Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 06-02 đến 12-02-2012)
1. Lễ hội phát lương Đền Trần Thương
Đêm 5-2 (tức đêm 14 tháng Giêng năm Nhâm Thìn), tại đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân (Hà Nam) đã diễn ra Lễ hội phát lương Đền Trần Thương. Đền Trần Thương thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các Bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thế kỷ thứ XIII. Ngay tại địa điểm Đền Trần Thương, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã lựa chọn để làm kho lương, cung cấp lương thảo cho quân đội trong các cuộc kháng chiến chống giặc. Từ ngày 12 đến đêm 14 tháng Giêng, Ban Tổ chức Lễ hội cùng người dân địa phương đã thực hiện các nghi lễ hành chính, nghi lễ tâm linh như: Lễ cáo yết xin Đức Thánh Trần cho dân làng làm Lễ hội phát lương, Lễ tâm linh do các Đại đức của huyện Lý Nhân làm lễ với số lượng 80 nghìn túi lương, Lễ rước lương, rước thảo, Lễ dâng hương, mở kho lương. Sau khi thực hiện các nghi lễ hành chính, nghi lễ tâm linh, tại 21 điểm phát lương tại các khu vực 7 gian nhà khách và miếu Thổ Thần, các vị cao niên trong làng trong trang phục áo đỏ, đầu đội khăn xếp đã phát lương cho đông đảo du khách thập phương.
2. Triển khai kế hoạch "Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012"
Ngày 6-2, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia "Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012", bàn kế hoạch triển khai nhiệm vụ công tác, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh một số công tác cần triển khai gấp. Ưu tiên trước mắt là đến ngày 15-2 sẽ thành lập xong một số đơn vị như các tiểu ban (tuyên truyền, hợp tác thương mại, an ninh trật tự...), nhóm công tác trực thuộc và giúp việc Ban Chỉ đạo...
Năm 2012 là năm Việt Nam và Lào tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-1962 - 5-9-2012) và 35 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị Hợp tác (18-7-1977 - 18-7-2012). Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí lấy năm 2012 làm "Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào". Theo tinh thần đó, các hoạt động kỷ niệm sẽ được tiến hành trên cả nước bằng các hình thức trang trọng, phong phú và thiết thực, thể hiện sâu đậm mối quan hệ truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. "Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012" cũng nhằm tạo dấu ấn tăng cường quan hệ giữa hai nước và tạo được bước chuyển cao hơn nữa về nhận thức ở các cấp bộ, ban, ngành, các địa phương và các tầng lớp nhân dân của hai nước về các ngày kỷ niệm và mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, tạo thành phong trào thi đua thiết thực chào mừng.
3. Tăng phối hợp phát huy dân chủ trong đời sống
Chiều 7-2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm đã chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện Quy chế phối hợp công tác năm 2012 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa hai bên trong năm 2011, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim đánh giá hoạt động phối hợp đã đạt được nhiều kết quả, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mỗi bên, nhất là trong việc hướng dẫn, chỉ đạo chung về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Công tác đổi mới và nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri, chất lượng công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân luôn được hai bên chú trọng. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan chức năng đôn đốc, giám sát giải quyết... Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản đánh giá cao kết quả phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong năm 2012, đồng thời cho rằng, thời gian tới, công tác phối hợp cần tiếp tục được đổi mới, bảo đảm thực chất, hiệu quả, căn bản và có chiều sâu hơn nữa, khắc phục tình trạng chung chung, hình thức.
4. Sửa đổi đồng bộ Hiến pháp năm 1992
Ngày 8-2, Thường trực Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã họp phiên toàn thể thứ ba, nghe và đóng góp ý kiến vào báo cáo một số vấn đề về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Thời gian qua, Ban biên tập đã khẩn trương hoàn thành dự thảo báo cáo việc thực thi Hiến pháp năm 1992 và những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung. Trong tháng 3, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ báo cáo Quốc hội. Nhiều vấn đề cần xem xét, sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp 1992 đã được Ban Biên tập đưa ra, trong đó nhấn mạnh sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo động lực mới cho sự phát triển đất nước; thể chế hóa đầy đủ hơn tư tưởng về dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, chủ quyền nhân dân; khẳng định và bảo đảm thực hiện đại đoàn kết dân tộc; tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; phát huy tối đa nhân tố con người, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phòng ngừa xung đột xã hội. Đồng thời, sửa đổi Hiến pháp cũng nhằm mục tiêu tiếp tục xây và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiếp tục cải cách và hoàn thiện thể chế; bảo đảm hội nhập quốc tế đầy đủ và vững chắc; bảo đảm hiệu lực, tính ổn định và phát triển của Hiến pháp.
5. Công tác dân tộc góp phần vào sự ổn định, phát triển đất nước
Ngày 9-2, tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Ủy ban Dân tộc đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012 với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành và 52 tỉnh, thành trong cả nước. Năm 2011, mặc dù có nhiều khó khăn thách thức nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và sự chỉ đạo quyết liệt của các địa phương vùng dân tộc và miền núi, công tác dân tộc đã đạt được kết quả khá toàn diện, góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của đất nước. Việc thực hiện các dự án, chính sách miền núi ở nhiều địa phương do nguồn vốn ít nên bố trí dàn trải, ít hiệu quả... Năm 2012, Ủy ban Dân tộc tập trung chỉ đạo thực hiện thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là: Hoàn thiện Chiến lược và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chiến lược công tác Dân tộc giai đoạn 2011 - 2020; xây dựng mới, rà soát, bổ sung, sửa đổi 28 chương trình, chính sách cho vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2011 - 2016, định hướng đến năm 2020 trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện; xây dựng chính sách đặc thù cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc.
6. Thanh niên các địa phương nô nức lên đường nhập ngũ
* Ngày 9-2, tỉnh Bắc Ninh đã đồng loạt tổ chức lễ giao nhận quân đợt 1 năm 2012 tại thị xã Từ Sơn, các huyện Tiên Du, Yên Phong và Quế Võ. Lễ giao nhận quân diễn ra trang trọng, sôi nổi, an toàn, đúng quy định, đủ chỉ tiêu và thực sự là ngày hội tòng quân bảo vệ Tổ quốc. Trong đợt I giao nhận quân, tỉnh Bắc Ninh có 1.000 thanh niên lên đường nhận nhiệm vụ tại các đơn vị Sư đoàn 3 và Sư đoàn 346 (Quân khu I), Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2), Quân chủng Phòng không- Không quân, Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Tổng Tham mưu.
* Sáng cùng ngày, tại thành phố Hải Dương và các huyện Nam Sách, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Ninh Giang, Thanh Miện đã đồng loạt tiến hành lễ giao quân đợt 1-2012. Trong đợt giao quân này, toàn tỉnh Hải Dương có 1.600 tân binh. Trong số thanh niên nhập ngũ đợt 1, có tới 1.536 người trong độ tuổi 18-21(chiếm 90,4%), 1055 người đạt trình độ văn hóa cấp 3, chiếm 62,1%; 100% đạt sức khỏe loại 1, 2, 3; 100% là đoàn viên thanh niên.
* Ngày 9-2, tại huyện Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự các cấp thuộc tỉnh Đắk Nông đã tổ lễ giao quân đầu tiên trong năm 2012, với tổng số quân là 475 người. Trong đó, huyện Cư Jút:175 thanh niên, Đắk Mil: 170 thanh niên, Krông Nô: 130 thanh niên, trong đó Trình độ chính trị thuộc loại A là 415 người, loại B 115 người, có 5 đảng viên, 53% là đồng bào dân tộc thiểu số. Số thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 21 chiếm 84%, từ 22 đến 25 tuổi chiếm 16%”. Trong lễ giao quân đầu tiên, tỉnh Đắk Nông đã đạt 100% chỉ tiêu giao quân. Tất cả 475 thanh niên lên đường nhập ngũ về ba đơn vị là Sư đoàn Bộ binh 2 (tỉnh Gia Lai), Bộ đội biên phòng tỉnh và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh.
* Ngày 9-2, trong không khí tưng bừng, phấn khởi mừng Đảng, mừng xuân mới, các huyện: Can Lộc, Đức Thọ, Nghi Xuân, Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, đã tổ chức lễ giao, nhận quân đợt 1 năm 2012. Trong đợt giao, nhận quân đầu năm nay, tỉnh Hà Tĩnh có hơn 500 thanh niên lên đường nhập ngũ, tất cả thanh niên nhận lệnh nhập ngũ đều đủ tiêu chuẩn về chính trị, sức khỏe, văn hóa, trong đó có 100 thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Tại các địa phương, lễ giao, nhận quân diễn ra trang trọng, nhanh gọn, an toàn, thực sự là ngày hội của tuổi trẻ lên đường bảo vệ Tổ quốc. Với tinh thần nâng cao chất lượng tân binh, "tuyển người nào, chắc người đó", cấp ủy, chính quyền, Hội đồng nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp tỉnh Hà Tĩnh thực hiện nghiêm quy trình tuyển quân từ việc nắm, quản lý, phân tích nguồn đến sơ tuyển, xét duyệt từ thôn, xóm.
* Cùng ngày, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức lễ giao quân đợt 1-2012 với tổng số 325 tân binh của 4 địa phương gồm: thị xã Bắc Kạn 70 thanh niên, huyện Pác Nặm 65 thanh niên, huyện Bạch Thông 95 thanh niên và huyện Na Rì 95 thanh niên.
Lễ giao quân được tổ chức long trọng tại các trung tâm huyện, thị xã. Đông đảo người thân, đặc biệt là các bạn trẻ, thanh thiếu nhi các trường học trên địa bàn đã đến giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại vào đêm hôm trước.
* Sáng 10-2, các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bắc Giang, đã tổ chức Lễ tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ đợt 1-2012. Trước đó, các địa phương đều tổ chức hội trại tòng quân với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu giữa các tân binh với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, tạo khí thế sôi nổi và lòng tin, ý chí vững chắc cho các tân binh trước khi lên đường bảo vệ Tổ quốc.
7. Việt Nam đáp ứng điều kiện tổ chức vòng loại bóng đá nam Olympic London 2012 khu vực châu Á
Từ ngày 8 đến 9-2, Đoàn khảo sát của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã kiểm tra công tác chuẩn bị, cơ sở vật chất tổ chức vòng loại thứ 4 môn bóng đá nam Olympic London 2012 khu vực châu Á tại Việt Nam. Cuộc khảo sát nhắm vào tâm điểm là các nơi liên quan đến khâu tổ chức như: Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, các sân tập, khách sạn và công trình liên quan khác. Theo đánh giá của Đoàn khảo sát với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thì Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện đăng cai tổ chức vòng đấu này. Vì sự chuẩn bị đã được tiến hành khá chu đáo nên Đoàn đã không mất nhiều thời gian để kiểm tra và đặt nhiều tin tưởng nước chủ nhà sẽ làm tốt công việc của mình.
8. Nghị Quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2012
Ngày 04 - 02 - 2012, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 01 - 2012, thảo luận và quyết nghị những vấn đề sau:
* Về các báo cáo: Chính phủ thống nhất nhận định: với tinh thần chủ động, tích cực triển khai các Nghị quyết của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 - 01 - 2012 của Chính phủ; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình hành động, cơ bản hoàn thành việc giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách và kế hoạch đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các địa phương, đồng thời tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực ngay từ những ngày đầu năm.
Trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các biện pháp chỉ đạo của Chính phủ nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2012; tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
* Chính phủ nghe và cho ý kiến về dự thảo Báo cáo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 do Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 của Chính phủ trình.
* Chính phủ đã thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình.
* Chính phủ đã nghe và cho ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình.
9. Lễ hội Xuân hồng lần thứ V năm 2012 với thông điệp "Sẻ giọt máu đào - Trao niềm hy vọng"
Ngày 12-2, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thành phố Hà Nội và Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội tổ chức Lễ hội Xuân hồng lần thứ V năm 2012 với thông điệp "Sẻ giọt máu đào - Trao niềm hy vọng" tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Để thực hiện tốt công tác tiếp nhận máu hiệu quả, phục vụ chu đáo người hiến máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã huy động hơn 400 cán bộ, nhân viên và 3.500 tình nguyện viên phục vụ Lễ hội cùng với các trang thiết bị, máy móc xét nghiệm, sàng lọc và sản xuất các chế phẩm máu./.
Ninh Thuận phấn đấu phát triển nhanh và bền vững theo mô hình kinh tế xanh, sạch, gắn với bảo vệ môi trường.  (13/02/2012)
Việt Nam - Monaco tăng hợp tác trên nhiều lĩnh vực  (13/02/2012)
Gặp mặt các đồng chí nguyên là lãnh đạo cấp cao ở phía Nam  (13/02/2012)
25.000 người tham dự Lễ hội Xuân hồng năm 2012  (12/02/2012)
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam thăm Trung Quốc  (12/02/2012)
Tăng cường hơn hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào  (12/02/2012)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên