi năm đã trôi qua kể từ khi “chiến tranh lạnh” kết thúc đưa nước Mỹ trở thành siêu cường độc tôn trên thế giới với sức mạnh hầu như không bị thách thức trên cả lĩnh vực kinh tế, quân sự và có tiếng nói trong tất cả các thể chế quốc tế chủ yếu. Trong thời gian này, mặc dù nước Mỹ đã trải qua ba đời tổng thống, nhưng mục tiêu chiến lược thì không thay đổi: xây dựng một trật tự thế giới mới phù hợp với “lợi ích và giá trị” của nước Mỹ.

Trần Trọng: Liệu có một cuộc “chiến tranh tài nguyên” toàn cầu trong thế kỷ XXI

Nếu toàn cầu hóa kinh tế là một bước đi tất yếu trong lịch sử của xã hội loài người, thì “chiến tranh tài nguyên” phải chăng là một trong những đặc trưng cơ bản nổi bật của quá trình toàn cầu hóa với nhiều biểu hiện "gai góc" đúng vào giai đoạn mà chúng ta đang sống. Nguy cơ "chiến tranh tài nguyên" toàn cầu phản ánh một cách bao quát nhất hình thái vận động của kinh tế toàn cầu hóa; vừa mang tính thời sự nóng hổi để nhận thức và lý giải những diễn biến của thời cuộc, vừa có tính thực tiễn to lớn và sâu sắc trực tiếp liên quan đến việc hoạch định và điều hành chiến lược và chính sách của các quốc gia lớn, nhỏ hiện nay cũng như trong nhiều năm tới.

Nguyễn Viết Thảo: Sự ra đời của Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Vê-nê--xu-ê-la

Cuộc Cách mạng Bô-li-va ở Vê-nê-xu-ê-la từ năm 1998 đến nay do Phong trào Nền cộng hòa thứ 5 (MVR) lãnh đạo. Tham gia cuộc cách mạng đó có nhiều lực lượng chính trị, đảng phái với những khuynh hướng tư tưởng, đường lối chính trị và cương lĩnh khác nhau. Mặc dù MVR đương nhiên được thừa nhận là đội tiền phong chính trị và thủ lĩnh U. Cha-vét là lãnh tụ của cuộc cách mạng, nhưng việc thành lập đội tiền phong thống nhất và duy nhất trở thành yêu cầu sống còn của cách mạng Vê-nê-xu-ê-la, tạo ra cho cách mạng bộ tham mưu chiến đấu có tổ chức và cương lĩnh duy nhất đi tới một tiến trình ngày càng triệt để./.