Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 6-2 đến ngày 12-2-2012)
19:32, ngày 13-02-2012
TCCSĐT - Hãng AFP đưa tin, ngày 11-2-2012, hàng chục nghìn người đã tuần hành tại hơn 10 thành phố ở châu Âu để phản đối một đạo luật chống gian lận thương mại trực tuyến. Những người chỉ trích cho rằng, đạo luật này có thể vi phạm tự do Internet.
1. Mỹ và tám nước tham gia tập trận “Bold Alligator”
“Bold Alligator” là một cuộc diễn tập đổ bộ đường biển lớn nhất của Hải quân Mỹ trong 10 năm qua
|
Ngày 6-2-2012, với 25 tàu chiến và một tàu sân bay, Mỹ cùng tám nước khác đang tiến hành một cuộc tập trận đổ bộ quy mô lớn ngoài khơi bờ biển phía Đông nước Mỹ, với kẻ thù giả định tương đối giống với Iran. Người đứng đầu Bộ Chỉ huy chiến trường của Hải quân Mỹ, Đô đốc John Harvey cho biết, sau một thập kỷ tập trung vào các cuộc chiến trên bộ chống lực lượng nổi dậy ở Iraq và Afghanistan, cuộc tập trận mang tên “Bold Alligator” này là một “cuộc diễn tập đổ bộ đường biển lớn nhất do cơ quan này tiến hành trong 10 năm qua”. Khoảng 20.000 binh sỹ thuộc các lực lượng Mỹ cùng với hàng trăm binh sỹ Anh, Hà Lan, Pháp cũng như các sĩ quan liên lạc đến từ Italy, Tây Ban Nha, New Zealand và Australia đang tham gia cuộc tập trận dọc bờ biển Đại Tây Dương thuộc các bang Virginia và Carolina Bắc. Tham gia cuộc tập trận “Bold Alligator”, diễn ra từ 30-1 đến giữa tháng 2-2012 còn có các tàu đổ bộ tấn công, trong đó có một tàu lớp Mistral của Pháp, các tàu phá mìn của Canada và hàng chục máy bay khác. Quân đội Mỹ cho biết, mục tiêu của cuộc tập trận là “khôi phục, cải thiện và tăng cường khả năng cơ bản về đổ bộ trên bờ biển, đồng thời củng cố vai trò của lực lượng Hải quân và Thủy quân lục chiến như những chiến binh tấn công từ biển”.
2. Cuộc đối thoại giữa Ban Thư ký ASEAN - Liên hợp quốc
Ngày 7-2-2012, tại trụ sở Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Jakatara (Indonesia) đã diễn ra cuộc đối thoại giữa Ban Thư ký ASEAN và Ban Thư ký Liên hợp quốc, nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai bên. Thông cáo báo chí ngày 8-2 của Ban Thư ký ASEAN cho biết, trong cuộc đối thoại do Phó Tổng Thư ký ASEAN Sayakane Sisouvong và Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc Oscar Fernandez-Taranco chủ trì, hai bên đã trao đổi về phương thức làm việc của Ban Thư ký, cách thức phối hợp thực hiện Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác toàn diện ASEAN - Liên hợp quốc. Hai bên đã thảo luận về việc chuẩn bị cho Hội thảo ASEAN - Liên hợp quốc với chủ đề “Bài học kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất của Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực trong phòng ngừa xung đột, kiến tạo, gìn giữ và xây dựng hòa bình”, được tổ chức trong khuôn khổ Tuyên bố chung ASEAN - Liên hợp quốc được đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Liên hợp quốc lần thứ 4 tại Bali (Indonesia) ngày 19-11-2011. Hai bên cũng đã nhất trí tăng cường hợp tác thông qua một loạt các hội thảo ASEAN - Liên hợp quốc về nhiều chủ đề liên quan như ngoại giao phòng ngừa, hòa giải và ngăn chặn xung đột, gìn giữ hòa bình và xây dựng hòa bình sau xung đột.
3. Năng lượng gió vẫn lên ngôi bất chấp khủng hoảng
Ngày 7-2-2012, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) đã công bố nghiên cứu khẳng định năng lượng gió vẫn là nguồn năng lượng tái sinh được thế giới lựa chọn phát triển, bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Theo nghiên cứu của GWEC, năm ngoái thị trường năng lượng gió toàn cầu tăng 6% và công suất điện gió toàn cầu hiện đã đạt 238GW. Trung Quốc là nước có sản lượng điện gió tăng nhanh nhất thế giới với công suất điện gió tăng 18GW, trong khi con số này của Mỹ là 6,8GW, tiếp theo là các nước Ấn Độ, Đức, Anh, Canada và Tây Ban Nha. Nhà máy điện gió công suất 6,8GW vừa đi vào hoạt động năm 2011 ở Mỹ có thể cung cấp điện cho 2 triệu gia đình. Do đó, sản lượng điện gió của nước này sẽ tiếp tục tăng, dự báo chiếm 20% sản lượng điện quốc gia vào năm 2030. Tổng Thư ký GWEC Steve Sawyer nhấn mạnh, mặc dù kinh tế thế giới gặp khủng hoảng nhưng các nhân tố nền tảng của ngành năng lượng gió toàn cầu vẫn phát triển vững chắc. Ngoài 10 thị trường điện gió hiện hành, các thị trường điện gió mới đã xuất hiện ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh trong năm 2012. Brazil đã tăng công suất điện gió của nước này lên 1.500MW trong khi Canada đạt 1.267MW. Các nước đang phát triển như Cộng hòa Honduras, Cộng hòa Dominican ở Mỹ Latinh và Cộng hòa Cape Verde ở châu Phi đã tăng công suất điện gió lên gấp 12 lần.
4. Báo cáo phát triển con người khu vực Caribe năm 2012
Ngày 8-2-2012, Báo cáo phát triển con người khu vực Caribe năm 2012 của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, ngoại trừ Barbados và Suriname, tỷ lệ các vụ án mạng đã tăng lên đáng kể trong 12 năm qua trên khắp khu vực Caribe, trong khi tỷ lệ này của các khu vực khác trên thế giới giảm hoặc ổn định. Theo báo cáo, mặc dù khu vực Mỹ Latinh và Caribe chỉ chiếm 8,5% dân số thế giới, song lại chiếm 27% tổng số vụ án mạng trên toàn cầu. Điển hình là tại Jamaica, mặc dù số vụ trọng án này trong năm 2011 giảm xuống còn 1.124 vụ - mức thấp nhất trong vòng 7 năm, tương đương 60 người bị giết/100.000 dân song đây là tỷ lệ cao nhất tại khu vực và cao thứ ba thế giới (sau hai nước El Salvador và Honduras). Tại Cộng hòa Trinidad & Tobago, tỷ lệ này cũng đã tăng gấp 5 lần trong vòng một thập kỷ lên mức 40 người bị sát hại/100.000 dân vào năm 2008, sau đó giảm xuống mức 36 người/100.000 dân vào năm 2010. Tuy nhiên, báo cáo của UNDP cũng nêu rõ, các nước khu vực Caribe vẫn có thể đảo ngược tình hình nếu các chính phủ đẩy mạnh cuộc chiến chống tội phạm, thúc đẩy các biện pháp phòng chống, tăng cường giáo dục cho thanh niên cũng như tạo việc làm cho tầng lớp nghèo thành thị. Phát biểu trong buổi công bố báo cáo, Tổng Giám đốc UNDP Helen Clark kêu gọi các nước trong khu vực hướng tới những cách tiếp cận đặt trọng tâm vào giải quyết các nguyên nhân gốc rễ gây gia tăng tội phạm, bao gồm những biện pháp phòng ngừa về xã hội, kinh tế và chính trị.
5. Nga tăng cường hợp tác với nhiều nước
Ngày 8-2-2012 tại Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã hội đàm với người đồng cấp Pakistan, ông Hina Rabbani Khar đang ở thăm chính thức Nga lần đầu tiên kể từ năm 2004. Ngoại trưởng hai nước đã bàn các biện pháp mở rộng hợp tác kinh tế song phương do kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương mỗi năm mới đạt mức khiêm tốn 300 triệu USD. Cùng ngày, Nga cho biết, nước này và Mỹ đã ký thỏa thuận về việc trao đổi thông tin hai chiều liên quan tới các vụ phóng tên lửa chiến lược. Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Nga cho hay trong phiên họp thứ ba của Ủy ban Tham vấn Nga - Mỹ về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới, diễn ra tại Geneva từ ngày 24-1 đến ngày 7-2, “hai bên đã thống nhất về số lượng các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hoặc các tên lửa đặt trên tàu ngầm (mỗi năm) và sẽ trao đổi thông tin về số lượng này trong năm 2012”. Cũng trong ngày 8-2 tại Moscow, Đại sứ Iran tại Nga Mahmud Rez Sadzhani tiết lộ, tại cuộc gặp hôm 7-2 giữa ông và Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, hai bên đã thảo luận về các vấn đề tên lửa phòng không và triển vọng nối lại hợp tác quân sự - kỹ thuật giữa hai nước. Đại sứ Mahmud Rez Sadzhani nêu rõ, Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin và ông đã nhất trí hai bên đồng ý nối lại quan hệ hợp tác quân sự - kỹ thuật song phương theo nguyên tắc và luật pháp quốc tế.
6. Hội nghị thúc đẩy phòng chống HIV ở châu Á - Thái Bình Dương
Từ ngày 8 đến ngày 10-2-2012, Hội nghị xem xét và thúc đẩy tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu phòng chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc đã được tổ chức thành công tại Bangkok (Thái Lan). Trong ba ngày làm việc, Hội nghị đã xem xét các tiến bộ của khu vực trong việc thực hiện các cam kết phòng chống HIV/AIDS; nhất trí thúc đẩy hợp tác, phát triển cơ chế trách nhiệm giải trình khu vực và các hình thức cung cấp tài chính nhằm thúc đẩy tiến bộ trong việc thực hiện các cam kết phòng chống HIV/AIDS toàn cầu. Hội nghị cũng đã thông qua kế hoạch hành động nhằm tăng cường hợp tác giữa các bộ y tế, tư pháp, công an, cảnh sát và kiểm soát ma túy trong mối quan hệ đối tác với xã hội dân sự và những người nhiễm HIV/AIDS; rà soát lại các chiến lược nhằm chuyển từ hình phạt sang cách tiếp cận trên cơ sở các quyền con người nhằm giảm bớt các rào cản pháp lý và chính sách đang gây khó khăn cho những người nhiễm HIV/AIDS; và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ tiến trình sản xuất, xuất khẩu và nhập khẩu các loại thuốc phòng chống HIV/AIDS. Phát biểu tại Hội nghị, tiến sĩ Nafis Sadik - đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về HIV đánh giá, đây là Hội nghị được tổ chức tốt nhất tại châu Á - Thái Bình Dương, thể hiện sự lãnh đạo, tư tưởng tiên phong, tinh thần hợp tác và khẳng định sức mạnh của toàn khu vực.
7. Sudan và Nam Sudan đã cùng nhau ký Hiệp ước
Ngày 10-2-2012, Sudan và Nam Sudan đã ký Hiệp ước không xâm lược trên biên giới tranh chấp. Lễ ký diễn ra tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, nơi đại diện hai nước đang tiến hành các cuộc đàm phán dưới sự bảo trợ của Liên minh châu Phi (AU). Theo Hiệp ước, hai nước thống nhất “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau” và “kiềm chế không tiến hành bất kỳ hành động tấn công nào”. Hiệp ước cũng thiết lập một cơ chế giám sát để cả hai nước có thể phản ứng trong trường hợp nổ ra tranh chấp. Căng thẳng biên giới đã gia tăng kể từ khi Nam Sudan tách khỏi Sudan hồi tháng 7-2011 để trở thành quốc gia độc lập mới nhất trên thế giới. Cho đến nay hai bên vẫn chưa thỏa thuận được về vấn đề phân chia biên giới và nguồn lợi từ dầu mỏ và tiếp tục cáo buộc lẫn nhau ủng hộ các nhóm vũ trang chống phá chính quyền. Nam Sudan sở hữu 75% số dầu mỏ của Sudan sau khi giành độc lập. Tuy nhiên, tất cả cơ sở và đường ống dẫn dầu phục vụ xuất khẩu dầu lại do miền Bắc kiểm soát khiến hai bên rơi vào tranh cãi nặng nề về chi phí Nam Sudan phải trả cho việc sử dụng các cơ sở hạ tầng. Tháng trước, Nam Sudan đã ngừng khai thác dầu sau khi cáo buộc Sudan lấy đi 815 triệu USD tiền thu được từ dầu thô. Về phần mình, Sudan thừa nhận có lấy một phần dầu mỏ xuất khẩu của Nam Sudan vận chuyển qua lãnh thổ nước này và cho rằng, đó là phần phí đường ống cho đến khi hai bên đạt được một thỏa thuận cuối cùng.
8. Người dân châu Âu biểu tình phản đối ACTA
Biểu tình phản đối Thỏa thuận chống gian lận thương mại (ACTA)
|
Ngày 11-2-2012, hàng chục nghìn người đã tuần hành tại hơn 10 thành phố ở châu Âu để phản đối một đạo luật chống gian lận thương mại trực tuyến gây tranh cãi mà những người chỉ trích cho rằng đạo luật này có thể vi phạm tự do Internet. Khoảng 41.000 người đã biểu tình ở Đức, trong đó có 16.000 người ở Munich và 10.000 người ở Berlin, để phản đối Thỏa thuận chống gian lận thương mại (ACTA), thỏa thuận vốn đang được 27 nước Liên minh châu Âu (EU) cùng 10 nước khác thảo luận. Mang theo các biểu ngữ “Dừng ngay ACTA”, người biểu tình hầu hết là thanh niên đã bất chấp thời tiết giá lạnh để tuần hành tại các thành phố châu Âu như Budapest (Hungary), Bucares (Romania), Bratislava (Slovakia), Praha (Séc), Paris (Pháp), Sophia (Bulgaria), Talin (Estonia), Vilnius (Litva) và Vienna (Áo). Tới nay, đã có 22/27 nước EU ký thỏa thuận này. Thỏa thuận ACTA đang chờ được thông qua tại nhiều chính phủ, song do vấp phải sự phản đối của người dùng Internet đã buộc một số nước EU, trong đó có Ba Lan, Cộng hòa Séc và Slovakia phải phong tỏa tiến trình thông qua thỏa thuận này. ACTA được ký năm ngoái ở Tokyo với mục đích tạo ra một chuẩn quốc tế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền và hạn chế thương mại hàng giả. Tuy nhiên, việc tấn công nhằm vào tải dữ liệu hay chia sẻ giữ liệu trong thỏa thuận này đã tạo nên những chỉ trích rằng thỏa thuận vi phạm tự do trực tuyến.
9. Iran sẽ bắt đầu chương trình hạt nhân vài ngày tới
Ngày 11-2-2012, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố Iran sẽ bắt đầu “các chương trình hạt nhân quan trọng” trong vòng vài ngày tới. Ông M. Ahmadinejad cũng khẳng định, Iran “sẽ không bao giờ đầu hàng” sự áp bức của phương Tây về vấn đề hạt nhân. Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad phát biểu như trên trong bài diễn văn tại thủ đô Tehran nhân kỷ niệm 33 năm cách mạng Hồi giáo Iran nhưng ông không cho biết chi tiết về các dự án hạt nhân này. Ông M. Ahmadinejad lên tiếng chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm buộc Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, đồng thời lên án những lời đe dọa về khả năng Mỹ và Israel sử dụng hành động quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Ngày 11-2, người dân Iran kỷ niệm cuộc cách mạng Hồi giáo 1979 bằng các cuộc tuần hành rầm rộ. Trung tâm của cuộc tuần hành là Tehran, nơi Tổng thống phát biểu trước 30.000 người tại Quảng trường Tự do ngay trước mô hình một chiếc máy bay do thám không người lái với kích thước thật của chiếc máy bay từng bị bắt.
10. Căng thẳng tiếp tục tại Syria
Ngày 12-2-2012, sau cuộc họp tại thủ đô Cairo của Ai Cập, ngoại trưởng các nước thành viên Liên đoàn Arập đã quyết định chấm dứt sứ mệnh giám sát của Liên đoàn Arập (AL) tại Syria, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình chung để giám sát lệnh ngừng bắn. Ông Nabil al-Arabi - Tổng Thư ký Liên đoàn Arập tuyên bố để hiện thực hóa mục tiêu chấm dứt tình trạng xung đột tại Syria, các bên cần phải nghiên cứu phương án thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình. Cần phải có sự dàn xếp và phối hợp giữa các bên, đặc biệt là với Nga và Trung Quốc, để có thể đạt được 1 quyết định khẩn cấp, và để Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giữ vai trò bảo đảm các bên liên quan sẽ thực hiện những cam kết. Liên đoàn Arập cũng quyết định sẽ tiếp xúc với phe chống đối ở Syria bằng các kênh liên lạc, và sẽ hỗ trợ lực lượng này về chính trị và vật chất. AL cũng sẽ tăng cường các lệnh trừng phạt kinh tế với Chính phủ Syria, và tái khẳng định đình chỉ quan hệ thương mại với nước này. AL cũng yêu cầu các nước thành viên cắt đứt mọi hợp tác ngoại giao với các đại diện của Chính phủ Syria ở cấp nhà nước và tại các hội nghị quốc tế. Phản ứng trước nghị quyết mới của Liên đoàn Arập, Đại sứ Syria tại Cairo, ông Yusef Ahmed cho biết, chính quyền Syria "cương quyết" bác bỏ quyết định hỗ trợ phe đối lập Syria và việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình chung của Liên hợp quốc và AL ở nước này./.
Ninh Thuận phấn đấu phát triển nhanh và bền vững theo mô hình kinh tế xanh, sạch, gắn với bảo vệ môi trường.  (13/02/2012)
Việt Nam - Monaco tăng hợp tác trên nhiều lĩnh vực  (13/02/2012)
Gặp mặt các đồng chí nguyên là lãnh đạo cấp cao ở phía Nam  (13/02/2012)
25.000 người tham dự Lễ hội Xuân hồng năm 2012  (12/02/2012)
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam thăm Trung Quốc  (12/02/2012)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên