TCCSĐT - Sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Iraq, hệ thống quản lý do Mỹ dựng lên trong những năm chiếm đóng tại đây đang tan ra từng mảng. Mỹ có ý định xây dựng hệ thống dân chủ ở Iraq theo mô hình của Lebanon, trong đó chú trọng vai trò và vị trí đại diện của các dòng tôn giáo và sắc tộc trong bộ máy quyền lực nhà nước ở Baghdad xuất phát từ mức độ ảnh hưởng của họ trong xã hội ở quốc gia này.

Theo nguyên tắc này, người Arập theo dòng Shiite chiếm 60% dân số Iraq nên đại diện của họ phải giữ cương vị Thủ tướng; đại diện của người Curd giữ cương vị Phó Tổng thống, còn đại diện của người Sunni giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội. Tương ứng với đó, để có sự cân bằng vị thế thì Thủ tướng, Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội Iraq phải có hai người cấp phó là đại diện của các dòng tôn giáo khác nhau. Thí dụ, Thủ tướng Iraq là người theo dòng Shiite được cân bằng bởi cấp phó là người Curd và người Arập theo dòng Sunni. Tuy nhiên, sau khi Mỹ rút quân, hệ thống này đã không còn hiệu lực. Không có gì đáng ngạc nhiên là nếu dưới thời cầm quyền của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein, người Sunni chiếm ưu thế trong chính phủ, thì sau khi chế độ cầm quyền ở Baghdad bị sụp đổ, mọi thứ đều thay đổi. Người Curd và người Shiite giờ đây đã có vị thế hoàn toàn khác trước và họ đều có tham vọng giành được một vai trò khác trong xã hội Iraq, điều mà người Sunni không thể nào chịu chấp nhận.

Trước đây, dưới thời cầm quyền của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã từng có những cuộc đối thoại giữa các dòng tôn giáo và sắc tộc khác nhau nhưng đó là cuộc đối thoại đầy khó khăn, trắc trở. Các bên không chấp nhận từ bỏ quyền kiểm soát của họ đối với các khu vực có nhiều dầu mỏ. Lúc đầu, người Curd và người Shiite giành ưu thế về mặt địa lý bởi các mỏ dầu chủ yếu đều nằm trên những vùng lãnh thổ do họ kiểm soát, trong khi đó người Sunni lại kém ưu thế hơn. Tình hình càng thêm phức tạp vì chiến binh có vũ trang của các bên thường tiến hành các vụ khủng bố đẫm máu do mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo.

Sau khi Mỹ chiếm đóng Iraq, do chịu áp lực của người Mỹ, người Sunni vẫn có quyền được tham gia bộ máy quyền lực nhưng sau khi Mỹ rút quân khỏi Iraq thì người Shiite chiếm ưu thế và bắt đầu bài trừ người Sunni. Vụ "thanh lọc" người Sunni đẫm máu diễn ra vào cuối tháng 10-2011, sang tháng 11-2011 đã chuyển thành “âm mưu đảo chính của của người Sunni” do người Shiite phát hiện. Còn trong tháng 12-2011, người Shiite đã mở một chiến dịch “truy đuổi” đại diện của dòng Sunni ra khỏi bộ máy lãnh đạo các trường đại học và trong chính phủ. Việc “truy đuổi” người Sunni đã được “nâng cấp” lên thành vụ tẩy chay Phó Tổng thống Iraq, ông Tariq al-Hashimi, người của dòng Sunni.

Ngày 26-12-2011, Tòa án của Iraq đã phát lệnh truy nã ông Tariq al-Hashimi do bị tình nghi tiến hành hoạt động khủng bố và tổ chức các vụ tiến công có vũ trang nhằm vào đại diện bộ máy quyền lực ở Baghdad. Một ngày trước đó, “Al Iraqiya", đảng phái lớn nhất trong Quốc hội Iraq tuyên bố tẩy chay hoạt động của Quốc hội và cáo buộc Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki có âm mưu tiếm quyền ở Baghdad. Đây là hành động đáp trả của người Sunni đối với đề nghị của Thủ tướng Nuri al-Maliki gửi đại biểu Quốc hội yêu cầu cách chức Phó Thủ tướng Salih al-Mutlac với lý do: trong một cuộc trao đổi trên truyền hình, ông này đã gọi Chính phủ của ông Nuri al-Maliki là “độc tài hơn cả thời Saddam Hussein”.

Nhận định về tình hình này, Giáo sư Segre Demidenco, chuyên gia nghiên cứu về các nước Arập thuộc Viện Đánh giá và Phân tích chiến lược của Nga cho rằng, những xáo trộn phát sinh ngay sau khi Mỹ rút quân khỏi Iraq tuy đã ở mức trầm trọng nhưng cũng chỉ mới là sự bắt đầu, bởi mâu thuẫn giữa hai dòng tộc Shiite và Sunni ở Iraq vốn đã tồn tại cả trăm năm nay và nó sẽ không thể tự nhiên biến mất. Cùng với việc lật đổ Chính quyền của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein, mâu thuẫn truyền kiếp này ngày một tăng. Những cáo buộc nhằm vào Phó Tổng thống Tariq al-Hashimi có hành động khủng bố không phải là không có cơ sở. Một trong những nguyên nhân là do ông Tariq al-Hashimi đã có những hành động trả thù cho người dân của mình bị sát trong cuộc đối đầu với người Shiite. Đó là thí dụ chứng tỏ thêm rằng, sự thù địch này có thể kéo dài đến vô hạn.

Không phải ngẫu nhiên mà hành động từ phía Chính phủ của người Shiite do Thủ tướng Nuri al-Maliki đứng đầu tạo ra sự phản kháng từ phía những người Sunni. Hiện nay, chính quyền nhiều tỉnh ở Iraq đã tuyên bố sẽ giành quyền tự trị đối với chính quyền trung ương theo mô hình người Curd và công khai bày tỏ ý muốn phân bố lại thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ trong ngân sách nhà nước. Chủ tịch Hạ viện Iraq, ông Atheel al-Nujaifi cho rằng, không loại trừ khả năng những người Sunni ở Iraq hiện nay đã bị phân loại là “công dân loại 2” và họ đang lựa chọn phương án tự trị.

Những người theo dòng tộc Shiite ở phía nam Iraq cũng có xu hướng này đặc biệt là ở những tỉnh có nhiều dầu mỏ đang chịu ảnh hưởng đáng kể của Iran. Trong tình thế hiện nay, Iraq khó có được hòa bình và ổn định trong thời gian tới. Trong khi đó, người Curd đã từng giành được quyền tự trị dưới thời chiếm đóng của Mỹ sẽ không hài lòng với phần lãnh thổ giành cho họ và đang tiến tới xu hướng đoạt lại những khu vực có nhiều dầu mỏ. Không những thế, người Curd còn có ý định thành lập một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, yêu sách này của người Curd sẽ không được chính quyền trung ương ở Baghdad chấp nhận.

Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki không những không có ý định thỏa hiệp với người Curd về những phần lãnh thổ mà họ đang muốn giành lại mà còn đưa ra tuyên bố: Iraq là một quốc gia thống nhất và mỗi một phần lãnh thổ dù nhỏ nhất của Iraq cũng cần phải do chính quyền trung ương quản lý. Với những diễn biến ngày một xấu đi, Iraq đang đứng trước nguy cơ một cuộc chiến tranh sắc tộc và tôn giáo./.